Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 13 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 13 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 13 Thường niên năm A

(2V 4,8-11, 14-16a; Rm 6,3-4.8-11; Mt 10,37-42)

ĐƯỢC VÀ MẤT KHI THEO CHÚA

Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy (Mt 10,38)

Theo Đức Kitô để làm môn đệ của Người đòi hỏi người ta phải từ bỏ nhiều thứ, nhưng lại được nhiều điều khác quý giá hơn. Làm môn đệ của Đức Giêsu là đặt Người trên hết mọi sự, qua việc sẵn sàng từ bỏ nghề nghiệp, tài sản, nếp sống cũ, từ bỏ cả những người thân yêu, và đến mức phải từ bỏ cả mạng sống mình vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng. Tuy nhiên người môn đệ lại được phần thưởng ngay cả ở đời này, và nhất là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1 (2V 4,8-11, 14-16a)

 Bài đọc I trích Sách Các Vua quyển thứ hai cho thấy Ngôn Sứ Êlisa, trong khi đi thi hành sứ mạng Chúa trao phó, đã được gia đình một phụ nữ sang trọng ở thành Sunam tiếp đón nồng hậu, vì bà nhận ra Êlisa là một vị Ngôn Sứ và là vị thánh của Thiên Chúa. Bà đã quảng đại khi quyết định: “Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên sân thượng, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó” (2V 4,9-10).

Vị Ngôn Sứ đã từ bỏ đời sống riêng của mình để làm việc Chúa, lại được sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông bỏ gia đình bà con thân thuộc, nhưng đi đến đâu, ông lại được nhiều người coi như người nhà của mình. Ông không mang theo gì, nhưng đi đến đâu, ông lại được tiếp đón nồng hậu khi họ biết ông là người làm việc cho Chúa. Cái ông có thể đem cho người khác là niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa. Khi biết vợ chồng bà tủi nhục vì đã già rồi mà chưa có con, Êlisa đã khẩn cầu cùng Chúa ban cho gia đình bà một người con trai nối dòng: “vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (2V 4,16).

Về phần người phụ nữ, bà đã đón tiếp vị Ngôn Sứ vô vị lợi, nhưng qua đó bà đã góp phần vào sứ vụ của vị Ngôn Sứ, vì “kẻ nào đón tiếp một Ngôn Sứ với danh nghĩa là Ngôn Sứ, thì sẽ lãnh phần thưởng của Ngôn Sứ” (Mt 10,42). Ở đây, phần thưởng mà bà nhận được đó là niềm vui khi được Chúa ban cho người con trai nối dòng, niềm vui được cất nỗi nhục khỏi ánh mắt người đời.

2. Bài đọc 2 (Rm 6,3‒4. 8-11)

Bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Rôma diễn tả việc đòi hỏi từ bỏ và hy sinh khi theo Chúa. Thánh Phaolô cho biết rằng nhờ được chịu Phép Rửa, các Kitô hữu đã cùng chịu đau khổ với Đức Kitô: “Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Ðức Kitô”. Đây chính là một cuộc từ bỏ, là cái mất. Nhờ đó, các Kitô hữu đạt được hệ quả thật to lớn: “con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi”. Đó là cái được, cái lợi khi theo Đức Giêsu. Như vậy, chịu Phép Rửa để trở thành Kitô hữu là chấp nhận bước vào một cuộc từ bỏ và sẵn sàng chịu đau khổ. Tuy nhiên, nhờ liên kết với sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu Kitô, mà Đức Kitô đã sống lại, nên các tín hữu đã đón nhận một phần thưởng xứng đáng, đó là có được tình trạng mới và đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô.

3. Bài Tin Mừng (Mt 10,37-42)

Bài Tin Mừng hôm này được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (Mt 10,1-4), rồi sai các ông đi rao giảng. Trước khi sai đi, Đức Giêsu đã dạy các ông những điều cần thiết về tư cách người môn đệ (Mt 10,5b-15). Kế đến, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại mà người môn đệ sẽ gặp phải, những khó khăn từ nhiều phía, ngay cả từ trong gia đình, nhưng các ông phải đón nhận (Mt 10,16-23), vì cả Thầy lẫn trò đều bị như thế (Mt 10,24-25). Đó là những cái mất, những thiệt thòi. Tuy nhiên, các ông cũng có nhiều cái được khi theo Chúa.

Về phía mất: Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ơn gọi làm môn đệ đòi hỏi những điều kiện khắt khe, đôi lúc phải trả giá đắt, phải mất nhiều thứ. Có khi phải mất những tương quan nhân loại, ngay cả tương quan cao quý nhất như gia đình ruột thịt. Nếu những điều đó ngăn cản sống đức tin, cản trở ơn gọi làm môn đệ Chúa, thì cũng phải từ bỏ. Đức Giêsu đề cao sự từ bỏ triệt để như thế nhằm nhấn mạnh đến tính cấp bách và ưu tiên cho Nước Trời hơn những thứ khác.

Với bản thân, có một sự “đối nghịch tương ứng” đáng kể theo cách của con người và cách Đức Giêsu đề nghị. Ai tự khẳng định mình, tự tìm cách để vun quén cho cuộc sống hiện tại, đề cao bản thân với bất cứ giá nào thì sẽ mất cuộc sống đời đời. Ngược lại, ai chịu mất mạng sống mình ở đời này, dành cuộc sống mình để phục vụ Thiên Chúa, đặt Nước Trời làm ưu tiên trên mọi thứ tương quan và giá trị khác, ngay cả bản thân mình, sẽ là những người tìm được hay đạt được sự sống đời đời.

Về phía được: Ngoài việc đạt được sự sống đời đời, Đức Giêsu cho biết nếu có mất bản thân mình, thì họ lại được tha nhân, được Chúa, và được phần thưởng dành cho bậc Ngôn Sứ, hay dành cho người công chính, cũng như dành cho người loan báo Tin Mừng vì đã đón tiếp và giúp đỡ họ, dù chỉ là một chén nước lã thôi. Nếu triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre nói: “L’enfer c’est les autres - Tha nhân là hỏa ngục”, thì ở đây Đức Giêsu lại cho thấy “Tha nhân là thiên đàng”, vì “tha nhân là hiện thân của Chúa”, nên qua tha nhân chúng ta gặp được Chúa và nhờ tha nhân mà chúng ta được vào Nước Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy rằng Tin Mừng phải được loan báo, và ai cộng tác với sứ vụ này với bất kỳ hình thức nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều góp phần của riêng mình vào đó và đáng nhận được phần thưởng Nước Trời mà Chúa sẽ ban.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Người phụ nữ thành Sunêm đã đón tiếp và giúp đỡ Ngôn Sứ Êlisa vô vị lợi dựa theo những gì bà có, nhưng bà đã góp phần vào sứ vụ của vị Ngôn Sứ. Nhờ đó, bà cũng bất ngờ nhận được phần thưởng to lớn, đó là niềm vui khi được vị Ngôn Sứ xin Chúa ban cho bà người con trai để cất nỗi nhục khỏi ánh mắt người đời. Tôi có ý thức tìm cách cộng tác với những người lo việc Chúa, về mặt tinh thần cũng như vật chất? Khi giúp đỡ như thế, tôi có tính toán vụ lợi, hay làm một cách vô tư rồi để Chúa ân thưởng xứng đáng?

2. Qua Phép Rửa, tôi đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô. Để được trỗi dậy với Đức Giêsu Phục Sinh, tôi có sẵn sàng đón nhận những rủi ro, những thiệt thòi, mất mát thậm chí đau khổ với Đức Giêsu chịu đóng đinh hay không?

3. Đức Giêsu đưa ra một điều kiện rất khắt khe đối với những người muốn bước theo Người. Tôi có ý thức rằng đi theo Chúa thì phải mất nhiều thứ: có khi phải mất những tương quan nhân loại, kể cả gia đình ruột thịt, nếu những điều đó ngăn cản sống đức tin? Đi theo Chúa thì phải gặp nhiều khó khăn thiệt thòi, chịu những cuộc bách hại, thậm chí mất mạng sống? Ngược lại, tôi có biết rằng đi theo Chúa cũng được nhiều thứ: được thêm tha nhân, được Chúa, được phần thưởng cả ở đời này và nhất là đạt được sự sống vĩnh cửu đời sau?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa hứa ban phần thưởng lớn lao là sự sống đời đời cho những ai sẵn sàng từ bỏ mình để sống cho Chúa và tha nhân. Tin tưởng vào lời Chúa hứa và với quyết tâm trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô, cộng đoàn chúng ta cùng khiêm tốn dâng lời nguyện xin:

1. Người phụ nữ thành Sunam đã góp phần vào sứ vụ của ngôn sứ Êlisê cách vô vị lợi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn nhận được sự cảm thông và cộng tác từ mọi thành phần dân Chúa.

2. “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc chưa tin nhận Thiên Chúa biết mở lòng đón tiếp các sứ giả Tin mừng, hầu được đón nhận hồng ân cứu độ Chúa trao ban.

3. ”Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến luôn ý thức mình thuộc về Chúa và là chứng nhân của Người, để không ngừng sống đời từ bỏ và trung thành theo Chúa đến cùng.

4. Mọi hành động bác ái dành cho tha nhân đều được Chúa ghi nhận. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết nỗ lực sống giới răn yêu thương trong gia đình và lối xóm, luôn sẵn sàng tiếp đón và giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương chúc lành cho những ý nguyện của cộng đoàn chúng con, để nhờ ơn Chúa giúp, chúng con luôn sống xứng đáng với danh xưng Kitô hữu của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top