Phỏng vấn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về chương trình giáo lý 100 tuần

Phỏng vấn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về chương trình giáo lý 100 tuần

1. Kính thưa Đức Cha, chúng con xin thay mặt cho độc giả của Thông Tấn Xã Vietcatholic xin chúc mừng Đức Cha vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Toà Giáo phận Mỹ Tho.

Chúng con được biết trong những năm vừa qua Đức Cha có loạt bài giảng Kinh Thánh 100 tuần rất hữu ích cho Dân Chúa và được nhiều người tìm học, trong lớp và trên băng đĩa hay Internet. Chúng con xin Đức Cha vui lòng cho chúng con biết đôi nét về điểm khởi đầu của chương trình này.

Xin chân thành cảm ơn tất cả quý độc giả đã chúc mừng và cầu nguyện cho tôi trong dịp này. Khi nhận được quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi tự nhủ mình sẽ lên đường trong tư thế một người học trò, cần phải học hỏi nhiều về địa lý, con người, văn hóa vùng miền nơi mình được sai đến, để có thể phục vụ tốt hơn. Xin quý độc giả tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Về chương trình Học Kinh Thánh trong 100 Tuần, tôi nhớ lại là khoảng năm 2006, tôi sang Hàn Quốc dự Đại hội của các giám mục Á châu (FABC). Lúc đó, tôi chưa làm giám mục nhưng dự đại hội với tư cách thư ký của Đức Hồng Y Tổng giám mục Sài Gòn. Sau Đại hội, chúng tôi đến thăm Tổng giáo phận Seoul. Ở đó, tôi nghe một linh mục nói đến chương trình Học Kinh Thánh trong 100 Tuần và cho tôi tài liệu bằng tiếng Anh. Tài liệu này do một vị thừa sai người Pháp đang truyền giáo tại Nhật Bản, cũng là một giáo sư Kinh Thánh, soạn thảo. Khi đọc tài liệu, tôi thấy phương pháp này có nhiều điều hay vì (1) giúp người tín hữu có cơ hội trực tiếp đọc Kinh Thánh, mỗi tuần một chút; (2) đọc toàn bộ Kinh Thánh từ đầu đến cuối; (3) đọc rồi chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm khi tiếp cận Lời Chúa; (4) được hướng dẫn học hỏi thêm về Kinh Thánh. Tuy nhiên, để áp dụng tại Việt Nam, tôi nghĩ cần phải có cách trình bày khác, sao cho cụ thể và sống động hơn. Vì thế, tôi đã biên soạn lại và áp dụng tại Trung tâm mục vụ giáo phận, đến nay đã được 3 khóa, và quý độc giả có thể đọc trong cuốn Đường về Emmaus.

Riêng về việc phổ biến trên Internet hoặc qua băng đĩa, đây là sáng kiến của anh chị em tín hữu tham dự khóa học, và tôi rất vui khi thấy Lời Chúa được loan báo nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại. Còn bản thân tôi chỉ là người tôi tớ phục vụ LỜI.

2. Đức Cha có dự tính tiếp tục thực hiện chương trình giáo lý 100 tuần khi Đức Cha đã nhận sứ vụ mới không ạ?

Tôi chưa có dự tính nào cả, xin để Chúa Thánh Thần dẫn dắt trong từng hoàn cảnh, để biết làm những gì cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

3. Thưa Đức Cha, nếu người khác muốn thực hiện một lớp giáo lý 100 tuần như Đức Cha đã thực hiện thì cần có những điều kiện gì?

Theo tôi biết, có một số linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân đã áp dụng phương pháp này trong giáo xứ hoặc cho một nhóm nhỏ. Về điều kiện, tôi nghĩ điều cần thiết là phải có nhiệt tâm và kiên nhẫn (100 tuần cơ mà!), ngoài ra phải có sự chân thành và cởi mở thì việc chia sẻ Lời Chúa mới mang lại ích lợi. Đồng thời, nên có một người hướng dẫn (có hiểu biết về Kinh Thánh) để giúp tìm hiểu những bản văn khó trong Kinh Thánh.

4. Trong cương vị là chủ tịch Uỷ Ban Giám Mục về Truyền Thông Xã Hội, Đức Cha đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc loan báo Lời Chúa?

Tôi hết làm chủ tịch Ủy ban Truyền Thông Xã Hội rồi, nhưng tôi nghĩ trong thời đại ngày nay với những phát triển vượt bậc về các phương tiện truyền thông, hiển nhiên là truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc loan báo Lời Chúa. Cần phải vận dụng tất cả những phương tiện có thể (sách báo, audio, video, youtube, mạng xã hội…) để loan truyền Lời Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm gương cho chúng ta khi những bài giảng hằng ngày của ngài được đưa lên mạng, và những tin nhắn của ngài xuất hiện trên Twitter. Muốn được như vậy, cùng với những hiểu biết về kỹ thuật, còn cần có trái tim biết lắng nghe và phân định.

5. Thưa Đức Cha, theo Đức Cha thì đâu là cách tiếp cận và giới thiệu Kinh Thánh một cách đơn giản mà hiệu quả nhất?

Xin thưa ngay: Lectio Divina, thường được hiểu là Đọc Kinh Thánh trong tâm thế cầu nguyện. Không chỉ đọc cho qua hoặc để tìm hiểu bản văn nhưng là bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang muốn ngỏ lời với chúng ta và cũng đang lắng nghe nỗi niềm của chúng ta. Đọc Kinh Thánh như thế, Lời Chúa không chỉ ngừng lại trên bình diện tư duy nhưng sẽ chạm đến tâm hồn mình. Và khi Lời Chúa chạm đến chiều sâu tâm hồn, Lời ấy cũng sẽ tác động trên cách nghĩ và cách sống của chúng ta. Đó là lý do tôi hay nói đến việc cá nhân hóa và nội tâm hóa Lời Chúa. Xin anh cầu nguyện cho tôi thực hiện được điều đó mỗi ngày.

Chúng con xin cám ơn Đức Cha và một lần nữa xin chúc mừng Đức Cha.

(Nguồn: vietcatholic.net)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top