Phong trào Cursillo Sài Gòn: Mừng 50 năm

Phong trào Cursillo Sài Gòn: Mừng 50 năm

WGPSG -- “Phong trào Cursillo đề cao tình bằng hữu với Chúa Kitô và với nhau. Xin Chúa ban Thánh Thần để các Cursillista sống triệt để tình bằng hữu này hầu trổ sinh nhiều hoa trái và hoa trái được tồn tại lâu dài”. Đó là lời Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi văn Đọc trong Thánh lễ tạ ơn  mừng 50 năm Phong trào Cursillo hiện diện tại Tổng Giáo phận Sài Gòn (1967-2017).

Từ 15g30 ngày 18.01.2017, đông đảo anh chị em Cursillista tay bắt mặt mừng qui tụ tại sân nhà thờ Tân Định để chuẩn bị cho buổi lễ. Mỗi tham dự viên nhận một khăn quàng gồm nhiều màu sắc khác nhau thể hiện tinh thần “De Colores” của Phong trào. Đến tham dự có linh mục (Lm) Ernest Nguyễn Văn Hưởng – Đặc trách đoàn thể tông đồ giáo dân, Lm Antôn Hà Văn Minh - linh hướng Phong trào Cursillo Việt Nam, quý Lm linh hướng của phong trào Cursillo Sài Gòn, đại diện Phong trào Cursillo 2 giáo phận Xuân Lộc và Phú Cường, cùng hơn 300 cursillita Sài Gòn. Buổi lễ diễn ra gồm 3 phần;

Phần một: Chia sẻ về lịch sử của Phong trào nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Phần hai: Thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng Phaolô chủ tế.

Phần ba: Liên hoan văn nghệ.

Trong phần một, anh Đaminh Vũ Đức Thịnh - Trưởng ban Phục Vụ Phong trào Cursillo Sài Gòn, anh E.M Lương Huỳnh Ngân và chị Maria Trần Thị Nhan đã lần lượt nói về từng giai đoạn hình thành Phong trào Cursillo trên thế giới và tại Việt Nam.

Phần hai là Thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng Phaolô chủ tế cùng 8 linh mục đồng tế. Trong bài giảng lễ, Đức Tổng xin Chúa chúc phúc cho mọi người hiện diện trong ngày đầu của tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Đức Tổng nhấn mạnh cần để cho Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn các Cursillista vì Lời Chúa là đèn soi bước ta đi. Hãy chúc tụng Chúa, Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý ngay từ thuở ta còn trong lòng mẹ và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Ngài. Hãy xin Thiên Chúa giải cứu chúng ta trong những ngày chúng ta đang sống. Đức Tổng mời gọi mọi Cursillista thực hành lời dạy của Thánh Phaolô: Hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau. Hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng. Đức Tổng đặc biệt nhắc đến tình bằng hữu với Chúa Kitô và giữa anh chị em với nhau. Không phải ta chọn Chúa, nhưng chính “Thầy đã chọn con... Như Chúa Cha đã yêu thương Thầy thế nào, Thầy cũng yêu thương các con như vậy… Hãy ở lại trong tình yêu Thầy…” Ở lại trong tình yêu Thầy có nghĩa là được hưởng niềm vui trọn vẹn trong Chúa. Chúa gọi ta là bạn hữu, sai ta ra đi để sinh hoa trái. Linh đạo Phong trào Cursillo đề cao tối đa tình bằng hữu. Xin Chúa ban Thánh Thần để ta sống triệt để tình bằng hữu đó.

Cuối Thánh lễ, vị đại diện Phong trào Cursillo Sài Gòn biểu lộ lòng biết ơn và quý mến đối với Đức Tổng cùng quý cha đồng tế bằng những bó hoa tươi thắm. Cám ơn các đoàn thể bạn trong giáo phận đã hiện diện làm cho buổi lễ thêm phần long trọng. Đoàn đồng tế đã chụp hình lưu niệm với tất cả mọi người trước khi bước vào phần liên hoan sôi động tiếp theo tại sân nhà xứ.

Đôi nét về Phong trào Cursillo Việt Nam

Phong trào Cursillo được khai sinh ở đảo Mallorca thuộc nước Tây Ban Nha, vào thập niên 1940. Nhiều Khóa Cursillo đã được tổ chức nhằm rao giảng sứ điệp Thiên Chúa yêu thương con người và mời gọi con người đáp trả. Sau đó, phong trào đã lan ra khắp các giáo phận khác ở Tây Ban Nha và tiến nhanh ra các quốc gia khác trên thế giới. Phong trào du nhập vào Việt Nam từ năm 1965, nhưng đến ngày 27/01/1967, khóa Cursillo đầu tiên bằng tiếng Việt mới được khai mạc tại nhà tĩnh tâm Bêtania thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Chính Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chủ sự nghi thức trao Sứ Vụ Lệnh cho các tân cursillista. Ngoài Đấng bản quyền tại Sài Gòn, còn có Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận lúc bấy giờ là Giám mục tiên khởi của Giáo phận Nha Trang. Với sự quan tâm đặc biệt đến vai trò của người giáo dân sau Công đồng Vatican 2, và kinh nghiệm của 1 cursillista sau khi tham dự khóa Cursillo #13 tại Philippines vào cuối năm 1967, Đức cố Hồng y Phanxicô  Xaviê đã cổ võ mạnh mẽ cho sự phát triển Phong trào Cursillo tại Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại. Vì thế, ngài được mệnh danh là người Anh Cả của Phong trào Cursillo ngành Việt Nam trên toàn thế giới. Tính đến năm 1975,  Phong trào Sài Gòn đã mở được khoảng vài chục khóa cho cả nam lẫn nữ. Con số Cursillista Sài Gòn lúc ấy được ghi nhận lên đến số ngàn.

Tuy nhiên, biến cố 1975 đã khiến mọi hoạt động của các đoàn thể trong nước bị tê liệt. Phong trào Cursillo Sài Gòn chìm vào giấc ngủ đông. May thay, có một số Cursillista đi định cư ở nước ngoài, vì lòng yêu mến Phong trào đã qui tụ lại để sinh hoạt và tìm cơ hội mong giúp hồi sinh Phong trào trong nước. Kết quả là vào năm 2006, với sự giúp đỡ của Nhóm Cursillista Ra Khơi hải ngoại, Phong trào Cursillo đã mở khóa trở lại tại giáo phận Vinh, năm 2007 tại giáo phận Xuân Lộc, năm 2009 tại giáo phận Sài Gòn và Phú Cường. Hiện nay Hội Đồng Giám mục Việt Nam, bằng văn bản chính thức, đã cho phép Phong trào Cursillo hoạt động trên khắp mọi giáo phận từ Bắc chí Nam.

Riêng Phong trào Cursillo Giáo phận Sài Gòn từ năm 2009 đến nay đã mở được 16 khóa với tổng số 599 Cursillista. Các cơ cấu tổ chức đã hình thành đầy đủ. Nhân dịp mừng 5 năm Phong trào Sài Gòn tái hoạt động, Đức Tổng Phaolô đã trao nhiệm vụ cho Ban Phục vụ nhiệm kỳ 2014-2018 gồm 7 anh chị. Ngày 27/8/2015 Đức Tổng đã bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Giáo, phó xứ Nam Hòa, làm linh hướng chính cho Phong trào Cursillo Sài Gòn cùng với 3 linh mục thuộc Tổng Giáo phận đồng hành với Phong trào:

1. Lm Giuse Maria Đỗ Đình Ánh, giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse;

2. Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, chánh xứ Tân Định;

3. Lm Phaolô Nguyễn Phong Phú, chánh xứ Cầu Lớn.

Dù mới hồi sinh được 7 năm, nhưng Phong trào Cursillo Sài Gòn đang tiến nhanh tiến mạnh, có thể sánh bước với các phong trào bạn trên thế giới và góp phần thúc đẩy các Phong trào Cursillo tại các giáo phận khác trong nước.  Kể từ năm 1967, một chặng đường 50 năm đã qua với những nốt nhạc khi sôi nổi khi trầm buồn. Thực tế đã diễn ra cho thấy chính Thiên Chúa làm chủ lịch sử và công trình của Ngài thật kỳ diệu!

bài liên quan mới nhất

  • Không có bài liên quan

bài liên quan đọc nhiều

  • Không có dữ liệu
Top