Nữ giới trong đời sống Giáo hội sơ khai
WHĐ (09/02/2025) - Tác giả sách Công vụ Tông đồ ghi lại sau biến cố Đức Giêsu về trời: “Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ… Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,13-14). Các phụ nữ cũng có mặt trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các thánh sử Tin mừng cũng ghi nhận một số khuôn mặt các chị em cùng đồng hành giúp đỡ cho Đức Giêsu và các môn đệ trên hành trình dọc dài rao giảng Tin mừng. Cùng với đó, trong các thư của mình, thánh Phaolô tông đồ cũng đề cập đến vai trò của những phụ nữ, cụ thể tác phong của các chị em trong các buổi hội họp và vị trí trong gia đình. Bên cạnh đó, lịch sử Giáo hội trong bốn thế kỷ đầu ghi nhận những đóng góp đáng kể của các phụ nữ trong đời sống chứng tá cho Tin mừng.
I. NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ‘ĐẠO ĐỨC’ TRONG THÁNH KINH TÂN ƯỚC THỜI CHÚA GIÊSU II. NHỮNG NGƯỜI NỮ TRONG GIÁO HỘI SƠ KHAI |
I. NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ‘ĐẠO ĐỨC’ TRONG THÁNH KINH TÂN ƯỚC THỜI CHÚA GIÊSU
Ngay từ thời Chúa Giêsu, vị trí và vai trò của phụ nữ rất đặc biệt. Tin mừng kể lại những người phụ nữ đi theo, tháp tùng Chúa, khi Người cùng với các môn đệ rảo qua các thành phố và các làng mạc để rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Các bà lắng nghe lời Chúa, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất, dâng của cải mình có để giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ; các phụ nữ hiện diện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, và cả trong những biến cố lớn như đứng dưới chân Thập giá và là những chứng nhân đầu tiên về sự kiện Chúa Giêsu sống lại. Tin mừng nêu ra danh tánh của họ, trong đó có bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và “nhiều bà khác nữa” (x. Lc 8,1-3; Mt 9,20.27; Mc 5,25-34; Lc 8,43-48; Mt 15,21-28; Mc 7,24-34; Mc 12, 41-44; Lc 21,1-4; Lc 10, 38-42; Ga 4,7-30; 11,17-44).
Tin mừng thuật lại một số đông phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau đến với Chúa Giêsu. Có những phụ nữ bệnh tật, đau đớn trong thân xác, như bà “bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được” (Lc 13,11), hay bà mẹ vợ của ông Phêrô (x. Mc 1,30), hay là người đàn bà “bị loạn huyết mười hai năm”, không được phép đụng chạm đến ai (x. Mc 5,25-34). Mỗi phụ nữ trong số các người này đều được cứu chữa. Còn bà góa thành Naim, vì Chúa Giêsu động lòng thương, đã cho con trai duy nhất của bà được sống lại: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương (x. Lc 7,13). Cuối cùng là người đàn bà có cô con gái đau bệnh ở thành Canaan, một người đàn bà với tình mẫu tử đầy niềm tin, khiêm tốn và quảng đại, đã được Chúa Giêsu công nhận cách đặc biệt, là có lòng mạnh tin (x. Mt 15,28).
Trong biến cố Phục sinh, các phụ nữ là những người đầu tiên đến bên mộ và nhìn thấy mồ trống. Họ là những người đầu tiên được nghe những lời loan báo: “Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,6). Họ là những người đầu tiên ôm lấy chân Chúa (x. Mt 28,9). Họ là những người đầu tiên được trao trách nhiệm loan báo sự thật này cho các môn đệ (x. Mt 28,1-10; Lc 24,8-11). Tin mừng thánh Gioan làm nổi bật vai trò của bà Maria Mađalêna. Bà là người đầu tiên được gặp Đức Kitô phục sinh. Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 29,16-18). Vì thế, người ta đã gọi bà là ‘tông đồ của các tông đồ’. Trước cả các Tông đồ, Maria Mađalêna là chứng nhân đầu tiên của Đức Kitô phục sinh; vì thế bà là người đầu tiên làm chứng cho Người trước mặt các Tông đồ.
Như vậy, các trang Tin mừng khắc hoạ lại chân dung Chúa Giêsu là Đấng không kỳ thị đối với phụ nữ, là điều rất phổ biến trong thời đại Người. Ngược lại, lời nói và hành động của Chúa Giêsu đều toát lên sự tôn trọng và đề cao người phụ nữ cách xứng đáng. Người đàn bà còng lưng được Người gọi là “con gái của Abraham” (Lc 13,16) trong khi tước hiệu này (dưới hình thức “con Abraham”) trong toàn bộ Thánh Kinh chỉ dành cho người đàn ông. Trên đường khổ nạn lên Golgotha, Chúa Giêsu nói với các người phụ nữ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc tôi làm gì!” (Lc 23,28). Cách nói về người phụ nữ và với người phụ nữ, cũng như cách tiếp xúc với họ biểu lộ một cái gì ‘hoàn toàn mới’ so với phong tục thời đó.
Đức Kitô là Đấng “biết có gì trong lòng con người”, trong người nam cũng như nơi người nữ. Người biết phẩm giá con người, giá trị của họ trước mặt Thiên Chúa. Thái độ của Đức Giêsu đối với các phụ nữ mà Người gặp trên đường phục vụ cứu độ, phản ánh kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng từng người, tuyển chọn và yêu mến họ trong Đức Kitô (x. Ep 1,1-5).
II. NHỮNG NGƯỜI NỮ TRONG GIÁO HỘI SƠ KHAI
Với tinh thần của Chúa Giêsu và ơn Chúa Thánh Thần, bầu khí hiệp thông trong Giáo hội sơ khai không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện, nghe các tông đồ, bẻ bánh, hiệp nhất[1], nhưng còn cả trong việc chia sẻ vật chất để mọi sự làm của chung, chia sẻ cho mọi người tuỳ theo nhu cầu và dùng bữa với nhau.[2] Cùng với đó là lời mời gọi để ý quan tâm đến các người nữ: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hóa Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên” (Cv 6,1; x. 1Tm 2,3-4).
“Ngay từ lúc Hội Thánh khởi đầu, đã có những người nam cũng nữ muốn thực hành các lời khuyên Phúc Âm, để theo Đức Kitô cách tự do hơn, noi gương Người cách chặt chẽ hơn, và dấn thân cho Thiên Chúa mỗi người một kiểu”[3]. Các nguồn Thánh Kinh Tân ước, các bằng chứng từ những biểu tượng và chữ khắc trong lăng mộ về các nữ Kitô hữu thời kỳ đầu, cho thấy rằng các phụ nữ thực hiện quyền cai quản, phục vụ với vai trò là các góa phụ, phó tế, lãnh đạo các Giáo hội tại gia và đan viện, các nhà rao giảng Tin mừng, giáo viên, nhà truyền giáo và ngôn sứ.[4]
Sách Công vụ Tông đồ và các thư của Thánh Phaolô cũng chỉ ra một số tác vụ của các phụ nữ trong Giáo hội sơ khai, với vai trò như là các tiên tri: “Hôm sau chúng tôi lên đường và đến Xêdarê. Chúng tôi vào nhà ông Philípphê, người loan báo Tin mừng, thuộc nhóm Bảy người và ở lại với ông. Ông này có bốn người con gái đồng trinh được ơn nói tiên tri” (Cv 21,8-9; x. Cv 2,17-18; Gc 2,28-29; 1Cr 11,5); như là các thầy dạy: “Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm” (Tt 2,3-5; x. Cv 18,26); như là các trợ tá: “Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề” (1Tm 3,11; x. Cv 16,1-2); như là các chủ nhà: “Xin cho tôi gửi lời chào các anh em ở Laođikia, chị Nympha và Hội Thánh vẫn họp tại nhà chị ấy” (Cl 4,15; x. Cv 16,15; 1Cr 16,19); như là các người phục vụ Hội Thánh: “Xin gửi lời thăm hai chị Tryphen và Tryphôxa, những người đang vất vả vì Chúa. Xin gửi lời thăm chị Pécxiđê yêu quý, người đã vất vả nhiều vì Chúa” (Rm 16,12; x. Rm 16,6; Pl 4,2-3).
Một điều cần lưu ý, thánh Phaolô thường bị tố cáo là kỳ thị phụ nữ, bắt các bà vợ phải phục tùng chồng (x. Ep 5,22) và không cho phép các bà lên tiếng trong các buổi họp cộng đồng (1Cr 14,33-36; 1Tm 2,11-15). Tuy nhiên, nếu đọc toàn bộ các thư cũng như hoạt động của ngài được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta cần phải dè dặt hơn khi phê phán quan điểm của thánh nhân. Thật vậy, ở Gl 3,28, Phaolô thẳng thắn tuyên bố: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”.
Trên thực tế, các phụ nữ đã tích cực tham gia vào công cuộc loan báo Tin mừng. Kết thúc lá thư gửi Giáo đoàn Rôma, Phaolô gửi lời chào thăm 27 người trong đó có 8 phụ nữ, cộng thêm 2 người không tên (bà mẹ anh Ruphô và em gái của anh Nêrê): “Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phêbê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Kenkhơrê… Tôi xin gửi lời thăm chị Pơrítca và anh Aquila, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Kitô Giêsu; hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi… Xin gửi lời thăm chị Maria…, Giunia,… hai chị Tryphen và Tryphôxa, những người đang vất vả vì Chúa,… Pécxiđê, chị Giulia”. Bà Prisca và ông chồng Aquila còn được nhắc đến ở cuối thư thứ nhất Côrintô (16,19). Sách Công vụ Tông đồ cũng cho chúng ta biết các nữ cộng sự viên đắc lực của Phaolô, chẳng hạn như bà Liđia ở Philipphê (Cv 16,11-15.40) và bà Prisca (hay Priscilla) ở Côrintô (Cv 18,2-3).
Bên cạnh vai trò, Giáo hội sơ khai thời các tông đồ đầu tiên cũng đề ra các chỉ thị cho các phụ nữ trong cộng đoàn Hội Thánh. Trong cuộc họp, các người nữ “đừng để đầu trần” (1Cr 11,5-16), “phải làm thinh” (1Cr 14,33-35; 1Tm 2,11-12). Phaolô khuyến dạy các chị em “phải ăn mặc đoan trang, đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị: không phải là những kiểu tóc cầu kỳ, vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền, nhưng là những việc lành; như thế mới thích hợp với những người đàn bà xưng mình có lòng đạo đức. Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng” (1Tm 2,9-11; x. 1Tm 5,11-16; Tt 2,3-5; 1Pr 3,1-6).
Kitô giáo lan rộng nhanh chóng khắp Đế quốc Rôma một phần nhờ vào sáng kiến của các nữ tông đồ, các nữ ngôn sứ, các nhà truyền giáo phụ nữ, những người đứng đầu các hội thánh tại gia và các góa phụ. Sự phát triển của Kitô giáo cũng có thể được xem là nhờ sự hỗ trợ tài chính từ các người nữ Kitô giáo như Maria thành Magdala và Joanna (x. Lc 8,1-3), Lydia (x. Cv 16,11-40), Phoebe (x. Rm 16,1-2), Olympias, một phó tế ở thế kỷ thứ tư, và những người khác. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhìn nhận điều này vào ngày 14 tháng 2 năm 2007 khi ngài nói, “nếu không có sự đóng góp quảng đại của nhiều phụ nữ, lịch sử Kitô giáo sẽ phát triển rất khác”. Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng “sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo hội nguyên thủy không hề là điều thứ yếu”.[5]
Những nhân vật ấy đã khơi dậy nhiều phụ nữ cũng muốn dấn thân cho công cuộc truyền giáo, đặc biệt là Têcla, đầu đề của một tác phẩm “Công vụ của thánh Phaolô và thánh Têcla”[6]. Tuy bị giáo phụ Tertullianô xếp vào hạng tiểu thuyết giả mạo, nhưng không phải mọi người đều nghĩ như vậy. Hai trăm năm sau thời giáo phụ Tertullianô, một vài bản sao của công vụ này đã được đọc lên trước công chúng để tưởng nhớ vị thánh nữ Têcla. Đối với các Kitô hữu sơ khai, dù cho bản văn có đáng tin cậy hay không thì thánh Têcla vẫn là một nhân vật lịch sử có thật. Truyền thống Hội thánh đã làm chứng cho điều này. Chúng ta biết rằng, từ thời sơ khai đã có các nhà thờ được dành riêng để kính nhớ cô. Câu chuyện về thánh nữ đã khơi lên ý tưởng và làm thay đổi nhiều nữ Kitô hữu thời kỳ sơ khai. Rất có thể tác giả của bản công vụ này chịu ảnh hưởng bởi phái Ngộ đạo, chống lại đời sống hôn nhân và đề cao sự khiết tịnh, một ý kiến được cho là của thánh Phaolô.[7]
Tương truyền, thánh nữ đã từ chối địa vị cao sang khi quyết định không kết hôn dù đã được đính hôn trước đó, bởi lẽ cô muốn đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, sống một cuộc đời dành trọn cho Chúa dù phải trải qua nhiều thử thách cam go. Cô bất chấp mọi truyền thống quyền bính nam giới lúc bấy giờ để tự do hành động theo ý muốn của mình. Thậm chí cô còn cắt tóc ngắn và mặc quần áo nam giới để có thể ra khỏi nhà và tìm gặp thánh Phaolô. Cô là hình mẫu cho mọi nữ Kitô hữu trên khắp đế quốc Rôma.
Sự sinh động của Giáo hội cũng được phát triển một phần nhờ các Hội thánh tại gia đầu tiên được lãnh đạo bởi những phụ nữ như Grapte, một nhà lãnh đạo cộng đồng các góa phụ vào thế kỷ thứ hai, những người chăm sóc trẻ mồ côi ở Rôma và Tabitha, một góa phụ sống vào thế kỷ thứ nhất “dấn thân làm việc tốt và làm việc bác ái” (x. Cv 9,36-43); bà đã thành lập một cộng đoàn Hội thánh tại gia ở Joppa. Thông qua Hội thánh tại gia, các Kitô hữu tiên khởi có thể tiếp cận các mạng lưới xã hội và từ đó họ tiếp xúc với những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau.[8]
Khi một nữ chủ nhân của gia đình, có thể là một góa phụ giàu có như Tabitha, hoặc một phụ nữ được tự do, như Prisca (x. Rm 16,3-5), đã theo Kitô giáo, các nhà truyền giáo Kitô giáo như Junia (x. Rm 16,7) hoặc thánh Phaolô, không chỉ tiếp cận với gia đình của họ mà còn cả mạng lưới do họ bảo trợ. Điều này có nghĩa là những nô lệ, những người được trả tự do, trẻ em, họ hàng và những khách hàng thân thiết của họ cũng sẽ theo đạo. Do đó, khi Phaolô giúp bà Lyđia theo đạo (x. Cv 16,11-15), ngài tự động có được quyền tiếp cận với nhiều mối quan hệ xã hội và có lượng khán giả đông đảo hơn. Trong cuốn sách nghiên cứu cặn kẽ về họ, A Woman’s Place, Carolyn Osiek và Margaret Y. MacDonald chứng minh rằng các nữ Kitô hữu thuộc tầng lớp thấp hơn có thể bắt đầu công việc của họ trong mạng lưới xã hội Kitô giáo của họ và được bảo đảm về mặt tài chính. Điều này mang lại cho họ địa vị cao hơn và quyền tự do đi lại, đặc biệt là trong toàn đại gia đình thời Giáo hội sơ khai.[9]
Trong khoảng thời gian bốn thế kỷ đầu, Giáo hội vui mừng vì có nhiều người nữ dám lấy cả mạng sống để làm chứng cho những giá trị đức tin như thánh nữ Agatha[10], thánh nữ Anê[11], Lucia, Cêcilia… Trong một bài giảng cổ về thánh nữ Agatha, có đoạn viết: “Thánh nữ là vị tử đạo thời xưa và đứng đầu nhờ cuộc chiến đấu lẫy lừng của người. […] Nhờ những hiểu biết đem lại ánh sáng, và nhờ máu thắm của Con Chiên đích thực của Thiên Chúa, người trinh nữ ấy đã làm cho cặp môi, đôi má và miệng lưỡi mình nên đỏ, nên tươi; và nhờ tâm trí luôn tìm hiểu, người năng suy đi nghĩ lại và mang trong lòng cái chết của Đấng đã hết tình yêu mến mình, như thể Đấng ấy vừa mới đổ máu mình ra”[12].
Trong những người nữ thuộc thời kỳ Giáo hội sơ khai, bà thánh Monica (k. 332-387) là thân mẫu của thánh giáo phụ Augustinô. Bà không hẳn là người có trí tuệ siêu phàm, nhưng chắc chắn là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà sư phạm tài ba và là người mẹ tuyệt vời. Bà có công rất lớn trong việc cải hoá người con trai của mình. Bà vẫn thường tranh luận triết học với Augustinô và cho thấy khả năng nhìn nhận vấn đề sâu sắc của mình. Chắn chắn rằng, mối bận tâm lớn nhất trong cuộc đời thánh nữ Mônica chính là người con trai Augustinô và hành trình hoán cải của thánh Augustinô cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng và sự thánh thiện của thân mẫu.[13]
Như vậy, khoảng thời gian đầu của Giáo hội, bên cạnh những hướng dẫn, lãnh đạo của các tông đồ, các cộng đoàn Kitô hữu được sinh động nhờ những đóng góp của những người nữ. Dẫu cho vai trò của họ có những phần bị hạn chế, nhưng ít ra, người nữ trong Giáo hội sơ khai cũng có chỗ đứng của mình trong những tác vụ được đảm nhận để cộng tác vào công cuộc loan báo Tin mừng hay hỗ trợ cho sứ vụ các tông đồ. Từng bước, vị trí và phẩm giá của người nữ trong lòng Giáo hội được minh định và nhìn nhận.
III. NGƯỜI NỮ TRONG LĂNG KÍNH GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
Giáo hội luôn đề cao phẩm giá người phụ nữ, và đấu tranh chống lại mọi đối xử bất công hay miệt thị phụ nữ. Chúng ta có thể tìm thấy những nỗ lực đó trong các Giáo huấn của Giáo hội, cụ thể với những xác định của Công đồng Vaticanô II, của Bộ Giáo luật 1983 và một vài nhận định của các Đức Giáo hoàng.
Tại Công đồng Vaticanô II, vấn đề về giá trị và vai trò của người phụ nữ trong Giáo hội Công giáo được đề cập tới như là nhu cầu thúc bách cần phải làm sáng tỏ. Mặc dầu các nghị phụ đã không dành riêng cho vấn đề này trong một chủ đề riêng biệt tại các buổi nghị trình, nhưng các bản văn của Công đồng cũng đưa ra câu trả lời về vai trò và vị trí của phụ nữ trong Giáo hội.
Công đồng đã nhấn mạnh về sự bình đẳng của mọi người trong xã hội và Giáo hội, mặc dầu “mọi người không bằng nhau vì không có khả năng thể chất như nhau và những năng lực trí tuệ và tinh thần như nhau”, nhưng “phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, hoặc trong phạm vi văn hóa, kỳ thị vì phái tính…, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa”[14].
Công đồng cũng quan tâm đến vai trò tích cực của người phụ nữ trong việc dạy dỗ con cái, tuy nhiên “vẫn không được coi thường sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội”[15]. Vì thế, Thánh Công đồng khuyến khích phụ nữ tham gia vào đời sống văn hóa: “Bổn phận của tất cả mọi người là thừa nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa”[16].
Trong phạm vi thuộc về đời sống Giáo hội, Công đồng cũng khuyến khích nên để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào những lãnh vực tông đồ của Giáo hội[17]. Công đồng cũng chỉ ra rằng, người phụ nữ không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong phạm vi gia đình, nhưng trong các hoạt động xã hội họ cũng đóng một vai trò quan trọng, và ủng hộ việc công nhận cũng như hiện thực yêu cầu chính đáng của phụ nữ về quyền thụ hưởng văn hóa.[18]
Nhưng phụ nữ có chỗ đứng nào trong Giáo hội? Mặc dầu Công đồng không đưa ra một chỉ dẫn cụ thể riêng dành cho phụ nữ, nhưng câu trả lời vẫn có thể tìm thấy trong những bản văn của Công đồng về một sự bình đẳng trong Giáo hội: “Trong Chúa Kitô và trong Giáo hội không có một sự bất bình đẳng vì nguồn gốc và dân tộc, vì địa vị xã hội hay giới tính”[19]. Tuy nhiên không có một đoạn văn nào nói về vị trí ngang hàng của người nữ với người nam như là cơ chế với một cấu trúc xã hội rõ ràng. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã khước từ sự tham dự của người nữ vào một số nhiệm vụ trong Giáo hội với lý do: Chúa Giêsu đã thiết định như thế, Người đã tô điểm Giáo hội với quy chế nền tảng và với nhân học mang tính thần học của Giáo hội[20]. Giữa những người đã lãnh nhận Phép Rửa có một sự bình đẳng đích thật, thế nhưng “sự bình đẳng không là đồng nhất như nhau, thật vậy Giáo hội là một thân thể đa dạng, trong thân thể này mỗi một chi thể có một nhiệm vụ riêng biệt. Các nhiệm vụ riêng biệt và không thể trộn lẫn với nhau”[21]. Tuy nhiên người ta cũng công nhận rằng, ngày nay vị trí của người phụ nữ trong Giáo hội có sự phát triển tích cực. Nhiều phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong công tác tông đồ, một số được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng Mục vụ giáo phận, giáo xứ hay như có những phụ nữ được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm vào một số chức vụ trong Tòa Thánh.
Dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II, Bộ Giáo luật 1983 cũng cho phép người nữ tham dự tích cực vào công việc phục vụ Phụng vụ. Phụ nữ được nhận nhiệm vụ đọc sách, ca trưởng hoặc các công tác khác[22]. Người phụ nữ cũng có thể hướng dẫn giờ kinh Phụng vụ, trao ban Bí tích Thánh Tẩy và trao ban Thánh Thể như thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường[23]. Có thể được Hội đồng Giám mục chấp thuận và Tòa Thánh ban phép chứng hôn khi nhu cầu cần[24] và có thể ban một số Á Bí tích[25]. Nếu thiếu linh mục, người nữ cũng có thể được phép đảm nhiệm một số công tác mục vụ[26]. Ngoài ra người phụ nữ còn có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán trong các Tòa án Giáo hội[27] hoặc là làm phụ thẩm hay dự thẩm[28].
Tuy nhiên, việc phong chức linh mục cho phụ nữ thì tuyệt đối hoàn toàn bị cấm. Với lý do, “Giáo hội luôn trung thành tuân thủ những việc làm của Chúa như là mẫu mực trong việc không cho phép phụ nữ lãnh nhận chức linh mục. Đây không là hành vi kỳ thị nhưng là hành động tuân thủ ý định của Đấng là tác giả quyền tự do và bình đẳng của con người”[29].
Trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ, là những gì mà phụ nữ thường vượt trổi hơn nam giới. Chẳng hạn như sự chú ý đặc biệt đến người khác, được thể hiện một cách đặc biệt, mặc dù không phải là duy nhất, trong tình mẫu tử. Tôi vui mừng vì biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các linh mục, đang đóng góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các nhóm và có các đóng góp mới về sự suy tư thần học. Nhưng chúng ta còn phải mở rộng không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì thiên tư của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống xã hội, do đó sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực lao động cũng phải được đảm bảo và ở các khung cảnh khác nhau, nơi mà những quyết định quan trọng được thực hiện, cả trong Hội Thánh lẫn các cơ cấu xã hội”[30].
Như vậy, theo Giáo huấn của Giáo hội, các người nữ không là những thành phần thụ động, nhưng như mọi thành viên khác trong Giáo hội, họ được mời gọi cộng tác tích cực trong việc xây dựng Giáo hội như là thân thể Đức Kitô, để thân thể này càng ngày càng lớn mạnh. Việc cộng tác của họ không chỉ dừng lại nơi gia đình trong việc giáo dục Đức tin cho con cái, hay nơi môi trường xã hội trong việc làm chứng cho Đức Kitô, nhưng họ còn là những cộng sự viên của hàng linh mục trong các công việc mục vụ.
TÓM KẾT
Chúng ta không có nhiều thông tin chi tiết về các anh thư thời Giáo hội sơ khai. Hầu hết những gì đáng tin cậy mà chúng ta có được đều đến từ các lá thư trao đổi của các giáo phụ, những truyền khẩu trong các cộng đoàn và số ít những bút tích do khảo cổ học tìm thấy. Mặt khác, vào thời bấy giờ, người ta không chủ trương ghi chép tỉ mỉ về tiểu sử các vị thánh như khoa sử học ngày nay, nhưng muốn làm nổi bật các nhân đức anh hùng để truyền lại cho hậu thế mẫu gương sống động về đức tin Kitô giáo. Thế nên, cũng không rõ đâu là chi tiết thật và đâu là chi tiết cường điệu. Tuy nhiên, cốt lõi của đời sống thánh thiện nơi các người nữ này là điều chắc chắn. Chúng ta được mời gọi một lần nữa suy nghĩ về vai trò, đặc tính và những đóng góp của người nữ trong những bước đường rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu và trong thời Giáo hội sơ khai.
Trước hết, các phụ nữ rất trung thành với Chúa Giêsu. Trong số các tông đồ, có Giuda đã phản bội Chúa Giêsu, nhưng các phụ nữ thì vẫn trung thành. Trong biến cố Thương khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, các môn đệ sợ hãi bỏ trốn, chỉ còn môn đệ Chúa Giêsu thương mến là Gioan, nhưng những người phụ nữ thì đi theo Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá để chứng kiến cái chết đau thương của Chúa. Đó chính là hình ảnh của sự trung thành, của chí khí và can trường.
Thứ đến, những phụ nữ không thấy tranh nhau ai là người ngồi bên tả hay bên hữu Chúa, không thấy tranh giành ai là người làm lớn hơn cả. Họ âm thầm theo Chúa chứ không phải tìm một vị trí, một chỗ đứng. Đó là biểu hiện của một con tim thuộc về Chúa, muốn được gắn bó mật thiết với Chúa, hơn là những địa vị mang tính nhân loại. Đó là đặc tính của sự âm thầm.
Tiếp theo, đó là đặc tính của sự dịu dàng. Người phụ nữ không đứng ra xin lửa từ trời xuống thiêu đốt làng Samaria vì đã không tiếp rước Chúa Giêsu; họ không to tiếng nguyền rủa những người Do Thái. Trái lại, họ theo Chúa với tất cả lòng khiêm nhu, hiền lành, dịu dàng. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định: dường như Giáo hội trong một thời gian dài được mô tả quá ‘nam tính’, thiên về quyền lực, về sự cứng cỏi, về sự dữ dằn; hãy trình bày Giáo hội ‘nữ tính’ hơn, đó là Giáo hội của sự dịu dàng, hiền lành, của quyền lực mềm, một Giáo hội như là bệnh viện dã chiến để chữa lành các bệnh nhân, như là một không gian của lòng thương xót để đón nhận ơn tha thứ.[31]
Cuối cùng, những nữ chứng nhân của thời kỳ Giáo hội sơ khai có thân thế và địa vị khá đa dạng: nữ tu, bà góa, những người sống thành cộng đoàn nhưng không lệ thuộc vào một đan viện nào, hay chỉ là những người sống đức tin đơn thành. Có người được tôn kính như những vị thánh, nhưng cũng có người chỉ là phụ nữ bình thường. Có người dành cả cuộc đời để chiêm niệm Lời và tìm kiếm Thiên Chúa trong cô tịch, cũng có người sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để bảo vệ đức tin. Các vị, những phụ nữ trông có vẻ yếu đuối bề ngoài nhưng lại đầy nghị lực bên trong, giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các giáo đoàn và là gương mẫu sống động cho các Kitô hữu qua mọi thời. Và trong lòng Giáo hội ngày nay, người nữ cũng có được những phận vụ, vị trí và vai trò rất quan trọng như phản ánh vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như trong một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 143 (Tháng 9 & 10 năm 2024)
________
[1] x. Gerhard Kittel, ed., Theological Dictionary of the New Testament, vol. 3, trans. Geoffrey W. Bromiley, Grand Rapids, Michigan, 1999.
[2] x. Johnson, The Acts of the Apostles; x. Witherington, The Acts of the Apostles: A Socio-Rhetorical Commentary.
[3] Trích Sắc lệnh về Đức ái Hoàn hảo của Công đồng Vat. II.
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-nu-tin-huu-thoi-giao-hoi-so-khai-dong-gop-tich-cuc-vao-viec-xay-dung-giao-hoi-54558, truy cập ngày 05/8/2024.
[5] Crispina, Phụ nữ và quyền bính trong Kitô giáo sơ khai, Fortress Pres, 2017.
[6] Tác phẩm Acta Pauli et Theclae, thế kỷ II, nguyên gốc bằng tiếng Hy Lạp.
[7] Tertullian, De Baptismo, 17,5.
[8] Crispina và các chị em, Phụ nữ và quyền bính trong Kitô giáo sơ khai, Fortress Press, 2017.
[9] Crispina và các chị em, Phụ nữ và quyền bính trong Kitô giáo sơ khai, Fortress Prees, 2017.
[10] Thánh nhân chịu tử đạo ở Sicily trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.
[11] Thánh nhân chịu tử đạo thời hoàng đế Diocletianô trong khoảng năm 303-304.
[12] Trích bài giảng của thánh Mêtôđiô Xiculi, giám mục, về thánh nữ Agatha.
[13] x. Thánh Augustinô, Tự thuật.
[14] Công đồng Vaticanô II, Vui mừng và Hy vọng, số 9, 29; x. Công đồng Vaticanô II, Ánh sáng muôn dân, số 32.
[15] Công đồng Vaticanô II, Vui mừng và Hy vọng, số 52.
[16] Công đồng Vaticanô II, Vui mừng và Hy vọng, số 60.
[17] x. Công đồng Vaticanô II, Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 9.
[18] x. Công đồng Vaticanô II, Vui mừng và Hy vọng, số 60.
[19] Công đồng Vaticanô II, Ánh sáng muôn dân, số 32.
[20] ĐTC Phaolô VI, Diễn văn về Vai trò của phụ nữ trong chương trình cứu chuộc, ngày 30/1/1977.
[21] Bộ Giáo lý Đức Tin, Giải thích về việc Chuẩn y cho phụ nữ tiến tới chức linh mục, ngày 15/10/1976.
[22] x. Giáo luật 1983, điều 230/2.
[23] x. Giáo luật 1983, điều 230/3.
[24] x. Giáo luật 1983, điều 1112.
[25] x. Giáo luật 1983, điều 1168.
[26] x. Giáo luật 1983, điều 517/2.
[27]x. Giáo luật 1983, điều 1421/2.
[28] x. Giáo luật 1983, các điều 1424, 1428.
[29] Bộ Giáo lý Đức Tin, Giải thích về việc Chuẩn y cho phụ nữ tiến tới chức linh mục, ngày 15/10/1976.
[30] ĐTC Phanxicô, Niềm vui Tin mừng, số 103.
[31] ĐTC Phanxicô, Bài Giáo lý trong buổi tiếp kiến chung, ngày 28/8/2019.
bài liên quan mới nhất
![](/Images/Articles/MainImages/05022025_143528.jpg)
- Chầu Thánh Thể Cho LBTM Tháng 02.2025 - Chúa Giêsu, Đấng Trực Tiếp Thi Hành Sứ Vụ
-
Đâu là địa điểm thật sự diễn ra việc Chúa Giêsu chịu phép rửa? -
Giáo hội, Thân thể của Chúa Kitô, điều đó muốn nói gì cụ thể hôm nay? -
Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo tại Việt Nam: Thư mời tham dự chương trình hồi tâm hằng tháng năm 2025 -
Giới thiệu chương trình thường huấn dành cho giáo dân năm 2025 -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 01/2025: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng -
Chầu Thánh Thể cho LBTM tháng 1/2025 -
Ủy ban Loan báo Tin mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần -
Thư của Đức Thánh cha Phanxicô nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới -
Lời giới thiệu sách: Ý nghĩa và lịch sử của hành hương
bài liên quan đọc nhiều
![](/Images/Articles/MainImages/25092023_213959.jpeg)
- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Giáo dân truyền giáo -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể -
Rao giảng Lời Chúa: lịch sử và thần học