Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - Kỷ niệm năm

Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - Kỷ niệm năm

WGPSG -- Kỷ niệm năm

“Chúa chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân”. Thánh Matthêu bảo thế và lặp lại nhiều lần như một điệp khúc vang vang (Mt 8,16; Mt 9,35; Mt 12,15). Chưa hết, ngài còn bảo rằng các tông đồ cũng chữa bệnh như vậy (Mt 10,1). Đọc lướt qua thì thấy phấn khởi quá. Nhưng đọc đi đọc lại và ngẫm nghĩ nhiều lần thì mình sinh ra tủi hờn.

Chúa và các Tông đồ dùng phép lạ để cứu chữa biết bao nhiêu người bệnh hoạn tật nguyền.

Mười người cùi đang sống cách ly xã hội, bỗng được lành sạch, ôm đồ về sum họp với gia đình. Sung sướng hơn người chết sống lại.

Người bại liệt đang nằm trên chõng như một đống thịt, bỗng đứng phắt dậy, vác chõng đi về, vừa đi vừa nhún nhảy. Mừng quá! Sướng quá!

Anh mù bẩm sinh đang co ro ngồi bên vỉa hè, chưa bao giờ thấy mặt mẹ cha, chưa bao giờ hiểu được thế nào là xanh, trắng, đỏ, tím, vàng… Thế mà được Chúa cho sáng mắt. Mừng quá, hắn chạy ù về nhà, ôm chầm lấy cha mẹ, rồi khóc như mưa. Khóc vì sướng. Khóc vì yêu. Ôi hạnh phúc ngàn năm một thuở.

Ông lão già què quặt ngồi ăn xin bên lề đường, giơ mũ ra xin một đồng bạc cắc. Thánh Phêrô chẳng cho một cắc bạc nào, nhưng lại cho ông đứng dậy mà đi. Ông không đi, mà nhảy tưng tưng như một thằng trẻ con. Một niềm vui bùng vỡ.

Người quỷ ám ở Ghêraxa đang sống giữa các ngôi mộ quạnh hiu, tồng ngồng và thỗn thễn như một thằng đực, hung dữ như một con cọp. Đàn ông trông thấy thì lắc đầu, đàn bà nhìn thấy thì bịt mặt ù chạy. Trẻ con trông thấy thì khóc thét lên mà chạy trốn… Thế mà chỉ trong tích tắc. Chúa bắt một bầy quỷ phải bỏ hắn mà nhập vào đàn heo. Hai ngàn con heo lao xuống hồ. Còn hắn thì ăn mặc đàng hoàng, ngồi bên chân Chúa, hiền như con trừu non. Ôi quyền phép của Đấng Toàn Năng! Ôi niềm vui lan tỏa của một người, của một gia đình, của một làng và của một vùng quê mênh mông!

Chỉ trong ba năm truyền đạo của Chúa, người được cứu khổ thì trùng trùng điệp điệp. Mà phương pháp cứu khổ chỉ là phép lạ. Còn con thì… từ ngày dấn thân vào cuộc đời truyền giáo đến nay đã hơn 40 năm rồi, mà chưa làm được một phép lạ nào để cứu nhân độ thế. Người khổ vẫn trùng trùng điệp điệp. Con số 235 người khuyết tật ở Cái Rắn chỉ gia tăng theo năm tháng, chứ không giảm thiểu. Nếu có giảm thiểu thì chỉ do sự chết mà thôi.

 

 

 

Mình có ba ông bạn linh mục bị bại liệt, chỉ còn sống bằng thần kinh thực vật, nằm bằn bặt trên giường như một đống thịt, suốt ba năm, bảy năm, chín năm. Mỗi lần đến thăm, mình chỉ đứng nhìn. Nhìn để xót xa. Nhìn để thấy mình bất lực. Nhìn mãi, rồi thất vọng ra về.

Mình đến thăm Ông Long Cùi ở Cái Rắn. Chỉ biết chia sẻ với ông bằng cách thân mật ngồi kề bên, rồi vừa bá vai, vừa trìu mến mân mê bàn tay không đủ năm ngón. Thăm xong rồi về. Bàn tay Ông Long vẫn thiếu ngón và ngón vẫn thiếu lóng. Cái tên Long Cùi vẫn còn đọng lại trên môi miệng của bà con lối xóm mãi cho tới ngày ông trở về cát bụi.

Chỉ vì không làm được phép lạ để cứu nhân độ thế, mình cứ buồn mãi. Vừa buồn, vừa giận. Giận mình và giận cả Chúa nữa. Nhưng… chỉ giận yêu thôi. Giận mãi cho tới một ngày kia…

 

 

Hôm ấy mình đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan 5,1-18. Gioan kể rằng Đức Giêsu đến hồ Bêtđatha. Ở đấy có năm hành lang người tàn tật nằm la liệt. Trong số đó có một người bị bệnh đã 38 năm. Chúa bảo anh ta: “Anh hãy đứng lên, vác chõng mà về”. Anh ta đứng phắt dậy, vác chõng đi te te mà về. Niềm vui bùng vỡ. Cả nhà sướng. Cả làng vui. Nhưng chỉ có một người được chữa thôi.

Mình ngỡ ngàng tự hỏi và hỏi Thánh Matthêu: “Chúa có chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền của nhân dân không?”. Rõ ràng là không. Từ hôm đó mình không còn buồn, vì không được làm “phép lạ” nữa. Mình sẵn sàng chỉ làm “phép thường” suốt đời. Đem hết tâm sức để cứu người bằng “phép thường” cũng đã là thi hành Lời Chúa rồi. Nhưng vẫn còn hơi giận Thánh Matthêu một tí.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top