Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - Kỷ niệm chín

Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - Kỷ niệm chín

WGPSG -- Kỷ niệm chín: Một đám cúng cơm tuyệt vời

Mình quen thân với một chàng thanh niên tân tòng. Anh cư trú tại quận 5 Sài Gòn. Nhưng quê hương anh thì ở tận huyện Ngọc Hiển, quận cực Nam của tổ quốc Việt Nam, ở đó không hề có bóng dáng người Công Giáo.

Nhân dịp ngày cúng cơm cho mẹ, anh mời mình đến tận nhà dâng Thánh lễ cầu siêu cho mẹ. Nhà anh tọa lạc ngay trên bờ sông Cửa Lớn và ở khoảng giữa thị trấn Năm Căn và cửa sông Cửa Lớn. Anh cho biết thêm cha anh thứ ba và là nghệ sĩ đờn cò.

Chỉ cần biết bấy nhiêu thôi, mình nổi hứng và gật đầu ưng thuận ngay.

Mình mời được gần hai chục bà phước từ Sài Gòn xuống cộng thêm gần một chục bà hiền mẫu của họ đạo Bảo Lộc, Cà Mau.

Đúng ngày cúng cơm, đoàn của mình đáp tàu đò từ Cà Mau xuống huyện Ngọc Hiển. Gia đình ông Ba đón tiếp đoàn một cách thân tình. Bầu khí thân thương bao trùm. Mình mở lời:

- Ông Ba ơi! Chúng tôi nghe đồn ông Ba là nghệ sĩ đờn cò. Vậy xin ông Ba cho chúng tôi thưởng thức tài nghệ của ông Ba đi.

- Đồng ý.

Cây đờn và nghệ sĩ nhập hồn vào nhau. Cây đờn thì tưng tưng… réo rắt. Nghệ sĩ thì gật gù cái đầu, rồi ngoẹo sang bên trái, ngoẹo sang bên phải. Ngây ngất… Hết bài thì nghệ sĩ hạ cây đàn xuống đùi, ngước mắt lên, hít một hơi thật dài. Đã!

Ông Ba đang sung sướng thì mình lên tiếng:

- Ông Ba ơi! Chúng tôi xuống đây để thắp cho Bà Ba một nén nhang, mà từ nãy tới giờ cứ mải mê nghe đờn, quên bẵng Bà Ba. Vậy xin Ông Ba cho chúng tôi thắp nhang cho Bà Ba.

Hơn hai chục người đứng thành vòng cung trước bàn thờ tổ tiên. Hơn hai mươi nén nhang được nâng lên ngang mày. Hơn hai mươi cặp môi mắp máy Kinh Lạy Cha. Rồi hơn hai mươi cái đầu cúi xuống, ngước lên… đều răm rắp. Con cháu ông bà Ba xung quanh, im phăng phắc như thấy vong linh hiện về.

Giữa bầu không khí trang nghiêm cực kỳ, mình lại lên tiếng:

- Ông Ba ơi! Chúng tôi đã thắp cho Bà Ba một nén hương, mà lòng chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn. Chúng tôi muốn tặng Bà Ba một món quà thật cao quý. Trong đạo chúng tôi không có quà nào cao quý hơn một Thánh lễ. Vậy xin Ông Ba cho phép chúng tôi dâng một Thánh lễ để cầu siêu cho Bà Ba và cầu an cho gia đình Ông Ba.

Ông Ba tay cầm micro nâng lên tới miệng, mà miệng không hé ra. Sau mười giây im lặng nặng nề, Ông Ba trịnh trọng tuyên bố:

- Hữu thần và vô thần… nhưng xét rằng một Thánh lễ như thế thì rất tốt, nên tôi tuyên bố “nhất trí”.

Các bà phước kê bàn thờ và dọn đồ lễ. Nhanh nhẹn và nhuần nhuyễn. Các bà lại phân phát các bài ca được in sẵn đến tận tay từng người. Trân trọng và thân thương.

Thánh lễ bắt đầu. Các bà phước hát sốt sắng như thiên thần. Rõ ràng và dìu dặt. Lời ca và điệu nhạc như rót vào tâm hồn của thính giả lương dân.

Bài giảng của mình xoay quanh tư tưởng: “Chết là trở về với Chúa là Cha”; “Chết là khởi đầu một cuộc sống mới”; “Chết không phải là vĩnh biệt, mà chỉ là tạm biệt và hẹn ngày tái ngộ”.

Mọi người lương đều dự lễ một cách trang nghiêm và sốt sáng không thua các bà phước. Tuyệt vời!

Lễ xong thì dự tiệc. Mình đang ngồi ăn bên cạnh Ông Ba thì con dâu, con gái Ông Ba đến bu quanh mình. Đứa nào cũng phát biểu: “Ông cha ơi! Chưa bao giờ mẹ chúng con có được một ngày cúng cơm trang nghiêm và long trọng như hôm nay. Chúng con nhớ ơn ông cha suốt đời”.

Ngậm ngùi cám ơn xong, mỗi người dúi vào tay mình một tờ giấy mệnh giá 20.000 đồng hoặc 50.000 đồng. Miệng lại thì thầm: “Ông cha vui lòng nhận giùm chúng con lấy thảo”.

Mình ngại ngùng quá nhưng không dám từ chối vì “nhận cũng là cho”. Ôi tình người! Vừa đẹp quá, vừa đầy ắp…

Đoàn Cà Mau xuống tàu đi về, mang theo một kỷ niệm sâu sắc. Người ở lại giữ mãi một tình cảm không hề phai.

Hạt giống Tin Mừng đã gieo xuống. Nó sẽ âm thầm mọc lên. Khi nào thì đến mùa gặt? Việc của Chúa thì chỉ một mình Chúa biết.                      

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top