Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - kỷ niệm ba
Kỷ niệm ba
Hôm ấy, hơn một chục thiếu nhi đến “biểu tình” trước cửa phòng của mình. Chúng nó nói bằng miệng và bằng cả chân tay. Chân thì nhún nhảy. Tay thì quơ quơ.
- Ông Cố ơi! Ông Cố cho chúng con xin một trăm nghìn.
- Tiền đâu mà cho chúng mày nhiều dữ vậy?
- Ông cố hứa mà.
- Ông Cố hứa hồi nào?
- Ông Cố biểu là khi nào chúng con gây quỹ được một trăm nghìn, thì Ông Cố cho thêm một trăm nghìn mà.
- Ừa, Ông Cố quên. Vậy, Ông Cố cho chúng con hai trăm nghìn luôn. Chúng con bàn với nhau xem sẽ đi thăm người khuyết tật nào và tặng quà gì? Ông Cố bao vỏ lãi và cùng đi với chúng con luôn.
Một niềm vui bùng vỡ. Hơn một chục cái miệng cười toe toét. Hơn hai chục bàn tay vỗ vào nhau bốp bốp. Hơn một chục cặp mắt mở banh, long lanh…
Sáng hôm sau, hai vỏ lãi chờ sẵn ở bến nhà thờ. Trước khi khởi hành mình thẩm vấn:
- Chúng con đi ủy lạo người khuyết tật nào?
- Chúng con chọn cặp anh em bại xụi.
- Giỏi… Lên đường!
Hai tài công cho nổ máy. Hai chiếc vỏ lãi rời bến nhà thờ, chui qua cầu Trung Chánh, quẹo tay phải, chui qua cầu Phong - Phượng, rồi chạy một hơi thật dài. Dừa nước bạt ngàn, đẹp như mơ, mát rười rượi…
Hai mũi vỏ lãi ghé bến. Bọn con trai nhảy phóc lên như bầy nhái. Bọn con gái thì vừa bò lom khom, vừa kêu “oái… oái…”.
Căn nhà lá lụp xụp và vắng lặng. Hai chàng thanh niên ốm tong teo, nằm co quắp trên chiếc giường cũ mèm. Hai cặp mắt ngơ ngơ. Hai cái miệng khép hờ, khép mãi mà không kín. Khép suốt 20 năm và 24 năm qua…
Các em thiếu nhi cẩn trọng xếp quà thành một hàng dài: hai bọc gạo, hai hộp sữa, hai bọc đường và hai phong bì mỏng.
Sau khi giới thiệu vắn tắt bệnh lý của hai anh em bại xụi, mình ra lệnh cho các em:
- Chúng con hát một bài để tặng hai anh!
- Rừng núi giang tay nối lại biển khơi, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…
- Bây giờ chúng con hát một bài nữa để tôn vinh bà mẹ của hai anh. Bà nuôi nấng chăm sóc hai người con bại xụi từ hơn 20 năm qua. Bà chăm sóc kỹ lắm. Chúng con thấy không: không một tí mùi hôi nào. Quần áo sạch boong. Mùng mền sạch boong…
- Con ra đời có mẹ cha. Là trời cao, biển lớn bao la. Từng ngày qua giữa tuổi ngọc ngà. Con nhờ mẹ cha mới trở nên người…
Tiếng hát um sùm làm náo động thôn xóm. Bà con kéo nhau đến kìn kìn và ngơ ngác hỏi nhau: “Cái gì vậy?”. Mình ôn tồn, niềm nở và chậm rãi giải thích.
- Đây là các em thiếu nhi bên nhà thờ. Các em đóng góp gây quỹ tiết kiệm, mỗi em đóng năm trăm đồng một ngày. Khi nào được một trăm ngàn thì lại đi ủy lạo người khuyết tật.
- Con nít bên nhà thờ dễ thương như vậy đó.
Lời phát biểu của bà cụ già móm mém làm các em thiếu nhi hỉnh mũi lên. Em nào cũng lấy tay bịt miệng và cười khúc khích. Mũi mình cũng hỉnh lên nhưng chỉ cười tủm tỉm một cách khiêm tốn. Còn Đức Giêsu thì sao?
Mình mường tượng thấy Ngài đang giang thẳng hai cánh tay, âu yếm nhìn đoàn thiếu nhi, thầm thì trên đôi môi: “Chứng tá của Tin Mừng”.
bài liên quan mới nhất
- Thư của Đức Thánh cha Phanxicô nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới
-
Lời giới thiệu sách: Ý nghĩa và lịch sử của hành hương -
Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại -
Một Hội thánh cùng đi với Chúa loan báo Tin Mừng -
Từ Sấm truyền đến Thánh kinh – Ngót 400 năm Tin mừng được loan báo trên đất Việt -
Ad Extra, làm thế nào biết tin tức và suy tư về sứ mạng ở Châu Á một cách sâu xa hơn -
Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo -
Để đức tin thấm vào văn hóa -
Ủy ban Giáo dân - Biên bản chương trình thường huấn “Các đoàn thể tông đồ trong Giáo hội hiệp hành”
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Giáo dân truyền giáo -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo