Một tầm nhìn… Học viện Công giáo Việt Nam những bước hình thành và phát triển
Mục lục
… và hình thành cơ chế phục vụ, điều hành
… với các chương trình đào tạo
WHĐ (21.04.2021) - Gọi là “Một tầm nhìn…”, bài viết ý thức rõ và nhận biết về sự hiện hữu còn rất mới mẻ của Học viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) tính đến thời điểm viết bài này. Chỉ mới chính thức bước sang năm thứ năm để hội nhập vào “mạng lưới giáo dục nhà đạo” tại Việt Nam, HVCGVN rất ý thức về vinh dự được là mơ ước từ rất lâu của cộng đồng dân Chúa. Ước mơ nay đã thành hiện thực, HVCGVN lại càng ý thức hơn về những chỉ đạo cần thiết và hết sức đúng đắn của các vị hữu trách đối với việc phát triển của học viện.
Với bố cục và độ dài của bài viết được quy định trong khoảng mười trang A4, “Một tầm nhìn…” không muốn kể lể dài dòng, hay mô tả cho bằng được mọi sự kiện đã diễn ra. Theo đó, các sự kiện sẽ được tiềm tàng, gói ghém lại trong “Một tầm nhìn…”. Cũng theo đó, những sự kiện vốn khách quan được ghi lại bằng cái nhìn rất hữu hạn, và ít nhiều chủ quan… của những người chấp bút.
Thật vậy, bài viết chỉ mong muốn được trình bày một tầm nhìn nào đó - gọn gàng nhất có thể - “về” và “từ” HVCGVN với những thăng trầm tự thân, thuận lợi cũng như bất thuận lợi, trong những bước hình thành và phát triển. Vâng, HVCGVN đã hình thành. HVCGVN đang trên đà phát triển. Rất nhiều hứa hẹn.
Những bước đi…
Sau rất nhiều lần “rong ruổi”, cố gắng tìm bến đáp để định hình cho con tàu tri thức HVCGVN, vốn hay được gọi vui là “học viện siêu hình”, các vị hữu trách HVCGVN đã dừng chân, quyết định bám trụ… “ít là 25 năm” (từ năm học 2019-2020) tại Số 25 Đường 9, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Ý thức rõ ràng rằng mình là một học viện chuyên nghiên cứu về triết học và thần học, được Tòa Thánh phê chuẩn, HVCGVN càng thấy mình phải nhận thức rõ ràng hơn: học viện được thiết lập tại Việt Nam trên nền tảng pháp lý hoàn chỉnh như một đại học Công giáo, trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) và Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh[1]. Theo đó, với sứ mạng được trao, HVCGVN phải nỗ lực xây dựng một môi trường không chỉ xứng hợp để đào sâu các suy tư về triết học, thần học, Thánh kinh, mục vụ, truyền giáo, mà còn phải là nơi thuận lợi để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và về mối liên hệ giữa học thuyết của Giáo hội với truyền thống khôn ngoan nhân loại nói chung và của người Việt Nam nói riêng.[2]
Vì thế năm nay, bước vào năm hiện hữu thứ năm (2020-2021) mà nhớ lại lịch sử những ngày đầu của việc hình thành HVCGVN, nhiều người vẫn còn nhớ như in những cột mốc “thời gian-sự kiện” đã diễn ra trong sự quan phòng đầy tình yêu thương của Chúa đối với Giáo hội Chúa tại Việt Nam qua sự hình thành học viện trong quá khứ, đang phát triển tốt trong hiện tại và hứa hẹn sẽ rất mạnh mẽ trong tương lai.
Thật vậy, ngay từ năm 2010, trong Hội nghị Thường niên Kỳ I, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã đề xướng kế hoạch thành lập HVCGVN để phục vụ cho việc đào tạo và phát triển giáo dục đức tin. Ngày 29-4-2014, Đức Giám mục Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo lúc bấy giờ là Giuse Đinh Đức Đạo, đã trình dự án thành lập lên Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc; để rồi ít hôm sau, ngày 02-5-2014, ngài cũng trình lên Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh. Tiếp đến, ngày 25-5-2014, chính Đức Tổng Giám mục Chủ tịch HĐGMVN lúc bấy giờ là Phaolô Bùi Văn Đọc, đã gửi văn thư xin thành lập Phân khoa Thần Học sang Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh, và chính thức nhận được văn thư chấp thuận việc thành lập Học viện Thần Học Tự Trị (Autonomous Institute of Theology) vào ngày 12-6-2014. Thế rồi, không lâu sau đó, vào ngày 06-8-2015, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã trao quyết định đồng ý việc thành lập HVCGVN. [3]
Hơn một tháng sau đó, vào đúng ngày 14-9-2015, nhân dịp Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh ký Sắc lệnh thành lập HVCGVN. Đến ngày 21 tháng 10 năm ấy, Bộ đã chính thức trao sắc lệnh này cho HĐGMVN cùng với văn thư bổ nhiệm Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo làm viện trưởng tiên khởi của học viện. Tràn đầy hy vọng và niềm vui, chọn thập tự giá của Chúa làm hành trang khởi sự chặng đường mới, với nhiều khó khăn phía trước, HVCGVN đã đưa ra một triết lý giáo dục: “Thánh giá Chúa là tột đỉnh sự khôn ngoan” [4] . Theo đó, ngày 05 và 06-7-2016, học viện đã mở cuộc thi tuyển sinh Khóa 1 Chương trình Thạc Sĩ Thần Học (STL); [5] và đến ngày 14-9-2016, thì khai giảng “Năm Chuẩn Bị” của khóa đầu tiên này.
Năm học sau đó, 2017-2018, ngoài việc tuyển sinh Khóa 2 Chương trình STL, học viện còn tuyển sinh Khóa 1 Chương trình Cử Nhân Thần Học (STB), [6] bắt đầu bằng giai đoạn 1 (hai năm triết học). [7] Sang đến Năm học 2018-2019, học viện có được 108 học viên, gồm: 37 học viên của năm I STB; 33 học viên của năm II STB; 14 học viên Năm Chuẩn Bị STL; 9 học viên năm I STL và 15 học viên năm II STL. Năm học vừa qua, 2019-2020, học viện có 125 học viên, gồm: 80 học viên STB (58 học viên triết học, 21 học viên thần học), và 46 học viên STL. Năm nay, 2020-2021, học viện có 169 học viên: 107 học viên STB (60 triết học, 47 thần học), và 62 học viên STL. Đặc biệt, trong Năm học 2020-2021, HVCGVN đã và đang đón nhận sự gia nhập của khá nhiều học viên, [8] đến theo học các chuyên ngành về mục vụ.
… với các mục tiêu
Nỗ lực phục vụ và cống hiến cách tận tụy với triết lý giáo dục “Thánh giá Chúa là tột đỉnh của sự khôn ngoan”, [9] HVCGVN không ngại khó khăn, mạnh dạn hướng đến các mục tiêu chính yếu sau đây: (1) “Đóng góp vào những nỗ lực của Giáo hội Việt Nam nhằm nâng cao sự hiểu biết đức tin cho mọi thành phần Dân Chúa để sống và làm chứng cho Tin Mừng, đặc biệt trong hoàn cảnh có nhiều biến động về mọi mặt và xu hướng tục hóa” [10] ; (2) “Chuẩn bị cho Giáo Hội Việt Nam một đội ngũ giảng viên có khả năng dạy thần học tại các cơ sở đào tạo của Giáo hội”; [11] (3) “Xây dựng môi trường suy tư thần học dựa trên kinh nghiệm sống đức tin và văn hóa của dân tộc Việt, từ đó góp phần vào việc suy tư thần học của Giáo hội hoàn vũ”; [12] (4) “Tìm kiếm những phương pháp mới, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ và truyền giáo của Giáo hội Việt Nam trong hoàn cảnh đặc trưng của mình”; [13] (5) “Đối thoại với các hệ tư tưởng trong văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam, cũng như những trào lưu tư tưởng đương thời”. [14]
… và hình thành cơ chế phục vụ, điều hành
Để hình thành một cơ chế phục vụ, giảng dạy, điều hành học viện cách vững chắc và hữu hiệu, HVCGVN tổ chức quản trị học viện với đội ngũ các nhân sự được trạch cử và tuyển chọn kỹ lưỡng nhất có thể - trên nền tảng quy chiếu vào những quy tắc hiện hành của giáo luật hoàn vũ, đặc biệt theo Tông hiến Niềm Vui Chân Lý (Veritatis Gaudium) với các quy tắc áp dụng trong tông hiến này; đồng thời cũng thích ứng theo quy chế và nội quy của học viện, được HĐGMVN thông qua và Tòa Thánh phê chuẩn. [15] Trước hết phải kể đến hội đồng chỉ đạo, [16] rồi hội đồng điều hành, [17] hội đồng khoa, [18] ban thư ký, [19] ban nghiên cứu, [20] ban thư viện, [21] ban tài chính [22] , ban giảng huấn khoa thần học [23] , ban giảng huấn “khoa mục vụ” [24] và hệ thống thông tin liên lạc [25] .
… với các chương trình đào tạo
Trước hết, chương trình đào tạo về thần học của học viện được thiết kế theo quy chế của một đại học giáo hoàng, trong khuôn khổ của một khoa thần học độc lập (facultas sui iuris). Chương trình gồm ba chu kỳ:[26] (1) Chu kỳ I: Cử nhân thần học thánh (STB), [27] (2) Chu kỳ II: Thạc sĩ thần học thánh (STL), [28] (3) Chu kỳ III: Tiến sĩ thần học thánh (STD).
Theo đó, Chu kỳ STB gồm có hai giai đoạn: (1) Giai đoạn triết học, [29] và (2) Giai đoạn thần học. [30] Nếu là ứng viên chức thánh (phó tế, linh mục), khi đã hoàn tất Chu kỳ STB, học viên có thể theo học thêm một năm về mục vụ để góp phần cần thiết cho việc chuẩn bị chịu chức thánh. [31]
Chu kỳ STL gồm một năm chuẩn bị, [32] và khoảng hai năm rưỡi dành cho các môn học. [33] Chu kỳ STD sẽ được mở trong tương lai. [34]
Sau là, học viện còn tổ chức thêm một số môn học hỗ trợ, gồm các chương trình ngoại khóa, hội thảo chuyên đề và các giảng khóa. Đặc biệt, năm học này 2020-2021, học viện mở thêm Ngành Mục Vụ với một số chương trình mục vụ mà trong tương lai sẽ phát triển thành Khoa Mục Vụ để đáp ứng các nhu cầu của sinh hoạt mục vụ của Giáo hội. Khoa Mục Vụ nhằm cung cấp cho học viên các kiến thức căn bản về thần học và mục vụ… văn hóa, xã hội, kỹ năng chuyên môn và những đòi hỏi nhân bản, tu đức cần thiết cho đời sống Đức Tin trong công tác mục vụ và trong các ngành nghề. Các môn học trong ngành Mục vụ đặc biệt hữu ích cho những người có trách nhiệm hướng dẫn các tác viên trong các sinh hoạt mục vụ của Giáo hội. [35]
Thật vậy, các chuyên ngành mục vụ rất phong phú đa dạng, bao gồm nhiều môn học: dành cho người chịu trách nhiệm đào tạo các linh mục, tu sĩ, các giáo lý viên, các tác viên Tin Mừng, các tác viên lo mục vụ giới trẻ, mục vụ gia đình, mục vụ giáo xứ, tâm lý ứng dụng, tu đức ngành nghề, về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, triết học, nghệ thuật dân tộc, Việt Nam, hâu…. [36] Chẳng vậy mà, để bắt đầu dự án “Khoa Mục Vụ” trong Năm học 2020-2021, học viện đã mở ra bốn chương trình: (1) Đào tạo người đào tạo đời sống thánh hiến, (2) Khoa học giáo dục ứng dụng trong việc đào tạo và lãnh đạo, (3) Tư vấn mục vụ và giáo luật về hôn nhân, gia đình, (4) Mục vụ ngành nghề. Sang năm học 2021- 2022, học viện sẽ còn mở thêm ít là bốn chương trình mục vụ: (1) Mục vụ giáo lý, (2) Mục vụ giới trẻ, (3) Mục vụ truyền giáo, (4) Mục vụ văn hóa. [37]
Sau nữa, còn phải kể đến vai trò của ngôn ngữ nói chung, sinh ngữ nói riêng. Theo đó, học viện vẫn thường xuyên mở các khóa nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, nhằm hỗ trợ cho các chương trình đào tạo trên. [38]
Từ những định hướng: (1) “Thánh giá là sự khôn ngoan tột đỉnh…”; [39] (2) “Nền giáo dục đích thực tạo khả năng cho chúng ta yêu cuộc sống và mở lòng chúng ta hướng đến sự sống viên mãn”; [40] (3) “... phải giúp cho các sinh viên của Học viện Công Giáo Việt Nam thăng tiến hơn về khả năng Anh ngữ để có thể nghiên cứu các sách thần học viết bằng Anh ngữ và có thể đối đáp trong các hội nghị quốc tế” [41] , Chương trình Anh ngữ CIVEL [42] một mặt luôn đề cao vai trò tiếng Việt - ngôn ngữ chính được sử dụng trong thuyết giảng và thi cử tại học viện - mặt khác cũng luôn luôn ý thức về sự quan trọng của ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng. Tại HVCGVN hiện nay, Anh ngữ vẫn đang là một trong những ngoại ngữ thiết yếu nhất, giúp cho công việc học tập, nghiên cứu được “đến nơi đến chốn hơn”. [43]
Với ý thức bốn kỹ năng “nghe, nói, đọc, viết” đều quan trọng, CIVEL chú trọng đặc biệt hơn đến khả năng đọc hiểu chính xác các tài liệu chuyên ngành, cách riêng các văn kiện nhà đạo. Việc hiểu thấu đáo về ngữ pháp, thành thạo các cấu trúc câu, và biết tích lũy cách thích hợp các từ vựng tiếng Anh nhà đạo sẽ thiết thực giúp học viên đạt mục đích nêu trên.
Cụ thể, bảy cấp lớp Anh ngữ sau đây được thiết kế với các nguồn tài liệu đa dạng từ Thánh kinh, giáo huấn của Giáo hội, và các ngữ liệu liên quan. Cách tổng quát, chương trình huấn luyện về Anh ngữ có các lớp: [44] (1) CIVEL 1: Introductory Level Class (CIVEL Band Score: 3.0) (45 tiết) (3tc); (2) CIVEL 2: Introductory Level Class (CIVEL Band Score: 4.0) (45 tiết) (3tc); (3) CIVEL 3: Intermediate Level Class (CIVEL Band Score: 5.0) (45 tiết) (3tc); (4) CIVEL 4: Intermediate Level Class (CIVEL Band Score: 6.0) (45 tiết) (3tc); (5) CIVEL 5: Advanced Level Class (CIVEL Band Score: 7.0) (45 tiết) (3tc); (6) CIVEL 6: Advanced Level Class (CIVEL Band Score: 8.0) (45 tiết) (3tc); (7) CIVEL 7: Writing Research Papers, Theses, and Dissertations (CIVEL Band Score: 9.0) (45 tiết) (3tc)
Một số hình ảnh minh họa
Trong tâm tình tri ân của những ngày bế giảng năm học 2019- 2020 vừa qua, đồng thời mừng năm học mới 2020-2021 với “ngành mục vụ”,[45] những hình ảnh sau đây tạm thay lời cho một tầm nhìn của HVCGVN với dấu nhấn rất nhiều hy vọng đặt trên niềm tin phát triển….
LỄ BẾ GIẢNG NĂM HỌC 2019-2020
Bên trong Nhà nguyện “Thánh Giá Chúa”
“… chính Chúa Thánh Thần là Thầy dạy của Học viện… là Đấng Thánh Hóa…” (ĐTGM. Giuse Nguyễn Năng)
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC GIÁO DỤC TRONG ĐỒNG HÀNH ƠN GỌI
CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC GIÁO DỤC TRONG ĐỒNG HÀNH GIỚI TRẺ
CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN MỤC VỤ VÀ GIÁO LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ NGÀNH NGHỀ HIỂU VÀ SỐNG TIN-CẬY-MẾN TRONG NGÀNH KINH DOANH
Để kết
Khi rảo qua các đề mục “Những bước đi…”, “… với các mục tiêu”, “… và hình thành cơ chế phục vụ, điều hành”, “… với các chương trình đào tạo”, “Một số hình ảnh minh họa”… [46] bài viết “Một tầm nhìn…” đã trình bày không chỉ một cái nhìn về những ngày tháng đã qua của bước hình thành mà còn đặc biệt hướng đến một cái nhìn phát triển trong những tháng năm sắp tới của Học viện Công Giáo Việt Nam.
Hơn bốn năm nhìn lại, “Một tầm nhìn…” là một cái nhìn về quá khứ với khoa thần học đã định hình và đang phát triển. Những “thành tựu bước đầu” với các con số cụ thể về trường lớp và các học viên của khoa thần học được xem là khả dĩ. Rất đáng kể! Hơn bốn mươi năm sắp tới, “Một tầm nhìn…” là cái nhìn hướng đến tương lai với những dự phóng khoáng đạt, mạnh mẽ và cần thiết của khoa mục vụ ở thì “hiện tại tiếp diễn”. Theo đó, cũng rất có cơ sở để hy vọng rằng, những hình ảnh về học viện sẽ rõ nét, đầy đủ hơn; và những con số về các học viên của khoa mục vụ sẽ là những “con số biết nói”.
Thật vậy, với sứ mạng được trao, HVCGVN đang nỗ lực xây dựng một môi trường không chỉ xứng hợp để đào sâu các suy tư về triết học, thần học, Thánh kinh, mục vụ, truyền giáo, mà còn là “nơi thuận lợi để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và về mối liên hệ giữa học thuyết của Giáo hội với truyền thống khôn ngoan nhân loại nói chung và của người Việt Nam nói riêng”.[47]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội
-
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô