Một Hội thánh cùng đi với Chúa loan báo Tin Mừng
WHĐ (31/10/2024) - Với Thánh lễ sáng ngày 27 tháng 10 vừa qua, chủ tọa bởi Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Đại hội XVI Thượng Hội Đồng Giám Mục, đồng tế với ngài còn có 70 hồng y, 9 thượng phụ và 310 giám mục và linh mục, và hiện diện 142 giáo dân và tu sĩ của Thượng Hội Đồng và 16 đại diện khách tham dự của các Giáo hội và cộng đoàn Kitô khác, Đức Giáo hoàng mời gọi toàn thể Hội thánh đứng lên và cùng bước đi với Chúa đem niềm vui của Tin Mừng rải dọc khắp các nẻo đường trên thế giới.
Trước sự hiện diện của các nghị phụ và nghị mẫu, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh chúng ta không cần “một Hội thánh ngồi yên, thúc thủ, nhưng là một Hội thánh đón lấy tiếng kêu gào của thế giới, một Hội thánh bị vấy bẩn vì phục vụ Chúa”, vứt bỏ tấm áo cam chịu mà phó thác mình cho Thiên Chúa như anh mù ăn xin Bartimê đã làm. Sự mù lòa ấy chính là tính cách trần tục, thích tiện nghi với con tim khép kín của chúng ta.
Vị Giám mục Rôma cũng đã ghi nhận cái “đà phóng” nổi lên từ kinh nghiệm hiệp hành, trong buổi chiều thứ Bảy ngày 26 trước đó, trong diễn từ tại Hội trường Phaolô VI trong Hội nghị khoáng đại cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Trong bài nói chuyện đó, sau khi chuẩn nhận Văn kiện đúc kết làm việc cuối cùng, ngài nhắc đến phải “bạo dạn làm chứng rằng chúng ta có thể bước đi cùng nhau dù khác biệt mà không lên án nhau” và cổ võ Hội thánh đón tiếp “mọi người, mọi người, mọi người” (“tutti, tutti, tutti”). Đức Phanxicô nói: “Từ khóa là đây: sự hòa hợp”. Hội thánh, như Công Đồng đã dạy, như là “bí tích”, là dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa đang chuẩn bị bàn tiệc mời khách tham dự. Ân sủng của Người, qua Chúa Thánh Thần, đang thì thầm lời yêu thương trong con tim của mỗi người. Chúng ta được mời gọi khuếch đại tiếng thì thầm ấy, vượt mọi cản trở; mở cửa chứ “không xây tường”, không cứng ngắc nhưng quan tâm đến cái “huyền nghiệm của vùng ngoại vi”. Cuối cùng, tuyên bố rằng ngài nhận thấy không cần phải phát hành một Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng, vì tài liệu cuối cùng đã “chứa đựng những chỉ dẫn rất cụ thể” để có hướng dẫn chọn lựa cho toàn thể các cộng đoàn Hội thánh thực hành sứ vụ.
“Còn một vài khía cạnh của đời sống Giáo hội Tài liệu đã khơi lên để suy nghĩ, cũng như về các chủ đề được phó giao cho mười “nhóm nghiên cứu” làm việc trong tự do để rồi trao cho tôi những đề nghị, cần có thời gian để có những lựa chọn liên quan đến đời sống toàn thể Giáo hội. Tôi tiếp tục lắng nghe các đức giám mục và Hội thánh của các ngài”. Đây là phong cách hiệp hành mà “người kế nhiệm thánh Phêrô phải thực hành: lắng nghe, triệu tập, phân định, quyết định và đánh giá. Giữa những bước đi này cần những nhịp nghỉ, thinh lặng, cầu nguyện. Đó là một phong cách chúng ta đang cùng học tập để sống, mỗi ngày một chút”.
Bám rễ sâu và lữ hành để loan báo Tin Mừng
Tài liệu cuối cùng được bỏ phiếu thông qua của đại đa số Hội nghị và được Đức Giáo hoàng chuẩn nhận, có tính chất của một văn kiện Huấn Quyền, là một bước đi của hành trình đã bắt đầu từ Công Đồng Vaticanô II, tiếp nối và đòi hỏi được sống cụ thể ở mọi cấp độ trong Hội thánh. Đó là ý thức hiệp hành là phong cách sống và làm chứng về tình hiệp thông. Hội thánh không phải là một công ti cũng không phải là một đảng phái, các giám mục không phải là những “quan to” của Rôma, giáo dân không phải chỉ là những người thi hành các quyết định và chỉ thị của các giáo sĩ.
Hội thánh là một dân. Dân của Thiên Chúa cùng đi với nhau. Lí do hiện hữu của Hội thánh không hệ tại ở sự quản trị các cơ cấu, hành chính hay quyền hành. Cũng không hệ tại ở việc chiếm hữu và bảo vệ một không gian riêng trong thế giới. Lí do tồn tại duy nhất của Hội thánh là làm cho người ta gặp được Đức Kitô ngày hôm nay, ở mọi nơi, nơi con người của thời đại chúng ta đang sống, làm việc, vui mừng, đau khổ.
Như thế có một phong cách sống các mối tương quan và nối kết rất đặc biệt của Tin Mừng. Một cách sống lấy sự phục vụ làm trọng tâm, như Đức Giêsu đã dạy. Có một cách thức đưa ra quyết định, làm dự phóng, hành động tự nó đã là một chứng từ, nhất là cho thời đại ngày nay nổi cộm tính hay chia rẽ, thù hận, bạo lực, lạm dụng quyền lực.
Sống hiệp hành như thế có nghĩa là hoàn tất một bước đi để thực hiện trọn vẹn giáo huấn của Công Đồng. Có nghĩa là coi trọng căn nguyên của Hội thánh - theo nghĩa bám rễ sâu vào nguồn cội của Hội thánh - một cộng đoàn ở đó có chỗ cho mọi người và mọi người được quí trọng, một cộng đoàn những tội nhân được tha thứ, kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương và muốn đem Chúa đến cho mọi người.
Thượng Hội Đồng về Hội thánh hiệp hành trong viễn tượng của nó đòi hỏi rất nhiều và đòi hỏi mọi người. Đòi hỏi chúng ta phải thay đổi não trạng. Đòi hỏi chúng ta không được xem tính hiệp hành như một công việc nghĩa vụ hành chánh làm cách cha chú, với vài cải cách nhỏ nhặt ở bề mặt. Đòi hỏi chúng ta phải khám phá lại lòng ước muốn cùng đi với nhau là một điều đáng khao khát chứ không chỉ là nghĩa vụ, với tất cả hoa quả bao gồm. Đòi hỏi chúng ta dám tháo neo đậu để lên đường với niềm tin tưởng có Chúa ở cùng dẫn lối, qua các ơn huệ Thánh Thần ban cho. Đòi hỏi chúng ta suy xét lại sự phục vụ của bản quyền, kể cả của vị kế nhiệm thánh Phêrô. Đòi hỏi một vai trò có trách nhiệm hơn nữa đối với giáo dân và cách riêng với người nữ.
Đó là một Hội thánh mà các thành viên là những người vừa bám rễ sâu vào cội rễ - một nơi chốn, một lịch sử, một văn hóa, một cộng đoàn nào đó - vừa lữ hành, tức là đi trên đường, tìm kiếm, loan báo một tin vui. Kiến trúc của Hội thánh trong viễn tượng đó không còn là một nơi chốn người giáo dân phải qui tụ về, nhưng là một sự phục vụ Dân Chúa hỗ trợ hướng về thế giới. Tầm nhìn của văn kiện chung kết này, mà Đức Phanxicô đã muốn ngay lập tức trao cho toàn thể Giáo hội, là sứ mạng loan báo Tin Mừng, theo vết dấu của Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii gaudium), muốn diễn tả một “Hội thánh đi ra” không dừng lại chỉ với trực giác hay một khẩu hiệu, mà phải thực hiện trọn vẹn và mọi người cùng đóng góp, tham gia.
Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Phó Tổng Thư kí HĐGMVN
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại
-
Từ Sấm truyền đến Thánh kinh – Ngót 400 năm Tin mừng được loan báo trên đất Việt -
Ad Extra, làm thế nào biết tin tức và suy tư về sứ mạng ở Châu Á một cách sâu xa hơn -
Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo -
Để đức tin thấm vào văn hóa -
Ủy ban Giáo dân - Biên bản chương trình thường huấn “Các đoàn thể tông đồ trong Giáo hội hiệp hành” -
Ngày thành lập Giáo hội Việt Nam 09/9/1659? -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 9/2024: Đi theo con đường Chúa Giêsu -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Đức cha Lambert de la Motte trong bối cảnh loan báo Tin Mừng phức tạp tại Á châu thế kỷ 17
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Giáo dân truyền giáo -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo