Lời Thiên Chúa và Đối Thoại Liên Tôn (Verbum Domini 117-120)

Lời Thiên Chúa và Đối Thoại Liên Tôn (Verbum Domini 117-120)

Tông huấn Hậu Thượng HĐGM Verbum Domini (*) của ĐGH Bênêđictô XVI (ký ngày 30.9.2010), gồm 3 phần chính: (I) Lời Thiên Chúa (II) Lời trong Giáo hội (III) Lời Chúa cho thế giới. Trong phần III này có mục “Lời Thiên Chúa và Đối Thoại Liên Tôn” (số 117-120). Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn xin giới thiệu đến quý bạn đọc  4 số này để thấy sự quan tâm của Đức Giáo hoàng cũng như hàng Giám mục trên thế giới đối với việc gặp gỡ anh chị em thuộc các truyền thống tôn giáo khác trong sứ mạng loan báo Lời Chúa.

Giá trị của các tôn giáo

117. Ý thức rằng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, đi vào đối thoại với nhân loại, Giáo Hội nhìn nhận như là một phần chính yếu của việc loan báo Lời, cuộc gặp gỡ với tất cả mọi người thiện chí. Ngày hôm nay, đang khi tránh mọi hình thái chiết trung và tương đối hóa, Giáo Hội tìm cách đối thoại với những con người thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau theo đường hướng đã được Tuyên ngôn Nostra aetate của Công Đồng Vatican II chỉ dẫn, được triển khai bởi Huấn Quyền sau này của các Đức giáo hoàng (1). Tiến trình mau lẹ của hiện tượng toàn cầu hóa cung cấp cho ta khả thể sống trong một sự tiếp xúc chặt chẽ hơn với những con người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác. Đây là cơ may do Chúa quan phòng để cho thấy làm thế nào một cảm thức tôn giáo trung thực có thể cổ võ giữa loài người những quan hệ huynh đệ phổ quát. Điều hết sức quan trọng là các tôn giáo có thể hỗ trợ, trong các xã hội thường là tục hóa của chúng ta, một cái nhìn thấy được Thiên Chúa toàn năng là nền tảng của mọi sự thiện, nguồn không hề cạn kiệt của đời sống luân lý, sự nâng đỡ cho một cảm thức sâu sắc về tình huynh đệ phổ quát.

Xin đan cử một ví dụ, trong Truyền thống Do Thái - Kitô giáo, ta gặp được những lời chứng rõ ràng về tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi dân tộc Ngài đã quy tụ lại, điều này đã có ngay trong Giao ước chật hẹp với Nôê, trong một vòng ôm to lớn và duy nhất được tượng trưng bằng “cây cung giữa đám mây” (St 9, 13.14.16), dân này, theo lời của các ngôn sứ, Ngài nhắm quy tụ lại thành một gia đình phổ quát duy nhất (x. Is 2, 2tt; 42, 6; 66,18-21; Gr 4, 2; Tv 47). Trong thực tế ta gặp lại những chứng từ về dây liên kết mật thiết vẫn có trong tương quan với Thiên Chúa và nền luân lý tình yêu đối với mọi người trong nhiều truyền thống tôn giáo lớn.

Đối thoại giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo

118. Trong số những tôn giáo khác nhau, Giáo Hội “cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất” (2). Họ quy chiếu về Abraham và dâng một việc phụng tự lên Thiên Chúa đặc biệt bằng việc cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Chúng ta nhìn nhận rằng trong truyền thống Hồi giáo có hiện diện nhiều dung mạo, biểu tượng và chủ đề Kinh Thánh. Trong sự tiếp nối với công trình quan trọng của Đấng Đáng kính Gioan Phaolô II, tôi ước mong rằng các tương quan được gợi hứng bởi sự tin tưởng, đã được thiết lập từ nhiều năm giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, được tiếp tục và triển khai trong một tinh thần đối thoại chân thành và kính trọng (3). Trong cuộc đối thoại này, Thượng Hội Đồng đã bày tỏ nguyện vọng là chủ đề tôn trọng sự sống như là giá trị căn bản, và chủ đề các quyền bất khả nhượng của người nam người nữ và phẩm giá bình đẳng của họ có thể được đào sâu. Trong khi vẫn quan tâm đến vấn đề quan trọng là phân biệt giữa bình diện xã hội chính trị và bình diện tôn giáo, các tôn giáo phải mang đến phần đóng góp cho sự thiện hảo chung. Thượng Hội Đồng yêu cầu các Hội Đồng Giám mục, tại nơi nào thấy là thuận tiện và có lợi, hãy cổ võ những cuộc gặp gỡ để cho Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo hiểu biết lẫn nhau, hầu cổ võ các giá trị mà xã hội đang rất cần để có một cuộc chung sống hòa bình và tích cực (4).

Đối thoại với các tôn giáo khác

119. Trong hoàn cảnh này, mặt khác, tôi ước muốn bày tỏ lòng tôn trọng của Giáo Hội đối với các tôn giáo truyền thống và các truyền thống thiêng liêng cổ xưa của các châu lục, cũng hàm chứa những giá trị có thể hỗ trợ cho việc hiểu biết giữa những con người và các dân tộc (5). Chúng ta thường xuyên ghi nhận một sự đồng hưởng với các giá trị cũng được diễn tả trong các Sách tôn giáo của họ, chẳng hạn như sự tôn trọng sự sống, sự chiêm ngưỡng, thinh lặng, sự đơn giản trong Phật giáo; cảm thức về sự linh thánh, hy sinh và ăn chay trong Ấn giáo; và thêm nữa các giá trị gia đình và xã hội trong Khổng giáo. Chúng ta cũng khám phá ra cách thỏa đáng trong các kinh nghiệm tôn giáo khác, một sự lưu tâm chân thành đế sự siêu việc của Thiên Chúa, được nhìn nhận như là Đấng Tạo hóa, cũng như đến việc tôn trọng sự sống, hôn nhân và gia đình và đến cảm thức mạnh về tình liên đới.

Đối thoại và tự do tôn giáo

120. Tuy nhiên, việc đối thoại hẳn sẽ không phong phú, nếu nó không hàm chứa một sự tôn trọng trung thực đối với từng con người, hầu mỗi người có thể tự do gắn bó với tôn giáo của mình. Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong khi khuyến khích sự cộng tác giữa các đại diện của các tôn giáo, cũng nhắc lại rằng “cần phải đảm bảo cách hữu hiệu cho mọi tín hữu sự tự do được tuyên xưng đạo giáo riêng của họ riêng tư hay công cộng, cũng như tự do lương tâm” (6): quả thế, “sự tôn trọng và đối thoại đòi hỏi sự hỗ tương trong mọi lãnh vực, nhất là trong những gì liên hệ đến các tự do căn bản và đặc biệt hơn, tự do tôn giáo. Chúng cổ võ hòa bình và sự đồng thuận giữa các dân tộc” (7).

-------------------------------------------------------------------

(*) ĐGH BÊNÊĐITÔ XVI, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục VERBUM DOMINI, Về Lời Thiên Chúa trong đời sống và Sứ mạng của Giáo hội, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 231-235 (Bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

(1) Trong số các can thiệp nhiều loại, ta nhớ đến: Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et vivificantem (18-5-1986): AAS 78 (1986), tr. 809-900; Nt, Thông điệp Redemptoris missio (7-12-1990): AAS 83 (1991), tr. 249-340; Nt, Các diễn văn và các bài giảng tại Assisi nhân dịp Ngày cầu nguyện cho hòa bình 27-10-1986; DC s. 1929, tr. 1065-1083 và tháng 1-2002 làm vọng lại các biến cố ngày 11-9-2001: DC s. 2255, tr. 837.839-840; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về tính chất duy nhất và phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội Dominus Iesus (6-8-2000): AAS 92 (2000), tr. 742-765.

(2) X. Công Đồng Chung Vatican II, Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra aetate, s. 3.

(3) X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho các Đại sứ các nước phần lớn là Hồi giáo bên cạnh Tòa Thánh và cho một vài đại diện cộng đồng Hồi giáo tại Italia (25-9-2006): AAS 98 (2006), tr. 704-706; DC s. 2366, tr. 884-885.

(4) X. Đề nghị 53.

(5) X. Đề nghị 50.

(6) Như trên.

(7) Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho người trẻ Hồi giáo tại Casablanca bên Marốc (19-8-1985), s. 5: AAS 7 (1986), tr. 99; DC s. 1903, tr. 943.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top