Kinh Truyền Tin (22/10): Đặt đúng vị trí tầm quan trọng của Xêda và của Thiên Chúa
Vatican News
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta rằng có một số người Pharisêu hợp tác với phe Hêrôđê để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ luôn tìm cách gài bẫy Người. Họ đến gặp và hỏi Người: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22,17). Đó là một cái bẫy: nếu Chúa Giêsu hợp thức hóa việc nộp thuế, thì Người đang đứng về phía quyền lực chính trị mà người dân không chấp nhận, trong khi nếu Người nói không nộp thuế, thì Người có thể bị buộc tội nổi loạn chống lại đế quốc. Một cái bẫy thật sự. Tuy nhiên, Người đã thoát khỏi cái bẫy này. Người yêu cầu đưa cho Người một đồng tiền, trên đó có hình Xêda, và bảo họ: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (c. 21). Điều này có nghĩa là gì?
Những lời này của Chúa Giêsu đã được sử dụng phổ biến, nhưng đôi khi được sử dụng không chính xác - hoặc ít nhất là bị rút gọn - để nói về các mối tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước, giữa Kitô hữu và chính trị; chúng thường được hiểu như thể Chúa Giêsu muốn tách biệt “Xêda” và “Thiên Chúa”, tức là thực tại trần thế và thực tại thiêng liêng. Đôi khi chúng ta nghĩ như thế này: đức tin với những thực hành của nó là một chuyện và cuộc sống hằng ngày lại là một chuyện khác. Điều này không ổn. Đây là một kiểu “tâm thần phân liệt”, như thể đức tin không liên quan gì đến cuộc sống cụ thể với những thách đố của xã hội, với công bằng xã hội, với chính trị, v.v.
Trên thực tế, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta đặt đúng vị trí tầm quan trọng của “Xêda” và của “Thiên Chúa”. Việc chăm sóc trật tự trần thế thuộc về Xêda - nghĩa là thuộc về chính trị, các thể chế dân sự, các quá trình kinh tế và xã hội; và chúng ta, những người đang ở trong thực tế này, phải trả lại cho xã hội những gì nó mang lại cho chúng ta thông qua sự đóng góp của chúng ta với tư cách là những công dân có trách nhiệm, chú ý đến những gì được giao phó, thúc đẩy thăng tiến luật pháp và công lý trong thế giới việc làm, nộp thuế một cách trung thực, dấn thân vì lợi ích chung, v.v. Tuy nhiên, đồng thời, Chúa Giêsu khẳng định thực tại nền tảng là: con người, tất cả và mỗi người, đều thuộc về Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta không thuộc về bất kỳ thực tại trần thế nào, về bất kỳ “Xêda” nào. Chúng ta thuộc về Chúa và không được làm nô lệ cho bất kỳ quyền lực thế gian nào. Vì vậy, trên đồng tiền có hình của vị hoàng đế, nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc đời chúng ta, hình ảnh của Thiên Chúa đã được in sâu mà không gì và không ai có thể làm mờ đi được. Mọi sự ở thế giới này thuộc về Xêda, nhưng con người và chính thế giới đều thuộc về Thiên Chúa: chúng ta đừng quên điều đó!
Do đó chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đang đưa mỗi người chúng ta trở về lại chính căn tính của mình: trên đồng tiền của thế giới này có hình ảnh Xêda, còn trên bạn, - tôi, mỗi người chúng ta,- bạn mang hình ảnh nào? Bạn là hình ảnh của ai trong cuộc sống? Chúng ta có nhớ rằng chúng ta thuộc về Chúa, hay chúng ta để mình bị uốn nắn bởi luận lý của thế gian và biến công việc, chính trị và tiền bạc thành những thần tượng của chúng ta để tôn thờ?
Xin Đức Thánh Trinh Nữ giúp chúng ta nhận ra và tôn vinh phẩm giá của chúng ta và của mỗi con người.
---
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc lại sự quan tâm của ngài đến tình hình giữa Israel và Palestine đang gây đau khổ cho nhiều người. Ngài cầu nguyện và bày tỏ sự gần gũi với những người đau khổ, những người bị thương, các nạn nhân và gia đình của họ. Ngài cũng quan tâm đến tình hình nhân đạo tại Gaza, đặc biệt tại bệnh viện Anh giáo và giáo xứ Chính thống Hy lạp. Ngài lặp lại lời kêu gọi giúp đỡ nhân đạo và giải phóng các con tin.
Đồng thời Đức Thánh Cha cũng không quên dân tộc tử đạo Ucraina. Ngài mạnh mẽ khẳng định: chiến tranh luôn là một thất bại, là sự tàn phá tình huynh đệ nhân loại. Hãy dừng lại. Ngài nhắc lại rằng: vào thứ Sáu tới đây, 27/10, là ngày ăn chay, cầu nguyện và sắm hối vì hoà bình. Đặc biệt, lúc 18:00 tại quảng trường thánh Phêrô sẽ có một giờ cầu nguyện cho hoà bình.
Đức Thánh Cha cũng nhắc hôm nay là Ngày Thế giới Truyền giáo với chủ đề: “Tim bừng cháy, chân tiến bước”. Những hình ảnh này nói lên tất cả ý nghĩa của ngày này.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.
bài liên quan mới nhất
- Thư của Đức Thánh cha Phanxicô nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới
-
Lời giới thiệu sách: Ý nghĩa và lịch sử của hành hương -
Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại -
Một Hội thánh cùng đi với Chúa loan báo Tin Mừng -
Từ Sấm truyền đến Thánh kinh – Ngót 400 năm Tin mừng được loan báo trên đất Việt -
Ad Extra, làm thế nào biết tin tức và suy tư về sứ mạng ở Châu Á một cách sâu xa hơn -
Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo -
Để đức tin thấm vào văn hóa -
Ủy ban Giáo dân - Biên bản chương trình thường huấn “Các đoàn thể tông đồ trong Giáo hội hiệp hành”
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Giáo dân truyền giáo -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo