Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Thường niên năm B
Gn 3,1-5.10 ; 1 Cr 7,29-31 ; Mc 1,14-20
MAU MẮN ĐÁP LẠI ƠN CHÚA KÊU GỌI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 1,14-20
(14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (16) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. (17) Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (18) Lập tức hai ông bỏ chài lưới đi theo Người. (19) Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng giảng đạo tại xứ Ga-li-lê mà nội dung được tóm gọn trong câu: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Người cũng gọi bốn môn đệ tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng là hai đôi anh em: Si-mon và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Các ông đã mau mắn đáp lại bằng sự dứt khoát từ bỏ nghề đánh cá biển, từ giã cha già mà đi theo Người để học nghề đánh bắt các linh hồn.
3. CHÚ THÍCH:
- C 14-15: + miền Ga-li-lê: do vua Hê-rô-đê An-ti-pa cai trị, là một miền đất trù phú và có đông dân ngoại sinh sống. Khi khởi sự thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng tại Ga-li-lê miền đất có đông dân ngoại, cho thấy tính phổ quát của Tin Mừng của Người. +Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối là loại bỏ nếp sống cũ tin thờ tà thần và thay bằng nếp sống mới theo Đức Chúa là Đấng trọn lành. Đức Giê-su kêu gọi dân chúng phải ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng do Người loan báo.
- C 16-18: + Biển hồ Ga-li-lê: Cũng gọi là hồ Ghen-nê-xa-rét (x. Lc 5,1), hay Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1). Biển hồ này rất lớn hình quả trám, dài 21 cây số và ngang 12 cây số, thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải tới 208 mét. Đây là nơi Đức Giê-su đã kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên và nhiều lần Người giảng dạy dân chúng tại ven biển (x. Lc 5,3). Người cũng làm nhiều phép lạ tại biển hồ này: dẹp yên sóng gió (x. Mt 8,23-27), đi trên mặt nước (x. Ga 6,16-21) mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,4-11)... + Ông Si-mon với người anh là An-rê: Ông Si-mon sau được Đức Giê-su đổi tên là Phê-rô (x. Mt 16,18). Ông là em ông An-rê và là con ông Giô-na (x. Mt 16,17) hay Gio-an (x. Ga 1,42). Ông Si-mon quê thành Bét-sai-đa (x. Ga 1,44), làm nghề lưới cá tại biển hồ Ga-li-lê (x. Mc 1,16). + Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người: Hai anh em An-rê và Si-mon đã mau mắn đáp lại tiếng gọi của Đức Giê-su, bỏ nghề chài lưới bắt cá để theo làm môn đệ Người.
- (C 19-20) + Ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an: Đây là Gia-cô-bê Tiền, vì theo Đức Giê-su trước. Ông là con của ông Dê-bê-đê và là anh của Gio-an (x. Mt 4,21). Ông là một trong nhóm 3 người, được Đức Giê-su ưu ái (x. Mt 17,1). Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an cũng được Đức Giê-su đặt cho biệt danh là “Bo-a-nê-ghê”, nghĩa là “Con của Thiên Lôi” (x. Mc 3,17). + Bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền mà đi theo Người: Hai ông đã dứt khoát đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng việc từ giã gia đình để dấn thân theo làm môn đệ của Đức Giê-su.
4. CÂU HỎI: 1) Ga-li-lê là miền nào trong nước Do thái thời Đức Giê-su ? 2) Lời kêu gọi “sám hối và tin vào Tin Mừng” của Đức Giê-su có ý nghĩa thế nào ? 3) Đặc điểm của Biển Hồ Ga-li-lê là gì ? 4) Bạn biết gì về thân thế của ông Si-mon Phê-rô ? 5) Hai anh em An-rê và Si-mon đã đáp trả lời mời gọi của Đức Giê-su thế nào ? 6) Bạn biết gì về thân thế của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an ? Tại sao hai ông này lại có biệt danh là “con của thiên lôi” ? 7) Thái độ của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an trước lời mời gọi của Đức Giê-su thế nào ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SÁM HỐI - ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA TỘI:
Một hôm Xa-tan kêu trách Thiên Chúa rằng: “Chúa thật bất công! Cụ thể là có nhiều kẻ phạm đủ thứ tội ác, thế mà Ngài vẫn tha cho chúng. Có nhiều kẻ sa đi ngã lại nhiều lần cùng một thứ tội, mà khi chúng cầu xin thì Ngài lại tha cho chúng. Còn tôi, chỉ phạm tội không vâng lời một lần, thế mà Ngài lại phạt tôi phải sa hỏa ngục đời đời, và không bao giờ tha thứ cho tôi!”. Bấy giờ Thiên Chúa mới ôn tồn nói với tên quỉ rằng: “Sở dĩ Ta tha tội cho con cái loài người vì chúng đã khiêm tốn tự nhận là kẻ có tội, đã hồi tâm sám hối và cầu xin Ta tha tội cho chúng. Còn ngươi, từ khi kiêu ngạo phạm tội phản nghich bất tuân lệnh truyền của Ta và bị phạt trong lửa hỏa ngục đến nay, có khi nào ngươi khiêm nhường nhận lỗi và hồi tâm sám hối xin Ta tha thứ hay chưa ?”. Tên quỷ nghe vậy liền vênh mặt lên cười khẩy và trả lời như sau: “Hồi tâm sám hối ư ? Ta đâu có tội gì mà phải ăn năn sám hối ? Và ta cũng chẳng cần ai phải tha thứ cho ta!”
2) PHẢI SÁM HỐI VỚI LÒNG TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG:
Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tu sĩ kia đã phạm tội và bị phạt phải vào sa mạc để ăn chay đền tội trong một năm trời, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các anh em của cộng đoàn đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; còn người kia thì ốm o xanh xao. Cả hai được đòi phải đến trình diện trước mặt Bề Trên và ban cố vấn cộng đoàn để được phán quyết có đáng được tái hòa nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi trong năm qua đã suy niệm về điều gì ?
Người ốm o xanh xao trả lời:
- Trong năm qua, ngày ngày con luôn nhớ lại những tội con đã lỗi phạm và những hình phạt đáng phải chịu, nên con luôn mang tâm trạng sợ hãi không sao chợp mắt được.
Đến lượt người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
- Suốt một năm qua, từng giây từng phút, con luôn cảm tạ Chúa vì Người đã tha thứ tội lỗi cho con nên con luôn cảm thấy an tâm và ăn ngon ngủ yên.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã trở thành lời ca tụng và cảm tạ tri ân tình yêu của Chúa.
3) CẦN SỐNG ĐỨC TIN TRƯỚC KHI CHIA SẺ CHO THA NHÂN:
Đức Tổng Giám mục Helder Camara của Braxin có lần đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:
Tôi có người anh lớn hơn tôi 5 tuổi, đã rửa tội từ lúc mới sinh, và từng theo học nhiều năm trong trường dòng. Nhưng lớn lên anh bắt đầu bê trễ, bỏ đọc kinh, bỏ dự lễ, và cuối cùng bỏ… đạo.
Sau khi tôi thụ phong linh mục, anh cùng với tôi sống chung với người chị độc thân. Mỗi lần biết tôi sắp đi giảng tĩnh tâm, anh lại hỏi:
– Hôm nay chú nói về đề tài gì ?
Tôi lại có dịp giải thích cho anh những điều mình sắp giảng. Anh chỉ lắng nghe, không bình luận.
Tám năm sau, anh bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại và nói:
– Lâu nay tôi để ý quan sát, thấy không có sự cách biệt giữa lời chú giảng và việc chú làm. Vậy xin hỏi chú, tôi có thể dựa vào Đức tin của Chúa để rước lễ không ?
Tôi trả lời:
– Em tin là Chúa lòng lành vô cùng sẽ đoái thương anh.
Bấy giờ anh tôi nói trong nỗi xúc động:
– Ngay bây giờ thì chưa được đâu, vì tôi chưa xưng tội.
Tôi định tìm cho anh một linh mục khác nhưng anh đòi xưng tội với tôi. Sau khi rước lễ xong, anh thều thào trong nước mắt.
– Tôi tin, tôi tin, chú ạ. Bây giờ tôi tin không phải dựa vào đức tin của chú, mà tôi thực sự xác tín rằng Chúa yêu thương tôi!
Ít phút sau đó anh đã ra đi trong bình an, thanh thản.
Sống và chia sẻ niềm tin cho tha nhân là nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu. Điều mỗi người chúng ta cần phải làm ngay là “Sám hối và tin vào Tin mừng”.
4) QUYẾT TÂM VƯỢT QUA TRỞ LỰC ĐỂ PHỤNG SỰ CHÚA:
Bà Thánh JEANNE-FRANCOISE CHANTAL (1572-1641) là một bà mẹ rất đạo đức. Sau khi chồng qua đời, bà lo nuôi dạy và lo liệu cho bốn đứa con nên người. Sau khi cả bốn người con đều lập gia đình và có cuộc sống ổn định, bà đã được Chúa kêu gọi hãy tận hiến cuộc đời còn lại để phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật. Nhưng đến ngày từ giã gia đình lên đường thì cả bốn người con đều không đồng ý cho mẹ đi. Họ khóc lóc và nằm chận ở cửa nhà. Bấy giờ trong nước mắt nghẹn ngào, bà nói với các con: “Mẹ tuy là mẹ phải lo cho các con, nhưng mẹ cũng là con của Chúa phải lo việc nhà Chúa. Mẹ phải chu toàn bổn phận phụng sự Người đang hiện thân trong những người nghèo khổ bất hạnh». Nói xong bà đã bước qua các con để đi đến An-ne-cy, tiến hành việc thành lập một dòng tu. Đến tháng 6 năm 1610, dòng Thăm Viếng đã ra đời.
5) TRỞ THÀNH ĐÔI TAY CỦA CHÚA:
Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và sự tin tưởng của người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng minh đã cố gắng phục chế bức tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su đã bị bể tan tại quảng trường trước một nhà thờ nhỏ, là trung tâm sinh hoạt của một ngôi làng ở miền cực nam nước Ý.
Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn ráp lại hầu như toàn bộ bức tượng. Nhưng chỉ còn đôi tay của bức tượng là chưa thể hoàn tất do đã bị nát vụn. Sau nhiều giờ bàn luận và việc phục chế bức tượng sắp đi vào ngõ cụt, thì một người trong toán lính đã có sáng kiến. Anh ta mang tới hai khúc gỗ gắn vào hai tay của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ không những đã đánh động tâm hồn của dân làng, mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến thăm. Hàng chữ ấy như sau: “Bạn chính là đôi tay của Chúa”.
Thực vậy, mỗi tín hữu chúng ta phải trở thành đôi bàn tay của Chúa, tiếp tục chu toàn sứ mạng được Chúa Cha trao phó là xây dựng Nước Trời, là loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa đi khắp thế gian, đến tận cùng bờ cõi trái đất.
3. SUY NIỆM:
1) SẴN SÀNG ĐÁP LẠI LỜI CHÚA MỜI GỌI:
- Câu chuyện của ngôn sứ Gio-na (Gn 3,3-5.10):
Đức Chúa đã kêu gọi Gio-na làm ngôn sứ và sai ông đi giảng cho dân thành Ni-ni-vê hồi tâm sám hối tội lỗi hầu tránh bị trừng phạt. Lúc đầu Gio-na sợ trách nhiệm nên đã chạy trốn bằng cách lên thuyền đi về một thành phố khác. Nhưng con thuyền ông đi đã gặp bão lớn, Gio-na bị quăng xuống biển và bị một con cá lớn nuốt vào bụng, rồi ba ngày sau nó nhả ông nằm trên bãi biển gần thành Ni-ni-vê. Khi thức dậy, Giô-na hồi tâm sám hối và đã thi hành sứ mệnh được trao: Ông đã đi một ngày đàng tiến vào thành phố và rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá huỷ". Chứng kiến sự lạ Gio-na nằm trong bụng cá ba đêm ngày nên dân thành Ni-ni-vê đã sám hối và cậy tin vào Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, nên đã bỏ ý định phạt họ.
- Trẻ Sa-mu-en đáp lại tiếng Chúa (I Sam 3,3-10, 19):
Thiên Chúa gọi Sa-mu-en ba lần: Trình thuật kể: “Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: "Dạ, con đây!" Rồi chạy lại với thầy cả Hê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với Hê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi." Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với Hê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con."
Bấy giờ ông Hê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông nói với Sa-mu-en: "Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: "Lạy Đức Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe." Được sự hướng dẫn của Thầy, nên khi nghe Thiên Chúa gọi lần thứ ba, Sa-mu-en đã mau mắn thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe." Kể từ khi nhận ra tiếng Chúa, Sa-mu-en tiếp tục đàm đạo với Chúa nhiều lần. Sa-mu-en lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.
- Mau mắn đáp lại ơn Chúa kêu gọi như bốn môn đệ đầu tiên (Mc 1,14-20):
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên. Một là đôi anh em An-rê và Si-mon đang thả lưới dưới biển; Hai là đôi anh em Gia-cô-bê và Gio-an đang vá lưới trên thuyền. Các ông nghe Đức Giê-su kêu gọi đã mau mắn bỏ nghề đánh cá, bỏ lại cha già và những người làm công trên thuyền để đi theo làm môn đệ Người.
- Cần đáp lại ơn Chúa kêu gọi thế nào:
Ngày nay Chúa Giê-su cũng kêu gọi các tín hữu theo làm môn đệ Người bằng nhiều cách khác nhau: Người thì được Chúa gọi khi nghe một bài giảng trong thánh lễ; Người thì cảm phục gương sáng tốt lành, nghe lời khuyên của một linh mục hay một nữ tu thân quen; Người thì được ơn Chúa gọi sau một biến cố như qua cơn bệnh nặng, sau một thất bại, sau khi bị lừa đảo, ….
Vậy khi nghe được tiếng Chúa kêu gọi, chúng ta sẽ đáp lại thế nào: Lảng tránh trách nhiệm như ông Giô-na, hay mau mắn đáp lại như ông Sa-mu-en ? Sẵn sàng từ bỏ nghề đánh cá và từ giã người thân để theo làm môn đệ Chúa đi đánh bắt các linh hồn như bốn môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng ?
2) TÍNH CẤP BÁCH CỦA SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG NƯỚC THIÊN CHÚA:
Tình hình thế giới hiện nay: Nếu thế giới được thu gọn thành một ngôi làng có 100 người, thì chúng ta sẽ dễ hình dung ra các thành phần trên thế giới theo tỷ lệ tương ứng như sau:
- Về dân số: 57 người thuộc Á Châu, 21 người thuộc Âu Châu, 8 người thuộc Phi Châu và 14 người thuộc các châu lục khác như Mỹ châu, Úc châu và châu Đại Dương.
- Về màu da: 30 người là da trắng; 70 người là da màu như da vàng, da đỏ, da đen.
- Về tôn giáo: 30 người là Ki-tô hữu gồm Công Giáo, Tin lành, Chính Thống, Anh giáo; 70 người thuộc các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, thần đạo hay không theo tôn giáo nào.
- Về của cải vật chất: Vào năm 2018, 42 tỷ phú hàng đầu thế giới nắm giữ số tài sản tương đương với 3,7 tỷ người nghèo nhất. 1% dân số thế giới chiếm 82% tổng tài sản được tạo ra trong 2017. Người sáng lập Amazon là Jeff Bezos, hiện trở thành người giàu nhất thế giới.
- Về trình độ tối thiểu: 70 người mù chữ không biết viết biết đọc.
- Về đời sống: 50 người thiếu ăn, bị suy dinh dưỡng.
- Về nhà ở: 80 người ở nhà ổ chuột không đủ tiêu chuẩn hay lang thang không nhà.
- Về văn hóa: Chỉ có một người là tốt nghiệp đại học!
Thực trạng nói trên cho thấy nhu cầu cấp bách của sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Vậy mỗi người chúng ta sẽ chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng thế nào ?
3) CHU TOÀN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG:
- Giá trị của lối sống chứng nhân:
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Như vậy, chúng ta có quyền nghĩ rằng: nếu đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, thì ngược lại, không có gì nguy hại cho công cuộc truyền giáo bằng một lối sống phản chứng nơi người Kitô hữu! Mỗi tín hữu cần tránh những hành động bất công sai trái và sự bất hòa chia rẽ nội bộ.
- Loan báo Tin Mừng cụ thể là gì ?
Loan báo Tin Mừng Nước Trời không những là nói về đạo cho người chưa biết Chúa, mà còn bằng việc góp phần kiến tạo một « Trời Mới Đất Mới » bắt đầu từ việc sám hối, góp phần xóa bỏ các tệ nạn và bất công xã hội, đến việc xây dựng cho gia đình và khu phố mình đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn.
- Cần ý thức giới hạn của sức riêng mình:
Bấy giờ Đức Giê-su bảo Si-mon: “Hãy ra khơi thả lưới bắt cá ». Si-mon nói lên sự bất lực của mình: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Chính nhờ biết tin cậy và làm theo lời Chúa, mà Si-mon đã bắt được một mẻ cá lớn đến nỗi lưới hầu như bị rách. Qua đó cho thấy: về phạm vi đức tin, nếu làm theo ý riêng thì sẽ thất bại, nhưng nếu nghe theo lời Chúa thì chắc chắn sẽ thành công.
- Luôn tin cậy vào ơn Chúa trợ giúp: Trước sứ mạng được Chúa trao phó, thay vì sợ hãi thoái lui như ngôn sứ Gio-na xưa, chúng ta hãy cầu xin với lòng cậy trông phó thác như ngôn sứ Sa-mu-en: « Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe », rồi mau mắn thi hành lời Chúa dạy, bằng cách đi bước trước đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật và người lương chưa biết Chúa, để cảm thông và khiêm tốn phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó mọi người sẽ nhận biết tin yêu Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ với chúng ta.
4. THẢO LUẬN:
Trong những ngày này, mỗi người chúng ta cần làm gì cụ thể để giới thiệu Chúa cho người thân, cho lối xóm, và góp phần biến đổi môi trường sống và làm việc ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn ?
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con ý thức sứ mạng phải tích cực làm chứng cho Chúa mọi lúc và mọi nơi. Để chu toàn sứ mạng quan trọng này, xin cho chúng con biết năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa để hồi tâm sám hối tội lỗi, rồi cùng nhau thi hành các việc bác ái yêu thương như: đi thăm bà con lương dân, chia sẻ tiền bạc vật chất cho những người nghèo khó, khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật neo đơn, an ủi động viên những người đau khổ bất hạnh... Xin cho chúng con biết cảm thông với Hội Thánh, tích cực cộng tác với các mục tử đi thăm viếng để đưa nhiều chiên lạc về với Chúa, hầu làm cho Nước Chúa mau hiển trị.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
bài liên quan mới nhất
- Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C
-
Hiệp sống Tin mừng: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm - Rạng đông - Ban ngày) -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Mầu nhiệm của niềm hy vọng -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Mừng -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Kitô Vua -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Tâm tình Mùa Chay
-
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 13 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Hiệp sống Tin mừng ngày 29/06: thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Phục sinh -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Đêm Vọng Phục sinh