Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 6 Thường niên năm A
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 6 TN A
Hc 15,16-21; 1 Cr 2,6-10; Mt 5,17-37
KIỆN TOÀN LUẬT MÔ-SÊ BẰNG LUẬT MỚI YÊU THƯƠNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 5, 17-37.
(17) “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. (19) Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. (20) “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. (21) “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; Ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. (22) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. (23) Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, (24) thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (25) Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. (26) Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng. (27) “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (29) Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. (30) Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục. (31) “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. (32) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình. (33) “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (35) Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. (36) Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. (37) Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
2. Ý CHÍNH:
Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại các lời dạy của Đức Giê-su trong nhiều thời điểm khác nhau liên quan đến Tám Mối Phúc Thật làm thành một bài giảng dài gọi là Bài Giảng Trên Núi. Qua đoạn này Người dạy dân chúng về tương quan giữa Người với Luật Mô-sê: Người đến không phải để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn Luật Cũ của Mô-sê bằng Luật Mới của Người là “mến Chúa yêu người”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 17-19: + Luật Mô-sê: Gồm 5 cuốn đầu của bộ Kinh Thánh Cựu Ước gọi là Ngũ Kinh như sau: Sáng Thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ Nhị Luật. + Lời các ngôn sứ: Là các sách ghi những lời tuyên sấm của các ngôn sứ. Kiểu nói Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ ám chỉ toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. + Thầy đến không phải là để bãi bỏ…: Vì Đức Giê-su dạy một số điều xem ra không giống như Luật Mô-sê và lời giáo huấn của các ngôn sứ mà các Luật sĩ vẫn giải thích khi giảng dạy trong các hội đường Do thái. Chẳng hạn: Rượu mới bình mới (x Lc 5,37-39), Con Người làm chủ ngày sa-bát (x Mt 12,8), Con Người có quyền tha tội (x Mt 9,6), Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền (x Mt 7,29)… nên nhiều người nghĩ rằng Đức Giê-su đã hủy bỏ Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ. Do đó, trong đoạn này Đức Giê-su khẳng định Người đến không phải để hủy bỏ mà để kiện toàn Luật Mô-sê, bằng cách dạy người ta giữ Luật với tinh thần yêu mến Thiên Chúa thay vì vụ vào Luật theo nghĩa đen trong từng chi tiết. + nhưng là để kiện toàn: Đức Giê-su kiện toàn bằng cách Người thực hiện các lời ngôn sứ tiên báo về Đấng Thiên Sai (x Mt 2,23); Người rút lại điều khoản Luật cho phép ly hôn (x Mc 10,5-12); Người cố ý chữa bệnh trong ngày sa-bát, nhằm dạy môn đệ thánh hoá ngày này bằng cách làm các việc lành là chia sẻ phục vụ tha nhân, thay vì không được làm bất cứ việc gì (x Mc 2,27-28); Người cố ý không rửa tay trước khi dùng bữa nhằm dạy người ta phải tẩy rửa tội lỗi trong tâm hồn thay vì chỉ rửa tay chân hay tắm rửa ngoài thân xác mà thôi (x Mt 15,1-9.10-20)… + Một chấm một phết trong Lề Luật: Sau khi đã loại bỏ những điều không phù hợp hoặc những điều nặng hình thức bên ngoài, Đức Giê-su dạy môn đệ phải tôn trọng mọi điều khoản khác của Lề Luật (x Mt 9,17). + Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời: Nhỏ hay lớn ở đây không phải về cấp bậc cao thấp, mà về lối sống được chấp nhận hay không trong Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập.
- C 20-26: + Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời: Sự công chính theo các kinh sư và người Pha-ri-sêu là do có tuân giữ Luật Mô-sê cách cặn kẽ hay không. Còn sự công chính theo Đức Giê-su dạy là do tuân giữ Luật của Chúa với lòng yêu mến và nhằm tôn vinh Thiên Chúa. + Anh em đã nghe Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Đức Giê-su nêu ra 6 điều trong Luật Mô-sê được Người kiện toàn. + Chớ giết người… Ai giận anh em mình…. Ai mắng anh em mình… Còn ai chửi anh em mình…: Luật Mô-sê chỉ cấm giết người thực sự. Còn Đức Giê-su kiện toàn luật này khi cấm gây đau khổ về tinh thần cho tha nhân như: cấm cả việc mắng hay chửi rủa tha nhân, vì cũng gây thiệt hại giống giết hại và làm đổ máu người anh em mình. + đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng… đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt: Tuy những lời mắng chửi anh em là “ngốc, khùng” không đáng bị phạt nặng, nhưng chính sự giận ghét căm thù anh em đều đáng bị kết án và sẽ bị trừng phạt nặng nề ở đời sau. + Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ: Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là lối sống mến Chúa yêu người. Do đó, trước khi dâng lễ vật trên bàn thờ, phải lo hòa giải với những ai đang có sự bất hòa với mình. Việc làm hòa là điều kiện để lễ vật dâng lên xứng đáng được Chúa vui nhận. + Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công…: Cần làm hòa ngay khi còn sống. Đừng đợi đến lúc chết mà vẫn còn giận ghét anh em, vì bấy giờ họ sẽ bị kết án và sẽ phải đền là “trả hết đồng xu cuối cùng”.
-C 27-32: + Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình…Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết…: Luật Mô-sê cấm ngoại tình (x Xh 20,14; Ds 5,18). Nhưng chỉ có tội thực sự khi hành động. Còn những điều ở trong đầu như ước muốn ngoại tình thì không có tội. Đức Giê-su kiện toàn bằng lời dạy: Ước muốn tà dâm trong tâm trí cũng có tội giống như đã hành động thực sự rồi. Do đó, người ta phải tránh mọi tư tưởng xấu và phải xa lánh dịp tội là những nguyên nhân dẫn đến hành động phạm tội. + Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã…: Kiểu nói cường điệu “móc mắt, chặt tay” ở đây nhằm nhấn mạnh phải tránh mọi dịp tội, thà chết chẳng thà phạm tội, thà hy sinh một phần thân thể mà được ơn cứu độ còn hơn có đầy đủ các phần thân thể mà toàn thân phải sa vào hỏa ngục. + Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Luật Mô-sê cho phép chồng ly dị vợ bằng cách trao cho vợ tờ giấy ly thư (x Đnl 24,1). Nhưng Đức Giê-su đã rút lại điều khoản này. Theo Người, sở dĩ Luật Mô-sê phải tạm thời cho phép ly hôn là do lòng dạ chai đá của những người đương thời (x Mt 19,8-9). Đức Giê-su kiện toàn điều này: Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình và ai cưới người đàn bà bị bỏ kia, cũng phạm tội ngoại tình”. + Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp: Câu này không có trong Tin mừng Mác-cô (Mc 10,11-12) và Lu-ca (Lc 16,18). Hội Thánh không chấp nhận ly hôn vì muốn bảo vệ đặc tính vĩnh hôn như Lời Chúa phán: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6b). Người Tin lành và Chính Thống giải thích Chúa cho phép ly hôn nếu một bên ngoại tình. Còn các nhà chú giải Kinh Thánh Công Giáo giải thích trường hợp nói đây là hôn nhân bất hợp pháp, nghĩa là kết hôn trái luật Chúa và không được Hội Thánh công nhận. Do đó hai người không được tiếp tục chung sống như vợ chồng. Nếu Đức Giê-su cho phép vợ chồng ly dị vì lý do ngoại tình thì giáo lý của Người cũng đâu có gì khác và trổi vượt hơn so với Luật Mô-sê. Thánh Phao-lô cũng cấm sự ly hôn và chỉ cho hai vợ chồng sống “ly thân”, nghĩa là vừa không sống chung với nhau vừa không kết hôn với người nào khác (x 1 Cr 7,10-11).
-C 33-37: + Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả: Luật Mô-sê cho phép thề với điều kiện phải giữ trọn lời đã thề hứa. Nhưng Đức Giê-su kiện toàn khi dạy không được thề. Tuy nhiên đây chỉ là lời khuyên chứ không cấm vì lý do sau: Một là chính thánh Phao-lô cũng đã nhiều lần lấy danh Chúa mà thề: “ Phần tôi, có Thiên Chúa chứng giám, tôi xin lấy mạng sống mà thề rằng: …”(2 Cr 1,23; Rm 1,9; Gl 1,20…). Hai là Đức Giê-su có lần mặc nhiên chấp nhận lời thề của Thượng tế khi ông ta nói: “Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống, mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: Ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó…” (Mt 26,63-64). Ngày nay trong một vài trường hợp đặc biệt không rõ sự thực, Hội Thánh cũng đòi các tín hữu phải đặt tay trên Sách Thánh Kinh để thề, và phải tôn trọng tuân giữ lời đã thề (Sách GLCG Tân Định số 309 về điều răn thứ II).
4. CÂU HỎI:
1) Hãy trưng dẫn Đức Giê-su đã kiện toàn Luật Mô-sê trong những trường hợp nào? 2) Phải chăng Đức Giê-su cho phép vợ chồng được ra tòa ly hôn để lấy người khác khi một trong hai người phạm tội ngoại tình?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHIẾC NHẪN KỲ DIỆU:
Truyện cổ Đông phương có câu chuyện như sau: Ngày xưa có một vị đạo sĩ dâng cho vị Đại vương một chiếc nhẫn thần kỳ diệu và quý giá. Nó vô giá vì được làm bằng vàng mười và trên mặt nhẫn có gắn nhiều viên kim cương chiếu sáng lấp lánh. Ngoài ra chiếc nhẫn này còn kỳ diệu ở chỗ: Người nào đeo nó mà làm tốt thì chiếc nhẫn đeo trên ngón tay sẽ vừa khít và các viên kim cương sẽ phát ra ánh sáng lấp lánh. Nhưng nếu người đeo nhẫn làm điều gì thất nhân ác đức, thì chiếc nhẫn sẽ siết lại làm ngón tay đeo nó bị sưng to đau đớn. Từ ngày đeo chiếc nhẫn thần này, vị Đại vương do luôn được cảnh báo nên đã trở thành một vị vua anh minh nhân hậu, khiến thần dân kính phục, và đất nước ngày một cường thịnh.
Mỗi người trong chúng ta cũng có một chiếc nhẫn kỳ diệu và quý giá là Lời Chúa và tiếng lương tâm cáo trách. Nếu chúng ta làm điều thiện thì lương tâm sẽ được bình an. Nhưng nếu ta để lòng thù ghét tha nhân thì cho dù không ai hay biết, nhưng ta vẫn bị tiếng lương tâm cáo trách. Tiếng ấy chính là tiếng Chúa để khuyên ta làm lành lánh dữ.
2) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU VÀ SỰ KHIÊM TỐN NHẬN LỖI:
Gần đây tạp chí Reader’s Digest có đăng một câu chuyện cảm động về tình yêu giữa hai vợ chồng như sau:
Có đôi vợ chồng nhà kia thường tranh cãi hơn thua với nhau. Lần kia, trong lúc đang to tiếng tranh cãi thì người chồng đột nhiên im lặng và ôn tồn nói với vợ rằng: “Thôi, chúng ta đã cãi nhau nhiều lần mà đâu có người chiến thắng. Vậy bây giờ thay vì cãi nhau, mỗi người chúng ta hãy lấy giấy bút viết ra những lỗi lầm của nhau trong mười phút, xem ai sai lỗi nhiều hơn nhé”. Người vợ liền đồng ý. Sau đó anh chồng lấy giấy ra và bắt đầu viết. Thấy vậy, cô vợ không chịu thua cũng ngồi xuống viết liên hồi. Cô kể ra mọi sai lỗi của chồng trong quá khứ mà cô vẫn còn nhớ. Cô cảm thấy rất hả hê khi trang giấy của cô mỗi lúc một nhiều thêm về những sai lỗi của chồng. Sau mười phút, hai người trao bản cáo trạng cho nhau. Nhưng rồi sự lạ xảy ra là khi cầm tờ giấy của chồng, nét mặt cô vợ từ vẻ hả hê ban đầu đã biến đổi vì hối hận. Cô vội chạy lại giật lấy tờ giấy vừa trao cho chồng và ôm choàng lấy anh mà khóc. Sở dĩ kết quả bất ngờ tốt đẹp như vậy là do trên tờ giấy của anh chồng, cô chỉ đọc thấy dòng chữ như sau: “Anh rất yêu em và nhiều lần đã có lỗi với em. Anh rất hối hận và ngàn lần xin lỗi em. Hãy tha thứ cho anh nhé em yêu!”.
3) PHẢI NÊN THÁNH TOÀN DIỆN CHỨ KHÔNG NỬA VỜI:
Một hôm, một người tín hữu gặp người bạn vô tín. Anh bạn vô tín lên tiếng hỏi:
- Anh mới đi đâu về vậy?
- Tôi vừa từ nhà thờ về.
- Hôm nay, ở nhà thờ anh nghe giảng đề tài gì?
- Giảng về vấn đề người tín hữu phải nên thánh.
- Vậy anh đã nên thánh chưa?
Anh tín hữu đáp:
- Anh cứ coi mặt tôi đây thì biết.
- À để tôi coi thử.
Nói rồi, anh ta tát một cái thật mạnh vào mặt anh tín hữu. Anh này liền nổi giận chửi mắng anh bạn vô tín kia và muốn đánh lại. Bấy giờ anh bạn vô tín liền nói:
- Nếu nên thánh thì lẽ ra anh đã phải sống lời Chúa dạy là có lòng từ bi thương xót và tha thứ cho những kẻ thù ghét bách hại mình mới phải. Thế tại sao anh lại chửi lại và muốn đánh tôi khi tôi mới chỉ tát anh có một cái? Anh tín hữu trả lời:
- Tôi đã nói với anh là tôi mới chỉ nên thánh trên mặt. Còn cái miệng và tay chân thì chưa nên thánh, nên tôi vẫn có quyền đánh anh chứ.
Anh bạn vô tín liền vui vẻ nói:
- Thôi. Tôi tưởng anh phải nên thánh trọn vẹn chứ. Nếu anh mới nên thánh nửa vời như vậy thì anh đâu hơn gì tôi? Tôi đề nghị nếu quyết tâm nên thánh thì anh sẽ phải nên thánh cả hồn lẫn xác, từ trong tư tưởng, lời nói đến việc làm mới phải.
4) HẬU QUẢ CỦA THÁI ĐỘ THIẾU KHOAN DUNG:
Trong một trường nội trú kia, một số học sinh thường hay to tiếng cãi lộn và đánh nhau làm mất trật tự và gây náo loạn trong trường. Một hôm thầy giám thị yêu cầu mỗi học sinh phải đeo một chiếc túi ny-lông và nhà trường sẽ cung cấp một bao đầy các củ khoai tây nhỏ để ở cái sọt cuối hành lang. Sau đó, thầy giám thị yêu cầu các em mỗi khi bị bạn bè xúc phạm, thay vì tranh cãi hoặc đánh lộn như trước, thì hãy lẳng lặng đến sọt ở cuối hành lang lấy ra một củ khoai, lột vỏ và viết ngày giờ cùng tên người kia trước khi bỏ củ khoai đó vào túi ny-lông đeo luôn bên mình. Trong ngày các em phải luôn đeo túi ny-lông: khi đi học, ăn cơm hay cả lúc đi ngủ… Sau vài ngày, túi của nhiều em học sinh đã có nhiều khoai tây. Sự phiền phức khi phải mang vác chiếc túi khoai khiến các em cảm nghiệm được gánh nặng tinh thần phải chịu đựng. Sau mấy ngày, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ nhầy nhụa hôi hám và các em chỉ muốn mau vứt nó đi.
Bấy giờ, thầy giám thị mới tập trung và nói: Các em thấy đó. Sự giận dữ một ai đó chỉ là gánh nặng cho chúng ta. Nó làm chúng ta mất nhiều thời gian quan tâm tới nó; Nhiều khi nó còn gây cho người khác bị bực bội nữa… Như vậy tha thứ chính là cách làm cho tâm hồn chúng ta được thanh thản, giúp cuộc sống của chúng ta luôn bình an, và là phương thế mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta. Thế nhưng, nói thì dễ mà không dễ làm chút nào. Vì tính tự ái, vì thiếu lòng quảng đại, nên chúng ta thường hay nuôi hận thù và như vậy là đã tự làm khổ mình và những người sống gần bên chúng ta.
5) THẾ NÀO LÀ MỘT VỊ THÁNH HOÀN HẢO?
Có một thanh niên đến xin tu học với một vị ẩn sĩ trên núi nổi tiếng nhân đức thánh thiện. Sau vài năm theo học, một hôm anh ta đến xin thầy cho xuống núi hành đạo, vì cảm thấy mình đã thành một người thánh thiện. Bấy giờ vị thầy mới hỏi: “Từ ngày lên núi ở với thầy đến nay con đã đạt được mức độ thánh thiện nào rồi?”. Anh tu sĩ liền khoe: “Con đã sống rất kham khổ, đã làm nhiều việc hành xác như: không ăn thịt cá mà chỉ ăn rau cỏ, kiêng cữ uống rượu, loại bỏ các lạc thú xác thịt và tránh những món ăn ngon. Ban đêm con nằm ngủ trên nền đất lạnh giá và còn đánh tội mỗi ngày 3 lần!”. Nghe vậy, vị thầy liền mỉm cười và ôn tồn nói: “Sự thánh thiện của con cũng khá đó. Tuy nhiên, con hãy nhìn ra sân sau nhà mình mà xem con lừa của chúng ta: Ban ngày nó chỉ ăn cỏ ngoài cánh đồng, ban đêm nằm ngủ trên nền đất lạnh giá. Nó cũng không uống rượu và không hưởng các lạc thú xác thịt. Thân thể của nó cũng bị chủ đánh đòn ít nhất 3 lần mỗi ngày. Thầy nói thật cho con biết: Hiện giờ sự thánh thiện của con mới đang ở mức thấp nhất, chứ đừng nói là đã thực sự nên thánh! ».
Anh tu sĩ đã nghĩ lầm rằng: khi anh tuân giữ một số hình thức tu đức là đã đạt được mức độ thánh thiện cao, đang khi theo thầy anh đánh giá thì sự thánh thiện của anh mới chỉ bằng con lừa mà thôi!
3. SUY NIỆM:
1) ĐỨC GIÊ-SU KHÔNG HỦY BỎ NHƯNG KIỆN TOÀN LUẬT MÔ-SÊ:
Luật Mô-sê tuy đã tiến bộ nhiều vào thời bấy giờ, nhưng vẫn còn một số thiếu sót cần được kiện toàn như lời Đức Giê-su: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”. Đức Giê-su đã kiện toàn Luật Mô-sê cụ thể như sau:
a) Kiện toàn luật hưu lễ ngày Sa-bát: Người đã chữa lành cho người có tay khô bại (x. Mt 12,9); cho người đàn bà bị còng lưng (x. Lc 13,10); cho người mắc bệnh phù thũng (x. Lc 14,1); cho người bất toại nằm bên bờ hồ trong đền thánh (x. Ga 5,1t); hóa bánh ra nhiều (x. Ga 6,4); chữa lành người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9,16). Người khẳng định: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27).
b) Kiện toàn luật cấm giết người: Luật Mô-sê dạy: “Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5,21). Còn Đức Giêsu cấm cả nguyên nhân dẫn đến giết người như “giận”, “mắng” và “chửi” anh em (x. Mt 5,22). Về sau thánh Gio-an cũng dạy: “Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15).
c) Kiện toàn luật cấm ngoại tình: Luật Mô-sê cấm hành động ngoại tình. Đức Giêsu không những cấm hành động mà còn cấm cả nguyên nhân phát sinh ngoại tình như sau: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Người mời gọi chúng ta phải dứt khoát với tội lỗi như sau: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục” (Mt 5, 29-30).
d) Kiện toàn luật cấm ly dị: Luật Mô-sê dạy: “Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.” Đức Giêsu cấm hẳn ly dị hoặc đa thê. Ngài nhấn mạnh: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5,32).
e) Kiện toàn luật cấm thề gian: Luật Mô-sê cho phép thề, chỉ cấm bội thề. Còn Đức Giê-su dạy: “Đừng thề chi cả” (Mt 5,34-36). Cần phải ăn nói trung thực để thuộc về Chúa và tránh theo phe ma quỷ: “‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Ngoài ra, Đức Giêsu còn kiện toàn luật ăn chay, cầu nguyện, bố thí (x. Mt 6,1-18), luật báo thù (x. Mt 5,38-42), luật yêu thương (x. Mt 5,43-48).
Tóm lại: Đức Giêsu không những nêu gương tuân giữ Lề Luật mà Người còn kiện toàn Lề Luật theo tiêu chuẩn mến Chúa yêu người.
2) TRÁNH NGUYÊN NHÂN PHẠM TỘI:
- Mắt là cơ quan tiếp thu thế giới bên ngoài. Mắt không những là cửa sổ, mà còn là cửa chính của tâm hồn. Các cơn cám dỗ thường qua các cửa đó để vào tâm hồn con người: E-và nhìn trái cấm, Đa-vít nhìn người phụ nữ khêu gợi. Cái nhìn sẽ thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, và thúc bách để người ta thoả mãn các lạc thú bất chính.
- Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới “Nghe nhìn”: Tivi, phim ảnh, sách báo, video, thời trang, quảng cáo… tất cả đang tìm cách lôi cuốn cái nhìn của con người, thúc bách họ tìm cách thoả mãn các đam mê lạc thú bất chính.
- Vậy chúng ta phải làm gì để luôn giữ cho đôi mắt được trong sáng như trẻ thơ?
Làm thế nào để lòng trí chúng ta không bị vấy bẩn do các hình ảnh dâm ô tục tĩu?
Làm sao để chúng ta biết nhìn người khác phái như là người thân của mình?
Làm sao để người phụ nữ không tự biến mình thành đồ chơi cho những kẻ dâm ô?
3) THỰC THI LUẬT CŨ BẰNG LUẬT MỚI YÊU THƯƠNG:
- Từ khi ra giảng đạo, Đức Giê-su tuy không loại bỏ Luật Mô-sê, nhưng đã thay Luật Cũ nặng hình thức bề ngoài, bằng Luật Mới yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
- Ngày nay sự công chính hay thánh thiện không hệ tại ở việc giữ Luật Mô-sê, mà ở lòng tin vào Đức Giê-su như tông đồ Phao-lô khẳng định: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28). Thánh Au-gus-ti-nô cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh đến lòng tin yêu khi giữ luật: “Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis). Vì “Ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). “Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
4) PHẢI THỰC THI YÊU THƯƠNG CỤ THỂ NHƯ THẾ NÀO?
- Yêu thương không phải chỉ bằng lời nói suông, hay bằng tình cảm nhất thời, nhưng phải bằng việc làm cụ thể như kinh Thương Người. Thánh Gia-cô-bê dạy: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2, 15-16).
- Đến ngày tận thế khi đến lần thứ hai để xét xử muôn dân, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ xét theo tiêu chuẩn bác ái cụ thể như sau: “Bấy giờ, Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-36.40).
4. THẢO LUẬN:
Đức Giê-su coi việc làm hòa với tha nhân trọng hơn việc dâng lễ Đền thờ. Vậy mỗi người tín hữu chúng ta cần làm gì mỗi khi đi dâng lễ tại nhà thờ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy đổ ơn Thánh Thần biến đổi con nên người mới:
Xin biến đổi mắt con mỗi lần con thấy Chúa hiện thân nơi những kẻ nghèo hèn.
Xin biến đổi môi miệng con mỗi lần con rước Chúa vào lòng trong thánh lễ.
Xin biến đổi tai con mỗi lần con nghe Chúa dạy qua các mục tử trong Hội Thánh.
Xin làm cho khuôn mặt con được rạng ngời ánh sáng mỗi lần con tiếp xúc với Chúa.
Ước chi mọi người nhìn thấy sự tươi vui của Chúa qua nụ cười của con; Thấy sự dịu dàng của Chúa qua lời nói và hành động của con. Xin cho con biết nhẫn nhịn tha nhân và đồng hành với Chúa trên mọi nẻo đường phục vụ tha nhân giữa đời thường. -Amen.
LM ĐAN VINH
bài liên quan mới nhất
- Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C
-
Hiệp sống Tin mừng: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm - Rạng đông - Ban ngày) -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Mầu nhiệm của niềm hy vọng -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Mừng -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Kitô Vua -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Tâm tình Mùa Chay
-
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 13 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Hiệp sống Tin mừng ngày 29/06: thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Phục sinh -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Đêm Vọng Phục sinh