GP. Vĩnh Long: Thư Mục vụ tháng 2

GP. Vĩnh Long: Thư Mục vụ tháng 2

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2
Vĩnh Long

22.1.2011

V/v Đưa Tin Mừng vào văn hóa dân tộc 

Để thực sự là Hội Thánh của Chúa Kitô nhập thể và nhập thế, Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình ( SĐ Đại Hội Dân Chúa số 4) 

1. Đại Hội Dân Chúa nêu lên bổn phận của mỗi tín hữu tại Việt Nam, Giáo dân, Tu sĩ cũng như Linh mục, bổn phận bắt nguồn từ mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế (x.Mc 16,15). Nhưng phải chu toàn bằng cách nào ?

Phát xuất từ đất Do Thái (Á châu), Tin Mừng được rao giảng ở Âu Châu, rồi nhờ các Nhà Truyền Giáo, được đưa sang Mỹ châu, Phi châu, Đại Dương châu và Á châu . Việc loan báo Tin Mừng chắc chắn phải theo khuôn mẫu của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Chúa Kitô.

2. Để cứu chuộc phàm nhân tội lỗi, Con Một Thiên Chúa đã mặc xác phàm, làm người thật có hồn có xác, làm con của Đức Maria trong gia đình Nadarét được gọi là con của bác thợ mộc Giuse, con của Đavid, của Abraham, nhưng vẫn là Con chí ái của Chúa Cha. Như vậy, Người đã nối kết con người với Thiên Chúa, và liên đới với hết mọi người, để làm Thủ lãnh mới của nhân loại. Con Thiên Chúa làm Người, để con người được trở nên con Thiên Chúa, trở thành anh chị em của nhau (x. Gioan 1,12; 11,52; Mt 8,1).

3. Làm người Do Thái, Chúa Giêsu đã được cắt bì, được tiến dâng trong Đền Thờ theo Luật dạy, hàng năm theo cha mẹ lên Jerusalem tham dự các ngày Lễ của người Do Thái.

Chúa Giêsu đón tiếp mọi hạng người, cả dân ngoại: viên sĩ quan có người giúp việc đau nặng (Mt 8,5-13); người phụ nữ Canaan có đứa con gái bị quỉ ám (Mt 15,21-28; Mc 7,24-30); đến gặp người phụ nữ xứ Samaria ở giếng Giacob (gioan 4,6tt).

4. Nhưng Người không để bị ràng buộc bởi những người Do Thái cố chấp, tự phụ, kiêu căng. Người chữa bệnh ngày sabbat, chạm đến người phong cùi, gần gũi những người tội lỗi: đến nhà của Zakêô (Lc 19,1tt); nhà của Lêvi người thu thuế (Lc 5,29tt) , cho phép người phụ nữ xấu nết thành Magdala đi theo giúp Người (Lc 8,2-3) bất chấp những dò xét và lên án của các luật sĩ và Pharisêu.

Và, còn hơn thế nũa, Người chống lại thói giả hình của các người biệt phái: dụ ngôn người Pharisêu và người Thu thuế cầu nguyện (Lc 12,1); hủy bỏ tục lệ ly hôn (Mt 19,3-9).

Chúa Giêsu không đến để phá đổ, nhưng để kiện toàn. Chống lại thói kiêu căng, Người mời gọi mọi người: Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mt 11,29). Để chống lại tệ nạn ly hôn ly dị, Người củng cố dây hôn phối : Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly (Mt 19,6).

5. Đặt chân lên Đất Việt Nam, các Nhà Truyền Giáo đã nỗ lực rao giảng Chúa Kitô. Nơi nào quy tụ được một số bổn đạo, thì có những sinh hoạt tôn giáo tại chỗ họ ở, ban đầu có tính cách gia đình, về sau vận động cất một Nhà Thờ đơn sơ làm nơi đọc kinh chung. Khi thuận tiện, mời linh mục đến dâng Thánh Lễ. Đó là khởi điểm của Họ hay Họ Nhà Thờ.

Theo phong tục của người Việt Nam, mỗi người mang tên của Dòng Họ mình, biểu hiện liên hệ gia đình, họ hàng thân thích. Danh từ Họ có tính cách xã hội , được dùng cho một nhóm bổn đạo, nói lên sự kết hợp chặt chẽ giữa các bổn đạo với nhau trong cùng một Họ. Loại Họ như vậy có trước hết ở Đàng Trong vào năm 1615 (x. Đỗ Quang Chính, sj, Tán mạn Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, 240tt)..

Họ Nhà Thờ, từ đó, trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, nếp sống của bổn đạo cũng được phát triển về mọi mặt: đạo nghĩa cũng như kiến thức, đời sống cá nhân cũng như xã hội.

Đám cưới của người Công Giáo với các lễ Nhóm Họ, Giới thiệu bà con bên nội bên ngoại mang nét đặc biệt của dân tộc làm nổi bật liên hệ gia tộc. Lời Chúc Hôn được cử hành, sau khi đón cô dâu về nhà trai, vừa có tính cách thánh thiêng, vừa làm cho lễ cưới thêm trang trọng, cầu xin ơn Chúa gìn giữ và củng cố tình yêu của đôi bạn.

Hoàn cảnh xã hội hôm nay đang có chiều hướng thay đổi truyền thống tốt đẹp này, giản lược đám cưới thành bữa tiệc quy tụ bạn bè vui chơi.

Con Thiên Chúa nhập thể, để cho con người được đến gần Thiên Chúa, và nhập thế, để biến đổi và thăng hoa con người.

Mong sao cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô luôn luôn là ánh sáng chiếu soi và đổi mới đời sống các tín hữu. Và Chúa là Mùa Xuân Bất Diệt của chúng ta. 

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục của Anh Chị Em

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top