GP. Phan Thiết: Thư mục vụ Mùa Chay 2011
Kính gửi:
Anh em linh mục, chủng sinh;
Anh chị em tu sĩ, giáo dân Giáo Phận Phan Thiết
Anh chị em thân mến,
Nối tiếp mùa xuân đất trời, với những niềm vui rộn ràng ghi dấu năm đầu của thập kỷ mới, Mùa Chay linh thiêng lại về với đời sống tín hữu Công giáo chúng ta. Mùa chay là thời gian 40 ngày dọn lòng mừng lễ Phục Sinh, trải dài từ Lễ Tro cho đến Tuần Thánh, lặp lại thời gian 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu năm xưa khi chuẩn bị bước vào đời công khai rao giảng Tin Mừng (Mt 4,2). Con số 40 còn lặp lại nhiều biến cố khác trong lịch sử cứu độ như 40 ngày của Êlia trên núi Horeb dọn mình thực thi sứ vụ Chúa trao (1 V 19,8), như 40 ngày của Môsê trên núi Sinai chuẩn bị đón nhận thập điều Chúa dạy (Xh 34,28), và như 40 năm dân Chúa lưu lạc trong hoang địa dọn lòng đặt chân vào đất hứa. Mùa Chay như vậy là thời điểm thuận lợi để sống mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa Kitô thông qua việc chay tịnh để sẵn sàng mừng lễ Phục Sinh. Nhưng Mùa Chay không chỉ là việc chay tịnh, cho dẫu khởi đầu và kết thúc Mùa Chay được diễn ra bằng việc buộc ăn chay và kiêng thịt thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Mùa Chay còn là mùa xuân tâm hồn với những sinh hoạt đổi mới đời sống đức tin.
1. Mùa Chay là mùa cầu nguyện
Trong mối tương quan đối với Thiên Chúa, cầu nguyện là một sinh hoạt thường xuyên ví như hơi thở. Ngày nào còn thở, ngày ấy còn sống; ngày nào còn cầu nguyện, ngày ấy còn nhận được sự sống từ chính Thiên Chúa. Giống như tắt thở đồng nghĩa với chết, hết cầu nguyện có nghĩa là tự tách mình ra khỏi sự sống thần linh. Ngày nào cũng cần cầu nguyện, nhưng Mùa Chay là mùa thực hành việc cầu nguyện một cách đậm đặc hơn, cả về thời lượng lẫn chất lượng.
Đọc kinh sáng tối theo lối truyền thống hay theo các giờ kinh phụng vụ là một cách cầu nguyện cơ bản không thể thiếu được. Đọc và suy niệm Phúc Âm là một cách cầu nguyện đem lại kết quả phong phú cho đời sống tâm linh cũng như cho đời sống xã hội, đã được chứng thực qua kinh nghiệm của Giáo Hội. Ngắm Đàng Thánh Giá lại là một cách cầu nguyện đặc trưng của Mùa Chay, vốn được thực hành cách sốt sắng tại các cộng đoàn hay trong đời sống cá nhân. Ngoài ra không thể không nhắc đến việc tĩnh tâm, linh thao hoặc tuần đại phúc theo thói quen tại nhiều nơi là một sinh hoạt từ lâu gắn liền với cao điểm Mùa Chay, trong đó việc cầu nguyện mở ra cánh cửa hồng ân giúp thêm điều kiện kết hợp với Thiên Chúa một cách tương thích và trọn vẹn hơn.
Những ai vì điều kiện sinh hoạt hoặc vì lý do sức khỏe không tham gia cầu nguyện cách bình thường được, cũng có thể hợp lòng với cộng đoàn trong những ý nguyện chung hay dâng những hy sinh trong hoàn cảnh cụ thể bằng những lời cầu nguyện vắn tắt thích hợp. Cầu nguyện là nhịp cầu làm bằng kinh nguyện nối liền sự sống giữa tín hữu và Thiên Chúa.
2. Mùa Chay là mùa canh tân
Khởi đầu rao giảng, Chúa Giêsu đã để lại lời kêu gọi “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15), để từ đó trở thành tiếng gọi vang lên trong phụng vụ mỗi khi Mùa Chay trở về. Nếu “sám hối” là nói không với tội lỗi thì “tin vào Phúc Âm” chính là nhịp bước trên nẻo chính đường ngay mà nhận lấy ơn cứu rỗi. Không sám hối, không thể tin nhận Phúc Âm; cũng thế, không phủ nhận con người cũ mang nhiều tội lụy, không thể nhận lấy thực tại mới mẻ trong ơn giải thoát. Nói khác đi, Mùa Chay cũng là mùa đổi đời, làm xuân tươi tâm hồn và giúp canh tân đời sống.
Canh tân theo tiếng gọi Mùa Chay là canh tân toàn bộ con người và toàn diện đời sống mình, từ nội tâm cho tới hành động, từ nếp nghĩ cho tới cách cư xử, từ cách thể hiện niềm tin tôn giáo cho tới lãnh vực hòa nhập xã hội, sao cho phù hợp với sức sống mới của Mùa Phục Sinh. Rượu mới bầu da mới. Cũng thế, sự sống mới của Chúa Kitô đem đến phải được thoát tỏa ra bằng một cách sống mới.
Tuy nhiên, trong thực tế, mỗi người chúng ta hãy tùy theo vị thế của mình giữa bậc sống và tùy theo vị trí của mình trên đường theo Chúa mà chọn ra bước canh tân phù hợp. Canh tân đời sống là cả một tiến trình đòi hỏi từng ngày phải nỗ lực hợp tác với ơn Chúa mà bền bỉ hoàn thiện. Nhưng để có thể canh tân đúng nghĩa của Mùa Chay, tức là trút bỏ con người cũ của sự chết để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô phục sinh, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc uốn nắn trái tim và tìm đến bí tích xá giải mà nhận lấy lòng thương xót của Chúa. Bí tích xá giải chính là phương dược làm xuân trẻ cuộc đời tín hữu một cách chắc chắn nhất.
3. Mùa Chay là mùa chia sẻ
Đổi mới chính mình, rất tự nhiên chúng ta sẽ có cái nhìn khác về thế giới chung quanh, tích cực hơn và cũng ý nghĩa hơn. Không ai nên thánh một mình mà thường là cùng với cộng đoàn của mình. Mầu nhiệm các thánh cùng thông công hàm nghĩa như vậy. Vì thế, trong khi nỗ lực phấn đấu nên thánh bằng việc canh tân theo hướng đi của Mùa Chay, mỗi người cũng nhận được tiếng gọi đến với tha nhân, không chỉ để cảm thông mà còn để chia sẻ, từ phận số quá khứ tới nhu cầu hiện tại và vận mạng tương lai.
Việc chia sẻ mà ai cũng làm được, dù hôm nay mình thuộc giới nào tuổi nào và bậc sống nào, là nâng đỡ tha nhân bằng hy sinh và cầu nguyện. Thánh nữ Têrêsa trong Dòng Kín đã thực hành việc chia sẻ này một cách cụ thể như dâng hy sinh cầu cho một nhà truyền giáo tại Việt Nam, hay như dâng lời kinh cầu cho một kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Việc chia sẻ khác là giúp đỡ người nghèo qua cơn túng quẫn. Chay tịnh Mùa Chay không đơn thuần là nhịn ăn bớt uống cho linh hồn thon thả phù hợp với khung cửa hẹp của Nước Trời, mà đúng ra là để thực tập chế ngự bản thân và thực hành bác ái bằng cách lấy chính phần chi dụng của mình mà giúp cho người khác. Và việc chia sẻ khả thi nữa là biết quan tâm bênh đỡ người yếu thế cô thân trong những sinh hoạt thế trần. Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, mà còn bằng công bình và lẽ phải, bằng phẩm giá và tình thương.
“Dù gây chín cuộc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người” (ca dao). Làm phúc ở đây là chia sẻ, tức là nâng đỡ, giúp đỡ và bênh đỡ người cần đến mình.
Anh chị em thân mến,
Cầu nguyện, canh tân, chia sẻ: đó là ba sinh hoạt mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện trong Mùa Chay năm nay, cũng là ba chiều kích với Chúa, với mình, với tha nhân dệt nên nhịp sống Giáo Hội trong “lúc thuận tiện và mùa cứu độ” này. Nhưng để có được ý lực bền bỉ trong suốt chiều dài 40 ngày, theo tinh thần sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, nhấn mạnh đến bí tích Rửa Tội với chủ đề “cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, sẽ cùng được sống lại với Người” (Col 2,12), chúng ta cần bước đầu là làm sao gặp được Đức Kitô để kiên trì sống dưới mái trường của Người, và bước tiếp theo là tổ chức đời sống mình rập khuôn theo đời sống của Đấng Cứu Thế, để ngày từng ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Người rõ nét hơn mà tiến tới Lễ Phục Sinh trong niềm hoan lạc tràn đầy. Trong khi đợi chờ Lễ Phục Sinh đang đến, nguyện chúc anh chị em một Mùa Chay thánh đức.
Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết
bài liên quan mới nhất
- Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024
-
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh -
Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX -
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô