GP. Mỹ Tho: Thư mục vụ Mùa Chay 2011
Thao thức về Giáo Hội
Thư mục vụ Mùa Chay 2011 của Đức giám mục giáo phận Mỹ Tho
Kính gởi: Các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh,
và toàn thể Anh Chị Em Giáo dân
Anh chị em rất thân mến,
Mùa Chay năm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em cách đặc biệt, về một số thao thức của nhiều người trong Giáo hội tại Việt Nam, biểu lộ qua Đại hội Dân Chúa, để chúng ta dâng những hy sinh, hãm mình cầu nguyện cho Giáo hội tại Việt Nam, và nhất là cho Giáo phận Mỹ Tho của chúng ta.
Thao thức về chiều sâu của đời sống đức tin
1. Giáo hội tại Việt Nam được tiếng là một trong những Giáo hội sinh động nhất tại Á Châu. Những người ngoại quốc đến thăm viếng Giáo hội tại Việt Nam đều nhận định như thế. Có rất nhiều lý do, mà sự mộ đạo và tinh thần hiếu khách của giáo dân là chính yếu. Ai đã tham dự Đêm diễn nguyện và chầu Thánh Thể tại La Vang dịp bế mạc Năm Thánh vừa qua, đều nghĩ rằng Giáo hội tại Việt Nam quả thật là tốt đẹp và sốt sắng.
Tuy nhiên, xét về một phương diện khác, có lẽ Giáo hội tại Việt Nam còn thiếu chiều sâu cần thiết. Chiều sâu đó chính là việc bám rễ, ăn rễ sâu vào Mầu nhiệm Chúa Kitô, hay nói cách khác, chính là sự thấm nhuần tinh thần Phúc âm của Chúa nơi các Kitô hữu, kể cả linh mục và tu sĩ. Dường như tâm và trí chúng ta chưa thấm đẫm Tin Mừng. Đức tin của đa số còn mỏng dòn, chưa có ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống thực tế, chưa có tác động mạnh mẽ và tích cực vào sinh họat xã hội, mặc dù lịch sử của Giáo hội tại Việt Nam rất uy hùng với đông đảo Các Thánh tử vì đạo.
2. Đức ái Kitô giáo ở Việt Nam có tiến triển so với trước đây, nhưng vẫn chưa bộc lộ rõ nét “Tình yêu của Thiên Chúa” một cách cụ thể cho mọi người chung quanh. Ngày nay, không có nhiều người Việt gọi Đạo của chúng ta là “Đạo của những người yêu thương nhau” như thuở ban đầu tại Phố Hiến, thuộc Giáo phận Đàng Ngoài. Chúng ta có cố gắng làm việc từ thiện nhiều hơn trước, nhưng trái tim của chúng ta vẫn chưa giống Trái Tim Chúa Giêsu. Những tình cảm hận thù và ghen ghét vẫn còn đè nặng trên tâm trí chúng ta. Sự kiêu căng và ích kỷ vẫn còn chi phối tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta thiếu “bác ái”, thậm chí thiếu cả công bằng và sự tôn trọng nhân phẩm và tự do của người khác.
3. Đời sống đức tin của nhiều người Công giáo Việt Nam dễ bị chao đảo trước thời cuộc, trước những khó khăn và thử thách của thời đại. Đời sống đạo của nhiều thanh niên thiếu nữ bị “xói mòn” bởi những lôi cuốn của danh lợi thú. Trước trào lưu “tục hóa” rất mạnh mẽ và đáng sợ của thế giới hôm nay, liệu đức tin của nhiều người có đứng vững được chăng?
Nhiều giáo dân muốn Giáo hội củng cố đức tin cho họ, nuôi dưỡng niềm tin sâu sắc và vững bền cho họ. Nhiều người đặt vấn đề về việc dạy giáo lý hiện nay trong các giáo xứ, việc giảng dạy trong Thánh lễ, và việc cử hành phụng vụ. Nhiều người ước ao được Lời Chúa, và giáo huấn của Giáo hội soi sáng trong những vấn đề cụ thể của cuộc sống hằng ngày. Làm thế nào để sống tốt trong một xã hội đầy cám dỗ và cạm bẫy?
4. Nhiều người rất muốn sống đạo tốt, muốn được gặp gỡ Chúa trong nhà thờ và trong cuộc sống. Lòng trông cậy của các thành phần Dân Chúa vẫn còn khá vững mạnh. Họ ước ao, họ chờ đợi Giáo hội canh tân đổi mới. Nếu Giáo hội không đáp ứng niềm hy vọng của họ, làm cho sự chờ đợi và những ước vọng chính đáng của họ mòn mỏi, thì một ngày nào đó, sẽ có nhiều người trong họ không còn thiết tha với các giá trị Tin Mừng, không còn cảm thấy niềm tin Kitô giáo là cần thiết nữa.
5. Vậy Giáo Hội là ai? Giáo hội không chỉ là “các cha, các thầy”, Giáo Hội không chỉ là “bộ máy tôn giáo” đang hoạt động với ít nhiều công suất. Giáo Hội là “Cộng đoàn những người tin vào Chúa Kitô”, Giáo Hội bao gồm “tất cả chúng ta”, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Tất cả chúng ta làm thành Giáo hội, tất cả chúng ta đều phải cố gắng. Tất cả chúng ta đều phải cùng nhau hun đúc niềm tin cho thật vững chắc, nuôi dưỡng lòng bác ái cho thật sâu xa, củng cố niềm hy vọng cho thật bền bỉ. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, để Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp đỡ.
Thao thức về phẩm chất của đời sống Kitô hữu
6. Theo thống kê mới nhất của Tòa Thánh Vatican, hiện nay con số người Công giáo trên thế giới đã lên tới một tỷ một trăm tám mươi mốt triệu (1.181.000.000). Thật đáng vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa! Điều chúng ta mong mỏi là “Dân Chúa mỗi ngày một thêm đông số”. Số người Công giáo tại Việt Nam là khoảng 6 triệu, ước tính khoảng 7% dân số. Chúng ta không thể hài lòng với con số này, hãy cố gắng loan báo Tin Mừng để mỗi ngày có thêm người nhận biết Chúa.
Có một điều rất quan trọng mà nhiều người bận tâm, đó là phẩm chất của các Kitô hữu. Trong Đại hội Dân Chúa vừa rồi, nhiều người ưu tư về phẩm chất của đời sống đạo, phẩm chất của các thành phần Dân Chúa, đặc biệt là của các giáo sĩ và tu sĩ. Một trong những ước mong lớn nhất và rõ nét nhất của Đại hội là canh tân hàng giáo sĩ. Ai cũng biết Giáo Hội không chỉ là giáo sĩ, tu sĩ, nhưng ai cũng mặc nhiên hay minh nhiên công nhận là nếu hàng giáo sĩ tốt, thì bộ mặt của Giáo Hội sẽ sáng sủa hơn nhiều.
7. Không ai phủ nhận những cố gắng rất lớn của nhiều linh mục, nhờ đó chúng ta mới có được một Giáo Hội tại Việt Nam như hôm nay, thậm chí có những linh mục thực sự là những của lễ hy sinh dâng lên cho Chúa. Chúng ta không quên ơn các ngài và giúp đỡ các ngài những lúc bệnh tật đau yếu. Nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta đều thấy rõ, là nhiều linh mục chưa đáp ứng nổi những yêu cầu của thời đại, chưa đáp lại đúng mức những yêu cầu của sứ vụ mục tử.
Nhiều người đặt vấn đề canh tân việc đào tạo linh mục trong Chủng viện, bằng cách nói lên những ước mong, những chờ đợi của mình nơi các linh mục. Ước mong thì nhiều, nhưng đáp ứng còn giới hạn. Cũng có nhiều ước muốn hơi quá đáng, vì dù sao thì linh mục vẫn là con người, không phải thiên thần. Nhưng nói chung, những đòi hỏi của người giáo dân thật là chính đáng, khi họ chờ đợi nơi linh mục, trước hết là tình yêu siêu nhiên của người mục tử đối với các con chiên. Họ chờ đợi nơi người linh mục tư cách đúng đắn của người lãnh đạo tinh thần.
8. Họ muốn linh mục là người của Chúa, là những người sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Họ chờ đợi nhiều nơi việc giảng dạy của linh mục là thầy dạy đức tin, dạy yêu thương và hy vọng. Họ chờ đợi được linh mục nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí tích. Họ cảm thấy mình bị suy dinh dưỡng, vì thiếu của ăn thiêng liêng do linh mục cung cấp.
Vậy anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho sự canh tân việc đào tạo nơi Chủng viện, vì hiện nay, giáo sư thì nhiều nhưng các nhà đào tạo đúng nghĩa thì vẫn còn thiếu. Hãy cầu nguyện cho các Đại chủng viện, cách riêng cho các thầy đại chủng sinh cố gắng nhiều hơn nữa, đặc biệt là về phương diện tu đức, về đời sống nội tâm.
9. Lúc nào linh mục cũng cần sức mạnh tâm linh, cần nội lực mạnh mẽ để chu toàn sứ vụ. Nhưng ngày nay hơn bao giờ hết, thiếu nội lực, người linh mục không thể nào đứng vững được. Nội lực đó hoàn toàn xây dựng trên đời sống cầu nguyện, do sự tiếp sức của Thần lực Chúa Kitô mà linh mục nhận lãnh khi gặp gỡ với Chúa. Linh mục phải là con người cầu nguyện. Cái thiếu lớn nhất hiện nay nơi linh mục phải chăng là thiếu cầu nguyện?
Giáo hội không chỉ là linh mục, nên chúng ta cũng không nên dồn hết trách nhiệm trên linh mục, để tránh trở thành bất công và đòi hỏi quá đáng nơi những con người cũng bằng xương bằng thịt như chúng ta, trong khi chúng ta không mảy may cố gắng. Tôi vẫn thường xuyên xét mình xem có đòi hỏi nơi các linh mục quá mức đang khi bản thân mình không cố gắng đủ, và tôi cũng mời gọi anh chị em tu sĩ, giáo dân cùng xét mình với tôi.
10. Có những anh chị em giáo dân rất khó tính, hay phê bình chỉ trích, không khen ai bao giờ, không bao giờ khích lệ người khác. Anh chị em cũng là những chi thể sống động của Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, ấy vậy mà đa số anh chị em còn rất thụ động trong đời sống đạo và trong các sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận. Công đồng Vatican II làm nổi bật vai trò của anh chị em, đề cao chức tư tế cộng đồng của anh chị em. Anh chị em được tham gia vào chức tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô.
Ấy thế mà Giáo hội tại Việt Nam hiện nay nhiều nơi vẫn còn màu sắc giáo sĩ trị. Lỗi phần lớn là tại các linh mục ít khi mời gọi sự cộng tác của anh chị em, nhưng anh chị em cũng có phần trách nhiệm không nhỏ. Nhiều anh chị em giáo dân vẫn còn thiếu sự hăng say trong những công việc chung của giáo xứ, rất ngại góp phần xây dựng giáo xứ và giáo phận.
***
Chúng ta bước vào Mùa Chay là mùa của hy sinh và phấn đấu. Muốn canh tân Giáo hội, tất cả chúng ta đều phải cố gắng, hãy chết đi cho con người cũ, con người ích kỷ và hưởng thụ của mình, hãy mặc lấy con người mới đầy tình yêu và sự năng động trong Thần Khí Phục Sinh.
Cầu chúc tất cả Anh Chị Em một Mùa Chay sốt sắng, tràn đầy hồng ân Thiên Chúa.
Tòa Giám mục Mỹ Tho, ngày 25 tháng 02 năm 2011
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục Giáo phận
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX
-
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô