Gp. Long Xuyên: Thường huấn LM đợt II - Thứ sáu 06/06/2011

Gp. Long Xuyên: Thường huấn LM đợt II - Thứ sáu 06/06/2011

Tuần thường huấn của các linh mục giáo phận Long Xuyên đợt II dành cho các linh mục chịu chức từ năm 1994 trở về trước đã được khai mạc vào 09g00 sáng ngày 06/06/2011, Đức cha Giuse hướng dẫn và các linh mục trong ban giảng huấn của giáo phận thuyết trình. Có 81 linh mục tham dự.

Khai mạc tuần thường huấn, Đức cha Giuse nói đến ý nghĩa của việc tham dự tuần thường huấn: sự hiện diện của quý cha biểu lộ tinh thần cầu tiến trong đời sống và tác vụ linh mục, phát huy truyền thống của giáo phận về tinh thần kỷ luật của các linh mục trong các sinh hoạt chung, biểu lộ tinh thần “tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm”, đường hướng của giáo phận sau năm thánh kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận.

Đức cha cũng đề cập đến việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đức cha cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ và các linh mục của giáo phận đã qua đời (91 vị, kể cả Đức cha Micae) nhân dịp giỗ thứ hai của Đức cha Micae (ngày 10/06), xin các ngài cầu nguyện cho tuần thường huấn được kết quả tốt đẹp.

Ngày 10 tháng 06 sẽ có 9 phó tế lãnh tác vụ linh mục.

Tiếp theo Đức cha thông báo về những chuyển đổi nhiệm vụ và nhiệm sở:

1) Cha Đaminh Đinh Trung Thành, rời nhiệm vụ cha sở giáo xứ Lộ Đức, kinh 8b, hạt Tân Hiệp – nhận nhiệm vụ giám đốc trung tâm Bác Ái Hòa Bình 1 và 2.

2) Cha Micae Phạm Tất Thắng, rời nhiệm vụ cha sở giáo xứ Vô Nhiễm, Hòn Đất, hạt Rạch Giá – nhận nhiệm vụ cha sở giáo xứ Lộ Đức, kinh 8b, hạt Tân Hiệp.

3) Cha Tổng đại diện Phêrô Lê Văn Kim, hiện là cha Tổng đại diện giáo phận, kiêm nhiệm vụ giám quản giáo xứ Vô Nhiễm, Hòn Đất, hạt Rạch Giá.

4) Cha Đaminh Hoàng Cao Khải, hiện là cha sở giáo xứ Hải Châu, kinh 7b – kiêm nhiệm phụ trách giáo điểm Ngọc Chúc, huyện Rồng Giềng.

5) Cha Giuse Trần Đình Lợi, rời nhiệm vụ cha phó giáo xứ Lộ Đức, kinh 8b, hạt Tân Hiệp – nhận nhiệm vụ cha phó giáo xứ Hà Tiên, hạt Rạch Giá.

6) Cha Giuse Giang Hòa Việt, đi học từ Philippines về – nhận nhiệm vụ cha phó giáo xứ Đền Thánh Giuse, cầu số 2, hạt Rạch Giá.

Đức cha đề cao tinh thần hy sinh vì nhu cầu của giáo phận nơi cha Tổng đại diện Phêrô: “Đâu cần, cha Tổng có. Đâu khó, có cha Tổng” và ngài cũng mong rằng các cuộc chuyển đổi dần dần được đón nhận như một sinh hoạt bình thường trong giáo phận và có hiệu quả tích cực về mục vụ và truyền giáo.

Đức cha nêu lên mục tiêu chính của tuần thường huấn:

1) Tìm lại cảm thức về ơn gọi truyền giáo trong ơn gọi linh mục.

2) Hâm nóng tinh thần nhiệt tâm tông đồ bằng lửa Thánh Thần.

3) Can đảm và quảng đại dấn thân vào sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Để đạt được hiệu quả cao cho cuộc thường huấn, các linh mục được trao cho cơ hội sống bên nhau, học hỏi lẫn nhau, cầu nguyện với nhau, cùng nhau chia sẻ thao thức và kinh nghiệm, để mỗi người được Chúa Thánh Thần biến đổi như Ngài đã biến đổi các tông đồ ngày xưa. Để được như vậy cộng đoàn chúng ta quan tâm đến thái độ cần có trong cuộc thường huấn này:

* Tích cực tiếp nhận những kiến thức từ các đề tài được triển khai và thảo luận, tiếp nhận những kinh nghiệm được chia sẻ về sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.

* Từ những kiến thức, những kinh nghiệm được chia sẻ và trao đổi, chúng ta đi vào suy tư cho sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của cá nhân mình và của cả linh mục đoàn.

* Từ các chất liệu suy tư trên, chúng ta đi vào cầu nguyện. Trong cầu nguyện, chúng ta tìm ý Chúa, đón nhận ý Chúa, và nhất là để cho Lửa của Chúa Thánh Thần thiêu đốt và uốn nắn tâm hồn chúng ta.

* Để ơn Chúa Thánh Thần thực sự có hiệu quả trong tuần thường huấn này, mỗi người cần đặt kế hoạch riêng cho mình và cho cộng đoàn của mình để thi hành sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.

10g00, Thánh lễ khai mạc tuần thường huấn do Đức cha Giuse chủ sự

- Bài giảng của Đức cha Giuse

14g00: Chuyên đề “Quan niệm về cứu độ và truyền giáo trước đây và trong bối cảnh đa tôn giáo ngày nay”. Do cha đại diện Micae Lê Xuân Tân thuyết trình.

Nhập đề.

I. Ơn cứu độ chỉ được ban qua và trong Giáo Hội.

II. Ơn cứu độ chỉ được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô của Kitô giáo.

III. Ơn cứu độ được Thiên Chúa ban trong tất cả các tôn giáo.

Nhiều khuynh hướng thần học được đưa ra. Có những khuynh hướng thần học thái quá có thể đem đến nhiều nguy cơ cho tín lý Kitô giáo. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI cảnh giác hai nguy cơ sau:

* Đức Giêsu Kitô không còn là trung gian duy nhất cho ơn cứu độ.

* Một Nước Thiên Chúa thế tục không cần Đức Kitô và gạt bỏ Giáo hội.

Kết luận

Sau đó các tổ thảo luận về các đề tài:

1) Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận xét: “Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, sứ vụ truyền giáo vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu”. Đây là nhận định bi quan, hay thẳng thắn nhìn vào sự thực? Riêng Việt Nam thì sứ vụ truyền giáo thế nào? Tại sao?

2) Cách chung hiện nay, theo giáo dân, truyền giáo là gì? Có gì thay đổi so với trước Công Đồng Vaticanô II không? (tức là trước những năm 1965 và có thể hiểu rộng trước năm 1975).

3) Quan niệm mới về ơn cứu độ và truyền giáo theo bài trình bày (Thiên Chúa có thể ban ơn cứu độ trong tất cả các tôn giáo) có ảnh hưởng gì đến hàng giáo sĩ và giáo dân Việt Nam không? Nếu có, đâu là những dấu chỉ cho biết điều đó?

4) Ý thức truyền giáo nơi hàng giáo sĩ và giáo dân Việt Nam chúng ta thế nào? Đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến quan niệm, ý thức và hoạt động truyền giáo của Giáo hội Việt Nam nói riêng: quan niệm truyền giáo thay đổi? Thế giới tục hóa làm giảm những gì là thiêng thánh, là đời sau? Tôn giáo quá khích? Một xã hội chủ trương vô thần? v.v…

5) Làm thế nào để có một quan niệm truyền giáo tích cực hơn, một ý thức truyền giáo mạnh mẽ hơn, và một hoạt động truyền giáo năng động đạt nhiều thành quả hơn?

Kết thúc ngày đầu thường huấn bằng Giờ Sám Hối và lãnh nhận bí tích Giao Hòa

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top