GP. Bắc Ninh: Lễ giỗ ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

GP. Bắc Ninh: Lễ giỗ ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

BẮC KẠN: Sáng ngày lễ kính lập Tòa Thánh Phêrô (22/2/2011, ngày 20 âm lịch), Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh chủ sự thánh lễ giỗ lần thứ 2 Đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng tại giáo xứ Bắc Kạn thuộc Giáo phận Bắc Ninh.

Đức cố Hồng y Phaolô Giuse đã chọn khẩu hiệu: “Chúng con tin ở tình yêu Chúa” làm hành trang trong sứ vụ mục tử của ngài. Đức cố Hồng y Phaolô Giuse đã luôn tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa và ngài đã làm tất cả mọi sự trong niềm tin tưởng vào tình thương yêu của Thiên Chúa, cho dù Đức cố Hồng y là giám mục trong thời kì khó khăn nhất của Giáo phận Bắc ninh (1963-1994).

Tình yêu Thiên Chúa đã giúp Đức cố Hồng y trở thành con người vững tâm và can đảm. Trong lúc hoàn cảnh xã hội cực kỳ khó khăn, nhưng ngài đã vượt qua mọi sợ hãi và âm thầm truyền chức linh mục ngay sau khi về coi sóc Giáo phận Bắc ninh chưa đầy một năm. Trong 31 năm là giám mục Giáo phận Bắc Ninh, ngài đã truyền chức chui cho 2 Đức Giám mục (Đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng năm 1975 và Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Dụ năm 1979), 13 linh mục và 6 thầy phó tế tại phòng nguyện chưa đầy 8 mét vuông cạnh phòng ở của ngài (sau đó ngài đã âm thầm nhờ Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận truyền chức linh mục cho 6 thầy phó tế này khi còn đang bị quản chế tại Giang Xá - Hà Nội).

Trong thời gian làm Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Đức cố Hồng y Phaolô Giuse gần như không được ra khỏi Tòa Giám mục. Trong hoàn cảnh như vậy, ngài đã thi hành sứ vụ mục tử của mình bằng đời sống cầu nguyện, ngài cầu nguyện với giáo dân ở nhà thờ chính tòa; ngài dâng lễ, chầu Mình Thánh Chúa và đọc kinh phụng vụ tại phòng nguyện riêng của ngài, có thể nói cầu nguyện là công việc chính hàng ngày. Quả thật, cách thi hành sứ vụ mục tử bằng đời sống cầu nguyện của ngài thật hiệu quả. Qua cầu nguyện, ngài đã dẫn con thuyền Giáo phận Bắc Ninh vượt qua được biết bao nhiêu cơn bão tố.

Ngoài ra, để gìn giữ đức tin người Kitô hữu và những sinh hoạt trong các xứ họ được tiếp tục đều đặn trong hoàn cảnh thiếu vắng linh mục (có những lúc Giáo phận chỉ có một linh mục rưỡi), ngài đã sáng tác những bài thơ dễ nhớ để cho giáo dân cầu nguyện, âm thầm đào tạo chủng sinh, đào tạo tông đồ giáo dân, quy tụ các chị em tình nguyện sống độc thân để phục vụ Giáo phận và biến tòa giám mục trở thành ngôi nhà chung của tất cả mọi người. Ngài cổ võ tôn sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và những hình thức sinh hoạt đạo đức bình dân….

Nhân ngày giỗ lần thứ 2 của Đức cố Hồng y Phaolô Giuse, con cái Giáo phận Bắc Ninh đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho ngài tại giáo xứ xa nhất Giáo phận, giáo xứ mà Đức cố Hồng y luôn ao ước được viếng thăm trong sứ vụ mục tử mà chưa một lần ngài bước chân đến được, đó là giáo xứ Bắc Kạn, giáo xứ địa đầu của Giáo phận Bắc Ninh.

Đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng là nhân chứng tình yêu và là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho Giáo phận Bắc Ninh nói riêng và ban cho toàn thể giáo hội Việt nam nói chung. Đặc biệt, ngài là mẫu gương trung kiên cho mỗi người chúng ta trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào “Tình yêu Thiên Chúa”.

Đôi nét về giáo xứ Bắc Kạn:

Bắc Kạn là giáo xứ xa nhất và rộng nhất Giáo phận Bắc Ninh, nằm trọn vẹn trong cả tỉnh miền núi Bắc Kạn và cách tòa giám mục Bắc ninh khoảng 170 km về phía Bắc, tuy nhiên từ nhà xứ Bắc Kạn đến họ xa nhất (Pắc Nậm) khoảng 110 km.

Hiện nay giáo xứ Bắc Kạn có 508 nhân danh, sống rải rác trong các giáo họ Chợ Đồn (cách nhà xứ Bắc Kạn 40 km), Nà Phặc (cách nhà xứ 40 km), Na Rì (cách nhà xứ 80 km), Ba Bể (cách nhà xứ 80 km), Pắc Nậm (cách nhà xứ 110 km) và một vài giáo khu khác.

Tin mừng đã được gieo và phát triển mãnh mẽ ở vùng rừng núi Bắc Kạn từ những thập niên cuối thế kỉ 19 và đầu 20. Giáo xứ Bắc Kạn được thành lập năm 1928, thời Đức cha Teodoro Gordaliza Phúc (1925-1931). Trong thời kì này, giáo xứ Bắc Kạn đã có cha xứ coi sóc, có nhà Thiên Thần (nuôi trẻ mô côi) và nhà mụ, có thể nói giáo xứ Bắc Kạn phát triển như mọi giáo xứ bình thường khác ở vùng xuôi.

Tuy nhiên, cùng với những biến cố thăng trầm của giáo hội Việt nam, đặc biệt là hoàn cảnh khó khăn các Giáo phận Miền Bắc, tưởng như Giáo xứ Bắc Kạn đã không còn tồn tại được nữa. Trong hơn nửa thế kỷ, giáo xứ Bắc Kạn không có cha xứ coi sóc và bị cách li hoàn toàn với Giáo phận, bởi vì cha xứ và phần lớn giáo dân đã chạy khỏi Bắc Kạn trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp(1945-1954), nhóm nhỏ giáo dân ở lại vẫn gìn giữ và duy trì đời sống đức tin trong thời kì khó khăn đó. Theo như một số cụ cao niên kể lại, các cụ vẫn hàng ngày đến nhà nguyện đọc kinh cầu nguyện, có những lúc chỉ còn 1-2 người đến nhà nguyện.

Đến thập niên 90 của thế kỉ trước, Giáo phận mới có thêm linh mục và các cha mới có thể lên được vùng Bắc Kạn, các ngài đã cố gắng liên lạc và tìm những giáo dân còn sót lại, và đã cho làm lại ngôi nhà nguyện khoảng 20 mét vuông trên miếng đất nhà thờ còn giữ lại được, để khi các cha lên có chỗ dâng lễ và cho bà con hàng ngày đến cầu nguyện.

Hiện nay, giáo xứ đã có cha quản nhiệm về ở trực tiếp, vì vậy giáo xứ dần dần được hồi phục . Tuy cơ sở vật chất hầu như không còn gì, đất đai nhà thờ chỉ còn lại mấy trăm mét vuông, nhưng còn đức tin là còn tất cả. Cũng như Đức cố Hồng y Phaolô Giuse “tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Chúa”, mọi người cũng hy vọng và tin tưởng rằng giáo xứ Bắc Kạn sẽ được hồi sinh lại và phát triển như những thập niên đầu của thế kỉ 20.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top