Giới thiệu Tài Liệu Làm Việc của Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu

Giới thiệu Tài Liệu Làm Việc của Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu

WHĐ (30.11.2012) – Để chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, sẽ diễn ra tại Tòa giám mục Xuân Lộc từ ngày 10–16 tháng 12 năm 2012, Ban Tổ chức đã gửi đến các Hội đồng Giám mục liên hệ Tài Liệu Làm Việc. Hơn ai hết, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho, là người đã nghiên cứu kỹ Tài liệu này, vì ngài là một trong hai đại diện chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài trình bày của Đức cha Phaolô về Tài Liệu Làm Việc này.

*****

Tài Liệu Làm Việc (Working Document) đề ngày 30 tháng 07 năm 2012, dựa vào đó các đại biểu sẽ tham luận góp ý, gồm có 52 số và chia ra làm 4 phần.

1. Phần thứ nhất (Phần A)

Phần này nhắc lại lịch sử của FABC, nhắc lại các chủ đề đã trao đổi trong các Hội nghị toàn thể lần trước, những đóng góp của các tiểu ban trong FABC, sinh hoạt của các Hội đồng Giám mục và Giáo hội địa phương tại Châu Á.

Trước hết Tài Liệu Làm Việc nhắc lại những “ý tưởng chủ đạo của Công đồng Vatican II” là những nguyên tắc hướng dẫn cho sự canh tân Giáo hội tại Châu Á: – Dân Thiên Chúa, Vương Quốc của Thiên Chúa – Sự Phúc âm hoá toàn diện – Sự Hiệp Thông, Liên Đới – Tính Đồng Đoàn của Giám mục (Collegiality) – Sự Tham gia hay Thông phần – Sự Đối Thoại – Canh tân Phụng Vụ – Dấn thân đồng hành với thế giới.

Đường lối cơ bản đã được đề ra từ năm 1974 tại Đài Loan cho việc loan báo Tin Mừng, cách sống và sinh hoạt của Dân Chúa tại Châu Á là “Đường lối đối thoại” trên 3 lãnh vực (Triple Dialogue): trước hết là đối thoại với người nghèo, rồi đối thoại với các nền văn hoá và các tôn giáo. Giáo hội lựa chọn phục vụ người nghèo là thành phần còn rất đông đảo tại các nước Á Châu, nỗ lực “hội nhập văn hoá”, để việc loan báo Tin Mừng không mang dáng vẻ xa lạ đối với các địa phương, để làm cho Tin Mừng của Chúa thấm nhập vào các nền văn hóa, biến đổi và nâng cao các nền văn hoá từ bên trong. Châu Á có những tôn giáo đã hiện hữu từ rất lâu đời, nên Giáo hội nỗ lực đối thoại và hợp tác với các tôn giáo để phục vụ con người và xã hội.

Tài Liệu Làm Việc cũng nhắc nhiều đến nỗ lực suy nghĩ của FABC giúp Giáo hội sinh hoạt một cách năng động và mới mẻ hơn, chủ yếu dựa vào ánh sáng của Công đồng Vatican II và các Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Nhấn mạnh đến mô hình Giáo hội Hiệp Thông, Cộng đồng Đức Tin, Cộng đồng Cầu nguyện. Nét cơ bản được nhấn mạnh nhiều là sự tham gia tích cực và tinh thần đồng trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, vai trò của người giáo dân trong Sứ Vụ Yêu Thương và Phục Vụ của Giáo hội tại Á châu.

Việc loan báo Tin mừng và Canh tân Giáo hội tại Á châu lưu tâm nhiều đến “mục vụ gia đình” rất cần thiết để củng cố đời sống các gia đình đang bị đe doạ vì những biến chuyển quá mau chóng của xã hội, làm đảo lộn nhiều giá trị truyền thống lâu đời. Giáo hội tại Á châu nỗ lực tối đa để bảo vệ “nền văn minh tình thương và văn hoá Sự Sống". Sự hiệp thông của các “Cộng đoàn cơ bản” cũng rất cần thiết, và việc sống và cử hành “Mầu Nhiệm Thánh Thể” vẫn phải luôn được coi là Nguồn Suối và Chóp đỉnh của Sứ Vụ và mọi sinh hoạt của Giáo hội.

Tóm lại nội dung chủ yếu của phần này là nhìn lại:

– 9 Hội nghị khoáng đại trước Hội nghị lần này.
– Quan điểm của FABC về Giáo hội tại Á Châu (Giáo hội là tôi tớ phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu tại Á Châu)
– Phương pháp “phân định mục vụ” (pastoral discernment), cách làm việc của các tiểu ban, công tác thần học
– Công việc của các văn phòng của FABC
– Sự hợp tác của các Hội đồng Giám mục và các Giáo hội địa phương.

2. Phần thứ hai (Phần B)

Phần thứ hai nói về “các dấu chỉ của thời đại”, các “xu thế” thời đại tại Á châu. Phần này nêu ra những vấn đề rất lớn và rất cụ thể là những thách đố mục vụ cho Sứ mạng của Giáo hội tại Á châu như:

– Vấn đề “toàn cầu hoá”, ảnh hưởng xã hội của nền kinh tế thị trường
– Văn hoá mới đang lan rộng tại Châu Á và làm đảo lộn những giá trị cổ truyền, tạo ra não trạng “duy thế tục”, “duy vật”, “hưởng thụ”, “tương đối hoá” (secular, materialist, consumerist and relativist culture)
– Vấn đề “toàn cầu hoá”, ảnh hưởng xã hội của nền kinh tế thị trường
– Văn hoá mới đang lan rộng tại Châu Á và làm đảo lộn những giá trị cổ truyền, tạo ra não trạng “duy thế tục”, “duy vật”, “hưởng thụ”, “tương đối hoá” (secular, materialist, consumerist and relativist culture)
– Sự nghèo khổ: quãng cách càng ngày càng lớn giữa thiểu số giàu có và đa số nghèo khổ
– Vấn đề các di dân và những người tị nạn
– Vấn đề dân số
– Vấn đề tự do tôn giáo
– Vấn đề sự sống bị đe doạ nghiêm trọng
– Vấn đề truyền thông xã hội
– Vấn đề môi sinh
– Vấn đề phụ nữ và giới trẻ
– Vấn đề các giáo phái
– Vấn đề ơn gọi.

Phần này có nêu ra mặt trái và mặt phải của các thách đố, đòi hỏi một sự “phân định” dưới ánh sáng Tin Mừng.

3. Phần thứ ba (Phần C)

Đây là phần suy nghĩ về bối cảnh mục vụ dưới ánh sáng đức tin, mời gọi nhìn ngắm công trình Tạo dựng của Thiên Chúa, để nhận ra Ngài là Cội nguồn và là Mục đích cuối cùng của mọi thực tại. Thiên Chúa sáng tạo nhờ Lời và Thần Khí Tác Tạo. Tạo dựng là công trình của Tình Yêu, là Sự Thiện Hảo, là một “Hoà điệu”. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, có nam và có nữ. Con người có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ vũ trụ là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Nhưng tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới loài người và đã làm đổ vỡ quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Đó là nguồn gốc của mọi sự dữ lan tràn mà chúng ta vẫn đang chứng kiến.

Từ ánh sáng mầu nhiệm tạo dựng, ta rút ra một số nguyên tắc cơ bản: – Sự hiệp thông và liên đới của tất cả công trình tạo dựng. Tình yêu hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, giữa người nam và người nữ trong gia đình, giữa gia đình và cộng đồng xã hội, giữa loài người và các thụ tạo khác. – Thiên Chúa là Cội nguồn và là Đấng bảo vệ sự hiệp thông; cảm thức về linh thánh trong tôn giáo có thể là một sức mạnh tinh thần đối lại với văn hoá duy vật và duy thế tục. – Phẩm giá của con người và “sự Hiệp thông phổ quát”phát xuất từ việc con người là hình ảnh của Thiên Chúa. – Của cải là chung cho mọi người. – Trách nhiệm chăm sóc môi trường của con người.

Phân nửa thứ hai của phần này dành cho việc “kể chuyện Chúa Giêsu” – Đấng là Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa: Ngài đến loan báo Nước Thiên Chúa; phẩm giá con người, sự liên đới, sự hiệp thông, tình thương ưu tiên dành cho người nghèo; tình yêu phổ quát của Thiên Chúa, sự hoà điệu của công trình tạo dựng; vai trò trung tâm của ngôi vị con người; sự công chính, sự liêm khiết và tinh thần phục vụ vượt mọi quy ước. Đề cập đến “sự hạ mình của Con Thiên Chúa” (kenosis), mầu nhiệm Vượt qua, Cứu chuộc và Giao hòa của Ngài.

4. Phần thứ tư (Phần D)

Trong phần cuối cùng, Tài Liệu Làm Việc đưa ra những nguyên lý cơ bản cho nỗ lực đáp lại các thách đố mục vụ, như vai trò ngôn sứ của Giáo hội, việc “Tân phúc âm hoá”, chiều kích thần nhiệm của giải đáp, “linh đạo hiệp thông”.

+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Giám mục giáo phận Mỹ Tho

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top