Giáo xứ Tam Hải: Ca đoàn Thiên Thần - nền tảng đạo đức mộc mạc qua những lời ca
TGPSG -- Ca đoàn Thiên Thần là một trong hai ca đoàn Thiếu nhi, trong tổng số 11 ca đoàn chính thức của giáo xứ Tam Hải, Hạt Thủ Đức, TGPSG. Ca đoàn hiện có khoảng hơn 30 ca viên với độ tuổi từ 7 đến 12 và được xem là ca đoàn “nền tảng” vì từ đây các em nhỏ sẽ được huấn luyện để tiếp bước lên các ca đoàn khác theo độ tuổi trưởng thành.
* Cơ duyên thành lập:
Năm 2006, linh mục (Lm) Giuse Đoàn Hải Đăng SDB nhận sứ vụ Phụ tá giáo xứ Tam Hải và phụ trách mọi hoạt động Thiếu nhi của giáo xứ. Đúc kết từ những sinh hoạt trẻ nơi các giáo xứ bạn, Lm Giuse nhận thấy giáo xứ Tam Hải đang thiếu một mảng sinh hoạt tông đồ dành cho độ tuổi từ 7 đến 12. Vì vậy, Lm Giuse đã gặp gỡ chị Têrêsa Nguyễn Thị Tuyết Hương, lúc đó đang làm Ca trưởng ca đoàn Têrêsa - là ca đoàn thiếu nhi duy nhất của giáo xứ thời điểm đó, để trao đổi ý tưởng với nguyện vọng lập thêm một ca đoàn Thiếu nhi với độ tuổi từ 7 đến 12 nhằm đào tạo tầng lớp ca viên kế thừa và gia tăng thêm hoạt động đạo đức cho các em nhỏ qua lời ca tiếng hát chúc tụng Thiên Chúa.
Sau buổi gặp đó, vào tháng 9 năm 2006 giáo xứ Tam Hải có thêm một ca đoàn thiếu nhi. Lm Giuse đã đặt bổn mạng cho ca đoàn là Thiên Thần hộ thủ. Thánh lễ mừng bổn mạng đầu tiên của ca đoàn do Lm chánh xứ Gioan Baotixita Trần Văn Hào SDB và Lm phụ tá Giuse Đoàn Hải Đăng SDB đồng tế được cử hành vào ngày 02 tháng 10 năm 2006. Từ đó, ca đoàn chính thức hoạt động.
* Mộc mạc tuổi 17 (2006 - 2023):
Những ngày đầu rất khó khăn trong việc tìm kiếm ca trưởng, ca viên nhí nên Lm Giuse đã nhờ chị Têrêsa Tuyết Hương dẫn dắt ca đoàn trong vai trò Ca trưởng và mời một số em trong ca đoàn Têrêsa cùng hỗ trợ chị Hương cho công cuộc đào tạo mới này. Đồng thời, Lm Giuse cũng nhờ các anh chị Giáo lý viên giúp giữ trật tự cho các em trong lúc tập hát cũng như trong các thánh lễ.
Mùa Chay năm 2012, chị Maria Lê Thị Phương cộng tác với chị Têrêsa Tuyết Hương trong vai trò ca trưởng để cùng điều hành và đào tạo các em. Thời điểm này, Lm phụ tá Phaolô Quách Quốc Bình SDB phụ trách hoạt động thiếu nhi giáo xứ. Lm Phaolô có kiến thức về đệm đàn thánh nhạc nên đã đào tạo và dạy kèm thêm cho các em thiếu nhi, trong đó có 2 em nữ đã từng được đào tạo căn bản ở các trung tâm dạy đàn. Sau đó, khi hai em đạt được trình độ nhất định, Lm Phaolô cho hai em luân phiên đệm đàn trong các thánh lễ chiều thứ Năm mà ca đoàn Thiên Thần phụ trách hát lễ.
Cho đến nay, ca đoàn sắp bước vào tuổi 17 (02/10/2006 - 02/10/2023) và ca trưởng hiện nay là chị Maria Phương.
* Lịch sinh hoạt:
Mỗi tuần, các bé có lịch tập 3 ngày: thứ Tư từ 19g30 đến 20g30; thứ Năm ôn lại các bài hát chừng 20 phút sau thánh lễ Thiếu nhi và thứ Bảy từ 18g30 đến 19g30.
Ca đoàn chỉ phụ trách hát lễ, chầu Thánh Thể vào thứ Năm hằng tuần và sáng Chúa nhật thứ 3 trong tháng.
Thi thoảng, ca đoàn được mời hát các Thánh lễ ngoại lịch như: lễ cưới, lễ Thêm sức,… Những dịp như thế, các bé rất phấn khởi vì được hát nhiều hơn, được gặp bạn nhiều hơn và được kẹo bánh mà quý phụ huynh gởi tặng như quà “khích lệ tinh thần”.
Khi nhận lịch hát tăng cường, ca trưởng và ca viên cùng ra sức tập luyện. Trong khi ca trưởng và nhiều phụ huynh lo lắng thì các bé chỉ hồn nhiên ca hát với tất cả tâm tình, hát rất nhiệt tâm với giọng hát cao vút, đơn sơ, trong trẻo mà dường như chỉ ở độ tuổi thiên thần mới sở hữu.
Với các bé được chọn lĩnh xướng (solo) và đọc bài dẫn chầu sẽ tập riêng với ca trưởng sau mỗi buổi tập hát. Hôm nào trời đẹp, cô trò chọn góc nhỏ trong khuôn viên nhà thờ như bên đài Thánh Giuse, đài Đức Mẹ để luyện tập. Hôm nào trời mưa, cô trò ngồi dưới mái hiên nhà thờ, nơi các bậc thang dẫn lên cửa chính, cô trò say sưa ca hát trong khoảng không gian riêng.
Chị Maria Phương tâm sự: “Vì các em còn nhỏ bé nên chị phải cân nhắc chọn bài sao cho dễ nhớ, dễ hát. Mỗi khi ca hát, các em cứ vô tư hát theo bản năng đơn sơ của trẻ nhỏ, mặc dù đã tập hát trước đó đến nhuần nhuyễn, thuộc lòng”.
Tập luyện tích cực và chu đáo như thế nhưng khi hát lễ cô lại đứng kề bên giữ nhịp cho các em. Cũng có khi, cô hát nho nhỏ để cho các em vững tin hát theo. Nhiều em vì run quá nên cứ cầm chặt tay cô mỗi khi hát solo.
* Sinh hoạt đặc biệt:
Với các em, ngày lễ bổn mạng là ngày vui nhất. Vì ca viên là thiếu nhi nên khâu tổ chức khác hoàn toàn so với các hội đoàn khác của giáo xứ.
Tiệc mừng bổn mạng của các em rất giản dị nhưng vui tươi. Ẩm thực là những phần ăn nhẹ như đùi gà và nước ngọt. Hoạt động chính yếu là các trò chơi đố vui có thưởng xoay quanh chủ đề giáo lý căn bản và về Phúc âm. Đặc biệt có thêm phần rút thăm may mắn trúng thưởng.
Ngoài lễ bổn mạng, vào mỗi dịp xuân về, một số bé sẽ theo gia đình về quê hoặc đi du lịch, các bé ở lại được cô dẫn tới nhà từng thành viên để chúc Tết, sau đó sẽ ghé nhà cô chơi lô-tô, làm bánh, nấu ăn. Các bé rất vui.
* Những tâm tình đơn sơ:
Hát lễ chiều thứ Năm, nhiều em được cha mẹ đưa đón từ trường đến thẳng nhà thờ, chưa kịp về nhà thay áo nên vẫn mặc áo đồng phục học sinh và vai còn đeo cặp. Nhìn rất thương!
Một ca viên nhí cho biết: “Con đi hát ca đoàn từ năm con học lớp hai cơ, bố mẹ con chở con đi tập hát và đi lễ luôn”.
Ca trưởng Maria Phương tâm sự: “Vào mùa thi, các bé sẽ ít tham gia ca đoàn hơn vì lịch học thêm dày đặc và bận học bài thi. Cũng vậy, vào tháng Hoa kính Đức Maria, các em được chọn dâng hoa theo lời mời gọi của các ông trùm khu nên thường vắng mặt. Thật ra, sự lựa chọn cũng tuỳ thuộc nơi phụ huynh rất nhiều vì họ lo lắng cho sức khoẻ của con em nên chỉ chọn một trong các việc đạo đức phù hợp cho con trẻ. Những thời điểm đó, cũng hơi chạnh lòng vì ca đoàn vắng quá”.
Với phụ huynh, họ nhận thấy: Ca trưởng Maria yêu thương và không quản khó nhọc, luôn mời gọi các trẻ bé tham gia ca đoàn bằng lời lẽ ngọt như trà sữa: “Con ơi đi tập hát rồi đi tập dâng hoa sau nha, con nhớ cảm ơn Chúa vì Chúa cho con giọng hát hay lắm đó,…”. Cô dần gieo vào lòng các em lời tạ ơn Chúa qua tiếng hát của mình.
Các em lớn dần theo năm tháng và giọng hát cũng được trau chuốt nhiều hơn. Với các em Vân, Phương Thảo, Lan Anh, Thu Phương, Minh Nhiên.…, khi đến độ tuổi phải tiếp bước lên ca đoàn Têrêsa - cũng là ca đoàn thiếu nhi của giáo xứ, các em nhanh chóng hòa nhập. Có vài em chuyển hướng sang nhóm Công bố Lời Chúa hoặc làm Giáo lý viên, như trường hợp của Thảo Ly và Ánh Hồng. Cũng có những em đã lớn nhưng chưa muốn rời ca đoàn vì muốn gắn bó với ca trưởng và chăm các em nhỏ. Đặc biệt, có một em nay đã học lớp 11, mẹ mất vì ung thư cách đây vài năm, chỉ muốn ở lại ca đoàn giúp cô chiếu bài hát ra màn hình. Tình cảm cô trò thân thương là thế!
* Lời kết:
Việc tham gia ca đoàn đồng nghĩa phải tốn nhiều thời gian, công sức để tập hát và hát lễ, nhưng mang lại ý nghĩa cao đẹp, như Thánh Augustinô đã nói rằng “hát là cầu nguyện gấp hai lần”.
Suốt thời gian sinh hoạt trong ca đoàn, các em có cơ hội được thấm sâu những lời ca đầy ý nghĩa của thánh vịnh, thánh ca mỗi khi cất tiếng hát ca tụng Thiên Chúa: “Chúc tụng Chúa, hãy chúc tụng Chúa, là Chúa tể càn khôn.” hoặc “Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con, công ơn là như núi non dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn.”,…
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển mỗi ngày của ca đoàn Thiên Thần, có thể nhận thấy đây là thành quả kết tinh từ sự hỗ trợ tích cực của các linh mục đặc trách, sự nỗ lực hết mình của các ca trưởng, ca viên và sự quan tâm sâu sắc của quý phụ huynh về đời sống Đức Tin của con trẻ.
Trên hành trình theo Chúa và làm con Chúa, mỗi người chúng ta đều có cơ hội gieo hạt mầm đức tin khác nhau. Với con trẻ, hành trình đức tin rất cần sự ươm mầm và nuôi dưỡng từ những điều nhỏ bé nhất và kiên trì mỗi ngày. Đặc biệt, hành trình đức tin đó phát xuất từ tầm nhìn sứ vụ sâu rộng của các vị chủ chăn, sự đồng hành của quý phụ huynh và các đoàn thể trong giáo xứ. Các em có nhiều cơ hội để đồng hành cùng giáo hội thông qua việc tham gia các hoạt đông tông đồ, như: ca đoàn, lễ sinh, nhóm công bố Lời Chúa, Giáo lý viên, giới trẻ…
* Câu chuyện bên lề: Người ươm mầm đạo đức.
Một bé gái năm nay khoảng mười tuổi đang học giáo lý và tham gia các hoạt động của thiếu nhi tại giáo xứ Tam Hải. Mẹ em là người yêu mến Đức Thánh Cha và luôn đọc sách về Ngài. Mẹ kể cho em về Đức Thánh Cha và gieo lòng yêu mến Ngài cho em, ngoài ra em cũng biết Ngài qua những cuốn sách em được tặng, và qua tìm hiểu trên mạng internet, lòng ngưỡng mộ Ngài nơi em lớn dần. Một ngày nọ em nói với mẹ về ý tưởng viết thư cho Đức Thánh Cha (ĐTC). Mẹ không những không từ chối ý nghĩ táo bạo và đơn sơ của em mà gợi mở thêm ý cho em rằng câu chuyện nào con muốn kể cho ĐTC nghe nhất.
Em đã kể về cảm xúc đầu tiên khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, về ông cố của em… em cũng kể rằng việc mình đã học được bài về tình yêu thương sâu sắc qua hình ảnh ĐTC thông báo với chị gái, mình vừa được chọn làm Đức Giáo Hoàng và Ngài đã nói “ I have you very close to my heart” với người chị. Mẹ em đã cắt nghĩa câu nói cho em hiểu và nói em hãy yêu thương em trai mình thế nào.
Một món quà được em gởi đến ĐTC kính yêu là chân dung của ĐTC do em tự hoạ.
Nhờ sự trợ giúp của mẹ bức thư đã được gởi đi, suốt năm tháng trời em vẫn luôn mong sẽ có sự hồi đáp nhưng lại nhận từ web của bưu điện “thư chưa tới tay người nhận”, thoáng chút buồn mẹ an ủi con Dinh Tông Toà tại Vatican lớn quá thư chắc khó đến tay ĐTC, thôi hãy cầu nguyện và cho ĐTC thêm thời gian, Ngài chắc chắn sẽ rất vui khi nhận được thư con.
Ngày con nhận lá thư quý của ĐTC cùng món quà nhỏ là Cỗ Tràng Hạt từ tay linh mục làm tại phòng thư kí của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (vì thư được chính Đức TGM Marek Zalewski, khâm sứ toà Thánh tại Singapore, đem sang Việt Nam) là món quà quá lớn từ Chúa Phục Sinh gởi tặng cho con. Con rưng rưng nước mắt vì cảm động và miệng thầm nói “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa rất nhiều”…
Bài: Maria Quỳnh Linh (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024