Giáo phận Long Xuyên: Kỷ niệm 60 năm thành lập (1960-2020)
I. Giới Thiệu Sơ Lược Về Giáo Phận
Theo sử liệu, bước chân của các Nhà thừa sai đã đặt lên phần đất Long Xuyên là rất sớm. Vào năm 1735, tức là cách đây 285 năm, ngôi nhà thờ đầu tiên được dựng nên do cha José Garcia trên phần đất này tại Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay. Năm 1813, miền Tây đã có những cơ sở tôn giáo khá vững mạnh như họ đạo Bò Ót, Năng Gù, Cù Lao Giêng. Tại Cù Lao Giêng còn có tiểu chủng viện, dòng Chúa Quan Phòng. Từ năm 1833, nhiều tín hữu tại đây đã dùng chính sự sống để làm chứng cho Chúa Kitô tại Long Xuyên, nổi bật là cha thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng (Ông Câu) đã chịu tử đạo ngày 31/7/1859.
Năm 1938, An Giang có 4 họ đạo, 30 giáo họ, và 12.067 giáo dân. Kiên Giang có 3 họ đạo, 18 giáo họ và 5.127 giáo dân. Huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) có họ đạo Bò Ót với 1.807 giáo dân. Trước năm 1954, phần đất bây giờ là Giáo phận Long Xuyên có hơn 10 xứ đạo với khoảng 30.000 tín hữu. Năm 1954, với tập thể đông đảo giáo dân từ miền Bắc di cư vào miền Nam tại dinh điền Cái Sắn, số giáo dân tăng lên rất nhanh. Vì thế, ngày 24/11/1960 Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ban sắc lệnh Christi Mandata thành lập Giáo phận Long Xuyên từ giáo phận Cần Thơ, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn và đặt Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm giám mục.
Theo niên giám năm 1964, Long Xuyên có 93.730 tín hữu trên tổng số 1.252.705 người, chiếm 7.5%, 104 Lm triều, 3 Lm dòng, 6 nam tu, 59 đại chủng sinh, 270 tiểu chủng sinh, 8 trường trung học, 78 trường tiểu học, 8 cơ sở bác ái từ thiện.
Sau năm 1975, nhiều người dân, trong đó có các tín hữu Công giáo, đã rời thành phố về vùng đất Long Xuyên để lập nghiệp thay vì đi kinh tế mới. Vì thế số giáo dân tăng nhanh. Năm 1994, giáo phận có 200.000 giáo dân trong tổng số 3.670.000 người, 179 Lm, 250 nữ tu, 51 chủng sinh, 87 Giáo xứ (Gx), và 156 nhà thờ lớn nhỏ.
Trong lịch sử 60 năm, giáo phận đã có 4 giám mục: Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ được bổ nhiệm là giám mục tiên khởi của giáo phận năm 1960 với khẩu hiệu Giám mục “Chúa Kitô trong anh chị em – Christus in Vobis”, về hưu năm 1997 và qua đời năm 2009. Kế tiếp là Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, tấn phong giám mục phó ngày 30/4/1975 với khẩu hiệu Giám mục “Điều Răn Mới- Mandatum Novum”, trở thành giám mục giáo phận từ 30/12/1997, và về hưu ngày 2/9/2003. Thứ Ba là Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, tấn phong giám mục phó ngày 29/6/1999, với khẩu hiệu “Xin cho Chúng nên một – Ut unum sint”, trở thành giám mục giáo phận ngày 2/9/2003 và về hưu ngày 23/2/2019. Hiện nay là Đức Cha Giuse Trần Văn Toản được tấn phong làm giám mục phụ tá ngày 29/05/2014 với khẩu hiệu Giám mục “Vinh dự của tôi là Thập Giá Đức Kitô – Mea Gloria is Christi Crux”, trở thành giám mục phó ngày 25/8/2017, và là giám mục giáo phận từ ngày 23/2/2019.
Với ý thức giáo phận được hình thành là do những nỗ lực loan báo Tin Mừng của các bậc tiền nhân, nên ngay từ ngày được thành lập, giáo phận tập trung vào công cuộc đào tạo nhân sự giáo sĩ cũng như giáo dân, cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của giáo phận trên phần đất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chính vì thế, từ 1960 đến 1975, bên cạnh những sinh hoạt đặt nền móng cho một giáo phận mới được thành lập, Giáo phận tập trung vào việc tổ chức đào tạo hàng giáo sĩ qua các tiểu chủng viện và đại chủng viện. Cụ thể là lớp Chủng sinh tại trường trung học Dũng Lạc Xóm Mới Gò Vấp 1961, Tiểu chủng viện Á Thánh Phụng Châu Đốc 1962, Tiểu chủng viện Têrêxa Long Xuyên 1964, Tiểu chủng viện Têrêxa Rạch Giá 1971, Đại Chủng Viện Tôma Long Xuyên 1972. Giáo phận cũng quan tâm đặc biệt đến công cuộc đào tạo tông đồ giáo dân trong sinh hoạt Công Giáo Tiến Hành. Một cách đặc sắc, Giáo phận đã đi đầu trong việc đào tạo tông đồ giáo dân là đã thành lập Viện giáo lý nam 1970, và Viện giáo lý nữ 1974. Đồng thời, Giáo phận cũng tập trung vào việc đào tạo con người qua việc tổ chức các trường học. Quy định là ở đâu có nhà thờ, ở đó có trường học, ít là tiểu học. Giáo phận cũng tổ chức các trường trung học, rải rác trong toàn giáo phận.
Sau năm 1975, mặc dù các chủng viện, các học viện và các trường học của giáo phận không còn hoạt động, Giáo phận Long Xuyên vẫn rất quan tâm đào tạo hàng giáo sĩ. Kết quả là ơn gọi tu trì luôn phong phú nơi Giáo phận. Cụ thể là trong những năm khó khăn nhất dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, không còn chủng viện, giáo phận vẫn đào tạo trong những khóa học cho từng nhóm nhỏ tại Tòa Giám Mục, và từ năm 1975 đến 1993 đã truyền chức Lm cho 65 đại chủng sinh.
Từ năm 1988, Khi Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ được hoạt động, Giáo phận đều đặn gửi chủng sinh đến Đại Chủng Viện Cần Thơ cũng như các đại chủng viện và học viện khác, cả trong và ngoài nước. Từ năm 1994 đến nay có 196 chủng sinh được truyền chức Lm.
Trong vòng 15 năm nữa, với số 119 chủng sinh, 32 dự bị chủng sinh, và trên 200 tu sinh, hàng năm giáo phận có thể có 10 tân Lm.
Năm 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, Giáo phận đã quyết định thành lập dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên. Bước đầu là Hội dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên gửi đệ tử đến dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm Thủ Đức để được đào tạo. Sau 10 năm hoạt động, kết quả là 8 khân sinh, 6 tập sinh, 1 đệ tử, và 9 dự tu; và Nhà Mẹ của Hội dòng cũng đã được xây dựng tại đầu kênh C thuộc Gx Ngọc Thạch và đã sẵn sàng đi vào hoạt động.
Cũng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, Giáo phận cũng đã quyết định thực hiện công cuộc Loan Báo Tin Mừng ngoài giáo phận. Năm 2010, với tinh thần tri ân các vị thừa sai, giáo phận gửi hai dự tu đi tu học tại giáo phận St Dié thuộc giáo hội Pháp, để sau khi chịu chức Lm vào năm 2020, hai Lm này sẽ phục vụ giáo phận St Dié theo hợp đồng giữa hai giáo phận. Năm 2019, giáo phận gửi hai tân Lm đến phục vụ theo chương trình fidei donum với giáo phận La Rochelle cũng thuộc giáo hội Pháp.
Kết hợp với công cuộc đào tạo hàng giáo sĩ, giáo phận cũng quan tâm đến công cuộc đào tạo tông đồ giáo dân, như Hội Đồng Mục Vụ Gx, Giáo lý viên, Thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, và các đoàn hội công giáo tiến hành. Điển hình là Giáo phận cũng vừa tu sửa xong Đại Chủng Viện Thánh Tôma cũ được chính quyền tỉnh An Giang giao lại năm 2018 để làm Trung tâm mục vụ của Giáo phận, và từ nơi đây, giáo phận sẽ chuẩn bị nhân sự tương lai cho giáo phận qua việc đào tạo các dự tu sinh viên đại học để gửi đi chủng viện, kết hợp với việc đào luyện tông đồ giáo dân.
Hiện nay, Giáo phận Long Xuyên gồm: tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang cùng với quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh thuộc thành phố Cần Thơ với diện tích 10.256 km2.
Thống kê hiện nay của Giáo phận Long Xuyên:
- Dân cư 4.352.024
- Giáo dân 232.526 (khoảng 5% dân cư).
- Giáo hạt 9
- Giaó xứ 150
- Giáo họ 59
- Lm 331 (286 triều + 45 dòng)
- Phó tế 03
- Tu sĩ 515 (Nam 65 + Nữ 450)
- Đại Chủng Sinh 119
- Chủng sinh dự bị 32
- Dự Tu Sinh viên Học sinh: trên 200
- Hội Đồng Mục Vụ Gx: 1034
- Thừa Tác Viên Ngoại lệ cho Rước Lễ: trên 400
- Giáo lý Viên: trên 1650
- Huynh Trưởng TNTT: trên 5400
II. Những thuận lợi
Trong hoàn cảnh hiện tại, giáo phận đang có những thuận lợi đối với sứ vụ của mình:
1. Lm đoàn của giáo phận là đông, trẻ, nhiệt tình, vâng phục và hiệp nhất.
2. Tập thể tông đồ giáo dân tại các Gx tương đối là khá đông, đạo đức và nhiệt tình.
3. Ý thức về sứ vụ loan báo Tin Mừng đang được nâng cao và nhận được nhiều sự quảng đại góp phần.
4. Tương quan với các tôn giáo bạn trong giáo phận được coi là thân thiện
5. Tương quan với chính quyền các cấp theo đường hướng hợp pháp, hợp tác và thân thiện, được coi là có những kết quả tích cực cho các sinh hoạt tôn giáo.
III. Những thách đố
Bên cạnh những thuận lợi và thực trạng di dân, giáo phận cũng còn đang đối diện với những thách đố khác đối với sứ vụ của mình. Cụ thể là:
1. Tình trạng kinh tế tại địa phương đang ngày càng bi đát về nông nghiệp, về chăn nuôi, về ô nhiễm môi trường, Hậu quả là di dân, nghèo, và nguy cơ bệnh tật.
2. Nhiều người, đặc biệt là người trẻ, trở nên hờ hững với sinh hoạt tôn giáo và thực hành niềm tin. Lý do được đặt ra có thể là người trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin vì sống trong một chế độ vô thần, một xã hội tục hóa, đề cao giá trị vật chất và sự thụ hưởng, trong khi đức tin của họ, vì nhiều lý do, không trưởng thành kịp để họ có thể đối diện với những thách đố của cuộc đời.
3. Đã có dấu hiệu ơn gọi Lm tu sĩ suy giảm cả về số lượng và chất lượng – Do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự suy thoái đạo đức của cả một xã hội, giới trẻ được huấn luyện trong một hệ thống giáo dục phiến diện, và nhất là giáo dục đức tin tại nhiều gia đình công giáo bị khủng hoảng
4. Tiền, quyền, thụ hưởng đang là cám dỗ rất khắc nghiệt không chỉ đối với giáo dân, mà đối với cả hàng ngũ giáo sĩ và tu sĩ.
5. Đã có những dấu hiệu uy tín của hàng ngũ giáo sĩ đối với người dân đang bị suy giảm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những gương mù gương xấu của những cá nhân giáo sĩ.
IV. Những đường hướng và điểm nhấn mục vụ
Ý thức về những thuận lợi và những thách đố trên, giáo phận bước vào năm 2020 với ý hướng tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận 1960-2020. Để mừng sự kiện trọng đại này, Giáo phận đã đề ra 3 đường hướng và 5 điểm nhấn mục vụ:
- Ba đường hướng: (1) Xây dựng giáo phận thành gia đình của Thiên Chúa, một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và phục vụ ; (2) Đối tượng để giáo phận phục vụ là con người; và (3) Giáo phận trở thành hiện thân của Chúa Kitô trong thế giới hôm nay.
- Năm điểm nhấn mục vụ: (1) Đào tạo và thường huấn hàng giáo sĩ của giáo phận ; (2) Huấn luyện tông đồ giáo dân ; (3) Đầy mạnh công cuộc Loan Báo Tin Mừng ; (4) Thực thi các công việc bác ái ; và (5) Dấn thân vào lãnh vực giáo dục giới trẻ
Trong năm 2019 vừa qua, giáo phận đặt điểm nhấn mục vụ là đào tạo (huấn luyện và thường huấn) hàng giáo sĩ của giáo phận. Cụ thể là, Giáo phận đã hình thành một chương trình đào tạo và tháp tùng Ơn gọi từ dự tu, dự bị chủng sinh, chủng sinh, năm thực tập mục vụ, 5 năm đầu đời Lm. Giáo phận cũng đã soạn thảo Kim Chỉ Nam Lm Long Xuyên dành cho Lm đoàn giáo phận và cho thử nghiệm một năm. Giáo phận cũng đã đề ra quy chế cho các Lm về hưu. Nhờ những cố gắng này, giáo phận ước mong các Lm sống đúng căn tính của mình, nhiệt tâm với sứ vụ Lm, và trung thành với những lời cam kết của đời Lm, để trở thành những mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước và như cộng đoàn tín hữu mong đợi.
Riêng năm 2020 sắp tới, giáo phận tập trung vào huấn luyện và thường huấn dành cho các tông đồ giáo dân, cụ thể là (*) Hội Đồng Mục Vụ Gx (*) Giáo lý Viên ; (*) Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể ; (*) Ca trưởng và ca đoàn trưởng của các ca đoàn ; (*) Lễ sinh.
V. Ước mong
Với hiện tình của giáo phận, giáo phận ước mong:
1) Cho toàn thể Giáo phận: (*) Sự Hiệp nhất trong cộng đoàn Kitô hữu; (*) sự đồng hành với dân tộc để xây dựng quê hương Việt Nam; (*) sự cộng tác với các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí trong xã hội để cùng phục vụ con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật, già cả neo đơn…
2) Cho Hàng Giáo sĩ (Giám mục – Lm – Phó tế): (*) Sự thánh hóa bản thân với sự khổ chế của người môn đệ Đức Kitô; (*) Tích cực thực hiện việc thường huấn toàn diện của hàng giáo sĩ; (*) Nhiệt tình thi hành tác vụ Lm
3) Cho các Tu sĩ nam nữ: (*) Ý thức về lý tưởng sống màu nhiệm Chúa Kitô trong giáo hội; (*) dấn thân thi hành vai trò ngôn sứ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô giữa lòng đời; (*) trở thành dấu chỉ cho Nước Thiên Chúa.
4) Cho các Chủng sinh và Dự tu: (*) Tích cực tham dự các chương trình được đào tạo và tự đào tạo để trở thành những Lm thừa sai; (*) Nhiệt tình và can đảm tiếp nối thế hệ cha anh xây dựng Nước Thiên Chúa trên phần đất của giáo phận; (*) sẵn sàng “vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa” ra đi ngoại biên để loan báo Tin Mừng;
5) Cho tông đồ giáo dân: (*) Tích cực tham dự các khóa huấn luyện và thường huấn dành cho tông đồ giáo dân trong giáo phận; (*) nhiệt tình tham gia, hiệp thông, đồng trách nhiệm với hàng giáo sĩ và tu sĩ để thi hành sứ vụ của Hội Thánh tại địa phương; (*) Can đảm và dấn thân trong vai trò tông đồ giáo dân, để trở thành muối, men, ánh sáng giữa lòng đời.
Cầu mong năm Kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận trở thành lễ Hiện Xuống Mới trên Hội Thánh Long Xuyên.
Xin Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, Bổn mạng của giáo phận, cùng hai thánh tử đạo của giáo phận, thánh Lm Phêrô Đoàn Công Quý và thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng, chúc phúc cho mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận.
Nguồn: Giáo phận Long Xuyên
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội
-
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô