Giáo phận Lạng Sơn thăm và giúp đỡ anh chị em bị lũ lụt tại miền Trung lần thứ hai

Giáo phận Lạng Sơn thăm và giúp đỡ anh chị em bị lũ lụt tại miền Trung lần thứ hai

Trong những ngày vừa qua, liên tiếp những trận lụt với mức độ tàn phá khủng khiếp đã nhấn chìm miền Trung Việt Nam, gây nên những hậu quả to lớn về người và của cho anh chị em nơi đây. Vào ngày 11-12/10 vừa qua, một phái đoàn của giáo phận đã được Đức Giám mục cử vào miền Trung để thăm viếng, ủy lạo và chia sẻ với anh chị em tại đó sau những ngày ngập lụt. Khi phái đoàn vừa về lại giáo phận được mấy ngày, lại nhận được tin miền Trung tiếp tục hứng chịu một trận đại hồng thủy khác lớn hơn, nhấn chìm nhiều khu vực của Hà Tĩnh – Quảng Bình thuộc giáo phận Vinh trong biển nước mênh mông.

Giáo phận Lạng Sơn tuy ở nơi xa xôi, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã chứng kiến sự mất mát vô cùng to lớn của anh chị em miền Trung, khiến lòng mỗi người trào dâng niềm thương cảm, sự đau xót từ đó thôi thúc tinh thần liên đới, sự sẻ chia và nâng đỡ. Vì thế, tuy là một giáo phận nghèo vùng biên giới phía bắc với điều kiện cuộc sống và tôn giáo còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mọi thành phần dân Chúa nơi giáo phận Lạng Sơn những ngày qua đã hưởng ứng nhiệt thành đối với lời kêu gọi của Bề Trên giáo phận và Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas, để rộng tình sẻ chia, đóng góp về tinh thần, vật chất để nâng đỡ anh chị em gặp hoạn nạn tại miền Trung. Mọi người mang đến Nhà Chung của giáo phận hay nhà thờ các giáo xứ, giáo họ những sự đóng góp sẻ chia, dù giá trị vật chất không lớn nhưng gói ghém bao tình nghĩa và sự liên đới.

Vào lúc 3h00 sáng ngày 26 tháng 10, một phái đoàn của giáo phận Lạng Sơn gồm cha quản hạt Cao Bằng, quý Cha, quý tu sỹ và mọi người đã lên đường vào miền Trung, để lần thứ hai đến thăm viếng và chia sẻ sự giúp đỡ với anh chị em gặp hoạn nạn. Băng qua con đường dọc biên giới phía Tây của đất nước, sau hơn 12 giờ đồng hồ của cuộc hành trình, đoàn đã đến với giáo hạt Ngàn Sâu của giáo phận Vinh, thuộc địa giới của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Tại đây, cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, trưởng ban Caritas của giáo phận Vinh, đã đến và chờ để đưa phái đoàn đến thăm các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua.

Tuy giờ đây nước đã rút, nhưng những sự tàn phá của cơn hồng thủy vẫn còn để lại những thiệt hại hết sức nặng nề. Những cánh đồng giờ đây chỉ là một màu phù sa với những gốc hoa màu tàn lụi, những khu vườn giờ đây chỉ còn là cây lá úa tàn, những ngôi nhà trống rỗng giờ chỉ còn lại những cây cột chỏng chơ hay những mái lá tiêu điều, những con người mà nỗi khổ đau mất mát còn in đậm trên gương mặt hốc hác thê lương,… cảnh và người trong cơn hoạn nạn làm quặn lòng mỗi thành viên trong đoàn cứu trợ. Dù đã được chứng kiến trên các phương tiện truyền thông về cơn lụt lội này, nhưng khi đến tận nơi, chúng tôi mới cảm thấy sự tàn phá còn nghiêm trọng hơn nhiều. Cả giáo xứ Thổ Hoàng có trên 100 gia đình thì có tới 84 nhà bị ngập tới mái, thiệt hại hết sức nặng nề.

Bà Mai, thuộc giáo xứ Thổ Hoàng cho chúng tôi biết: “Nước ngập từ chiều thứ Sáu (15/10 – NV) đến hết thứ bảy (23/10-NV), lúc đầu thì nước ngập khoảng đến ngang cửa sổ, nhưng mỗi lúc một dâng cao hơn cho đến khi ngập cả mái nhà. Bà con trong xứ chạy lên trên tầng thượng của nhà xứ, ở đó mấy ngày liền tới khi nước chỉ còn ngập ngang bụng mới về nhà được, về tới nhà thì chẳng còn gì nữa, nước đã cuốn đi tất cả những đồ đạc nghèo nàn của chúng tôi…” – nói đến đây, giọng của bà nghẹn lại, chúng tôi hiểu được sự mất mát của bà con nơi đây thật thê thảm.

Khi chúng tôi hỏi thăm về hiện tình của giáo xứ Thổ Hoàng, một giáo dân cho biết: “Thổ Hoàng là cái nôi của giáo hạt Ngàn Sâu, có hai Đức cha của địa phận Vinh và trên 50 linh mục là con cái của giáo xứ này. Trước đây, xứ có rất đông giáo dân nhưng hiện chỉ còn khoảng trên 1400 người vì vùng này năm nào cũng lụt nặng, rồi sau lụt thì hạn hán khô cạn, đất đai cằn cỗi… nên người ta cứ bỏ đi dần dần”.

Cha xứ Gb.Nguyễn Huy Tuấn chia sẻ với chúng tôi: “Trong trận lụt vừa qua, cả giáo xứ rất may mắn không có thiệt hại về người, vì nơi đây năm nào cũng lụt sâu, nhưng năm nay là đỉnh điểm nhất, không thể tưởng tượng nước ngập tới hai – ba mét, chỉ có một số nhà ở chỗ cao thì còn lộ ra cái mái, còn đa số đều bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước. Bà con không phân biệt lương – giáo đến trú tại tầng hai của căn nhà xứ trong mấy ngày liền, còn tôi (cha xứ-NV) thì cùng một số anh chị em chèo thuyền đến phân phát thức ăn, nước uống cho những người còn trú trên nóc nhà. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 4 ngày thì nước có rút đi một chút nhưng vẫn lênh láng khắp nơi. Cả xứ có 84 ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi hoàn toàn đồng nghĩa với 84 gia đình đang phải tá túc, ăn nhờ ở vả…”.

Phái đoàn của giáo phận Lạng Sơn đến với miền Trung lần này mang theo sự đóng góp của mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận là tiền cứu trợ cùng với những vật dụng thiết yếu nhất như quần áo, khoảng 1200 chiếc chiếu, 300 chiếc màn, 200 chăn ấm và một số thực phẩm khác. Buổi tối ngày 26 tháng 10, sau khi đi thăm một số gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất, phái đoàn giáo phận Lạng Sơn đã được gặp gỡ và chia sẻ với đông đảo bà con trong giáo xứ Thổ Hoàng, Kẻ Vang và Vĩnh Hội và nhiều lương dân. Những giờ phút gặp gỡ, chia sẻ và nâng đỡ với anh chị em vùng lũ lụt thật cảm động. Mỗi người trong đoàn chúng tôi nhận ra rằng, chúng tôi không chỉ đến trao cho họ món quà vật chất, nhưng chúng tôi cùng với họ, đang trao cho nhau những món quà quý giá hơn về tinh thần và tình hiệp thông.

Đây là lần thứ hai liên tiếp giáo phận Lạng Sơn đến thăm, ủy lạo và chia sẻ nâng đỡ với anh chị em bị thiên tai tàn phá tại miền Trung, không phân biệt lương – giáo. Những món quà được trao tặng mang giá trị về vật chất có thể không lớn, nhưng chứa đựng giá trị về tinh thần chia sẻ thật quý báu.Phải nói rằng đời sống của giáo dân Lạng Sơn không phải sung túc giàu có gì, họ cũng phải bươn chải với bao lo lắng tân toan giữa cuộc đời, đa phần giáo dân làm nông nghiệp quanh năm vất vả trên ruộng đồng, nương rẫy, nhưng trước sự mất mát thê lương của anh chị em miền Trung, họ đã mở rộng lòng mình, chia sẻ đi từ những cái ít ỏi của mình để cùng anh chị em vượt qua cơn hoạn nạn. Đây là một nghĩa cử cao đẹp và mang nhiều giá trị nhân văn, nhất là thể hiện tình hiệp thông, sự liên đới sẻ chia thấm đượm tình bác ái Kitô.

Chia tay bà con vùng lũ lụt, lòng chúng tôi không khỏi đau đớn xót xa. Trên hành trình trở về giáo phận Lạng Sơn, mọi người trong đoàn cứu trợ đi qua địa điểm chiếc xe khách gặp nạn bị lũ cuốn trôi, trong đó có hàng chục giáo dân thiệt mạng, mọi người nghẹn ngào chẳng nói lên lời. Tất cả cùng hiệp ý cầu nguyện cho các nạn nhân, và cho anh chị em tại miền Trung sớm vượt qua cơn thử thách ngặt nghèo để ổn định đời sống.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top