Giáo dân Việt Nam ở Lào về quê lo việc tâm linh

Giáo dân Việt Nam ở Lào về quê lo việc tâm linh

Những ngày trước Tết Nhâm Thìn này, người ta ước tính có tới 2.000 người lao động Việt Nam ở Lào, nơi các sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế, về quê nhà ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế ăn Tết, nhiều người trong đó muốn hâm nóng lại đời sống đức tin.

“Mỗi năm chúng tôi về Việt Nam một lần vào dịp Tết để xưng tội, tham dự Thánh lễ và viếng Đền thánh Đức Mẹ La Vang” – bà Maria Goretti Huỳnh Thị Ẩm về quê ở Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hôm 16-1, cho biết.

Bà Ẩm, 50 tuổi, và hai người con gái của bà bán hàng ăn tại chợ Pakse thuộc tỉnh Champasak của Lào hơn bốn năm nay. Họ làm việc từ 4 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày để kiếm sống.

“Tôi không có điều kiện và thời gian tham dự Thánh lễ ở Lào vì nhà tôi thuê cách nhà nguyện Thánh Antôn Padua ở thị trấn Phonthong hơn 70 cây số. Hai tháng một lần mới có linh mục người Lào đến làm lễ” – bà nói.

Bà Ẩm cho biết có chừng 70 người Công giáo trong số hơn 5.000 người Việt đang sống tại tỉnh Champasak. Họ làm công nhân xây dựng, làm nail, mở quán ăn, bán áo quần, thợ chạm đá và gỗ mỹ nghệ.

Bà Ẩm kể mỗi Chúa nhật thứ hai của tháng, họ gặp nhau tại nhà một giáo dân chừng hơn một giờ để đọc kinh, lần chuỗi, chia sẻ với nhau về tin tức ở quê nhà và Giáo hội Việt Nam. Họ còn tự nguyện đóng từ 10.000 đến 20.000 kip (tiền Lào – tương đương 30.000-60.000 đồng) mỗi người để gởi về giúp người nghèo và nạn nhân thiên tai ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An và Quảng Trị.

Bà Ẩm nhớ lại năm 2009, bà gặp một linh mục dòng Đa Minh sang Lào du lịch và mời ngài đến thăm và làm lễ tại nhà một giáo dân Việt Nam ở đó. Có chừng 30 giáo dân tham dự thánh lễ hôm đó.

Bà Ẩm cho hay nhiều người Công giáo sang Lào lao động và lập gia đình với người Lào, nhưng họ chỉ giữ đạo một mình vì người chồng hoặc vợ của họ là Phật giáo và con cái thì không được học giáo lý.

Anh Phaolô Lê Quốc Hài, quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, sang Lào làm nghề thợ mộc từ năm 2006 và cưới vợ người Việt bên đó. Gia đình anh sống tại tỉnh Khammouan.

Anh Hài cho biết Tết này anh đã đưa vợ và hai con về quê và cho họ được rửa tội.

Anh kể trong khu vực của anh có hơn 80 người Công giáo Việt Nam, phần lớn con cái họ chưa biết giáo lý đạo Chúa, vì sinh hoạt tôn giáo ở đó chỉ diễn ra tại gia. Các linh mục Lào không được làm mục vụ công khai cho họ hoặc xây nhà thờ.

“Chúng tôi mong muốn có linh mục, tu sĩ Việt Nam sang đây để làm mục vụ cho chúng tôi” – anh Hài, 39 tuổi, thổ lộ.

Nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres Maria Lene Veret Bruno, người Lào, đang viếng thăm La Vang. Chị cho biết thỉnh thoảng chị cũng có đến thăm cộng đồng giáo dân người Việt tại Pakse nhưng chị không được phép dạy giáo lý.

Sơ Lene, 67 tuổi, nói được tiếng Việt, điều hành một cộng đoàn dòng Thánh Phaolô thành Chartres với hai nữ tu và ba đệ tử người Lào tại giáo phận Pakse.

Theo sơ Lene, giáo phận Pakse có chừng 250 người Công giáo Việt Nam trong số 6.000 người Việt đến làm việc và định cư tại các tỉnh Champasak, Salavan, Xekong trong giáo phận.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top