Giải viết văn đường trường 2018
BẢN TIN 06
Thưa quý độc giả và quý tác giả,
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, “cuộc đua văn chương” của Giải Viết Văn Đường Trường lần VI và cũng là lần cuối, đã khóa sổ nhận bài đúng nửa ngày sau hạn chót, vào lúc 12g00 trưa ngày 16-4-2018, đề phòng có chuyến thư nào bị trở ngại kỹ thuật vào phút chót. Tổng cộng có 81 tác giả dự thi với 167 bài, kém thua năm ngoái 8 bài.
Nhiều tác giả do bận bịu công việc phải “chạy nước rút” vào những ngày cuối, hoặc chú tâm trau chuốt thật kỹ trước khi gửi. Chỉ riêng hai ngày 14 và 15 Ban Tổ chức đã nhận được 71 bài, gần một nửa tổng số bài.
Ban Tuyển đọc phải làm việc ráo riết và sẽ giới thiệu dần các tác phẩm được chọn qua vòng loại trên blog Văn Thơ Công Giáo và Mục Đồng trực tuyến (vanthoconggiao.net và tapsanmucdong.net). Hiện nay Ban Sơ khảo cũng đã tiến hành chấm bài đợt 1 (mã số đến 050). Ban Tổ chức sẽ nhanh chóng tổng kết bài qua sơ loại các đợt tiếp theo để tiếp tục gởi chấm vòng sơ khảo, chọn những bài xuất sắc vào vòng chung khảo.
Trân trọng kính mời mọi người tiếp tục thưởng thức bài thứ nhất trong 05 bài vừa được chọn qua vòng đầu.
Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô Phục sinh ban dồi dào Thánh Thần cho tất cả, cách riêng là cho các vị Giám khảo để cuộc thi có được kết quả tốt, góp phần tôn vinh Danh Thiên Chúa.
Quy Nhơn, ngày 17-4-2018
Lm. Trăng Thập Tự
Trưởng ban Tổ chức
BÀI DỰ THI
Mã số: 18-068
NHỮNG DÒNG BỬU HUYẾT
Nhìn đứa cháu trai đang ngủ ngon lành trong vòng tay mình, lòng bà bình yên đến lạ lùng. Trời chiều nay âm u buồn như bao chiều thứ Sáu Tuần Thánh khác; đứa con dâu vừa trao con cho bà nội rồi đi lên nhà thờ để hôn chân Chúa, bởi chiều nay chị bận ở nhà trông con cho bà và chồng đi tham dự nghi thức. Bà ngồi bế đứa cháu đang ngủ, bà thả mình vào trong dòng ký ức mới chợt ùa về trong tâm trí.
Ngày ấy, Hoàng, đứa con trai một của bà đang ngập tràn hạnh phúc khi Ngân chấp nhận lời cầu hôn của mình. Anh trằn trọc mãi mà không sao chợp mắt nổi, anh nghĩ ra trong đầu thật nhiều những lời để thưa với mẹ mình về tình cảm của anh và Ngân. Anh chỉ mong trời sáng thật nhanh để thưa với mẹ. Gà đã gáy mấy lần mà anh thì chỉ thấy khuôn mặt đoan trang đầy xúc động của Ngân khi anh ngỏ lời cầu hôn. Dù anh cố nhắm mắt thì khuôn mặt xinh xắn dịu dàng ấy, khoảnh khắc vĩnh cửu ấy của tình yêu vẫn hiển hiện nơi anh. Ngân đẹp như một nụ hồng e ấp... Rồi anh cũng thiếp ngủ lúc nào.
- Dậy, dậy... dậy đọc kinh sáng rồi ăn cơm con ơi!
Tiếng mẹ nhẹ nhàng làm anh tỉnh giấc, anh hơi hốt hoảng: “Thế con bỏ lễ sáng hả mẹ? Sao mẹ không gọi con đi lễ?”
Có lẽ đã từ lâu lắm, anh không bỏ một thánh lễ nào nên anh chưa thể quen với việc mình dậy muộn thế này. Vẫn nhẹ nhàng, mẹ anh nói: “Sáng nay cha đi tĩnh tâm tháng ở sở hạt, tối nay cha mới về dâng lễ. Cũng muộn rồi, dậy đọc kinh rồi ăn sáng”.
Trong bữa cơm, mắt anh ánh lên những tia hạnh phúc. Gia đình nhỏ chỉ có hai mẹ con với nhau mà cũng phải mất một lúc anh mới có thể mở lời với mẹ. Chắc tại anh vui quá nên khó nói thôi, giữa anh và mẹ làm gì có chỗ cho sự ngại ngùng.
- Mẹ! Con và Ngân yêu nhau đã lâu, chúng con đã tính chuyện trăm năm... Xin mẹ...
- Ngân nào? Con nhà ông Đấu hả?
- Dạ... dạ... Sao vậy mẹ?
Bà mẹ buông bát đũa xuống mâm cơm, bà dần lấy lại bình tĩnh sau hai câu hỏi gắt gỏng với con trai mà bà đã chợt nhận ra phần nào hơi vô lý. Không khí chùng xuống, nặng trĩu. Anh vẫn không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh đang lâng lâng trong men tình hạnh phúc bỗng nhiên như bị rơi xuống thật mạnh. Chới với...
Bà mẹ nhìn hai bát cơm dang dở trên mâm, bà không biết nói thế nào với đứa con trai duy nhất của mình. Vì anh, vì tình yêu thương dành cho anh mà bà đã từ chối bao nhiêu lời mời gọi chắp nối sau khi chồng qua đời hơn hai chục năm về trước. Bà quyết hy sinh tuổi xuân để thờ chồng nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng già nua cho trọn vẹn nghĩa tình.
Rồi rất bình tĩnh, bà nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Con ạ, chuyện con với Ngân không thể được đâu con… Con hãy nghĩ đến mẹ một mình tần tảo nuôi con ăn học cho đến ngày hôm nay, bố con sớm về với Chúa, mẹ đã vì con mà cố gắng hết sức, hết lòng gìn giữ... Ngày đó, bố con mất được gần ba năm thì ông Hoà, bố cái Ngân đi bộ đội về. Mặc dù là thanh niên chưa vợ, ông một mực theo đuổi, một mực muốn tính chuyện gia thất với mẹ. Ông là người tốt, đạo đời trọn vẹn không ai chê trách điều chi. Nhưng mẹ đã vì con, vì dòng máu họ Chu đang chảy trong huyết quản con, mẹ đã cự tuyệt tình cảm ông ấy, cho nên con bây giờ cũng không thể… Không thể được đâu con à!”
- Kìa mẹ, chuyện mẹ cự tuyệt ông ấy ngày xưa thì liên quan gì đến con và Ngân hôm nay hả mẹ?... Con và Ngân yêu nhau, con không thể sống thiếu Ngân mẹ ạ!
Bà mẹ nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng. Khó xử quá! Cái Ngân thật đẹp người đẹp nết, bao nhiêu bà mẹ trong xóm đạo này ai cũng khen, cũng thầm mong một ngày nào đó được cô bé đó gọi là mẹ... Nghe Ngân hát thánh ca, từ thanh thiếu niên đến các ông già bà lão cũng đều rung động trong lòng, cũng thấy mình dâng lễ sốt mến hơn. Thấy bọn trẻ học giáo lý lớp chị Ngân, đứa nào cũng ngoan hiền, lễ phép. Thế mà...
- Mẹ! Sao vậy mẹ?
Bà đang trầm ngâm trong dòng suy nghĩ miên man ấy thì tiếng con nói làm bà chợt bối rối. Đưa vạt áo lên lau vội đôi mắt ướt, bà nhẹ nhàng trong sự nghẹn ngào xúc động, giọng bà vẫn cương quyết:
- Con không biết đâu, máu họ Chu của con đã đổ ra vì họ… Ông nội con chết bởi tay ông nội cái Ngân. Mẹ cự tuyệt ông Hoà bởi mẹ là đã làm dâu họ Chu con biết không? Con là người mang dòng máu họ Chu, con không thể làm thế được.
Là đứa con trai một được mẹ yêu chiều từ nhỏ, anh lớn lên trong sự vẹn toàn đạo đời. Ở nhà, anh là đứa con ngoan. Đến trường anh là trò giỏi. Trong xóm đạo, anh là gương mẫu của bao nhiêu đứa trẻ. Lần đầu tiên trong đời, giông bão đến với anh, có lẽ quá sức chịu đựng của anh.
Nhìn anh đau khổ ngồi trân trân bên mâm cơm, bà lặng lẽ bước vào buồng. Bà cũng đau khổ lắm, bà không thể ngồi nhìn anh khổ đau thêm nữa. Suốt từ nãy đến giờ, bà đâu dám nhìn thẳng vào mắt con trai. Sao oan trái lại một lần nữa đến với mẹ con bà. Những câu khuyên can của những người khôn ngoan đã hơn hai chục năm rồi vẫn y nguyên trong trí bà, nay lại như âm vang dữ dội hơn: “Hoàn cảnh lúc đó nó vậy mà, người ít học nghe theo lời xúi giục mà thôi”... Bài học lịch sử về cái thời tăm tối ấy bà biết lắm chứ, nhưng từ trong sâu thẳm, từ miền xa xôi tiên tổ nào thôi thúc bà không thể làm khác. Trước mặt Chúa, đã đôi lần bà tự xét hỏi lương tâm xem mình có còn mối thâm thù nào với chuyện xưa chăng? Thật sự bà vô can, đó là chuyện của nhà chồng. Bà nào thù oán chi với đằng ấy. Lời Phúc âm tha thứ bảy mươi lần bảy bà thuộc nằm lòng. Nhưng quả thật bà với họ chẳng có khúc mắc gì để mà tha hay không tha. Có lẽ bà cũng chẳng thể biết mãnh lực nào đẩy bà đến chỗ phản đối tình duyên con trai. Chỉ một điều duy nhất và rất chắc chắn, là bà không thể làm ngược lại, không thể tác hợp cho con mình. Một âm vang có sức mạnh khôn lường trong lòng bà rằng: Con bà mang dòng máu họ Chu, con bà không thể nên duyên với cháu nội của kẻ đã gây ra cái chết cho ông nội nó được. Bà không thể kết thông gia với nhà ấy… Âm vang ấy vô thanh nhưng thật mãnh liệt. Nó có sức quật ngã toàn bộ ý chí, lý trí của bà. Bà hoàn toàn bế tắc.
Ngày tháng trôi đi thật chậm, bà quặn lòng khi nhìn con mình lầm lũi đi về, lầm lũi ăn những bữa cơm nặng nề với bà. Nó có trách, có hận bà không? Hay nó hiểu được đó là trái ngang, là oan khiên mà bà cũng chỉ là nạn nhân mà thôi. Ước gì nó một lần hiểu được sức mạnh của những âm vang vô thanh vẫn vọng vang trong lòng bà, vẫn kiềm toả bà. Nếu vậy nó sẽ thương bà chứ chẳng thể hận trách. Rồi cả cái Ngân nữa, nó ngoan hiền xinh xắn là vậy, nó có hiểu cho mình được phần nhỏ nào không? Nó...
Gần một năm trôi qua, Ngân đang đứng lớp giáo lý thì ông trùm họ gọi ra và vội vàng: “Cháu chạy ngay đến bệnh viện đi, lớp giáo lý để bác, mẹ của Hoàng đi chợ về bị tai nạn nặng lắm, chắc không qua khỏi…”
Ngân chẳng kịp suy nghĩ gì thêm, cô tới nơi chưa kịp hỏi thăm Hoàng thì cô y tá đã đưa cô đi thử máu. Tình hình rất nguy cấp, bà mất máu quá nhiều, bệnh viện không còn máu dự trữ. Một lúc sau cô y tá báo cho Hoàng tin vui là mẹ anh và Ngân cùng nhóm máu, Ngân đang hiến máu, mọi sự thật gấp gáp...
Sau cơn mưa trời lại sáng, mọi sự rồi cũng tốt đẹp. Sau mấy ngày ở phòng chăm sóc đặc biệt, bà đã dần hồi phục. Ngân vẫn miệt mài đi về để hỗ trợ Hoàng chăm sóc mẹ, mặc dù thân hình mảnh mai của cô đã xanh xao đi nhiều sau khi cô hiến một lượng máu khá lớn để cứu bà. Sáng nay, cũng như mấy bữa trước, Ngân đưa bữa sáng đến cho Hoàng rồi trực ở đó luôn để Hoàng có đôi phút nghỉ ngơi sau một đêm trắng. Trong phòng hồi sức, hai người chẳng nói gì với nhau nhưng ánh mắt của họ trao cho nhau vô vàn tình thương yêu, trìu mến. Nhờ tình yêu quá lớn đó mà cả hai đã cùng nhau vượt qua một năm đầy sóng gió, kể từ ngày Hoàng thổ lộ với mẹ chuyện lứa đôi của mình.
Gần trưa, Ngân thiếp đi trên chiếc ghế dựa cạnh giường bệnh, Hoàng vừa chợp mắt được một lúc thì tỉnh lại. Anh lặng lẽ ngắm người yêu đang thiếp ngủ vì mệt. Nước da trắng muốt của người yêu nay thêm phần xanh xao, dáng cao gầy mảnh mai như thêm gầy. Hoàng ngồi ngắm Ngân mà lòng ngập tràn yêu thương pha lẫn xót xa. Tâm trạng Hoàng thật hỗn độn, bên người yêu anh đáng lẽ phải chìm ngập trong cảm giác hạnh phúc, mà sao hạnh phúc ấy vẫn mãi đâu xa xăm quá đỗi? Một đàng anh không thể cãi lời mẹ mà tiến tới với Ngân, đàng khác, anh lại cũng không thể vâng lời mẹ mà dứt tình với người yêu.
Đừng ai hỏi anh câu hỏi rằng bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Hỏi như vậy thật khó cho anh! Chữ hiếu, tất nhiên nặng lắm. Anh là một người Công giáo ngoan đạo, chữ hiếu là điều răn của Chúa, lại là điều răn đầu tiên trong các điều răn hướng về con người. Điều răn cao trọng của Chúa lẽ nào anh dám bỏ qua? Với anh còn đặc biệt hơn nữa, anh thấu hiểu những mệt nhọc, hy sinh không thể nào đong đếm mà mẹ đã dành cho cho anh... Chữ tình đối với anh cũng rất đặc biệt, một khi anh đã trao gửi cho ai chữ yêu, để rồi người ta cũng kết chữ tình với anh thì dù anh phải hy sinh bao nhiêu, có thiệt thòi tất cả anh cũng chấp nhận. Mỗi lần cầu nguyện trong nhà thờ và lặng lẽ chiêm ngắm thánh giá Chúa, anh nguyện lấy tình yêu đó làm lẽ sống cho mình. Khi nhìn vào Chúa giang tay chịu đóng đinh trên thập giá anh thấy chữ Yêu và chữ Tình đóng chặt vào nhau, và anh coi đó là lý tưởng để xây đắp cho tình yêu hôn nhân của mình. Đó âu cũng là hình mẫu cho hôn nhân Công giáo vậy, tình yêu tự hiến cho người mình yêu.
Hoàng luôn luôn tâm niệm rằng, cuộc sống của anh bước đi bằng bàn chân trụ là lòng tri ân đối với những thế hệ cha ông của mình, là sự gắn bó với các truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc và bàn chân bước là lòng tin yêu, là niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng và tốt đẹp. Trong những bước chân ấy, không có chỗ cho hận thù mà chỉ có chỗ cho tình yêu thương, hy vọng mà thôi. Những thù hận, hiềm khích dù cho của thế hệ nào truyền lại chăng nữa cũng không có lý do để tồn tại. Anh sẽ đặt tất cả niềm tin yêu vào cuộc sống, sẽ xây dựng mái ấm của mình cho dư đầy tình yêu, hạnh phúc. Với anh, hạnh phúc gần gũi và giản đơn thôi, một mái nhà ngày ngày rộn ràng tiếng cười nói và đêm nhịp nhàng tiếng cầu kinh.
Hoàng đang thả mình trong những suy nghĩ mơ mộng thì mẹ anh chợt tỉnh lại. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt bà là Ngân, cô đang ở ngay bên cạnh bà. Sau một vài giây bàng hoàng, lòng bà trào dâng những thương cảm lạ lùng. Thấy mẹ đã tỉnh, Hoàng mừng rỡ tiến lại nắm tay mẹ, hai mẹ con nhìn nhau trong thinh lặng một lúc khá lâu. Bà yếu ớt mở lời: “Cái Ngân sao xanh xao quá vậy con?”. Hoàng nhỏ nhẹ, như sợ làm người yêu tỉnh giấc: “Mẹ bị mất máu nhiều quá, không tìm được ai cùng nhóm máu ngoài cô ấy, Ngân đã hiến rất nhiều máu để cứu mẹ. Mấy hôm nay, ngày nào Ngân cũng tới thăm mẹ mặc dù cô đang yếu lắm”. Mắt bà nhoà đi, những giọt nước mắt chảy xuống thấm và ga phủ giường trắng tinh. Bà nghẹn ngào không nói nên lời khi bà biết trong huyết quản bà, có một dòng máu của nhà ấy đang chảy, chính những giọt máu ấy đã cứu sống bà, đã giành bà lại từ tay tử thần... Với bà lúc này, tất cả mọi ranh giới, mọi định kiến đều bị xoá nhoà đi. Đã có những lúc trong đời bà, những lằn ranh mong manh như sợi tơ bà cũng không thể bước qua, thế mà lúc này, tất cả như biến mất. Bà cứ để mặc cho những giọt nước mắt ấm nóng trào ra, nó ấm nóng như chính dòng máu đang chảy trong thân thể bà vậy.
* * *
Cái cựa mình của đứa cháu đưa bà trở về với thực tại, bà cảm nhận đôi dòng nước mắt vừa đi qua gò má mình. Nhìn xuống đứa cháu trai khôi ngô đang trong tay mình, bà chợt nghĩ về một nửa dòng máu họ Chu một nửa dòng máu của "nhà bên ấy", như chính bà cũng đã mang trong mình dòng máu ấy. Những lời dẫn vào nghi thức tưởng niệm chiều nay, chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, bỗng vang vọng trong tâm trí bà. Thật cảm động xiết bao, thật ý nghĩa dường nào: "Linh mục mặc áo màu đỏ, tượng trưng cho máu Chúa Kitô đã đổ ra tràn lan trong dinh Philatô, đã tuôn trào trên đồi Canvê...". Ôi, những dòng bửu huyết đã cứu sống bà, những dòng bửu huyết đã giải thoát bà...
bài liên quan mới nhất
- Các điểm hành hương Năm Thánh 2025 của Tổng Giáo phận Sài Gòn
-
Khai mạc Năm Thánh 2025 -
Ứng viên Phó tế 2025 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư mục vụ Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh 2024 -
Danh sách Linh mục được thuyên chuyển và bổ nhiệm năm 2024 -
Cáo phó: Linh mục Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh qua đời ngày 19-11-2024 -
Thông báo Phụng vụ về cử hành Thánh lễ chiều thứ Bảy 02/11/2024 -
Chúa nhật Truyền giáo 2024 & Cầu cho linh mục đã qua đời -
Cáo phó: Lm Maximô Ngô Vĩnh Hy qua đời ngày 17-10-2024, an táng ngày 22-10-2024 -
Thông báo: Ngưng tiếp nhận cứu trợ lũ lụt tại các tỉnh miền Bắc
bài liên quan đọc nhiều
- Lời nguyện chính thức của HĐGMVN để cầu nguyện trong cơn dịch bệnh Covid-19
-
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về dịch bệnh Covid-19 ngày 06.03.2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19.03.2020 -
Danh sách Thuyên chuyển - Bổ nhiệm Linh mục TGP. Sài Gòn - TP.HCM -
Danh sách Thuyên chuyển - Bổ nhiệm Linh mục TGP. Sài Gòn - TP.HCM 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo tạm ngưng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ 16g00 ngày 26.3.2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn cử hành phụng vụ Tuần Thánh 2020 -
Danh sách Linh mục được thuyên chuyển / bổ nhiệm năm 2022 -
Thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng về dịch bệnh viêm phổi do virus corona -
Danh sách các linh mục được bổ nhiệm và thuyên chuyển năm 2023