Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo: Lòng Chúa thương xót - hành trình chữa lành nội tâm

Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo: Lòng Chúa thương xót - hành trình chữa lành nội tâm

Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo: Lòng Chúa thương xót - hành trình chữa lành nội tâm

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Tháng Sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Dung mạo của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót[1]. Thánh Tâm bị đâm thâu đã ban ơn tha thứ cho những người đóng đinh Ngài và cho toàn thể nhân loại ngay chính trong giây phút đớn đau và hãi hùng nhất (x. Lc 23,34). Sự tha thứ của Thánh Tâm diễn tả tuyệt vời lòng Thiên Chúa xót thương con người. Đây chính là nguồn hy vọng cho nhân loại tội lỗi, là ánh sáng chiếu soi trong đêm tăm tối của chia rẽ và hận thù, là mạch nước dịu ngọt tưới mát những con tim khô cằn và nát tan, là sức mạnh hòa giải và hiệp nhất muôn người. Khi nói về lòng thương xót, ĐTC Bênêđictô XVI đã lấy cuộc đời và giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để diễn tả tâm tình và ý tưởng của chính mình. Ngài nói: “Bắt nguồn từ kinh nghiệm sống trải qua ngay từ những năm tháng đầu đời, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhìn tận mắt tất cả sự độc dữ của con người. Từ đó, ngài đã xác quyết lòng thương xót là phản ứng duy nhất và cuối cùng có khả năng chiến thắng sức mạnh của sự dữ. Chỉ nơi nào có lòng thương xót, nơi đó mới chấm dứt sự độc ác, sự dữ và bạo động.[2]

Sống ơn gọi Linh mục và Tu sĩ, chúng ta không chỉ hạnh phúc bởi biết mình luôn được Chúa xót thương và tha thứ, mà còn hạnh phúc hơn nữa vì được ủy thác sứ mệnh làm hiện thân của lòng Chúa xót thương, nhất là qua việc tha thứ cho những người lỗi lầm để giải thoát họ khỏi sức mạnh của sự dữ và khơi lên nơi họ niềm vui cùng niềm hy vọng vì được thương yêu và thứ tha, cho dù tội họ có nặng nề thế nào. Tuy nhiên, tha thứ lại là việc làm hết sức khó khăn vì lòng bị ràng buộc bởi những thú vui, dục vọng và nhất là bởi những vết thương lòng. Điều này đòi mỗi chúng ta phải kiên trì tập luyện để tâm hồn được chữa lành mới mong có khả năng tha thứ để chữa lành tha nhân và khơi lên trong lòng họ niềm vui và sự an bình. Chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi suy tư về hành trình chữa lành tâm hồn qua đề tài: “Lòng Chúa thương xót: hành trình chữa lành nội tâm”.

Hành trình chữa lành tâm hồn có sáu chặng dựa vào những khả năng tự nhiên của con người và ánh sáng của Lời Chúa cũng như ơn thánh tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu bị đâm thâu trên Thánh Giá.

Chặng 1: Khiêm nhường nhìn nhận vấn đề cũng là của mình

Một trong những khía cạnh nổi bật của thế giới ngày nay là tình trạng phân hóa, chia rẽ, bất công, xung đột và chiến tranh gây ra biết bao bạo động và hận thù trong lòng người. Vấn đề không chỉ xảy ra trong các tương quan giữa các quốc gia, chủng tộc, tầng lớp xã hội hay nhóm người, nhưng còn xuất hiện trong tương quan giữa các cá nhân, ngay cả mối liên hệ thân tình trong gia đình và bạn bè. Do đó, nhu cầu khẩn cấp của thế giới là có những tông đồ biết dẫn đường chỉ lối cho mọi người biết chữa lành tâm hồn để tha thứ, mong tiến đến hòa giải các tương quan căng thẳng và xung đột mà tái tạo lại tình liên đới giữa các cá nhân, gia đình, chủng tộc, quốc gia và ngay cả trong Hội Thánh.

Khi bị xúc phạm hay bị đối xử bất công, người ta thường đổ lỗi cho người khác hay nhóm khác, mà ít khi nhìn thấy trách nhiệm của mình. Trong các vấn đề giữa con người, hầu như không có trường hợp một bên hoàn toàn có lý và bên kia hoàn toàn sai trái. Nhưng cho dù khi một người hoàn toàn có lý, mà lòng chất chứa bạo động và hận thù, thì người này vẫn có vấn đề. Đó là vấn đề nội tâm, vấn đề cõi lòng. Từ con tim chất chứa bạo động và thù hận, sẽ phát sinh những lời nói nóng nảy và hành động bất công, làm u ám môi trường sống bằng những tình cảm, lời nói, hành động mang tính bạo lực và thù hận của mình.

Vì vậy, việc đầu tiên cần phải làm trong hành trình tha thứ là trở về lòng mình để nhận ra rằng chính nội tâm của mình cần được chữa lành. Điều này có thể được diễn tả qua lời của Mẹ bề trên tu viện Mei-tan-Fu khuyên cô đệ tử Kitty trong truyện “The painted Veil” của W. Somerset Maugham: “Này con, con không thể tìm được sự an bình cho tâm hồn trong công việc hay trong vui thú, ở ngoài đời hay ở trong tu viện đâu. Con phải tìm nó trong nội tâm mình”. Đây là lời khuyên rất sâu sắc, kết quả của nhiều năm tìm kiếm qua suy tư và kinh nghiệm sống của chính tác giả. Dù cặm cụi viết lách, dù du lịch khắp năm châu, ông vẫn cảm thấy bất an. Cuối cùng ông đã khám phá ra vấn đề là chính tâm hồn của ông.

Chặng 2: Sống trong cảm nghiệm đức tin: được Chúa thương yêu

Chặng 2 giúp khơi lên lòng tin tưởng để bắt đầu hành trình chữa lành và tha thứ. Đây là một xác tín Đức Tin: Chúa có thể đem lại an bình cho tâm hồn sầu muộn và chữa lành các vết thương. Việc này có thể được thực hiện qua việc suy niệm Lời Chúa với tinh thần lắng nghe và con tim thanh sạch. Ở đây, xin được đề nghị một số trích đoạn Lời Chúa:

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

“Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi… Ngài sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát… Ngài sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61,1-2).

Chặng 3: “Mở nắp vung”

Đây là một hình ảnh lấy từ cuộc sống cụ thể để cắt nghĩa vấn đề nội tâm. Khi nấu nước sôi, nếu cứ đậy nắp vung kín mít thì sức hơi nước sẽ làm cho nắp vung phập phồng, nồi nước rung động và còn có thể nổ tung. Nếu mở hé nắp vung để cho hơi nước thoát ra thì nồi nước sẽ không rung động và sẽ an toàn.

Tương tự như thế, những tình cảm bị dồn nén và chất chứa trong lòng sẽ công phá, làm cho tâm hồn bất an, chán nản và có khi sụp đổ. Sức công phá của tình cảm sẽ diễn tả tùy theo tính tình của mỗi người. Nếu là tính tình nhút nhát và đóng kín, sức công phá của tình cảm sẽ hướng vào chính đương sự, làm cho họ mệt mỏi, chán nản, có khi rời vào trầm cảm hoặc gây ra nhiều thứ bệnh không có nguồn gốc thể lý rõ rệt. Nếu là tính tình bộc trực, sức công phá của tình cảm sẽ diễn tả qua hành động la hét, chửi bới, đập phá gây ra đổ vỡ, chết chóc.

Mở nắp vung để cho hơi nước thoát khỏi nồi thì dễ và rõ ràng trong đời sống cụ thể, còn trong đời sống tâm linh, cần hành động theo định luật tâm lý con người: các tình cảm khi bị dồn ép trong tiềm thức thì công phá, gây bất an, nếu được đưa lên tầng ý thức, chúng sẽ mất phần lớn sức mạnh và giảm sức ảnh hưởng đến nội tâm. Để đưa một tình cảm lên tầng ý thức, cần có ba động tác sau đây:

a) Không chối bỏ, không chạy trốn, cũng không chạy theo, nhưng khiêm nhường nhìn nhận sự hiện hiện của tình cảm trong tâm hồn, cho dù nó có xấu xa, làm cho xấu hổ hay đớn đau.

b) Diễn tả tình cảm đó qua những ý tưởng và hình ảnh cụ thể để nhận diện rõ ràng và gọi nó với tên của nó, chẳng hạn: tức giận, ghen ghét, thù hận, tự ái, kiêu ngạo... Có hai cách diễn tả tình cảm: 1) Đối thoại với người mình tin tưởng, chẳng hạn Cha linh hướng hay vị tư vấn tâm lý: nói thành thật tất cả cảm nghĩ thầm kín, dùng những từ ngữ cần thiết, kể cả những từ ngữ không tốt đẹp để diễn tả những tình cảm chất chứa trong lòng; 2) Viết ra giấy những tình cảm thầm kín như thể đang nói chuyện với người mình tin tưởng. Sau đó, đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến bao giờ những điều đã được viết ra không còn gây nhiều cảm xúc.

c) Tìm hiểu nguyên nhân của những tình cảm đó: có thể là một ý tưởng hoặc cách cắt nghĩa tiêu cực về sự kiện hay vì một vết thương thầm kín trong lòng.

Chặng 4: Cách nhìn mới: cắt nghĩa lại sự kiện

Nguồn gốc của tình cảm là ý tưởng hay vết thương lòng (những kinh nghiệm đớn đau trong quá khứ). Cần nhận diện cách cắt nghĩa đã gây ra tình cảm tiêu cực và suy nghĩ để nhận ra cách cắt nghĩa hiện nay có lẽ không trúng hoặc không đầy đủ, không khách quan nên cần thay thế chúng bằng cách cắt nghĩa mới bao dung hơn, thực tế và tích cực hơn. Như một tỷ dụ: hai người đứng trước chai rượu (chỉ) còn một nửa, người nhìn nửa có rượu thì vui mừng: “Tạ ơn Chúa vẫn còn một nửa!” và mời bạn bè cùng chung vui; người kia nhìn nửa không có rượu thì bực tức và nguyền rủa ai đã uống mất. Nên chi, nếu thay đổi được ý tưởng hay cách nhìn sự kiện thì tình cảm cũng thay đổi. Vì vậy, để hoá giải tình cảm, cần nhìn và cắt nghĩa lại sự kiện để hiểu, thông cảm và chấp nhận. Khi một sự kiện được chấp nhận, nó sẽ không làm phiền lòng và tâm hồn tìm lại được an bình.

Chặng 5: Nhìn bằng ánh mắt của Chúa

Chặng 4 tuy có giúp ích rất nhiều, nhưng không đủ sức để hóa giải mọi tình cảm, vì có nhiều sự kiện không thể hiểu được và không cắt nghĩa được cách nào khác cho hợp lý. Nhưng nếu nhìn bằng ánh mắt của Chúa và đặt mình vào vị thế của Chúa thì sự kiện và những người có liên hệ sẽ được nhìn dưới ánh sáng khác.

Chúa Giêsu xuống thế và dâng hiến mạng sống của mình để cứu rỗi nhân loại tội lỗi, để nhân loại được sống và được sống dồi dào (x. Ga 10,10-27); Chúa như vị mục tử nhân lành, để lại nhà 99 con chiên để đi tìm cho kỳ được con chiên lạc (x. Lc 15,4-7). Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh cứu rỗi những kẻ có tội. Một người càng tội lỗi, Chúa càng thương yêu và tìm hết cách để cứu rỗi: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33,11). Do đó, nếu chúng ta mặc lấy cách nhìn của Chúa, các ý tưởng của chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn và các tình cảm cũng thay đổi theo đó. Lúc ấy, chúng ta sẽ không cần tha nhân phải có lý hay vô tội, nhưng chính vì tha nhân vô lý và có lỗi mà chúng ta cần thương yêu hơn để cứu rỗi. Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn tha nhân và do đó, chúng ta cũng thay đổi các tình cảm của chúng ta: sẽ không còn hận thù, ghen ghét, nhưng trong mọi hoàn cảnh và đối với mọi người, trong lòng chỉ còn tình cảm và ý nghĩ bao dung, thương xót, thứ tha, cứu rỗi, v.v.

Đối với nhiều người, việc suy niệm Lời Chúa xem như một đòi hỏi không thực tế vì nó đi ngược với tâm thức và nhịp sống bận rộn của con người trong xã hội tân tiến ngày nay. Nhưng trong thực tế của xã hội ngày nay, nhiều người vì muốn khỏi bệnh hay muốn sống khỏe hơn, đã không ngần ngại bỏ tiền bạc và thời giờ đi theo học các khóa Thiền hay Yoga hoặc đi tập thể dục với những đòi hỏi rất khó khăn. Không lẽ đối với các Linh mục và Tu sĩ, đi vào thinh lặng để suy niệm Lời Chúa lại không thể làm được? Vấn đề căn bản ở đây là tâm thức, lòng xác tín và quyết tâm. Chợt nhớ đến mấy lời của cụ Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Chặng 6: Sống xác tín được Chúa thương yêu vô điều kiện

Tình yêu chữa lành và hàn gắn. Khi một người cảm nghiệm là được thương yêu vô điều kiện và được yêu say đắm thì tâm hồn tìm được an bình. Biết bao người vì những va chạm trong môi trường công việc làm ăn trở thành hung hãn và bạo động, nhưng khi về nhà, nếu tìm được tổ ấm đầy ắp thương yêu, thì tìm lại được sự an bình cho tâm hồn và trở thành hiền hòa như một con chiên.

Con người ta dù yêu thương bao nhiêu cũng có giới hạn, còn tình yêu của Thiên Chúa thì vô biên và bền vững, sẽ hàn gắn tất cả, có sức chữa lành tất cả nếu gặp được một tâm hồn biết trở về “mái ấm” của Chúa, lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng và sống phó thác trong tình yêu của Ngài. Sau đây là hai đoạn Lời Chúa sẽ đem lại an bình cho tâm hồn, nếu được đón nhận với lòng tin tưởng và phó thác:

“Đừng sợ, vì Ta đã chuộc con, Ta đã gọi con bằng chính tên của con: con thuộc về Ta. Nếu con phải băng qua dòng nước, Ta sẽ ở với con, sông ngòi sẽ không lút được con. Nếu con phải đi qua lửa, con sẽ không bị cháy sém, hỏa hào sẽ không thiêu đốt con, vì Ta là Yahvê, Thiên Chúa của con... Vì đối với  Ta, con rất quý báu, vì con đáng giá, và Ta thương yêu con, Ta đã thí bỏ tất cả để giữ con, đánh đổi các dân nước để bảo vệ mạng sống con. Đừng sợ, vì có Ta ở với con.” (Is 43,1-5).

“Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, đến độ hết chạnh lòng đối với đứa con chính dạ mình đã cưu mang? Cho dù có người mẹ nào quên con mình đi nữa, phần Ta, Ta sẽ không bao giờ quên con.” (Is 49,15).

Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, trong giây phút đau đớn tột cùng trên Thánh Giá, Chúa Giêsu vẫn còn thương xót và tha thứ cho nhân loại tội lỗi: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34). Đức Mẹ đứng bên Thánh Giá Chúa Giêsu đã lắng nghe những lời nhân từ, thương xót đó của con Mẹ và đã hòa một nhịp với lòng thương xót của Ngài. Chúng ta xin Đức Mẹ dạy chúng ta biết noi gương Mẹ, hòa nhịp với tâm tư của Chúa Giêsu, Đấng chúng ta tôn thờ và đã từ bỏ mọi sự để bước theo, mong tìm được niềm vui vì được cộng tác vào sứ mệnh của Ngài cứu rỗi nhân loại tội lỗi.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

 

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

 

Nguồn: giaophanxuanloc.net


[1] x. ĐTC Phanxicô, “Dung mạo lòng Thương xót”, Tông sắc mở Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót.

[2] Trả lời cuộc phỏng vấn do Lm. Jacques Servais, Sj thực hiện, đăng trên báo L’Osservatore Romano, ngày 17.3.2016, trg 4.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top