ĐTGM Leopoldo Girelli thăm Giáo phận Đà Nẵng

ĐTGM Leopoldo Girelli thăm Giáo phận Đà Nẵng

Bài giảng của Đức TGM Leopoldo Girelli
tại Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng, chiều 05-09-2011

(Bản dịch tiếng Việt của cha Marcellô Đoàn Minh)

1. Anh chị em thân mến,

Với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta đang tụ tập tại nhà thờ Chính Tòa này để cử hành Thánh Thể. Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được hiệp nhất với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI qua sự hiện diện của tôi nơi đây trong tư cách là người đại diện của ngài. Đức Thánh Cha của chúng ta rất gần gũi với Giáo Hội Việt Nam và luôn nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện của ngài.

Tôi xin cám ơn Đức giám mục của anh chị em, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, vì những lời trân trọng ngài nói với tôi, đại diện toàn thể anh chị em.

Tôi xin gửi đến từng người trong anh chị em lời chào thân tình quí mến nhất của tôi, tôi đoan chắc cầu nguyện cho anh chị em và cho những ai trong anh chị em không thể ở đây để chia sẻ trong thời điểm quan trọng này trong đời sống giáo phận anh chị em.­

Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay [Lc 6,6-11] mời gọi chúng ta sống theo lề luật mới của Ngài. Thật ra, là Kitô hữu chúng ta sống theo luật pháp dân sự như mọi công dân khác trong nước, nhưng trên tất cả, chúng ta còn được ràng buộc bằng lề luật của Thánh Thần của Đức Kitô. Chúng ta sống dưới ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Rôma: “Lề luật của Thánh Thần về sự sống trong Đức Kitô Giêsu đã giải thoát tôi khỏi lề luật của sự tội và sự chết.” (Rm 8,2).

Lề luật của Đức Kitô thì vĩnh cửu, muôn đời. Trái lại, lề luật của con ngươi thì thay đổi vì chúng do con người làm ra.

Ngoài ra còn có luật tự nhiên do Đấng Tạo Hóa đặt định. Khi người mẹ có em bé, luật tự nhiên phải can dự vào rồi. Bà ấy biết rằng mình phải chăm sóc em bé. Luật con người không bao giờ được đánh đổ luật tự nhiên. Nếu bất cứ luật của con người nào cho phép điều đó, chẳng hạn như trường hợp phá thai, thì đó không phải là luật. Khi vâng theo luật tự nhiên, chúng ta vâng theo bản tính đã được Thiên Chúa dựng nên và sẽ có niềm vui.

Lề luật của Thiên Chúa, ân sủng trong Đức Giêsu Kitô, thì ở trên tất cả những điều đó. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta tham dự vào bản tính của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa lưu chuyển trong chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô. Thật ra, trong Thánh Thể này đây, chúng ta đang dự phần vào Mình và Máu Đức Giêsu.

Chúa Giêsu đã nói: “Ta không đến để hủy bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 19). Chúa Giêsu đến không phải để hủy bỏ luật tự nhiên hay luật dân sự nhưng đến để kiện toàn chúng. Và Ngài nói với chúng ta rằng tình yêu chính là sự kiện toàn ấy.

Theo luật Chúa, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận của mình. Và sự nối kết với Thiên Chúa và với người thân cận là chìa khóa làm cho lề luật được kiên toàn trong tình yêu.

Nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn thế nữa. Ngài là chính sự hoàn tất của lề luật. “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống.”

Nơi Chúa Giêsu, tình yêu trở nên một ngôi vị và là sự hoàn tất của lề luật. Chúa Giêsu là diễn tả đầy đủ nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, và cũng là sự diễn tả sung mãn nhất của tình yêu nhân loại đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Tất cả nội dung của Kitô giáo có thể diễn tả trong một từ: Giêsu.

Do đó chúng ta cần phải cố gắng hiểu biết Đức Giêsu thân mật hơn, yêu mến Ngài nồng nhiệt hơn và theo Ngài gắn bó hơn. Là Kitô hữu là cam kết dấn thân theo Chúa Giêsu. Cốt lõi của việc làm Kitô hữu là phải có một tương quan cá vị và thân thiết với Chúa Giêsu.

2. Anh chị em thân mến.

Tôi được biết rằng giáo phận Đà Nẵng có 44 giáo xứ, 40 điểm truyền giáo, 73 linh mục triều và 15 linh mục dòng, 233 nữ tu và 735 giáo lý viên.

Mỗi năm có thêm khoảng 1.600 người được rửa tội trong giáo phận vốn đã có 69.000 giáo dân. Vì những điều đó chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, và trong lúc này, tôi hi vọng rất nhiều rằng con số người Công giáo trong giáo phận sẽ tăng thêm cùng với nỗ lực phúc âm hóa kiên trì và được đổi mới.

Tôi khuyến khích việc thực hiện một kế hoạch mục vụ cấp giáo phận tập trung vào việc dạy giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Tôi khen ngợi từng cố gắng nhắm đến việc đào tạo giáo lý viên và giáo dân.

Trên tất cả, tôi xác tín phải ưu tiên đào tạo thế hệ trẻ, nuôi dưỡng tầm quan trọng của các ơn kêu gọi linh mục và đời sống tu trì.

Trong giáo phận nhà, có 66 chủng sinh và chúng ta cám ơn những ai đã đáp lời Thiên Chúa kêu gọi, đã không do dự bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu. Bạn trẻ nào nghe tiếng gọi của Chúa thì đừng sợ nói “vâng” và đừng sợ theo Chúa như là một “môn đệ” cách quảng đại.

Tôi biết chắc rằng giáo phận Đà Nẵng sẽ còn dấn thân nhiều hơn nữa trong việc thực hiện một kế hoạch mục vụ hữu hiệu và một chương trình ơn kêu gọi mang lại nhiều lợi ích.

Thực tế, có những thách đố trong giáo phận. Trước tiên, sự hiệp nhất là thiết yếu và thuận lợi cho nỗ lực mới nhằm gia tăng số tín hữu và chất lượng đức tin của họ: hiệp nhất giữa hàng giáo sĩ, và hiệp nhất giữa Đức giám mục và các linh mục. Hơn thế nữa, việc đào tạo giáo dân vẫn là một việc ưu tiên. Và phải có sự quan tâm và chăm sóc mục vụ cho những người nhà quê di cư ra thành phố.

Chính vì thế, tôi tin tưởng rằng cộng đoàn giáo phận sẽ tìm thấy một sinh lực mới để hiệp nhất và cam kết dấn thân cho công cuộc tân phúc âm hóa. Tôi hi vọng rằng mỗi một cộng đoàn giáo xứ sẽ kiên trì quyết tâm tập trung nơi cử hành Thánh Thể như là nguồn mạch từ đó kín múc sức mạnh cho một chứng từ đức ái hữu hiệu hơn; việc này sẽ đóng góp cho sự ổn định của vùng đất này.

3. Anh chị em thân mến.

Cách đây gần hai năm, Giáo Hội Công giáo Việt Nam trải nghiệm một thời điểm đặc biệt nhân cử hành Năm Thánh kỉ niệm 350 năm thành lập Giám hạt Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Vào dịp hi hữu đó đó Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã gửi một sứ điệp vào tháng 11/2009. Cho phép tôi kết thúc bằng những lời mà ngài đã viết trong đó: “Thật là chính đáng khi quyết định làm cho hiệp thông Hội Thánh ăn rễ sâu xa hơn và xây dựng một xã hội bình đẳng, có tương trợ và công lý nhờ sự đối thoại chân chính, tôn trọng lẫn nhau và cộng tác lành mạnh. Năm Thánh là một mùa đặc biệt để canh tân việc rao giảng Tin Mừng cho đồng bào và trở thành một giáo hội hiệp thông và sứ vụ mỗi ngày một hơn.”

Các cử hành không thể nào quên được của Năm Thánh đã qua đi nhưng sự cam kết dấn thân cho công cuộc tân phúc âm hóa mà Đức giáo hoàng kêu gọi đang còn thúc bách.

Nguyện xin Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bảo vệ giáo phận Đà Nẵng.

----------

Bài giảng của Đức TGM Leopoldo Girelli
tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, ngày 06-09-2011


(Bản dịch tiếng Việt của cha Phaolô Đoàn Quang Dân)

Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng có mặt ở đây, tại giáo xứ Trà Kiệu để cử hành Hy Tế Thánh Thể cho tất cả anh chị em đang hiện diện tại nơi này. Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta khi chúng ta tôn kính Mẹ của Ngài, Đức Trinh Nữ Maria.

Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên: Đó là mười hai tông đồ. Nhân cơ hội này tôi muốn anh chị em cùng suy nghĩ và cùng cầu nguyện cho các ơn gọi trong Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã gọi các tông đồ không phải cho Ngài mà là cho Giáo Hội. Lời kêu gọi của Ngài là để truyền giáo.

Chính vì các ông được sai đi cho nên các ông mới được gọi là “tông đồ”, Chúa đã chỉ định cho các ông bước đi trên mọi con đường của thế giới, loan báo Tin Mừng, trở thành những chứng nhân cho cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Và điều thúc bách các tông đồ mãi là “tình yêu của Chúa Kitô.” Trải qua các thế kỷ, có vô số nhà truyền giáo – là những đầy tớ trung thành với Giáo Hội, ngoan nguỳ dưới tác động của Chúa Thánh Thần – đã và đang dõi theo những bước chân của các tông đồ đầu tiên. Và ở đây chúng ta không quên được các nhà truyền giáo đã đến đem Tin Mừng cứu độ cho nước Việt Nam.

Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo và cũng thế đối với mỗi phần tử của Giáo Hội. Qua bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, mỗi Kitô hữu được kêu gọi để làm chứng và loan báo Tin Mừng, nhưng trong chiều hướng này phải được nối kết một cách đặc biệt và thiết thân với ơn gọi linh mục.

Các linh mục được kêu gọi để toàn tâm toàn ý phục vụ cho Tin Mừng. Các ngài được gọi để giảng Lời Chúa, phân phát các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Hoà Giải, tận tâm giúp đỡ người thấp cổ bé miệng, người bệnh, người đau khổ, người nghèo, và những ai còn chưa thực sự gặp được Chúa Giêsu Kitô.

Thống kê cho thấy rằng con số người được rửa tội mỗi năm mỗi gia tăng, đó là nhờ công việc mục vụ của các linh mục này, các ngài hoàn toàn hiến thân để lo cho phần rỗi của anh chị em mình.

Vì lẽ đó, và để Giáo Hội có thể tiếp tục hoàn thành sứ mạng của mình đã được Chúa Giêsu ký thác, anh chị em phải không ngừng cung cấp cho con em của anh chị em một nền giáo dục đức tin liên tục và bền bỉ.

Quà tặng đức tin đòi hỏi tất cả các Kitô hữu phải cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng. Nhận thức này cần được nuôi dưỡng nhờ việc giảng dạy, nhờ việc học hỏi giáo lý, nhờ cử hành phụng vụ và nhờ sự cầu nguyện liên lỷ.

Ơn gọi linh mục thừa tác và ơn gọi sống đời thánh hiến chỉ có thể được triển nở nơi mảnh đất tâm linh được vun xới cách kỹ lưỡng.

Cùng qui tụ quanh Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy xin với Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ cho Giáo Hội tại Viêt Nam luôn ôm ấp ý thức trách nhiệm truyền giáo và biết làm thế nào để ơn gọi linh mục và tu sĩ được gia tăng liên tục. Ước gì được như vậy!

 

 

Lời chào mừng của Đức giám mục giáo phận Đà Nẵng
nhân chuyến viếng thăm của Đức TGM Leopoldo Girelli
Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam
tại giáo phận Đà Nẵng, 05 & 06-09-2011

 

 

1. Chào đón Đức TGM Leopoldo Girelli tại giáo xứ Phú Thượng, chặng dừng chân đầu tiên tại giáo phận Đà Nẵng

Kính thưa Đức Tổng giám mục Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam,

Cách đây 8 tháng, khi vừa được tin Toà Thánh bổ nhiệm Đức TGM làm Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, con đã thay mặt giáo phận Đà Nẵng gửi thư chào mừng Vị Đại diện Toà Thánh, và ngỏ lời mời ngài đến viếng thăm giáo phận.

Chúng con không phải chờ đợi quá lâu, hôm nay, điều chúng con mong ước đã đến: Đức TGM Đại diện Đức Thánh Cha đã đạp đất Đà Nẵng tại giáo xứ Phú Thượng này, và sẽ ở lại với chúng con trọn 2 ngày. Chúng con thật vui mừng và hãnh diện.

Thay mặt cho cộng đoàn đang hiện diện nơi đây và đại gia đình giáo phận, chúng con xin dâng lên Vị Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam lời chào mừng, lòng yêu mến, vì ngài đã đến với chúng con.

Giáo phận Đà Nẵng thuộc về Hội Thánh phổ quát của Chúa Kitô. Tất cả chúng con thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Hội Thánh, hiệp nhất với Đức Thánh Cha và với Vị Đại diện của ngài. ngài đến đây với chúng con không phải chỉ là một thượng khách, nhưng còn là người nhà trong đại gia đình Hội Thánh. Xin ĐTGM hãy xem đây như là nhà của mình trong tình thương yêu, hiệp nhất.

 

2. Diễn văn chính thức chào mừng Đức TGM Leopoldo Girelli tại Nhà thờ Chính toà Đà Nẵng ngày 05-09-2011

Kính thưa Đức TGM Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam,

Trước mặt ngài giờ này tại Nhà thờ Chính toà Đà Nẵng là đại gia đình giáo phận Đà Nẵng: Giám mục, linh mục đoàn, các tu sĩ nam nữ, chủng sinh, đại diện giáo dân và các đoàn thể đến từ các giáo xứ trong giáo phận.

Trước hết, con xin đại diện cho đại gia đình giáo phận gửi đến Đức TGM Đại diện Toà Thánh lời chào thăm và chúc mừng hân hoan nhất của Cộng đồng Dân Chúa giáo phận Đà Nẵng.

Xin mượn lời kinh “Sanctus” trong Thánh Lễ để diễn tả niềm vui thánh thiện của chúng con như lời chào dành cho ngài trong nhiệm vụ cao quý này: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng con xin trao gửi đến ngài và qua ngài, đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, lòng yêu mến trung thành và biết ơn sâu sắc của chúng con. Dù ở xa giáo đô Rôma, chúng con hằng ngày vẫn luôn xác tín: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.

Kính thưa Đức TGM Đại diện, mặc dầu sứ vụ của ngài hiện nay là “Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”, nhưng rõ ràng là chúng con đã cảm nhận được sự gần gũi với Toà Thánh hơn qua sự hiện diện của ngài. Qua ngài, cánh cửa hiệp thông với Toà Thánh và Giáo Hội hoàn vũ đã được mở rộng hơn trước mắt chúng con, hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và giáo phận Đà Nẵng chúng con nói riêng. Sự hiện diện của ngài trên đất nước Việt Nam hôm nay đưa Giáo Hội Việt Nam bước vào một trang sử mới đầy hứa hẹn.

Giáo phận Đà Nẵng chúng con chưa tròn 50 tuổi đời, vốn là chiếc nôi của công cuộc truyền giáo tại Đàng Trong Việt Nam từ gần 400 năm qua, mảnh đất đón nhận dòng máu của vị chứng nhân đức tin tiên khởi tại Việt Nam là Chân phước Anrê Phú Yên. Nhưng đến nay, Đà Nẵng vẫn là một giáo phận nhỏ bé với 44 giáo xứ, 98 linh mục triều và dòng, khoảng 300 tu sĩ, 70 chủng sinh và dự tu, gần 70.000 giáo dân, tức là chỉ 2,5% dân số là người Công giáo. Từ ngày được ĐTC Gioan XXIII thiết lập ngày 18/01/1963, giáo phận Đà Nẵng thi hành sứ vụ của mình trên một vùng đất đầy biến động trong lịch sử cả đạo lẫn đời, giáo dân nhiều phen tản mác vì chiến tranh, vì kinh tế... và luôn đặt mình trước tiếng gọi truyền giáo thôi thúc. Ngay trong thời điểm này, những biến đổi từng ngày của một thành phố Đà Nẵng được xem là trẻ trung năng động, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm thức và sinh hoạt của Giáo Hội địa phương, cũng như cái nhìn của lương dân về Giáo Hội.

Kính thưa Đức TGM,

Năm 1988, giáo phận Đà Nẵng mừng Ngân khánh thành lập, chúng con đã hân hoan đón tiếp ĐHY Etchegaray, đặc sứ của ĐTC đến thăm, khai mào công cuộc đổi mới của đất nước, chúng con bắt đầu có những tân linh mục sau hơn 13 năm vắng vẻ. Hôm nay, khi chúng con chuẩn bị mừng Kim khánh của giáo phận, sự hiện diện của Đức TGM thay mặt Đức Thánh Cha trên vùng đất Đà Nẵng này, chắc chắn cũng mang đến cho chúng con những niềm vui và hy vọng mới.

Tất cả là hồng ân. Xin Đức TGM hiệp với chúng con trong Thánh Lễ này để tạ ơn Thiên Chúa. Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và Hội Thánh trên khắp thế giới. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội như ý Chúa Giêsu “UT SINT UNUM – XIN CHO CHÚNG NÊN MỘT”. Đặc biệt xin Đức Tổng cầu nguyện cho Giáo phận Đà Nẵng chúng con. Cộng đoàn chúng con hôm nay cầu nguyện với Đức TGM và cho Đức TGM luôn hồn an xác mạnh, để đóng trọn vai trò thánh thiêng nhưng cũng đầy khó khăn và tế nhị hiện nay tại các nước Đông Nam Á Châu này.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Amen.

 

3. Lời từ giã tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu sau Thánh Lễ chiều ngày 06-09-2011

Kính thưa Đức TGM kính mến,

Thế là cuộc viếng thăm hai ngày của ngài tại giáo phận Đà Nẵng đã trôi qua thật nhanh. Đức cha chắc đã thấm mệt, nhưng chúng con thì thật vui mừng.

Vui mừng vì sự hiện diện của ngài nói lên tình yêu thương và sự quan tâm của Toà Thánh, của Đức giáo hoàng dành cho chúng con thật là lớn lao và quý báu. Phần chúng con, không phải chỉ tại giáo xứ Trà Kiệu hay giáo phận Đà Nẵng này, mà trên suốt chặng đường 26 giáo phận mà ngài đã hoặc sẽ đi qua, chắc chắn ngài thêm cảm nghiệm về tình yêu của chúng con đối với Giáo Hội, lòng yêu mến trung thành của người Công giáo Việt Nam dành cho Toà Thánh và Đức giáo hoàng.

Chúng con xin cám ơn Đức TGM về sự hiện diện quý báu, những tâm tình trao đổi, những dặn dò nhắn nhủ, những Thánh Lễ với những lời giảng dạy và lời cầu nguyện sốt sắng với chúng con và cho chúng con. Chúng con sẽ nhớ mãi chuyến viếng thăm này, và xin Đức Tổng cũng đừng quên giáo phận nhỏ bé của chúng con.

Chúng con kính chúc ngài thượng lộ bình an, tiếp tục đem niềm vui và tình yêu thương hiệp nhất trên đường viếng thăm mục vụ. Xin Chúa chúc lành cho sứ vụ của ngài trong vai trò Đại diện Toà Thánh. Xin Đức Mẹ Trà Kiệu đồng hành cùng Đức Tổng.

Chúng con mong sớm được gặp lại ngài.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top