Để đức tin thấm vào văn hóa

Để đức tin thấm vào văn hóa

Để đức tin thấm vào văn hóa

"Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa quả là một thảm trạng của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước. Như vậy phải dồn mọi nỗ lực để tiến tới sự Phúc Âm hóa một cách rộng rãi, đúng hơn phải Phúc Âm hóa mọi nền văn hóa. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố” (Evanggelii Nuntiandi 20)

WHĐ (11/9/2024) - Hội nhập văn hóa (inculturation) là thuật ngữ không mới trong từ điển truyền giáo của Giáo hội. Ngay từ thế kỷ 17, các nhà truyền giáo không ngừng tìm hiểu vấn đề này, khi các ngài đến Việt Nam (1615). Lý do là trong quá trình phát triển của Kitô giáo, mối liên hệ giữa đức tin và văn hóa luôn là một đề tài được quan tâm sâu sắc.

Từ việc hội nhập đức tin vào các nền văn hóa khác nhau, Kitô giáo đã tìm cách thích ứng và lan tỏa thông điệp Tin Mừng. Nói thì rất dễ, nhưng thực tế tiến trình này lắm gian khổ và đòi rất nhiều thời gian. Khi nghiên cứu vấn đề này, tôi đọc được một bài rất hay của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Faith and inculturation - Đức Tin và Hội nhập văn hóa[1].

1. Bản chất hội nhập văn hóa

Trong thần học, văn hóa thường phân biệt với tự nhiên. Tự nhiên là những gì tạo nên bản chất của một sinh thể, với xu hướng đạt tới mục đích cuối cùng của nó. Theo quan điểm của Giáo hội, bản chất của một sinh thể được Thiên Chúa tạo dựng. Chúa tạo dựng muôn loài trong đó có con người, với tư cách là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Chỉ có con người mới có khả năng nhận ra dấu vết bàn tay sáng tạo của Ngài trong tự nhiên (GLHTCG 299). Điều này như là món quà rất “độc quyền” dành cho con người. Có lẽ vì món quà này, Giáo hội tin rằng mình có thể tìm ra những hạt mầm đức tin trong các nền văn hóa khác nhau. Hoặc theo ngôn ngữ của Karl Rahner, chúng ta có thể tìm thấy “hạt mầm của Lời Chúa” (semina Verbi) trong các nền văn hóa.

Với ý trên, trong thông điệp Gaudium et Spes, Công đồng Vatican II cũng nhấn mạnh rằng vì Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, nên dù ở văn hóa nào, mọi vật đều được tác thành với các phẩm tính bền vững, chân thật và thiện hảo cũng như có những định luật và trật tự riêng. Điều này cần được tôn trọng và định hướng sao cho phù hợp để hoàn thành ý muốn của Ngài (x. Gaudium et Spes, số 36).

Do đó trước một nền văn hóa mới, luật tự nhiên thể hiện ý muốn của Đấng Tạo Hóa, xác định các yêu cầu đặc thù của bản chất con người. Những khía cạnh ấy như lý trí, tự do và tình yêu, đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng tới việc thực hiện mục đích của Ngài. Từ đó, văn hóa được hiểu là những gì con người phát triển và hoàn thiện dựa trên những yếu tố tự nhiên này, hướng tới mục đích tối cao của cuộc sống.

2. Bản chất con người gắn với văn hóa

Văn hóa ở trong con người hoặc trong một cộng đồng dân tộc nào đó. Khi xem xét bản chất con người, cần đặt nó trong bối cảnh lịch sử, nơi con người có tự do và chịu ảnh hưởng bởi các đam mê và những lựa chọn sai lầm. Văn hóa, do đó, là sự mở rộng các yêu cầu của bản chất con người, thể hiện qua những cố gắng phát triển và hoàn thiện con người cả về mặt thể chất và tinh thần.

Theo ý niệm trên, Gaudium et Spes nhấn mạnh rằng: “Một nhân vị chỉ có thể đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa là nhờ việc trau giồi những phẩm chất thiện hảo và giá trị của thiên nhiên” (GS, số 53). Điều này có nghĩa là văn hóa không chỉ là sản phẩm của lịch sử mà còn là phương tiện để con người phát triển và hoàn thiện bản thân. Sẽ là sai lầm nếu muốn hạt mầm đức tin nảy sinh trong tâm hồn con người, nhưng lại phủ nhận văn hóa của họ! Để thành công trong hội nhập văn hóa, Giáo hội nhấn mạnh rằng: “Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo đã đem đến cho họ nhiều khích lệ và trợ lực quí giá để họ chu toàn bổn phận ấy cách hăng say hơn, và nhất là để họ khám phá được ý nghĩa trọn vẹn của công trình làm cho văn hóa nhân loại giữ được vị trí trỗi vượt trong ơn gọi toàn diện của con người” (GS, số 57).

Cũng vậy, con người là một thực thể cộng đồng, phát triển thông qua việc cho đi và nhận lại. Văn hóa là môi trường trong đó và qua đó con người phát triển. Văn hóa của một dân tộc không nên đóng kín mà phải đóng góp vào sự phong phú chung của nhân loại.

Công đồng Vatican II cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển văn hóa. “văn hóa nhân loại ngày nay phải phát triển, để phát huy cách xứng hợp nhân vị toàn vẹn, đồng thời giúp con người thi hành những bổn phận mà mọi người đều được kêu gọi để chu toàn, đặc biệt các Kitô hữu, những người đã được liên kết trong tình huynh đệ với gia đình nhân loại duy nhất” (GS số 56).

Sự hội nhập văn hóa không phải là sự đóng kín mà là sự mở ra để tham gia vào những giá trị phổ quát của nhân loại. Điều này đòi hỏi sự tôn trọng đối với các nền văn hóa khác và sự sẵn lòng học hỏi từ chúng, đồng thời chia sẻ những giá trị của Kitô giáo một cách chân thành và tôn trọng. Thực ra Giáo hội học được điều này từ chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Trong thông điệp Redemptoris Missio, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng: “Việc nhập thể của Ngôi Lời cũng là một sự nhập thể văn hóa” (RM, số 52). Ngài nhấn mạnh rằng các nền văn hóa có thể đóng vai trò tích cực trong việc biểu đạt và mở rộng đức tin Kitô giáo. Thậm chí đức tin Kitô giáo không chỉ tương thích với các nền văn hóa mà còn là yếu tố động lực, thúc đẩy sự phát triển văn hóa theo hướng tốt đẹp hơn. Câu hỏi thường đặt ra là: làm sao để giúp văn hóa phát triển một cách toàn diện, hướng tới sự hoàn thiện toàn diện cùng với đức tin? Câu hỏi này đã được đặt ra từ rất lâu trong Giáo hội!

3. Cùng một quan tâm cho hội nhập

Trong thế giới hiện đại, quá trình hội nhập đức tin vào các nền văn hóa phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Chẳng hạn thay đổi kỹ thuật đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp và sau đó là cuộc cách mạng đô thị đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn con người. Hoặc nói như thần học gia Ratzinger, ngày trước người ta quan tâm đến ý nghĩa nhiều hơn. Con người muốn hướng thượng, tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Những chuyện tầm thường và thực tế không thu hút con người. Trong bối cảnh này, thần học hoặc đức tin chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên từ thế kỷ 18, thế cờ đã đổi chiều. Ratzinger hoài nghi cho rằng: trong một thời đại mà khái niệm “tiến bộ” đã thay thế cho ý niệm “truyền thống”[2]? Những giá trị con người với thiên nhiên, với gia đình, và tham gia vào các truyền thống, lễ hội đã bị thách thức.

Những tiến bộ về nhiều mặt của đời sống như chế độ ăn uống, sức khỏe, giáo dục, công nghệ, và việc tiếp cận các loại hàng hóa tiêu dùng đã mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, sự tiến bộ này cũng đã tạo ra những lo âu sâu sắc trong tiềm thức tập thể. Khái niệm về tiến bộ đã thay đổi, đặc biệt là sau Chiến tranh Thế giới II, dẫn đến sự thất vọng. Những biểu hiện tiêu cực của sự hiện đại hóa như sự tách rời cá nhân khỏi cộng đoàn. Tiến bộ công nghệ có thể phá hủy các giá trị truyền thống đã làm dấy lên lo ngại về một “chủ nghĩa man rợ mới - new barbarism[3]. Trước quan ngại này, Giáo hội vẫn cần giữ gìn chuẩn mực đạo đức của tất cả các quốc gia. Nếu Phúc Âm được rao giảng và lắng nghe, một sự chuyển đổi văn hóa và đời sống thiêng liêng là có thể (Faith and inculturation số 22).

Đức tin Kitô giáo, dù muốn dù không, đều phải đi vào nền văn hóa cụ thể. Ngày nay cũng thế, Giáo hội cần truyền tải thông điệp Tin Mừng một cách có ý nghĩa và phù hợp với ngữ cảnh hiện tại. Ở đây “là làm thế nào để hài hòa các biểu hiện tự phát của tôn giáo của các dân tộc với đức tin Kitô giáo?” Đa dạng tôn giáo và văn hóa càng lớn, hội nhập và đối thoại lại càng được đề cao[4]. Thông điệp Nostra Aetate của Công đồng Vatican II cũng nhắc đến đối thoại liên tôn và tôn trọng văn hóa. Chẳng hạn khi đề cập đến Phật giáo (kể cả các tôn giáo khác): “Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn quyền và giáo thuyết của các tôn giáo, dù có nhiều điểm khác với Công giáo, nhưng thường mang lại một tia sáng của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người” (Nostra Aetate, số 2). Liền sau đó, Giáo Hội rao giảng và phải không ngừng rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6) trong Người, con người tìm được đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình (x. 2 Cr 5,18-19).

Như vậy, sự hội nhập của đức tin vào văn hóa là một quá trình phức tạp và liên tục. Giáo hội vẫn luôn tôn trọng và học hỏi từ các nền văn hóa khác, đồng thời truyền tải đức tin Kitô giáo một cách phù hợp và ý nghĩa. Thú vị là hội nhập không chỉ làm phong phú thêm đức tin Kitô giáo mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của con người và xã hội. Vì tầm quan trọng này, Công Đồng Vatican II đưa ra cả một sắc lệnh về đối thoại trong vấn đề đại kết: Unitatis Redintegratia.

Tạm kết

Việc hội nhập đức tin vào văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của Giáo hội mà còn là trách nhiệm của mỗi tín hữu Kitô giáo, nhằm lan tỏa tình yêu và sự cứu rỗi của Thiên Chúa đến mọi ngõ ngách của cuộc sống nhân loại. Tuy vấn đề dường như quá lớn và có phần mơ hồ, nhưng nó đang hiện diện trong văn hóa Việt Nam. Nói cách khác, trước văn hóa Phật giáo, văn hóa thờ kính ông bà, văn hóa không tín ngưỡng, v.v., tôi phải là gì? Giáo hội có rất nhiều hướng dẫn, trên đây là một ví dụ.

Để kết thúc tôi vẫn thích ý tưởng này của thần học gia Karl Rahner nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra những “hạt mầm Lời Chúa” (semina Verbi) như một phần của sự hiểu biết rộng hơn về ân sủng của Chúa trong văn hóa. Rahner tin rằng con người đều có sự mở rộng tự nhiên đối với thần thánh, có thể biểu hiện trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Điều này phù hợp với giáo huấn của Giáo hội rằng: “Không loại trừ những gì là chân thật và thánh thiện” (Nostra Aetate số 2) trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo, trong các văn hóa khác nhau.

Nhưng cần chú ý điều này: “Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa quả là một thảm trạng của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước. Như vậy phải dồn mọi nỗ lực để tiến tới sự Phúc Âm hóa một cách rộng rãi, đúng hơn phải Phúc Âm hóa mọi nền văn hóa. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố” (Evanggelii Nuntiandi 20). Vả lại việc “truyền đạt Lời Chúa có tính chất liên văn hóa, cho phép Lời Chúa gặp gỡ và biến đổi các nền văn hóa từ bên trong, mà không làm mất đi bản chất độc đáo của Tin Mừng” (Verbum Domino 114).

________

[1] https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_1988_fede-inculturazione_en.html

[2] Đức Kitô, Hôm qua và hôm nay, phần: Tin, một lựa chọn khó khăn trong thế giới hôm nay.

[3] “New barbarism” trong tiếng Việt có nghĩa là “chủ nghĩa man rợ mới”. Thuật ngữ này ám chỉ một sự suy thoái trong các tiêu chuẩn văn hóa, đạo đức hoặc xã hội, thường liên quan đến những thay đổi công nghệ và công nghiệp hiện đại. Nó gợi ý về sự suy giảm trong tính văn minh, sự tinh tế văn hóa hoặc các chuẩn mực đạo đức, nơi mà sự tiến bộ về vật chất và công nghệ có thể dẫn đến mất mát các giá trị nhân văn sâu sắc hơn và sự gắn kết xã hội.

[4] Giáo hội Việt Nam đã và đang làm rất tốt điều này. Chẳng hạn mới đây: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ve-chi-dan-quan-trong-trong-dong-hanh-cung-dan-toc-cua-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-trong-thu-cua-giao-hoang-phanxico-goi-cong-doan-cong-giao-viet-nam-ngay-892023

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top