Cử hành Thánh Thể: Bài 34 - Yếu tố tưởng niệm
WHĐ (03.06.2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 34: YẾU TỐ TƯỞNG NIỆM
I/ NGHI THỨC
Chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và trên rượu trong đó câu kết của lời truyền phép rượu “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” có nội dung tưởng niệm và đưa ngay đến kinh tưởng niệm. Sau đó, chủ tế nâng chén thánh lên cho cộng đoàn thấy, rồi lại đặt xuống khăn thánh và cúi mình sâu thờ lạy trong thinh lặng. Tiếp đến, chủ tế long trọng xướng tung hô tưởng niệm “Đây là mầu nhiệm đức tin” và cộng đoàn tung hô theo bằng một trong ba mẫu trong Sách Lễ Rôma như một sự nối kết rõ ràng giữa những lời của Chúa “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến thầy” với lời nguyện dâng tiến của linh mục. Sau khi cộng đoàn tung hô, chủ tế đọc lời nguyện dâng tiến, chẳng hạn: “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa...” (Kinh nguyện Thánh Thể II).[1]
II/ TỔNG QUÁT
Tưởng nhớ/tưởng niệm được dịch từ “zikkaron” của tiếng Hipri và “anamnesis” của tiếng Hy Lạp. Lễ vượt qua là một đại lễ mà những người tham dự đều thực hiện việc tưởng nhớ/tưởng niệm toàn bộ hành động cứu độ và giải thoát của Thiên Chúa trong quá khứ (x. Xh 12,14). Với lễ vượt qua đầu tiên, Thiên Chúa giải thoát cụ thể dân Ít-ra-en. Những ngày lễ mừng hàng năm không những mang ý nghĩa tưởng niệm mà còn làm cho nó, tức biến cố cứu độ, thành hiện diện thực sự như thể người Do Thái đang tham dự linh thiêng vào biến cố ấy, đang cùng bước đi với tổ tiên cha ông họ mà ra khỏi Ai Cập (x. Xh 12,42).[2] Như vậy, lịch sử luôn luôn hiện sinh, tưởng niệm có đối tượng là mầu nhiệm vượt qua, nhưng không chỉ là gợi là chuyện quá khứ mà là làm sống lại biến cố ấy (x. GLCG 1363).[3] Toàn bộ hành động Thánh Thể và đặc biệt là những lời truyền phép là một tưởng niệm, nhưng đồng thời cũng là một thực tại hiện tại hóa công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô để sự viên mãn và sức mạnh của những công trình mà Đức Giêsu đã thực hiện trong quá khứ mang lại hiệu quả ở đây và bây giờ trong bối cảnh của sự tiền dự cánh chung khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể.[4]
Khái niệm anamnesis nổi bật trong trước tác của các giáo phụ hồi thế kỷ IV và sau đó nữa cũng như tiếp tục hiện diện trong tất cả các nghi điển phụng vụ, kể cả Lễ quy Rôma. Tất cả cho thấy anamnesis không phải là một thành phần nhưng là nguyên lý cơ bản của Thánh lễ bởi vì toàn bộ Thánh lễ trước hết là một cử hành tưởng niệm “anamnesis” theo lệnh truyền của chính Chúa Kitô “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.[5]
III/ KINH TƯỞNG NIỆM
1/ Tung hô tưởng niệm
Lời cộng đoàn tung hô sau truyền phép là một sự đổi mới của phụng vụ Rôma. Thực sự, phần tung hô này mới được đem vào phụng vụ La-tinh gần đây và được đặt ở tâm điểm của Kinh nguyện Thánh Thể bởi lẽ từ tung hô Sanctus đến tung hô đại Amen là khá dài nên dễ làm cho tâm trí tín hữu lang thang đây đó trong thời điểm được gọi là “tâm điểm và cao điểm của toàn bộ cử hành” (QCSL 78). Để giải quyết, Hội Thánh đã chèn tung hô tưởng niệm vào giữa Kinh nguyện Thánh Thể hầu biểu lộ cách tốt đẹp việc tham dự tích cực của giáo hữu vào việc cử hành mầu nhiệm vượt qua: cuộc khổ nạn, cái chết, phục sinh của Chúa Giêsu - và cũng là một cách biểu lộ chức tư tế họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội. Đây là thực hành theo mẫu của phụng vụ Tây Ban Nha và của hầu hết các nghi điển phụng vụ bên Đông phương, vì từ lâu dân chúng ở đó đã không thụ động nhưng tích cực tham gia vào Kinh nguyện Thánh Thể bằng cách hát Amen sau mỗi câu truyền phép.[6]
Vị tư tế mời gọi: “Đây là mầu nhiệm đức tin” (Mysterium fidei). Lời này đã được Đức Giáo hoàng Lêô Cả (440-461) dùng để chống lại bè rối Manikê, vì họ phủ nhận sự tốt lành của vật chất.[7] Bằng cách này, ngài muốn nhấn mạnh rằng hồng ân cứu độ đến nhờ Chúa Kitô đổ máu, cũng như nhờ sự tham dự trong bánh và rượu được dùng để truyền phép, vốn làm cho hy lễ của Chúa Kitô hiện diện ở đây và bây giờ sau khi truyền phép. Cụm từ “Mầu nhiệm đức tin” là một câu rất cổ xưa đã được đưa vào trong những Kinh nguyện Thánh Thể khác nhau (bổ sung vào công thức truyền phép trước thế kỷ VI). Những lời này cũng xuất hiện trong các bản thảo cổ của Lễ quy Rôma (nằm trong những lời Chúa Kitô nói trên chén), được đọc chung với lời truyền phép rượu trong Thánh lễ của Đức Piô V, tức trong phụng vụ tiền Công đồng Vaticanô II và trong hình thức ngoại thường Thánh lễ hiện nay: “Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu: là mầu nhiệm đức tin: sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”[8]
Do Synod 1967 thỉnh nguyện rút cụm từ “mầu nhiệm đức tin” ra khỏi lời truyền phép, trong khi ĐGH Phaolô VI thì muốn giữ lại, kết quả là trong Nghi thức Thánh lễ hiện nay, những lời “Đây là mầu nhiệm đức tin” vốn hiện diện trong Lễ quy một cách linh thiêng qua nhiều thế kỷ vẫn tiếp tục ở lại, nhưng không còn nằm trong công thức truyền phép nữa mà trở thành lời mở đầu cho phần tung hô tưởng niệm của cộng đoàn, được đọc sau phần Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể, chính xác là sau khi chủ tế trưng chén thánh ra cho cộng đoàn thấy.[9] Tung hô tưởng niệm sau truyền phép là một điều mới mẻ đối với nghi lễ Rôma, mặc dầu nó khá phổ biến nơi một số nghi lễ khác thời xưa, chẳng hạn như nghi lễ Alexandria. Tung hô tưởng niệm phá vỡ sự im lặng trong phần Kinh nguyện Thánh Thể vốn tồn tại lâu dài trong lịch sử để các tín hữu được tham dự tích cực hơn vào Kinh nguyện Thánh Thể.[10]
Nhằm chống lại một số sai lạc liên quan đến sự hiện diện thật sự của Chúa, Đức Giáo hoàng Innocent III (1198-1216) đã viết: “Đây là mầu nhiệm đức tin được sử dụng bởi vì ở đây những gì được tin là khác với những gì được thấy, và những gì được nhìn thấy là khác với những gì được tin. Vì cái được nhìn thấy là hình bánh và hình rượu, và điều được tin là Mình và Máu Chúa Kitô cùng sức mạnh của hiệp nhất và yêu thương” (Denzinger 782).[11]
“Đây là mầu nhiệm đức tin” mà linh mục đọc lên diễn tả sự kinh ngạc và ngỡ ngàng của tư tế trước mầu nhiệm đang diễn ra: Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô được hiến dâng trên thập giá khi xưa thì nay đang hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh rượu.[12] Câu này cũng cho thấy không ai có thể hiểu thấu và nắm bắt được mầu nhiệm cao cả này. Đó chính là mầu nhiệm vượt qua, mầu nhiệm Chúa Kitô chịu chết, sống lại, hiện diện giữa dân Ngài, và sẽ lại đến trong vinh quang. Vì thế, sau khi linh mục mời gọi: “Đây là mầu nhiệm đức tin” thì dân chúng đáp lại bằng cách tung hô mà thường được gọi là tung hô tưởng niệm vì gợi lại nơi tâm trí chúng ta biến cố Chúa chịu chết và phục sinh cũng như mầu nhiệm vượt qua của Chúa chính là mầu nhiệm của đức tin chúng ta, là mầu nhiệm chỉ có thể được cảm nhận trong bối cảnh của đức tin.[13]
Nghi lễ La-tinh đưa ra 3 mẫu tung hô tưởng niệm như sau: (1) Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến; (2) Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến (1Cr 11,26); (3) Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng Thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con (Ga 4,42; 8,32; 2Tm 4,18; Dt 9,28; Kn 5,9; 14,7; 1Cr 1,18; Gl 5,1; 6,14; Cl 1,20; Rm 4,25). Cả ba lời tung hô này cho thấy rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm đức tin” không giới hạn vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, nhưng còn là sự hiện diện của mầu nhiệm vượt qua, của toàn thể mầu nhiệm cứu độ nhờ cái chết, sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Kitô, vì mầu nhiệm này là trung tâm của đức tin chúng ta và đang hiện diện khi cử hành Hy tế Tạ ơn. Đúng thật, những lời tung hô này chẳng khác nào lời công bố câu chuyện cứu độ và như muốn hòa nhập vào sự kinh ngạc của tư tế trước mầu nhiệm cứu độ cao cả.[14]
Mẫu tung hô (1) và (3) dựa trên công thức mượn từ nghi điển Syria trong đó nhắc đến biến cố Chúa chịu chết, sống lại và đến lần thứ hai. Công thức này vừa là lời tung hô vừa là lời van nài rất thông dụng trong phụng vụ và rút chủ yếu từ bản văn Kinh Thánh Kh 5,9 và 1Pr 1,19. Mẫu tung hô (2) có nội dung hầu hết lấy ý từ thư 1Cr 11,26 hầu nói lên Thánh lễ là một cuộc loan báo và công bố. Mẫu tung hô (3) dường như được dựa trên Gioan 4,42, sau khi người phụ nữ đã gặp Chúa Giêsu, các bạn Samaria nói với cô: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”[15] Mệnh đề “cho tới khi Chúa đến” (donec venias) của mẫu (1) và (2) không những chỉ về thời gian mà còn muốn nói lên lòng xác tín và mong đợi (x. Kh 22,17.29).[16]
Việc tuyên xưng “Chúa chịu chết và sống lại” chính là công bố Tin Mừng. Đây là sứ vụ thường xuyên của Hội Thánh xét như là một cộng đoàn vượt qua. Một trong những cách thế để Hội Thánh thi hành sứ vụ này là cử hành Thánh Thể. Nơi đây, các tín hữu gặp gỡ được Tin Mừng, nhưng cuộc gặp gỡ này không kết thúc khi Thánh lễ chấm dứt mà còn tiếp tục sau Thánh lễ khi các tín hữu được sai đi để tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh (x. GLCG 1332).[17]
Phần công thức tung hô tưởng niệm rõ ràng đã nêu lên ba chiều kích thiết yếu và căn bản của bí tích Thánh Thể: Chúa Giêsu chịu chết, phục sinh và trở lại trong vinh quang vào ngày cánh chung. Hội Thánh trông đợi Hy lễ của Đức Giêsu phát huy hết tác dụng trong lịch sử vũ hoàn: mỗi khi cử hành Hy lễ Tạ ơn, ngày Đức Kitô trở lại càng trở nên gần gũi hơn (1Cr 11,26), ngày đó sẽ thành hình Trời mới và Đất mới (Kh 21,1-5).[18] Ở đây, quá khứ, hiện tại và tương lai bổ sung và tương trợ cho nhau. Đức Giêsu đã đến, đang đến và sẽ tỏ mình ra cho nhân loại vào ngày sau hết. Trong hiện tại, ân sủng của thánh giá được tôn vinh trong quá khứ nơi Đức Giêsu cũng được tặng ban cho chúng ta, nhưng chúng ta chỉ tận hưởng được niềm vui trọn vẹn này vào ngày sau hết. Vì thế, các tín hữu mong chờ ngày hồng phúc ấy bằng lời nguyện: “Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (1Cr 16,22; Kh 22, 20).[19]
2/ Anamnesis và tiến dâng lễ phẩm
Phần tưởng niệm bao gồm 2 nội dung: tưởng niệm và dâng tiến hy lễ. Tưởng niệm làm nền tảng cho một lời nguyện thứ hai là dâng tiến. Tưởng niệm/tưởng nhớ thì thuộc về tâm trí, còn tiến dâng [hy lễ] lại là hành động được thực hiện bởi những người đang tưởng nhớ.[20]
Anamnesis và tiến dâng lễ phẩm như trên đây có thể thay đổi nơi các Kinh nguyện Thánh Thể khác nhau. Nhưng tựu chung, trải qua lịch sử và sự tiến hóa của phụng vụ, các Kinh nguyện Thánh Thể đều có ý tưởng tương tự liên quan đến nội dung tưởng niệm (nhằm vào 3 mầu nhiệm: khổ nạn, phục sinh và lên trời) và mở rộng chiều kích tưởng niệm, nghĩa là tưởng nhớ/công bố Chúa chịu chết, mai táng, sống lại, lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha và lại đến trong vinh quang như được thấy trong các Kinh nguyện Thánh Thể (II, III, IV) ngày nay.[21] Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ tưởng niệm Chúa chịu chết và sống lại, nhưng như thể còn nắm giữ được Người trong hình thức bánh rượu. Chúng ta không tưởng niệm biến cố Chúa lại đến vì diễn ra trong tương lai, nhưng niềm trông chờ Chúa đến của chúng ta được bảo đảm bởi Chúa đã phục sinh và vinh hiển bên hữu Chúa Cha.[22]
IV/ MỤC VỤ
- Khi xướng câu “Đây là mầu nhiệm đức tin”, chủ tế không dùng hai tay chỉ vào Mình Máu Thánh trên bàn thờ vì câu xướng này không chỉ giới hạn vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu mà các tín hữu phải dùng đức tin mà nhìn nhận, nhưng đúng hơn muốn diễn tả toàn bộ đạo lý Kitô giáo hay toàn bộ mầu nhiệm cứu độ nhờ công trình Chúa chịu chết, phục sinh, lên trời và nay đang hiện thực ở đây trong cử hành Thánh Thể.[23]
- Phó tế hoặc một thừa tác viên giáo dân, hay bất kỳ một tín hữu khác không được phép xướng “Đây là mầu nhiệm đức tin” (Huấn thị Bí Tích Cứu Độ, các số 52 & 54); cũng không được phép sử dụng bất kỳ lời tung hô nào khác không có trong Sách Lễ (, số 53).
- Trừ trường hợp chỉ có chủ tế và các vị đồng tế hiện diện trong Thánh lễ, các vị đồng tế không cùng với dân chúng tung hô đáp lại câu xướng của chủ tế vì đây là cuộc đối đáp giữa chủ tế và dân chúng và câu tung hô thì chỉ thuộc về dân chúng.[24]
- Trong lúc hát, mọi người hãy hướng mắt nhìn về Chúa Kitô đang hiện diện thực sự nơi Thánh Thể và chọn lựa hát thay đổi 3 lời tung hô.[25]
- Khi không ai hiện diện để đáp lại câu xướng “Đây là mầu nhiệm đức tin” của chủ tế thì bỏ phần xướng đáp này.[26]
- Lời ca tụng/tung hô tưởng niệm cần được cộng đoàn hát lên trong mọi Thánh lễ, bởi vì: (1) Thứ nhất, việc tuyên xưng “Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại” chính là công bố Tin Mừng;[27] (2) Thứ hai, đây là một trong những lời tung hô quan trọng của Thánh lễ; nó biểu lộ cách tốt đẹp việc tham dự tích cực của tín hữu vào cử hành mầu nhiệm vượt qua, và cũng là một cách biểu lộ chức tư tế họ đã lãnh nhận trong bí tích Rửa tội;[28] (3) Thứ ba, cũng như hát Alleluia để tung hô và chào đón Chúa Kitô đến nói với chúng ta Lời của Người, thì qua việc hát tung hô tưởng niệm, chúng ta cũng chào đón Chúa hiện diện cách bí tích nơi bánh và rượu đã trở thành Mình Máu Chúa Kitô.[29]
V/ SUY NIỆM
Lạy Chúa, mầu nhiệm đức tin là gì? Chúa Cha đã quá yêu thương chúng con đến nỗi đã sai Chúa đến chia sẻ thực tại tàn nhẫn được phơi bày trong đau thương và sự chết. Khi Chúa bị đóng đinh vào thập giá, Chúa đã ôm lấy hàng ngàn nỗi đau, hàng ngàn sự chết chóc mà nhân loại đang gánh chịu. Lạy Chúa, đây không phải là mầu nhiệm đức tin sao? Chúng con thật trân quý ý nghĩa của mầu nhiệm này, nhưng liệu chúng con có thể hiểu sâu xa hơn được không?
Chúa đã hoàn toàn trung thành thực thi kế hoạch cứu độ của Chúa Cha khi chịu chết và sống lại từ cõi chết. Quả thực, cái chết và sự phục sinh của Chúa, tức mầu nhiệm vượt qua, tất cả là mầu nhiệm đức tin mà chúng con cử hành trong Thánh lễ. “Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”.
Thật là diễm phúc cho chúng con khi chứng kiến bằng con mắt đức tin mầu nhiệm vượt qua này: mầu nhiệm Chúa chịu chết và phục sinh, mầu nhiệm mà chúng con tưởng nhớ trong Thánh lễ. Nhiều lúc chúng con mong ước được ở đây trên đồi Canvê cùng với Mẹ Maria, nhưng rồi, chúng con có dám tuyên xưng đức tin ngay bây giờ nếu chúng con được nhìn thấy cuộc khổ nạn khủng khiếp của Chúa và nghe câu chuyện phục sinh của Chúa không? Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con quà tặng đức tin, dù mắt phàm này không nhìn thấy.
Lạy Chúa, chúng con là dân của mầu nhiệm vượt qua. Trong Thánh lễ hàng ngày, chúng con cất tiếng cao rao đức tin của chúng con vào mầu nhiệm vượt qua để toàn thế giới nghe thấy rằng: “Chúa đã chết đi; Chúa đã phục sinh; và Chúa sẽ ngự đến trong vinh quang”. Chúng con tung hô những lời này không chỉ trong nghi thức phụng vụ nhưng mà còn trong chương trình của đời sống Kitô hữu. Tất cả những gì chúng con phải sống cho thế giới này là bắt chước cái chết của Chúa, hy vọng vào sự phục sinh trong tương lai, và hân hoan chào đón Chúa bất cứ khi nào Chúa đến viếng thăm chúng con, dù gặp sự lành hay sự dữ. Lạy Chúa, phải chăng tất cả những gì chúng con sẽ sống là sống cho mầu nhiệm vượt qua, cho nên chúng con cũng sẽ chết cho mầu nhiệm này?
Đây là mầu nhiệm đức tin. Nếu Chúa không chết cho chúng con, làm sao chúng con có thể bắt đầu yêu mến Chúa đây? Mặc dù Chúa đã chịu khổ nạn và chịu chết vì chúng con, nhưng đôi lúc trái tim chúng con lại trở nên giá lạnh và thờ ơ lãnh đạm. Nếu Chúa không sống lại từ cõi chết, thì đức tin của chúng con sẽ trở nên vô ích, và ở giữa muôn người trong thế giới này, chúng con sẽ trở thành người đáng thương nhất. Nhưng chúng con xác tín mạnh mẽ rằng Chúa đã sống lại, Chúa đã và đang biện hộ, lý giải cho đức tin của chúng con. Và nếu Chúa không ngự đến lần nữa, thì chúng con còn hy vọng gì cho cuộc sống hôm nay và mai sau nữa? Cuộc sống đối với chúng con bấy giờ thực sự sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi vì chỉ nhờ Chúa đến trong lần thứ hai mà toàn bộ thọ tạo sẽ trở nên tuyệt hảo và lời hứa về sự phục sinh trong tương lai sẽ hoàn thành một cách viên mãn nơi chúng con. Amen.
[1] X. Enrico Mazza, The Eucharistic Prayers of the Roman Rite (trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1986/2004), 177.
[2] J. Dheilly, Từ điển Kinh Thánh IV: Q-Z (Desclee), s.v. “Vượt Qua (đề tài)”, 1838; Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (West Chester: Ascension Press, 2011), 108-09.
[3] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986),98; Suy tư thần học và mục vụ hướng tới Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 cử hành tại Dublin, 97.
[4] X. Peter E. Fink, ed. The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press, 1990), s.v. “Eucharistic Prayers” by John Barry Ryan, 451-459; Ibib., s.v. “Anamnesis” by Frank C. Senn, 45-46.
[5] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 116, 195.
[6] X. Philippe Rouillard, “The Eucharistic Prayer in the Church,” The New Liturgy, ed. Lancelot Sheppard (Westminter/London: Darton, Longman & Todd Ltd., 1970),158; Joseph Genineau, “The Commenmorative Acclamation,” The New Liturgy, 200; Bugnini, trích lại trong John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite,” A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 254.
[7] Edward Mcnamara, “Không được phép thay câu tung hô sau truyền phép bằng câu khác”, dg. Nguyễn Trọng Đa (22/12/2015), acc. 25/01/2024, Giải đáp phụng vụ: Không được thay câu Tung hô sau Truyền phép bằng câu khác (dcvxuanloc.net).
[8] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 199-201; Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 208.
[9] X. Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 358; Joseph Genineau, “The Commenmorative Acclamation”, 202.
[10] X. Joseph Genineau, “The Commenmorative Acclamation”, 200; John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, 254; Edward Mcnamara, “Cụm từ ‘Đây là mầu nhiệm Đức tin’ có ý nghĩa gì?”, dg. Nguyễn Trọng Đa (07/10/2014 & 21/10/2014), acc. 16/01/2024, https://www.tinmung.net/NGHITHUC/Phung-Vu-Giai-Dap/mau%20nhiem%20duc%20tin%20la%20gi.htm.
[11] = chú thích 6.
[12] X. Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass, 114.
[13] Anscar J. Chupungco, OSB, The New English Translation of the Roman Missal (Malaybalay: Paul VI Institute of Liturgy, 2011), 61.
[14] X. Edward Sri, 114; Edward Mcnamara, “Cụm từ ‘Đây là mầu nhiệm Đức tin’ có ý nghĩa gì?”; X. McNamara, “The Mystery of Faith” (07 Oct. 2014), https://www.ewtn.com/catholicism/library/mystery-of-faith-4740; “Mystery of Faith” Responses” (27 Aug. 2013), https://www.ewtn.com/catholicism/library/mystery-of-faith-responses-4689. .
[15] X. Edward Sri, 115; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 199 + chú thích 6.
[16] L. Ligier, “La Maison-Dieu”, số 87, 24.
[17] X. Gregory Augustine Pierce, The Mass Is Never Ended: Rediscovering Our Mission to Transform the World (Notre Dame: Ave Maria Press, 2007), 61
[18] J. Dheilly, Từ điển Kinh Thánh II: D-J (Desclee), s.v. “Hi Tế (đề tài)”, 712-13.
[19] X. Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, 131-132.
[20] X. Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1999), 290.
[21] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 116, 218-224; Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 49, 93, 195.
[22] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ,137-138.
[23] X. Jungmann, Missarum sollemnia, II editio – Wien 1949, II pars, no. 269 ss); McNamara, “Omitting the Mysterium Fidei” (22 May 2018), https://www.ewtn.com/catholicism/library/omitting-the-mysterium-fidei-4899.
[24] X. Turner, Ars Celebrandi, 134.
[25] X. McNamara, “Mystery of Faith Responses” (27 Aug. 2013).
[26] Notitiae 5 (1969), 324–325, n. 3.
[27] X. Kathleen Harmon, The Ministry of Music (Collegeville: The Liturgy Press, 2004), 15-16.
[28] X. Ibid.
[29] X. Ibid.
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024