Cảm nhận về ngày Thứ Tư Lễ Tro 2012
WGPSG -- Khoảng 4 giờ thứ Tư 22.02.2012, âm thanh của những tiếng chuông từ nhiều giáo xứ như Mạctinho, Thị Nghè, Phanxicô Đakao, Mông Triệu, Martinô… đã vọng tới Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, số 6, Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh. Đó là những tiếng chuông báo hiệu Thánh lễ Tro sắp cử hành, để khởi đầu mùa Chay Thánh 2012. Sáng nay, sẽ có những bài thánh ca vang lên ở nhiều nhà thờ: “Người ơi hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro...” hay “Con nay trở về trở về cùng Chúa, Chúa ơi…” Sẽ có những lời nhắc nhở của nhiều bậc phụ huynh dành cho con cái mình: “Hôm nay con nhớ đi lễ và ăn chay kiêng thịt”. Vâng, giữa biết bao người đang ngủ say, hay biết bao người đang vất vả chuẩn bị cho việc mua bán từ sáng sớm, thì hàng ngàn người Kitô hữu chúng ta, ở nhiều giáo xứ trong giáo phận Sài Gòn, chuẩn bị tâm hồn tham dự Thánh lễ Tro 2012. Vậy thì, điều gì đọng lại nơi tâm thức chúng ta về ngày thứ Tư Lễ Tro 2012?
Trước tiên, Thánh lễ Tro sáng nay có nhiều đặc biệt: linh mục sẽ mặc áo lễ màu tím, và trong Thánh lễ này sẽ có nghi thức xức tro. Phải chăng, màu áo lễ tím gợi lên nơi mỗi chúng ta một tâm trạng lắng đọng, suy tư về thân phận con người? Không biết do ngẫu nhiên hay là dấu chỉ của trời cao, khi anh em chúng tôi lên xức tro thì trời bắt đầu đổ những giọt mưa xuống trên mái trường Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, nơi anh em chúng tôi đang tu học: có người đã được 5 năm, người được 4 năm, và có những anh em gần được 1 năm và 2 năm. Chúa muốn nói gì với chúng ta qua sự kiện này?
Vâng, cơn mưa vào sáng thứ Tư Lễ Tro 2012 có lẽ sẽ làm cho nhiều người Sài Gòn ngủ ngon hơn. Ngược lại, cơn mưa ấy đã làm cho những người bán hủ tiếu, bán báo, đi chở hàng từ sáng sớm v.v.. phải đối diện với cái lạnh của khí trời, và với biết bao công việc để đối phó với trời mưa, nhằm bảo đảm cho việc mua gánh bán bưng của họ được thuận lợi.
Tuy nhiên, hoàn cảnh của anh em chúng tôi thì khác: không phải vất vả với chuyện cơm áo gạo tiền, không phải đối chọi với cái lạnh của cơn mưa, với cảnh màn trời chiếu đất hay “khách sạn ngàn sao”. Vì thế, được tham dự Thánh lễ sáng nay là một hồng ân Chúa ban cho chúng tôi.
Thật vậy, tất cả là hồng ân. Và mỗi Thánh lễ là một lời tri ân cảm tạ tình thương của Thiên Chúa. Lời Chúa Giêsu dạy mỗi người Kitô hữu chúng ta sáng nay là hãy cầu nguyện, ăn chay và bố thí cách kín đáo. Điều này phải chăng đi ngược lại với những thói quen, và sở thích của chúng ta: luôn thích khẳng định mình, luôn muốn mình nổi bật, và tự hào vì mình có khả năng này, hay làm được việc này việc kia… Vậy thì, ngày thứ Tư Lễ Tro 2012, ngày khởi đầu mùa Chay, mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta biết khiêm tốn mở rộng trái tim và tâm hồn, để hướng về Chúa là cội nguồn của Chân lý và Tình Yêu, và hướng đến tha nhân bằng những nghĩa cử yêu thương, chia sẻ và cảm thông trong mùa Chay Thánh này.
Tiếp đến, ngày thứ Tư Lễ Tro 2012 là ngày mà Giáo hội buộc mỗi Kitô hữu trưởng thành ăn chay – kiêng thịt: người ta sẽ nhắc nhở nhau hôm nay là ngày ăn chay; người ta hỏi nhau hôm nay phải ăn lúc mấy giờ, phải ăn ít hơn, và ăn bao nhiêu cho vừa… Tuy nhiên, ý nghĩa cốt lõi của việc ăn chay là gì nếu không phải là thái độ hy sinh của bản thân, để hướng lòng về Chúa và tha nhân? Thật vậy, những mùi thịt nướng ở những tiệm cơm tấm, những tô phở đậm đà hương vị, hay những món ăn đơn giản nhất dường như đang cám dỗ, và trở thành gánh nặng cho chúng ta. Tự nhiên hôm nay, chúng ta thấy mau đói bụng, thấy cái gì cũng muốn ăn, thấy việc nhịn đói chay tịnh dường như làm cho vẻ mặt của chúng ta trở nên ủ rũ, buồn rầu và mệt mỏi. Vâng, điều đó vẫn quanh đây có nghĩa là bình thường đối với quy luật tự nhiên sinh tồn của con người, bởi vì ăn uống là nhu cầu rất tự nhiên và thiết yếu của con người.
Thế nhưng, tất cả những điều tưởng chừng bình thường như thế lại trở nên hết sức phi thường đối với đời sống đức tin của người Kitô hữu. Đó là cơ hội để mỗi người chúng ta cảm nhận được giá trị của tình Chúa và tình người khi biết hy sinh làm những công việc cho dù là bình thường, hèn mọn và thầm lặng, nhưng làm với cả trái tim, với cả tinh thần dấn thân phục vụ và với cả tình yêu. Phải chăng đây chính là bài học quan trọng cho chúng ta: khi biết hy sinh từ bỏ những điều bình thường nhỏ nhặt thì chúng ta mới có thể từ bỏ những điều lớn lao hơn như lời Chúa Giêsu đã nói: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn.” (Lc 16,10).
Cuối cùng, vào ngày thứ Tư Lễ Tro, nhiều giáo xứ sẽ cử hành Thánh lễ vào ban sáng, cũng có nhiều giáo xứ cử hành Thánh lễ Tro vào ban chiều. Thế nhưng, cho dù Thánh lễ có khác nhau về thời gian, nơi chốn, nhưng đều mời gọi chúng ta sống tâm tình sám hối, nhìn lại thân phận tội lỗi của bản thân. Qua nghi thức xức tro, qua việc ăn chay, mỗi người Kitô hữu chúng ta cảm nhận được tình thương của Chúa luôn đón nhận sự thật về con người của chúng ta. Vâng, ngày thứ Tư Lễ Tro 2012 sẽ qua đi theo quy luật tất yếu của thời gian. Tuy nhiên, những suy tư và cảm nhận của chúng ta vào ngày này ít nhiều sẽ là những cảm thức đức tin quý báu, và là những kinh nghiệm đời thường giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024