Các bài suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

Các bài suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Lời Chúa: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22

MỤC LỤC
1. Chúa chịu phép rửa
2. Phép Rửa khiêm nhường
3. Cuộc gặp gỡ sâu xa với Đức Giêsu Kitô
4. Ơn gọi người Kitô hữu
5. Trời mở ra
6. Con Yêu Dấu
7. Phép rửa
8. Người thân
9. Phép rửa
10. Con Chúa

 


1. Chúa chịu phép rửa

Khi suy niệm về biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa, tôi thấy có một cái gì gần gũi với ý nghĩa của hình ảnh "hoa sen nở trên bùn lầy".

Thực vậy, Đức Kitô là Đấng thánh thiện tuyệt vời, nơi Ngài không hề vương vấn bất cứ vết nhơ nào của tội lỗi, vậy mà Ngài đã làm một chuyện thật lạ lùng và khó hiểu, đó là xin Gioan làm phép rửa cho mình tại sông Giođan.

Bấy giờ Gioan đang kêu gọi người ta chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối ăn năn. Chuyện đó thật bình thường và dễ hiểu đối với con người, bởi vì con người ai mà chẳng có tội. Nhưng Đức Kitô thì có tội lỗi gì mà phải sám hối ăn năn và do đó, Ngài chẳng có lý do để mà chịu phép Rửa.

Thánh Phêrô trong bức thư thứ nhất, có nói một câu thật chí lý: Tội lỗi của chúng ta Ngài đã mang lấy vào thân, hầu đưa lên cây thập giá. Đức Kitô đã không chỉ tha tội và xoá tội cho nhân loại như người ta tha cho một tù nhân, hay như người ta xoá bỏ một món nợ, nhưng Ngài đã gánh vác, đã nhận lấy cho mình mọi hậu quả của tội lỗi.

Sen mọc trên bùn, đã không tránh né cái nhơ bẩn của bùn, trái lại đã thu hút chính cái bùn nhơ đó vào thân mà biến đổi nó thành hoa thơm. Đức Kitô cũng đã mang lấy, cũng đã gánh lấy tội lỗi của loài người, đem nó vào thân thể Ngài, để biến đổi, để gạn lọc, và làm cho nó trở thành hương thơm, trở thành vẻ đẹp. Ngài đã biến đổi trong chính bản thân Ngài tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở thành thánh đức. Đó là ý nghĩa của việc Ngài chịu phép Rửa, bởi vì Ngài đã không chỉ tha tội mà còn thánh hoá nhân loại, không chỉ xoá bỏ tội lỗi con người mà còn làm cho con người tội lỗi trở nên thánh thiện và công chính.

Hay nói khác đi, Con Thiên Chúa làm người không phải chỉ để chuộc tội, tha tội hay đền tội thay cho loài người mà còn mang lấy kiếp người tội lỗi, để biến đổi chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Khi Đức Kitô chịu để cho Gioan rửa mình trong nước sông Giođan chính là lúc, hơn bao giờ hết, Ngài ý thức mình đang ngụp lặn, đang chìm sâu dưới dòng nước tội lỗi của nhân loại chồng chất từ thời Adong Eva. Ngài chấp nhận cho tội lỗi ngập đầu ngập cổ mình để rồi biến đổi chính dòng nước tội lỗi ấy thành một dòng sông của tình thương, một nguồn suối của ơn sủng. Ngài quả là một bông sen mọc lên từ chính chỗ bùn lầy, vươn lên từ chính nước ao tù, biến đổi bùn lầy và ao tù ấy trở thành hương sắc.

Nhập thể đối với Đức Kitô không phải chỉ là việc đội lốt người, một cuộc dạo chơi trong xã hội, mà thực sự là một việc hộp nhập, hơn thế nữa, phải nói là một sự dính dấp hoàn toàn đối với thân phận và định mệnh con người, kể cả thân phận tội lỗi và số kiếp tử vong.

Đức Kitô là Đấng thánh thiện, nhưng đã tự ý chấp nhận thân phận tội lỗi của con người với tất cả những hệ luỵ của nó. Bởi đó chấp nhận dìm mình dưới dòng nước Giođan, chính là chấp nhận cái chết. Vì thế, chúng ta mới hiểu được tại sao Đức Kitô lại nói về cái chết của Ngài như một phép rửa. Và hành động chịu phép rửa hôm nay có tính cách quyết định cho cả sứ vụ của Ngài. Đây là một lời tiên tri loan báo ý định dấn thân tới cùng sẽ dẫn đưa Ngài tới cái chết thập giá, thế nhưng cũng chính nhờ đó mà Ngài đã được Chúa Cha tuyên phong: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

2. Phép Rửa khiêm nhường

Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.

Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)

Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.

3. Cuộc gặp gỡ sâu xa với Đức Giêsu Kitô

Sự ăn năn sám hối thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng là âm vang của truyền thống Do Thái. Chúng ta trích dẫn đoạn văn tuyệt tác Ezêkiel sẽ đọc trong phụng vụ Phục Sinh (thật vậy, việc Chúa chịu phép Rửa tiên báo mầu nhiệm Vượt Qua): “Trên các ngươi Ta sẽ rảy nước trong sạch và các ngươi sẽ được trong sạch… Ta sẽ ban cho các ngươi một tâm hồn mới, một tinh thần mới”. Sự thanh tẩy bằng nước là một chủ đề dễ hiểu, nhưng dẫu sao nguồn mạch phải trong sạch để cung cấp một thứ nước trong sạch. Nguồn thanh tẩy thiêng liêng là Thiên Chúa. Mà tác động của Người không chỉ ít hay nhiều nhắm vào bề ngoài con người. Sự thanh tẩy không chỉ là một sự dội nước đơn giản, nó thấm sâu tâm hồn và thần trí như lửa vào sâu trong vật bị nung đốt để loại bỏ tất cả những gì là cặn bã dơ bẩn. Phép Rửa của thánh Gioan khuyên giục dân chúng cải thiện nếp sống, chuẩn bị tâm hồn để gặp gỡ Chúa Giêsu. Phép Rửa của Đức Giêsu thấm sâu nội tâm, cho chúng ta một tâm hồn đổi mới nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Chúng ta có được hai kết luật:

1) Nhờ dấu chỉ nào để trong thế giới ngày nay, nhận biết ai là tiền hô đích thật? Người ta nói rất nhiều về thế giới đang đột biến, đang chuyển mình, từ mọi phía nổi lên những tiếng nói tiên đoán về ngày mai của Giáo Hội. Trên bình diện đức tin, người ta không lầm khi tự hỏi: những “tiên tri” ấy có hướng dẫn đến với Đức Giêsu Kitô không? Tiếng nói của Gioan Tiền Hô hướng dẫn thính gỉa đến với Đức Giêsu. Những “tiên tri” ngày nay hô hào thay đổi thái độ, thay đổi điều kiện sinh hoạt, thay đổi cơ cấu xã hội, v.v… nhưng không hướng dẫn người ta đến với Đức Kitô, nghĩa là không hô hào thay đổi tâm hồn nhờ tác động Chúa Thánh Linh. Xét về bình diện Giáo Hội, tiếng nói của họ chẳng có giá trị loan báo Tin Mừng. Những tiền hô đích thật thì hướng dẫn đến cuộc gặp gỡ thật sự và thân thiết với Đức Kitô.

2) Con là Con chí ái của Ta, được Ta hết lòng sủng mộ. Chúng ta đồng quan điểm với thánh Luca rằng: Tiếng phán của Thiên Chúa trên con người của Đức Giêsu là một biến cố. Trong bối cảnh chung là sự thanh tẩy dân chúng và bối cảnh riêng là lời cầu nguyện của Đức Giêsu, thánh chép sử đặt lời phán của Thiên Chúa như một đoạn kết thúc. Đây là một biến cố có hai diện. Trước hết là một sự tiên báo rõ ràng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tiếng phán từ trời cao vọng xuống chính là tiếng nói của Đức Chúa Cha chỉ định Đức Giêsu là Con và Chúa Thánh Linh ngự xuống người ấy mà sau này đức tin sẽ nhận ra là Người –Chúa. Kế tiếp, biến cố cho thấy Đức Giêsu được hưởng trọn vẹn niềm sủng ái của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hay ít tuỳ theo mức độ hiệp thông nhiều hay ít với Người –Chúa là Đấng duy nhất được Thiên Chúa hết lòng sủng ái.

4. Ơn gọi người Kitô hữu

ƠN GỌI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Hiện nay, Giáo Hội rất bận tâm với những ơn gọi. Nhưng ở đây, ơn gọi được hiểu theo một cách rất giới hạn. Một cách cơ bản, chúng ta đang nói về ơn gọi trở thành linh mục. Đây là một ơn gọi quan trọng, nhưng không phải là ơn gọi quan trọng nhất trong Giáo Hội.

Ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất, phổ biến đối với tất cả những người đã được rửa tội, đó là ơn gọi trở thành người Kitô hữu, hoặc ơn gọi làm người môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ơn gọi cốt lõi. Tất cả những ơn gọi khác trong Giáo Hội đều phải được coi như liên hệ với ơn gọi của Đức Giêsu “Hãy đến, hãy đi theo Ta”. Nói cách khác, chúng ta tiếp nhận ơn gọi trở nên người môn đệ của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là có nhiều người được rửa tội đã sống không khác biệt gì, so với người không được rửa tội. Nếu họ thực hành lòng tin của họ, thì đó lại thường là một lòng tin không trưởng thành, dựa trên cách thực hành thường lệ, không dứt khoát. Điều cần thiết là tin tưởng với sự hiểu biết; và đi theo Đức Kitô bằng lòng tin của cá nhân mình.

Lần kia, Đức Hồng Y Newman đã hỏi cộng đoàn của ngài “Việc trở thành một người Kitô hữu tạo ra sự khác biệt gì trong lối sống hằng ngày của chúng ta?”. Câu kết luận là “Tôi e rằng hầu hết chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm, nếu chúng ta cho rằng đạo Công giáo không hơn gì một câu chuyện ngụ ngôn”. Ơn gọi làm người Kitô hữu bao gồm cái gì? Theo những lời trong Tin Mừng, thì ơn gọi làm người Kitô hữu là một tiếng gọi trở nên “muối đất, ánh sáng thế gian”. Đạo Công giáo nói về lối sống như thế nào, chứ không chỉ nói về lòng tin vào điều gì. Không nên có sự phân biệt giữa sinh hoạt tôn giáo và những hoạt động thường ngày. Lòng tin phải được chuyển thành hành động. “Đừng ngại loan báo điều mà bạn tin tưởng, trừ phi bạn hành động một cách phù hợp” (Catherine de Hueck Doberty).

Với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta đóng một vai trò rất tích cực trong thế giới. Chúng ta có những thứ để hiến tặng, những thứ mà thế gian cần đến một cách tuyệt vọng, mặc dù không nên e ngại hoặc biện hộ về vai trò của chúng ta. Điều này cần đến một lòng can đảm và sự gan dạ nào đó.

Việc đi theo Đức Kitô nghĩa là gì đối với người bình thường? Điều này có nghĩa là trở nên một người Kitô hữu ngay tại nơi bạn sinh sống, và ngay trong nghề nghiệp mà bạn chọn lựa. Có nhiều cách thức để phục vụ Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Lời mời gọi trong trường hợp đầu tiên không phải dành cho vai trò làm Tông đồ, mà là vai trò làm người môn đệ của Chúa.

Chắc hẳn là nếu không bao giờ nghe được tiếng gọi của Đức Giêsu, thì chúng ta sẽ có một cuộc sống dễ dãi hơn. Nhưng liệu chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc hơn và liệu chúng ta có được sống nhiều hơn thế nữa chăng? Đức Giêsu nói “Thầy đến để anh em được sống và sống dồi dào”. Tin Mừng đưa ra cho chúng ta một lối sống chính đáng hơn và sâu xa hơn cho cuộc sống của chúng ta. Và Tin Mừng gieo vào trong tâm hồn chúng ta những hạt giống của sự sống đời đời. Ơn gọi là người Kitô hữu tạo ra viễn tượng về một cuộc sống cao cả hơn và trong sạch hơn trước mặt chúng ta. Đồng thời, ơn gọi này còn thông truyền cho chúng ta sự hy sinh và phục vụ người khác. Ơn gọi này mở rộng những khả năng yêu thương và can đảm của con người. Đó không phải là công việc chỉ dành cho cá nhân người Kitô hữu, mà còn dành cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu nữa. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được đón nhận vào một cộng đoàn những kẻ tin.

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội. Mỗi khi vào nhà thờ, và lấy nước thánh làm dấu, là chúng ta đang tự nhắc nhở mình về phép Rửa tội của chúng ta, và tự cam kết sống trọn vẹn với ơn gọi của phép Rửa tội ấy.

NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG CƠN THỬ THÁCH

Trong một số quốc gia, là một người Công giáo tức là mắc một trọng tội. Ông bà Moran bị kết án là người Công giáo. Thay vì từ chối trách nhiệm, cả hai ông bà đều thừa nhận điều này một cách cởi mở, và họ chuẩn bị đương đầu với những hậu quả. Họ bị đưa ra toà, để bị xét xử trước một bồi thẩm đoàn. Vốn đã bỏ đạo, nên tất cả những người trong họ hàng của hai ông bà đều mong muốn cứu thoát họ khỏi bị tù tội hoặc tệ hơn thế nữa. Vì thế, họ thuê một luật sư, để biện hộ cho hai ông bà khỏi phải chịu trách nhiệm. Lời bào chữa của ông ta ngắn gọn như sau.

“Hai thân chủ của tôi bị cáo buộc là người Công giáo. Mục đích của tôi là muốn chứng tỏ rằng trên thực tế, hai ông bà không phải là như vậy, mặc dù họ có thể cứ khăng khăng tự nhận một cách can đảm rằng mình là người Công giáo. Các sự kiện đều đi ngược lại hai người. Và tôi cần phải nói rằng, trường hợp này sẽ cần phải xét xử dựa trên các sự kiện.

“Tôi xin nói rằng: Hai ông bà Moran đều có lối sống tốt đẹp, chăm chỉ làm việc. Tôi biết chắc chắn rằng cả hai người chưa bao giờ bị lôi cuốn vào bất cứ việc làm nào phi pháp. Họ là những người đáng kính, theo bất cứ tiêu chuẩn nào.

Người ta có thể thán phục nhiều điểm trong cuộc sống của họ. Họ là những con người chân thành. Và người ta có thể thán phục sự trung thành của họ, về việc tuân giữ các lễ nghi bên ngoài trong tôn giáo của họ, như tham dự Thánh Lễ và các phép Bí tích. Trên thực tế, tôi cho rằng họ là những người Công giáo chỉ trên danh nghĩa. Họ tham dự Thánh Lễ vào sáng Chúa Nhật, và là những người rất sốt sắng về mặt này. Nhưng điều này vẫn chưa đủ.

“Ông Giêsu đã nói trong Tin Mừng, và tôi xin trích dẫn “Cứ xem họ sinh quả thế nào, thì biết họ là ai (Mt 7,6). Rõ ràng từ bối cảnh này, ông Giêsu ý muốn nói “hoa quả” là “những hành động tốt đẹp”. Tôi e rằng trong trường hợp của ông bà Moran, hoa quả không đơn giản là điều đó.

“Tôi không tìm được chứng cứ nào trong cuộc sống của họ, hoặc trong thái độ của họ, rằng họ sống theo những lời rao giảng của ông Giêsu một cách nghiêm túc. Chẳng hạn, liệu có bất cứ người nào có thể nghiêm khắc buộc tội hai thân chủ của tôi về bất cứ mối quan tâm đặc biệt nào đối với người nghèo khổ, đau yếu, kém may mắn hoặc bị khinh miệt chăng? Tôi cho rằng không hề có một chút chứng cứ nào xác nhận cho một lời buộc tội như vậy. Họ đã không hề làm điều gì hơn bất cứ một người nào trong chúng ta. Trên thực tế, họ lại còn làm ít hơn, so với một số người nào không bao giờ mơ tưởng đến việc tự nhận mình là người Công giáo.

“Tuy nhiên, đây đúng là mẫu người, mà chính ông Giêsu đã thực hiện theo cách thức của ông ta, để giúp đỡ mọi người, khi ông ta còn tại thế. Và ông ta còn tuyên bố dứt khoát rằng những kẻ đi theo ông ta sẽ bị xét xử, không phải vì số lần họ cầu nguyện, hoặc những hành động thờ phượng mà họ tham dự, nhưng là do cách họ đáp ứng những nhu cầu của những người như vậy.

“Các môn đệ đầu tiên của ông Giêsu đều là những Tông đồ nồng nhiệt, mà ông ta sai đi để biến đổi thế giới. Họ sẽ không thừa nhận rằng hai ông bà Moran thuộc về cùng nhóm của họ đâu”.(Đến đây, ông Moran nhảy dựng và la lên: “Nhưng chúng tôi đều là người Công giáo”). “Thưa ông Moran, tôi chưa nói xong. Tôi xin đưa ra để quý toà xem xét rằng hai thân chủ của tôi không phải là người Công giáo theo ý nghĩa thực sự –theo ý nghĩa dành cho những người mà đối với họ, người hàng xóm của họ phải được thương mến như chính bản thân họ vậy. Tất cả lỗi mà họ phạm phải, đó là họ đã tự lừa dối mình, và đó không phải là một tội nặng. Do đó, tôi yêu cầu bãi bỏ lời cáo buộc chống lại hai thân chủ của tôi, bởi vì thiếu chứng cứ rõ rệt”. Sau đó, thẩm phán tuyên bố “Bồi thẩm đoàn sẽ rút lui, để xem xét lời phán quyết”.

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được đón nhận lời mời gọi trở nên những môn đệ của Đức Giêsu. Do đó, câu hỏi mà chúng ta đều có thể hỏi là: Nếu trở thành người Công giáo là một trọng tội, thì liệu đã có đủ chứng cứ trong cuộc sống của tôi, để đảm bảo cho một niềm tin chưa?

5. Trời mở ra

Các Kitô hữu ở thế kỷ đầu thật hết sức bối rối trước sự kiện Đức Giêsu lãnh phép rửa của Gioan.

Tại sao Ngài lại đến với Gioan như một môn đệ để chịu phép rửa, nhằm bày tỏ lòng sám hối? Ngài có cần sám hối không nếu thật sự Ngài vô tội?

Đã có bao câu trả lời cho vấn nạn này.

Chúng ta chỉ cần nhìn ngắm Đức Giêsu bên bờ sông Giođan. Ngài đứng xếp hàng cùng với dân tộc của Ngài. Ngài trà trộn với những tội nhân muốn sám hối. Ngài chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng sông. Có ai nhận ra Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian không?

Đấng thánh thiện lại khiêm nhu đứng bên kẻ tội lỗi. Đấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần nay lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước.

Hành vi đầu tiên công khai của Đức Giêsu lại là một hành vi khiêm hạ, dìm mình, mất hút... Ngài chỉ là một kẻ vô danh bên cạnh một Gioan tăm tiếng. Nhìn Đấng Cứu Độ cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là đồng hành và liên đới. Đồng hành với người khác đòi tôi phải đi chậm lại. Liên đới với người khác đòi tôi nhỏ bé đi. Đồng hành đòi tôi có chung một tâm tình với người khác.

Đấng vô tội nếm được cái ray rứt của tội nhân và cảm được nỗi khát khao đổi đời của họ. Đức Giêsu đã đồng hành với con người cho đến chết. Ngài đã chia sẻ thân phận của người nghèo, người khổ đau, người bị bỏ rơi, bị thất bại, bị kết án và cả thân phận khắc khoải của tội nhân. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm đồng hành. Thiên Chúa tập làm người để hiểu được con người. Ngài cúi xuống để nâng con người lên.

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn gặp gỡ Cha trong tư cách là Con. Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm này mà Ngài cảm thấy được Thánh Thần tràn ngập, và tự thâm tâm, Ngài nghe rõ tiếng của Cha. Cha âu yếm gọi Ngài là Con và phong Ngài làm Mêsia:
  "Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con."

Từ hôm nay, Đức Giêsu hiểu rằng giờ lên đường đã điểm. Thời gian ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc. Cha ban Thánh Thần để ủy thác cho Ngài một sứ mạng. Đức Giêsu đã trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời... Sông Giođan, nơi Ngài gắn bó với tội nhân, với dân tộc, đã trở nên nơi Ngài gắn bó với Cha trong Thánh Thần. Nơi đi xuống cũng là nơi đi lên. Nơi Ngài được sai đến cũng là nơi Ngài đang hiện diện.
Chúng ta đã chịu phép Rửa của Đức Giêsu trong Thánh Thần. Phép Rửa này có đưa chúng ta lên đường phục vụ không? Mỗi ngày, ta có lại thấy mình được Cha sinh ra không?

Lạy Chúa Giêsu, khi đến với chúng con Chúa thường đến như một người hành khất. Chúa cần chút nước của người phụ nữ Samari. Chúa cần năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa cần nhà ông Giakêu để nghỉ chân.

Chúa khiêm tốn cúi xuống xin chúng con, để rồi tuôn đổ trên chúng con nhiều gấp bội.

Xin dạy chúng con biết cách đến với mọi người, và khám phá ra đốm lửa nhỏ của sự thiện vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi. Ước gì chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, dám hy vọng không ngơi vào lòng tốt của mỗi người, và can đảm tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn.

6. Con Yêu Dấu

Theo các nhà chú giải, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, chấp nhận thân phận tội nhân để xin Gioan Tiền hô làm phép rửa. Thế nhưng, cũng chính nhờ đó, Ngài đã thánh hóa nước và ban cho nước một hiệu quả kỳ diệu đó là trao ban ơn sủng. Hay nói cách khác, chính nhờ đó Ngài đã thiết lập bí tích Rửa tội.

Đồng thời trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài đã được Chúa Thánh Thần tấn phong, như lời tiên tri Isaia đã xác quyết:
- Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Hơn thế nữa, chính trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài đã được Chúa Cha nâng lên qua lời truyền phán:
  - Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

Với chúng ta cũng vậy, kể từ khi lãnh nhận dòng nước thanh tẩy, chúng ta cũng đã được Chúa Cha nhận làm con cái Ngài. Để hiểu được tình trạng của chúng ta, trước và sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, cũng như để hiểu được ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của địa vị làm con cái Chúa mà bí tích Rửa tội đem lại, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại câu chuyện về ông Maisen trong Cựu ước.

Thực vậy, lúc bấy giờ Pharaon vua Ai Cập ra lệnh giết hết các trẻ nam của người Do thái, vì sợ rằng họ sẽ sinh sôi nảy nở ra nhiều và trở nên một thế lực chính trị hùng mạnh. Có một phụ nữ Do Thái, sinh được một con trai. Bà lén nuôi đứa bé trong một thời gian, nhưng cảm thấy không ổn. Và thế là bà bèn làm một chiếc thúng, trát nhựa, rồi đặt đứa bé nằm trong đó và thả trôi theo dòng nước.

Rất may có một nàng công chúa xuống tắm, nghe thấy tiếng trẻ khóc trong đám lau sậy, bèn sai nữ tì xuống vớt. Nàng công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi và đặt tên cho là Maisen, nghĩa là được vớt lên khỏi nước.

Trước khi được vớt lên khỏi nước, Maisen sẽ phải chết và nếu có sống thì cũng chỉ là sống một kiếp nô lệ đọa đày. Còn sau khi được vớt lên khỏi nước, Maisen trở thành con của nàng công chúa, có một cuộc sống an nhàn trong hoàng cung…

Với chúng ta cũng thế, trước khi lãnh nhận dòng nước rửa tội, chúng ta là những kẻ phải chết do hậu quả của tội nguyên tổ. Còn sau khi lãnh nhận dòng nước Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và được quyền thừa hưởng phần sản nghiệp Nước Trời. Thế nhưng để xứng đáng với địa vị cao cả này, chúng ta phải làm gì? Tôi xin thưa:
  - Chúng ta phải làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách vâng theo thánh ý của Ngài.

Thực vậy, thế nào là một người con ngoan trong gia đình? Một người con ngoan trong gia đình chắc chắn không phải là người con vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại, phải là người con mau mắn vui vẻ vâng theo những lời chỉ dạy của chạ mẹ.

Nếu Đức Kitô đã được Chúa Cha tuyên phong: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, thì chắc hẵn Ngài luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Thực vậy, nhìn vào cuộc đời của Ngài, chúng ta sẽ thấy được sự thật ấy. Trong suốt quãng đời công khai, Ngài hằng băn khoăn để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Ngài đã từng nói với các môn đệ:
  - Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai ta.
Ngay cả trước khi ra đi chịu chết, nỗi băn khoăn ấy vẫn còn được thể hiện:
  - Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này cho Con, nhưng không theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi.
Thánh Phaolô đã diễn tả về thái độ này như sau:
  - Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.
Với chúng ta cũng vậy, để trở thành người con yêu dấu của Chúa, chúng ta cũng phải chu toàn thánh ý Ngài ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười giới răn, qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhất là luật yêu thương của Phúc âm, cũng như qua giáo huấn của Hội Thánh.

Có chu toàn thánh ý Chúa giữa lòng cuộc đời, thì trong ngày sau hết, chúng ta mới được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã từng tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giócđan:
  - Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

7. Phép rửa

Trong sinh hoạt của Giáo Hội, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vừa là một kết thúc, vừa là một mở đầu. Kết thúc trong Mùa Giáng sinh và bắt đầu Mùa thường niên. Hôm nay với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội bắt đầu tuần thứ nhất Mùa thường niên.

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu thì biến cố Chúa Giêsu đến lãnh phép rửa của Gioan tẩy giả nơi sông Giócđan cũng là một kết thúc và là một mở đầu. Kết thúc cho quãng đời sống ẩn dật âm thầm và bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, thực hiện chương trình mà Chúa Cha đã trao phó cho.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là một biến cố mạc khải quan trọng và ta có thể nói đây là mạc khải đầu tiên công khai không những về thực thể, về sứ mạng của Chúa Giêsu, nhưng còn là một mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Một người đứng xếp hàng giữa bao tội nhân thống hối đến lãnh phép rửa thống hối của Gioan để chuẩn bị đón nhận ơn cứu rỗi không phải chỉ là một người phàm trần đơn thuần, nhưng lại là Con Thiên Chúa, Con Thiên Chúa nhập thể làm người: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Đó là lời mạc khải của Thiên Chúa Cha về Chúa Giêsu Kitô, lời mạc khải long trọng và công khai cho nhiều người trong lúc đó nghe được, đồng thời cũng chính lúc đó Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu như bài Tin Mừng tường thuật lại.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được vén mở cho con người, để rồi sau này chính Chúa Giêsu sẽ giảng dạy thêm cho các đồ đệ trong nhiều dịp khác nhau, mà dịp kết thúc cuối cùng cũng liên quan đến phép rửa là phép rửa trọn hảo của Chúa Giêsu, đó là phép rửa trong Chúa Thánh Thần khi Chúa Phục sinh ra lệnh cho các tông đồ: “Chúng con hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật, dạy dỗ họ tuân giữ những gì Thầy đã truyền cho anh em và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Nơi phép rửa chuẩn bị của Gioan, Chúa Giêsu đã vén mở cho dân chúng nhìn thấy trước phép rửa trong Thánh Thần mà Ngài sẽ thiết lập và truyền cho các môn đệ thi hành. Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa bằng nước nơi sông Giócđan của Gioan tẩy giả, Ngài bước lên và tràn đầy Chúa Thánh Thần, nhưng Chúa Thánh Thần và Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong biến cố khởi đầu này.

Nhìn vào bài tường thuật chúng ta vừa đọc trên, chúng ta có thể lưu ý đến một chi tiết đầy ý nghĩa khác nữa, đó là chi tiết được tác giả Phúc âm diễn tả bằng từ ngữ “Trời mở ra”. Từ ngữ này nhắc nhớ đến hình ảnh Kinh Thánh Cựu ước nơi thánh vịnh, chúng ta đọc thấy lời nguyện cầu tha thiết sau đây: “Lạy Chúa, xin hãy xé trời ra mà ngự xuống trên trần gian này”. Nơi sách tiên tri Isaia, ngài đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, tại sao Ngài không xé trời mà ngự xuống với chúng con trên trần gian này. Dân Israel cũng như mọi thành phần trong dân chúng chắc chắn đều biết lời cầu nguyện này của tiên tri Isaia và đã cầu nguyện như vậy, qua đó nói lên tâm hồn khao khát ơn cứu rỗi, khao khát Đấng Thiên sai, Đấng Thiên Chúa Cha sai xuống để cứu rỗi con người.

Lời cầu nguyện trên nói lên nỗi khát vọng của con người muốn gặp được Thiên Chúa, của một con người cảm thấy thân phận mình yếu hèn cần đến sự trợ lực của Thiên Chúa. Người Việt Nam chúng ta trong cơn khốn cùng cũng thường kêu lên: “Trời ơi, hãy xuống mà xem”. Như thế, chi tiết trời mở ra trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là một chi tiết mạc khải quan trọng, đó là đã đến lúc Thiên Chúa nhận lời cầu xin của Con Người: “Đây là Con Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Thiên Chúa trọn vẹn Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần đã đáp lại khát vọng của con người, Ngài sai Con Một Ngài xuống trần làm người để thực hiện chương trình cứu rỗi, dẫn đưa nhân loại trở về cùng Ngài, trở về trời.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc lại cho con người nhớ rằng, con người khao khát cần đến Thiên Chúa, khao khát được cứu rỗi và Thiên Chúa đáp lại khao khát này trong Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, nơi một con người không phải là con người tầm thường đã đến nhận phép rửa của Gioan nơi sông Giócđan, mà nơi một con người vừa là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.

Yếu tố thứ hai của biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, đó là Chúa Thánh Thần ngự xuống cũng mang một ý nghĩa sâu xa. Khởi đầu sách Sáng Thế khi bắt đầu công cuộc tạo dựng, Thánh Thần Chúa đã bay lượn là là trên mặt nước, và trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu. Dĩ nhiên, bay lượn xuống trên Chúa Giêsu, chi tiết này nói lên sự tạo dựng mới mà Chúa Giêsu thực hiện và phép rửa là điểm khởi đầu của công cuộc tái tạo nên mới trong Chúa Thánh Thần.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa ban cho ta được ơn biết lắng nghe Lời Chúa, sống vâng phục với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

8. Người thân

Nếu thánh Gioan tẩy giả sống trong thế giới chúng ta, có lẽ ông sẽ được mời tham gia vào chương trình “tìm người thân”. Người ta sẽ tìm cách bắt ông nói về bản thân ông, về thời thơ ấu, tổ tiên, và những lý do khiến ông rao giảng. Nhưng có lẽ ông sẽ hướng những kẻ nói chuyện với ông về Đấng mà ông đã đến để giới thiệu cho người ta biết, Đấng mà ông “không xứng đáng cởi dây dép”.

Gioan là một trong những người nói năng mạnh mẽ và có sức thu hút. Ông nói thẳng. Ông lay động những thói quen, thức tỉnh những kẻ ngủ mê. Trước “… màn ảnh truyền hình của ông…”, Chúa Giêsu say mê sứ điệp của con người đã gây nên bao nhiêu vấn nạn và bao nhiêu tranh cãi. Gioan có lý: “Hãy hoán cải, hãy quay về với Thiên Chúa. Hãy sinh hoa quả hoán cải. Mọi cây không sinh quả tốt sẽ bị chặt đi. Ai có hai áo thì hãy chia sẻ với kẻ không có”.

Nối gót toàn thể dân chúng, Chúa Giêsu quyết định chịu phép rửa: Ngài sẽ không trở về Nagiarét nữa. Ngài đang đứng trước một tiếng gọi cần phải đáp lại ngay. Ngài đáp lại một lời mời gọi trực tiếp của vị ngôn sứ cuối cùng.

Phép rửa của Gioan là một hành vi công khai. Chấp nhận để ông rửa cho tức là dấu ta chấp nhận lời ông kêu gọi và quyết định thay đổi để tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu tham gia công việc hoán cải của dân Ngài. Khi chịu phép rửa, Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài đã nhận lấy thân phận làm người của chúng ta, rằng Ngài đã nhập thể trong một lịch sử, lịch sử của một dân tộc “cứng đầu cứng cổ”, một dân tộc tội lỗi cần được Thiên Chúa hoán cải, cần quay về với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng muốn nói về mình cho dân tộc của Ngài. Ngài đến trà trộn với những kẻ bé mọn, yếu kém, những kẻ nhận mình là tội lỗi. Ngài tự xưng giống những kẻ xung quanh Ngài mọi đàng. Ai có thể ngờ rằng con người giống như mọi con người ấy lại là Đấng Mêsia được mong chờ? Đấng Mêsia mà dân chúng hình dung là người chiến thắng, oai phong, có kẻ hầu người hạ bao quanh và được kính nể bởi quyền uy của mình? “Và dân chúng vẫn chờ mong…”

Khi trở thành một người trong chúng ta, Chúa Giêsu biểu lộ quyền uy của Ngài một cách khác với cách mà người Do thái vẫn tưởng. Chính bằng sự hiền từ, kiên nhẫn, khiêm nhượng, bằng việc phục vụ những kẻ bé nhỏ, những kẻ bị bỏ rơi, mà Ngài thiết lập vương quốc của Ngài.

“Chúa Giêsu cũng lãnh nhận phép rửa, và, đang khi Ngài cầu nguyện”. Hậu quả lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Chúa Cha tuyên bố Ngài là Con Thiên Chúa và ủy thác cho Ngài sứ vụ cứu thế. Nếu Chúa Giêsu được nhìn nhận là Con, cả chúng ta nữa, chắc chắn chúng ta cũng được tham dự vào địa vị làm con với Ngài và chúng ta sẽ luôn luôn có thể tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa Cha để được đón nhận như là con cái thực sự. Chúng ta cũng có thể tự coi mình như em và môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ có thể tham dự vào sứ vụ của Ngài là bênh vực kẻ nghèo, loan báo Tin Mừng, chữa lành những con tim bị đời gây thương tích.

Là Kitô hữu đã được rửa tội, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Đấng mà Gioan loan báo. Chúng ta phải sẵn sàng nói với những kẻ nghe chúng ta: “Đấng mà các bạn tìm kiếm, Ngài sẽ làm phép rửa cho các bạn trong thần khí, chúng tôi chắc chắn về điều này. Ngài sẽ cho các bạn biết tình yêu của Chúa Cha. Hãy hoàn toàn tin tưởng mà đến với Ngài. Ngài sẽ đem đến cho các bạn những gì các bạn chờ mong. Hãy liên lỉ tìm kiếm Ngài, không phải vì lương thực có thể hư nát nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh viễn”.

9. Phép rửa

Phép rửa của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta về phép rửa tội của chính chúng ta. Có nhiều lễ nghi mà người ta có thể giữ trong Giáo Hội. Nhưng tất cả những lễ nghi này đều trở nên mờ nhạt, khi so sánh với ân sủng cơ bản đối với tất cả: Phép Rửa rội. Khi chúng ta đứng trước ngai tòa Thiên Chúa, thì những lễ nghi khác không còn quan trọng nữa. Phẩm giá của chúng ta sẽ chỉ tùy thuộc vào một điều mà thôi – mức độ chúng ta sống ơn phép rửa tội của chúng ta.

Lễ nghi của phép rửa tội là một lễ nghi tuyệt đẹp. Khi lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta được chính thức nhận một tên, và được đón tiếp vào gia đình của dân Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện thật đáng yêu được đọc lên cho chúng ta. Thân thể chúng ta được ghi dấu thánh giá, dấu hiệu tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta. Nước được đổ xuống trên chúng ta. Nước là biểu tượng của sự tẩy rửa, chúng ta được tẩy rửa khỏi tội lỗi. Nhưng đặc biệt hơn, nước còn là biểu tượng của sự sống. Trong phép rửa tội, chúng ta được chia sẻ sự sống không thể chết được của Thiên Chúa.

Cơ thể chúng ta được xức dầu thánh không chỉ một lần, mà đến hai lần. Giống như cơ thể của các vận động viên được bôi một lớp dầu, để mang lại cho họ sức khỏe trong cuộc tranh tài. Cũng vậy, chúng ta được xức dầu thánh, để ban cho chúng ta sức mạnh, trong cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi, nhằm chống lại sự dữ. Và cũng giống như các vị vua, các ngôn sứ, và các linh mục đã được xức dầu, và do đó, đánh dấu rằng họ trở thành những người rao giảng của Thiên Chúa đối với cộng đồng. Cũng vậy, chúng ta được xức dầu, để trở nên những sứ giả của Đức Kitô, trong thế giới này.

Thân thể của chúng ta được phủ lên một chiếc áo trắng tinh, đó là dấu hiệu bên ngoài của nhân phẩm người Kitô hữu. Chúng ta được trao cho một cây nến, được thắp sáng từ ngọn nến Phục sinh, mang ý nghĩa ánh sáng quý giá của đức tin. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta ra khỏi bóng tối, để đi vào ánh sáng kỳ diệu nơi Con của Người.

Những gì diễn ra trong lần Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa, cũng xảy ra cả cho chúng ta nữa. Thiên Chúa kêu gọi đích danh chúng ta. Người nói với mỗi người chúng ta “Con là con trai yêu dấu của Ta”, hoặc “Con là con gái yêu dấu của Ta”. Và thần khí Chúa đáp xuống trên chúng ta, để giúp chúng ta sống đời sống của một Kitô hữu, và để tham gia vào sứ vụ của Đức Giêsu.

Từ quan điểm thiêng liêng, phép rửa tội là một điều vĩ đại nhất có thể xảy ra cho chúng ta. Được lãnh nhận phép rửa tội là được kitô hóa, nghĩa là được trở nên giống như Đức Kitô. Nhưng điều này không xảy ra một cách tự động, như là kết quả của việc được lãnh nhận phép rửa tội. Người ta phải học hỏi ý nghĩa của việc trở nên một người Kitô hữu là gì, và phải lớn lên trong ý nghĩa này. Đây là công việc của cả một đời người. Đến cuối cuộc đời, người ta hỏi một vị thánh, xem ngài đã là người kitô hữu chưa, thì ngài đáp lại chưa.

Trong Giáo Hội, có nhiều ơn gọi. Nhưng ơn gọi quan trọng nhất vượt lên trên tất cả các ơn gọi, phổ biến đối với tất cả những người đã được chịu phép rửa tội, đó là ơn gọi mà chúng ta đã được đón nhận vào lúc rửa rội – ơn gọi trở thành người môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ơn gọi cốt lõi. Tất cả những ơn gọi khác trong Giáo Hội đều phải được coi như liên hệ với ơn gọi này.

Chúng ta tổ chức thật lớn ngày sinh nhật của mình. Cũng vậy, chúng ta nên cử hành ngày lễ rửa tội của chúng ta một cách long trọng, bởi vì đó là ngày mà chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa. Mỗi khi vào nhà thờ, và lấy nước thánh làm dấu, là chúng ta đang tự nhắc nhở mình về phép rửa tội của chúng ta, và tự cam kết sống trọn vẹn với ơn gọi của phép rửa tội. Sống theo ơn gọi của phép rửa tội, là sống tư cách người môn đệ của Đức Giêsu.

10. Con Chúa

Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên con cái Chúa. Thế nhưng, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc khi được làm con cái Chúa hay không? Chúng ta có lấy Chúa làm chọn lựa căn bản, làm cùng đích của cuộc đời hay không? Nói đến điểm này, tôi nhớ lại câu chuyện giữa chàng thanh niên và thánh Philipphê Nêri như sau:

Ngày kia, chàng thanh niên đến khoe với thánh nhân: mừng quá cha ơi, con vừa mới đậu vào đại học. Thánh nhân bèn hỏi: Rồi sao nữa? Con sẽ tốt nghiệp. Rồi sau nữa? Con sẽ làm thẩm phán, ra ứng cử và biết đâu con sẽ làm tổng thống. Rồi sao nữa? Thì chết, chứ còn làm sao. Nhưng thánh nhân vẫn hỏi tiếp: Rồi sao nữa? Chàng thanh niên không trả lời được.

Chính cách đặt câu hỏi của thánh nhân cho chúng ta thấy cùng đích của cuộc là gì nếu không phải là làm con cái Chúa. Và chọn lựa căn bản trong đời sống làm con Chúa là gì nếu không phải là chọn chính Chúa. Khi nói chọn Chúa thì không có nghĩa là phải đi tu, phải từ bỏ những chọn lụa khác. Ai đang yêu thì cứ yêu cho thật chân thành, nhưng phải làm sao cho tình yêu ấy trở nên thanh cao. Ai học tập vẫn cứ tiếp tục học tập, nhưng phải làm sao cho việc học tập ấy trở nên nghiêm túc. Ai buôn bán vẫn cứ tiếp tục buôn bán, nhưng phải làm sao cho việc buôn bán ấy trở nên công bằng.

Một khi đã chọn Chúa, thì trong mọi việc chúng ta hãy làm trước sự hiện diện của Ngài, như lời thánh Phaolô khuyên nhủ: Dù ăn, dù ngủ, dù làm việc gì, anh em hãy làm vì danh Đức Kitô. Hay nói cách khác, chúng ta hãy thực thi những điều Chúa truyền dạy, chẳng hạn như hiền lành, khiêm nhường, yêu thương anh em, kể cả những kẻ thù địch… Làm con cái Chúa như thế đòi hỏi rất nhiều cố gắng và hy sinh. Thế nhưng, chúng ta phải đi cho tới cùng, bởi vì chịu phép rửa tội không phải chỉ là chuyện đổ nước xong rồi thôi, nhưng là chấp nhận dìm mình trong sự chết của Đức Kitô để rồi giống như Ngài từ cõi chết sống lại thế nào, chúng ta cũng phải đứng dậy trong sời sống mới như vậy. Một phép rửa như thế, chúng ta không phải chỉ chịu một lần thay cho tất cả, nhưng phải chịu mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Giờ đây, chúng ta cùng nhau thinh lặng trong giây lát để nhớ lại bí tích rửa tội đã lãnh nhận và tự hỏi: Tôi có cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc vì được làm con cái Chúa hay không? Tôi có sống xứng đáng địa vị cao cả ấy không?
 

Top