Bản Tổng kết Khóa Thường Huấn các Nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam

Bản Tổng kết Khóa Thường Huấn các Nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam

“Hướng đến sứ vụ, đào tạo chính mình và đào tạo người khác có khả năng phân định”

BẢN TỔNG KẾT KHÓA THƯỜNG HUẤN
CÁC NHÀ ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC TẠI VIỆT NAM

01 – 15 / 7 / 2012
Đà Lạt, Việt Nam

-----o0o----

Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galata cho thấy Chúa đã tách riêng thánh nhân từ trong lòng mẹ và kêu gọi ngài bằng ân sủng của Chúa. Nơi thánh Phaolô, Chúa thương mạc khải Con của Người, để loan báo Người Con ấy giữa lương dân (x. Gl 1,15-16). Tiếp bước thánh nhân, chúng ta tin rằng Thiên Chúa cũng đã chọn, gọi riêng mỗi người chúng ta để tham dự vào công trình cứu độ của Người trên thế gian. Đức tin thúc bách chúng ta phân định các tiếng gọi mà Thiên Chúa ngỏ với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta: làm sao để sống sự phân định này?

Tám mươi ba (83) nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam, thuộc các Đại Chủng viện, các Trung tâm Đào tạo linh mục dòng và các Ban Mục vụ Ơn gọi của 26 giáo phận, đã gặp gỡ, học hỏi và trao đổi về đề tài “Hướng đến sứ vụ, đào tạo chính mình và đào tạo người khác có khả năng phân định” từ ngày 01 đến 15 tháng 7 năm 2012, tại Tòa giám mục Đà Lạt, Việt Nam.

Khóa Thường Huấn này do Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức với sự cộng tác của 8 giáo sư đến từ Học viện Công giáo Paris, và được Hội Thừa sai Paris tài trợ.

Tổng quát về Khóa Thường Huấn

Khóa Thường Huấn được thực hiện xoay quanh những chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ.

– Trước hết, Khóa Thường Huấn là một dịp quý báu để sống tình huynh đệ giữa các nhà đào tạo thuộc các Đại Chủng viện, thuộc một số Dòng tu và Ban Mục vụ Ơn gọi của 26 giáo phận. Trong 2 tuần, các nhà đào tạo đã sống, cầu nguyện, học hỏi chung và trao đổi với nhau những kinh nghiệm về đào tạo linh mục. Điều này mở đường cho việc cộng tác và chia sẻ trong tương lai được dễ dàng. Hơn nữa, tình huynh đệ này còn được mở ra qua mối tương quan và trao đổi với các linh mục giáo sư người Pháp.

– Ngoài những giờ Kinh Phụng vụ và Thánh lễ, vào buổi chiều mỗi ngày có nửa giờ chuẩn bị cho giờ nguyện gẫm sáng hôm sau, do cha Claude Tassin, giáo sư Kinh Thánh của Học viện Công giáo Paris, hướng dẫn. Những bài nguyện gẫm này được liên tục dựa trên Thư thứ hai của thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô. Hơn bất cứ các thư khác, bức thư này cho thấy kinh nghiệm phân định của thánh Phaolô: phân định những mối tương quan với các cộng đoàn Kitô hữu, về việc sử dụng tiền bạc, về những mối liên hệ với những người mạo danh tông đồ, vốn chống lại cách sống và hành động của ngài. Đồng thời, bức thư cũng cho thấy những xác tín sâu xa của thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng. “Lectio divina” như thế giúp chúng tôi đi theo những tư tưởng và tình cảm của thánh Phaolô qua từng trang của bức thư này.

Chiều kích thiêng liêng còn mang tính hiệp thông trong Giáo Hội. Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, thăm chúng tôi vào cuối tuần thứ nhất. Sự hiện diện của ngài cho thấy Tòa Thánh rất quan tâm đến việc đào tạo linh mục trên đất nước Việt Nam. Qua sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Girelli các tham dự viên nhận ra rằng Giáo Hội Việt Nam luôn hiệp thông và trung thành với Đức Thánh Cha. Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, hiện diện trong suốt Khóa Thường Huấn, cũng như một số các giám mục đã đến thăm và khích lệ; điều ấy minh chứng Giáo Hội Việt Nam luôn quan tâm đến việc đào tạo linh mục. Đồng thời, chúng tôi cũng sống sự hiệp thông với Giáo Hội Pháp qua các giáo sư của Học viện Công giáo Paris và cha Jean-Baptiste Etcharren, đại diện Hội Thừa Sai Paris.

– Những buổi tham quan mục vụ giữa tuần và cuối tuần giúp các tham dự viên khám phá những vẻ đẹp của văn hóa, tôn giáo Việt Nam và một số hoạt động mục vụ của giáo phận Đà Lạt, đặc biệt trong những cộng đoàn anh em dân tộc thiểu số.

– Thời gian học hỏi chung cũng là lúc lắng nghe Lời Chúa và trao đổi trong tình huynh đệ. Ban sáng, nhóm giáo sư của Học viện Công giáo Paris trình bày một đề tài về sự phân định. Ban chiều dành cho các nhóm suy tư và thảo luận về các thực hành liên quan tới việc phân định trong các chủng viện và cơ sở đào tạo. Tuần lễ đầu, cốt yếu dành cho mọi người tự vấn về sự phân định tiếng Chúa trong đời sống của họ. Tuần lễ sau hướng đến sự phân định các lời mời gọi của Chúa trong đời sống xã hội.

Nhân dịp này, Văn kiện “Đào Tạo Linh Mục – Định hướng và Chỉ dẫn” (Ratio Institutionis Sacerdotalis et Studiorum) được chính thức giới thiệu và phát hành trước sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli và Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Văn kiện này được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 31-10-2011, đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Sắc lệnh ban hành ngày 11-4-2012 và sẽ được chính thức áp dụng trong tất cả các Đại Chủng viện tại Việt Nam kể từ ngày 01-9-2012.

Nội dung học tập của Khóa Thường Huấn

Vấn đề “khả năng phân định” được đào sâu dưới nhiều quan điểm (Thánh Kinh, thần học, linh đạo, triết học, xã hội học, nhân học) nhằm áp dụng vào việc đào tạo linh mục (phân định ơn gọi, khả năng phán đoán, khả năng lựa chọn, khả năng quyết định trong những hoàn cảnh mục vụ khác nhau). Các bài thuyết trình đã trình bày những yếu tố căn bản để suy nghĩ về việc phân định trong đời sống Kitô hữu và trong thừa tác vụ tông đồ khởi đi từ Thánh Kinh (đề tài 1 và 2), Thánh Truyền (đề tài 3 và 4), và từ suy nghĩ về một số khía cạnh trong bối cảnh hiện đại của toàn cầu hóa và sứ mạng của Giáo Hội hôm nay (đề tài 5, 6, 7 và 8). Chiều kích thực tế của vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo, đã được đào sâu trong các buổi thảo luận nhóm và trong các đúc kết.

Tuần thứ nhất: Thánh Kinh và Thánh Truyền

Cha Vincent Sénéchal, thuộc Hội Thừa sai Paris, hiện đang làm việc truyền giáo tại Campuchia, đã giới thiệu ba bậc thầy về phân định trong Cựu ước: Môisen, Samuel và Salomon. Một số hoàn cảnh đặc thù, mà mỗi vị này gặp phải, cho thấy những điều kiện thiêng liêng của việc phân định thánh ý Thiên Chúa: sự nhẫn nại và biết lắng nghe người khác (x. Xh 2 và 18), cầu nguyện và thái độ sẵn sàng nội tâm, dù ngược với ý mình (x. 1S 8), nhận thức khiêm tốn về mình và ước muốn của mình (x. 1V 3).

Cha Claude Tassin, thuộc dòng Chúa Thánh Thần, đã rút ra từ việc đọc các thư thánh Phaolô ba nguyên tắc phân định Kitô giáo: sự phân định khởi đi từ việc tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu như Đấng Phục Sinh, mà sự sống lại đã đặt dấu chấm hết cho “xác thịt”, nghĩa là cho tính ích kỷ, và đổi mới đời sống con người. Cốt lõi của phân định là “agapè ” (đức ái). Mục đích của phân định là “oikodomè ” (xây dựng cộng đoàn). Niềm vui là dấu chỉ của sự thành công trong phân định thiêng liêng.

Cha Gilles Berceville, dòng Đaminh, đã trình bày những nét chính của khái luận về đức khôn ngoan trong bộ Tổng Luận Thần Học. Nền luân lý của thánh Tôma là một con đường đưa dẫn con người toàn vẹn, hợp nhất xác hồn, đến hạnh phúc là sự hiệp thông với Thiên Chúa, qua sự triển nở các nhân đức. “Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực tiễn trong mọi hoàn cảnh nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới” (GLHTCG 1806). Là hồng ân của Thiên Chúa, khôn ngoan phải triển nở trong hành vi tự do của con người. Hoạt động của khôn ngoan gồm 3 bước: bàn thảo, chọn lựa phương tiện tốt nhất và thực hiện. Khôn ngoan hoạt động nơi cá nhân, gia đình, quốc gia và Giáo hội. Khôn ngoan được kiện toàn bằng ơn “biết lo liệu” giúp ta sẵn sàng để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Cha Vincent Leclercq, dòng Đức Mẹ Lên Trời, nhà thần học luân lý, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phân định trong lịch sử của cá nhân và cộng đoàn. Thật vậy, sự phân định đòi con người phải xem xét kinh nghiệm của mình và thực tại của thế giới. Toàn bộ sự phân định ấy là việc thực hành của lý trí và lời mời gọi của đức tin. Sự phân định này vừa có tính luân lý vừa có tính thiêng liêng. Nó minh định sự phục vụ cho sứ mệnh và phẩm chất của người môn đệ. Trong đồng hành mục vụ, ta dùng sự phân định để lắng nghe tiếng Chúa nhằm hoán cải tận bên trong từng cá nhân và cộng đoàn.

Tuần thứ hai: Nhiệm vụ của Giáo Hội trong thế giới đương đại

Cha Alain Riou, dòng Đa Minh, đã đề nghị các tiêu chuẩn phân định về việc đối thoại nhất thiết phải có với các tín đồ của các tôn giáo khác hay với những người vô thần, lý thuyết hoặc thực tiễn. Ngài được gợi hứng từ suy tư về cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa của ông François Jullien - triết gia người Pháp - từng đến Việt Nam nhiều lần. Giữa sự thiếu hiểu biết (sự loại trừ hoàn toàn các niềm tin khác) và sự pha tạp đức tin của chúng ta với những tương đồng giả tạo, thì đối thoại, gặp gỡ và đồng thuận là có thể được, bằng cách cùng nhau tìm kiếm những giải pháp cụ thể cho vấn nạn xã hội hiện tại.

Cha Luc Forestier, dòng Oratoire, đã nêu lên một suy tư về câu hỏi liên quan đến sự phân định kế hoạch của Thiên Chúa, khởi đi từ tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II. Cha tập trung suy tư trên Nostra Aetate 4, bàn riêng về các liên hệ giữa dân Israel và Giáo Hội. Việc tái thẩm định về mặt thần học liên quan đến sự trường tồn của dân Israel, mà Nostra Aetate 4 tạo thành một yếu tố cốt lõi, một khúc quanh trong các mối tương quan giữa dân Israel và Giáo Hội. Sự phân định mà Nostra Aetate đề nghị về mối tương quan giữa Giáo Hội và các tôn giáo khác dựa trên một lối cắt nghĩa Thánh Kinh nào đó. Thật vậy, Nostra Aetate 4 bàn riêng về các tương quan với Do Thái giáo. Bản văn đặc biệt dựa trên Thư Rôma 9-11. Các nghị phụ đã lấy lại suy tư của thánh Phaolô về lòng cứng tin của dân Israel, qua đó tương đối hóa những bản văn Thánh Kinh khác, vốn đã nuôi dưỡng một số hình thức bài-do-thái nào đó của người Kitô hữu. Nội dung của sự phân định này, được các nghị phụ Công đồng thực hiện, cho thấy sự tương tác về cấu trúc giữa việc cắt nghĩa Thánh Kinh và lịch sử con người, đặc biệt trong chiều kích chính trị. Mọi sự phân định đều phải để ý đến sự ăn khớp sâu xa giữa mạc khải của Thiên Chúa và lịch sử con người.

Đối với cha Thierry-Marie Courau, dòng Đaminh, việc gặp gỡ các Phật tử để tìm hiểu giáo lý và thực hành của họ là một công việc nặng nhọc, nhưng phong phú. Nhờ đó, người ta có thể nhìn lại căn tính của mình. Hơn thế nữa, khi đối thoại với Thiên Chúa, con người hiểu biết chính mình hơn, cũng như ơn gọi làm người như một hữu thể đối thoại càng được sáng tỏ. Trong Đức Giêsu Kitô cuộc đối thoại ấy đã được thực hiện một cách hoàn hảo; nhờ Ngài, đến lượt mình chúng ta học sống đối thoại. Một khi được hiểu đúng, đối thoại với người khác trở thành một nơi phân định cho Giáo hội, cho chúng ta cũng như cho những người mà ta có trách nhiệm đào tạo.

Buổi thuyết trình cuối cùng nói về những hệ quả của việc sử dụng Internet trong đào tạo và giảng dạy. Bằng lối tiếp cận lịch sử và xã hội học, Eric Dagiral, giáo sư thuộc phân khoa giáo dục của học viện Công giáo Paris, giúp ta cân nhắc những biến chuyển văn hóa mà sự phát triển của các kĩ thuật mới mẻ về truyền thông và thông tin mang lại. Những đổi mới đã liên kết chặt chẽ với môi trường đại học. Vì lẽ này, chúng chuyển tải sự không tưởng về một thông giao mang tính toàn cầu, tự do, miễn phí, giữa những người ngang hàng với nhau. Những mô hình “đào tạo mở rộng từ xa”, như “moodle”, đã được đưa vào Học viện Công giáo Paris. Chúng mở ra những khả thể chưa từng thấy đối với việc học hỏi. Đồng thời đặt ra những vấn nạn liên quan đến sự thiếu rõ ràng về biên giới ngăn cách giữa chung và riêng, đến sự chuyển giao kiến thức và những mối tương quan liên vị. “Moodle” là một sản phẩm gắn với một “khoa tri thức luận kiến tạo” (epistémologie constructiviste): là kiến thức được xây dựng trong việc chuyển giao, là sản phẩm của một sự tương tác liên tục giữa các người dạy và người học.

Những xác tín và ước nguyện

1. Các tham dự viên cảm tạ Chúa đã ban cho mọi người khả năng nhận biết được thánh ý Ngài. Nhận biết và thi hành thánh ý là nguồn an vui hạnh phúc của con người. Đó cũng là điều mà các nhà đào tạo muốn ghi khắc vào tâm hồn những ứng sinh linh mục.

2. Thiên Chúa chọn đến với chúng ta và bộc lộ thánh ý Ngài trong lịch sử, nhờ Đức Kitô và Thánh Thần. Thiên Chúa huấn luyện chúng ta biết phân định thánh ý Ngài một cách cụ thể trong lịch sử cá nhân và cộng đoàn.

3. Sự phân định ấy giúp chúng ta thống nhất đời sống, đòi hỏi một sự hoán cải sâu xa và hướng đến sự hiệp nhất cộng đoàn. Sự phân định giúp chúng ta chuyển đổi tâm điểm từ chính mình sang Đức Kitô, từ hận thù sang đức ái, từ bi quan sang lạc quan, từ chia rẽ sang hiệp nhất.

4. Trách vụ phân định và giúp người khác phân định ý Thiên Chúa là một công việc phức tạp. Việc này đòi hỏi người phân định biết sống khôn ngoan, thận trọng: luôn biết bàn thảo, chọn lựa điều tốt và thực thi trong tinh thần trách nhiệm.

5. Người phân định luôn phải đào tạo chính mình để biết đối thoại với từng cá nhân và từng cộng đoàn, bằng cách lưu ý đến lịch sử của họ. Các ứng sinh phải được đào tạo để đọc lịch sử đời mình nhằm nhận ra kế hoạch và dự định Thiên Chúa cho mình. Đón nhận kế hoạch đó là ơn gọi của mỗi người tín hữu.

6. Những nhà đào tạo tại Việt Nam nỗ lực dấn thân đối thoại có phê phán với văn hóa Việt Nam. Trong cuộc đối thoại ấy, nhà đào tạo tìm ra được “những điều tốt để giữ gìn, phát triển và hoàn thiện” (x. Pl 4,8) cũng như chống lại những gì là nguồn gốc của bất công, áp bức và tha hóa: ích kỷ tìm kiếm sự giàu sang, quyền lực và khoái lạc.

7. Những nhà đào tạo cũng phải để ý đến những biến chuyển chính trị. Khi Ngôi Lời làm người chọn lịch sử của một đất nước, Ngài cũng chấp nhận bước vào một guồng máy của con người. Giữa guồng máy đó, Ngài sống tín thác vào Chúa Cha. Là những nhà đào tạo, chúng ta không tham gia vào bất cứ đảng phái chính trị nào. Khi nhìn vào những biến chuyển chính trị trên thế giới và địa phương, chúng ta phân định để nhận ra Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn tri và toàn ái.

8. Nhiệm vụ đào tạo về sự phân định hôm nay còn bao gồm cả việc sử dụng Internet. Các nhà đào tạo cần giúp ứng sinh làm chủ việc sử dụng Internet, biết tận dụng những ích lợi và tránh xa cạm bẫy của chúng.

Kết luận

Khóa Thường Huấn này về sự phân định là áp dụng thực hành đầu tiên của Văn kiện “Đào Tạo Linh Mục – Định hướng và Chỉ dẫn” liên quan đến việc thường huấn cho các nhà đào tạo, bởi vì khởi điểm của ơn gọi linh mục chính là “khả năng phân định”, tức là nhận ra tiếng Chúa mời gọi mình vào bậc sống linh mục và nhận biết Thánh ý Chúa trong khi thi hành sứ vụ đó.

Việc đào tạo linh mục là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa, trong đó những nhà đào tạo lãnh một vài trò đặc biệt. Để chu toàn nhiệm vụ nặng nề và phức tạp này, các nhà đào tạo cần liên kết, cộng tác và chia sẻ với nhau trong từng giai đoạn đào tạo: tiền chủng viện, chủng viện và thường huấn. Trong viễn tượng đó, Khóa Thường Huấn này mới chỉ là bước khởi đầu. Những Khóa Thường Huấn trong tương lai sẽ được tiếp tục thực hiện với sự cộng tác của mọi người (giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân...), và của nhiều đơn vị, đặc biệt là Học viện Công giáo Paris và Hội Thừa sai Paris.

Cuối cùng, các tham dự viên dâng tâm tình tín thác và yêu mến lên Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, Linh mục Thượng phẩm tối cao và cũng là Mẹ của mỗi linh mục. Đối với các nhà đào tạo Đức Maria vừa là mẫu gương tuyệt hảo của người phân định, vừa giúp những người chung quanh phân định được thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ đã phân định được tiếng Chúa gọi qua lời mời của thiên sứ.
Mẹ đã phân định được ý Chúa ngay khi phải trỗi dậy ban đêm trốn sang Ai Cập, khi Hêrôđê tìm cách giết trẻ Giêsu.
Mẹ đã phân định được ý Chúa khi trở về Nadarét, nơi đó Đức Giêsu đã lớn lên trong ân sủng và tuổi tác.
Mẹ cũng đã làm cho những người giúp việc tại tiệc cưới Cana nhận ra và làm theo ý của Đức Giêsu.
Mẹ đã phân định và thi hành ý Chúa ngay dưới chân Thập giá.
Mẹ đã từng ở giữa các tín hữu sơ khai để giúp họ đón nhận Thánh Thần và phân định lời mời gọi của Chúa: đến với thế giới, đến với mọi người và mọi nền văn hóa.
Nay xin Mẹ trở nên Sao Mai dẫn đường chúng con trong bóng đêm của những biến động văn hóa, chính trị, tôn giáo và lịch sử.
Xin Mẹ nên người hướng dẫn khôn ngoan trong trách vụ đào tạo của chúng con.
Xin Mẹ làm cho chúng con biết lắng nghe Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn trước sự dạy dỗ của Người, để chúng con có thể giúp các ứng sinh đón nhận lời mời gọi của Chúa trong tâm hồn và lương tâm họ. Amen.

 

Đà Lạt, ngày 14 tháng 7 năm 2012

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top