Bài giảng lễ an táng Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi

Bài giảng lễ an táng Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi

“Thiên Chúa là Tình yêu”

- Khôn ngoan 3, 1-9 (Chúa đã chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu )
- 1 Gioan 4, 11-16 (Thiên Chúa là Tình yêu ).
- Gioan 12, 24-26 (Nếu hạt lúa miến chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt ).

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Trong bầu khí trang trọng, linh thiêng của Thánh lễ an táng một bậc vị vọng trong hàng Giáo phẩm Việt Nam, Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, nguyên Giám mục Giáo phận Phan Thiết, nguyên Giám quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Sàigòn, vị Giám mục niên trưởng của các Vị Chủ chăn trong Hội đồng Giám mục Việt Nam hiện nay, người con ưu tú của họ đạo kỳ cựu Vĩnh Hội thuộc TGP Sàigòn, người cha, người thầy của biết bao nhiêu thế hệ tín hữu trong Dân Chúa; đặc biệt là người thầy của những Chủng sinh học trò bé nhỏ năm xưa, nay là Đức Hồng y Phêrô của TGP Hà Nội, người đang chủ tế Thánh lễ, Đức TGM Phaolô của TGP Sàigòn, Đức Giám mục Tôma của Giáo phận Bà Rịa, Đức Giám mục Giuse của Giáo phận Nha Trang... Mọi người, trong nhiều tư cách khác nhau đều đang hướng về Đức cha Nicolas trong ngày tiễn biệt trọng đại nầy với tâm tình tri ân, hiếu kính và ngưỡng mộ.

Chính trong bầu khí linh thiêng nầy, các bài đọc Lời Chúa chúng ta vừa nghe như soi sáng và rọi lại một cách kỳ diệu cuộc đời và sự nghiệp tông đồ của Đức cha Nicolas: 88 năm làm người tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế, 62 năm làm linh mục phục vụ Dân Chúa tại nhiều nhiệm sở với nhiều trọng trách khác nhau và nhất là 41 năm làm Giám mục trong tư cách là Đấng kế vị các Thánh Tông đồ để lãnh đạo và chăm sóc phần Dân Chúa được Hội thánh ủy thác cho mình, đồng thời để thực hiện lệnh truyền của Chúa là đem Tin mừng cứu độ đến với muôn dân hầu làm chứng cho mọi người biết: Thiên Chúa là Tình yêu.

Bài đọc thứ nhất trích Sách Khôn Ngoan ca ngợi cuộc đời của người tôi tớ trung tín và khôn ngoan của Thiên Chúa: Dù trải qua biết bao gian khổ, hiểm nguy và thử thách, thậm chí có những lúc bị sỉ nhục, bị áp bức bất công; nhưng chính trong những gian khổ thử thách, người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa đã bộc lộ phẩm cách tuyệt vời của người khôn ngoan được tuyển chọn, đầy ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, dũng cảm chu toàn sứ mạng cao cả của mình.

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Gioan, vị Tông đồ được Chúa yêu thương cách đặc biệt, vị Tông đồ diễm phúc kề đầu bên ngực Chúa, vị Tông đồ hiện diện và chia sẻ đến tận cùng cuộc khổ nạn đau thương của Chúa trên thập giá, người môn đệ đón nhận Đức Mẹ về nhà mình; chính Ngài đã đưa chúng ta vào thế giới của Thiên Chúa, nơi đầy tràn tình yêu, bình an và hạnh phúc: “điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã đụng chạm, Lời sự sống – sự sống ấy đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và chúng tôi làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời là sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha, và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi”; cảm nghiệm thánh thiêng của vị Tông đồ tuyệt vời này được chia sẻ cho những ai được Chúa tuyển chọn, khiến một khi cảm nhận mình được Thiên Chúa yêu thương, thì trong cuộc đời phục vụ của mình, từ lời nói, lời rao giảng cho tới hành động cũng như mọi tiếp xúc với tha nhân, sẽ luôn làm lan tỏa tình yêu thương bao la của Thiên Chúa: “Nếu Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu mến nhau... Nếu chúng ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người đã được nên hoàn hảo nơi chúng ta: Thiên Chúa là Tình yêu”’.

Trong bài Phúc Âm hôm nay (Ga 12, 23-28), Thánh Tông đồ ghi lại lời tuyên bố của Chúa về chính sứ mạng cứu thế của Ngài: “Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để phàm ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3, 16); và sứ mạng của Ngài là ’’yêu mến những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu mến họ đến cùng” (Ga 13, 1). Ngài yêu mến đến cùng theo cách thế: “Không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” ( Ga. 15, 13 ). Từ đó, Ngài đã mời gọi mọi người nhìn vào cuộc đời và sứ mạng cứu thế của Ngài tập trung vào biểu tượng hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”. Ý nghĩa và giá trị của hạt lúa mì hệ tại cuộc hiện hữu của hạt lúa mì nhằm đem lại lợi ích cho người khác, để phục vụ người khác. Rồi Ngài lại tiếp: “Ai phụng sự Thầy, hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, thì người phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thầy, Cha sẽ tôn vinh người ấy(Ga 12, 26). Khi khám phá ra ý nghĩa sâu xa của hình ảnh này để ám chỉ cuộc đời và sứ mệnh cứu thế của Chúa, cũng như của những ai muốn theo Chúa, chúng ta mới thấu hiểu tại sao trải qua dòng lịch sử của Hội thánh từ hơn hai ngàn năm nay, các thế hệ Tông đồ, môn đệ, mục tử trong Hội thánh Chúa đều không ngần ngại quảng đại dấn thân trong tình yêu thương, chấp nhận biết bao hy sinh và ngay cả đau khổ, tủi nhục, để có thể sống hoàn toàn và trọn vẹn vì hạnh phúc của đàn chiên. Đúng như lời Thánh Gioan Maria Vianney đã từng chia sẻ: “Hạnh phúc đích thực của linh mục là được hao mòn vì phần rỗi linh hồn của đàn chiên.

Như vậy, nhờ Lời Chúa soi sáng, chúng ta có thể nhìn vào cuộc đời và sứ vụ của Đức cha Nicolas, người môn đệ trung kiên của Chúa, người Tông đồ khôn ngoan và dũng cảm của Hội thánh, vị Mục tử bao dung và quảng đại của Dân Chúa, người cha và là người thầy rất yêu quý của chúng ta.

Để làm chứng cho mọi người biết “Thiên Chúa là Tình yêu”, ngài đã sống cuộc đời Tông đồ “trung tín và khôn ngoan”, “dũng cảm và nhân hậu”; dù phải trải qua nhiều thử thách và gian khổ trong sứ vụ mục tử của mình, ngài vẫn kín múc được ân sủng, bình an và hạnh phúc nơi nguồn tình yêu của Thiên Chúa.

Để chiếu tỏa “Thiên Chúa là Tình yêu”, Ngài đã nêu gương là vị Tông đồ “nhiệt thành và quảng đại”, quan tâm đặc biệt đến hàng giáo sĩ là những cộng sự viên và cố vấn của mình, quan tâm đến việc đào tạo chủng sinh, các tông đồ giáo dân trong Hội thánh, quan tâm đến các bậc Tu sĩ là những người sống đời thánh hiến, quan tâm đến mọi thành phần trong Dân Chúa, cách riêng những người nghèo khổ.

Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho “Thiên Chúa là Tình yêu”, Ngài đi vào con đường của hạnh phúc đích thực trong ăn chay, cầu nguyện, khổ hạnh và chiêm niệm, đúng nghĩa của một bậc chân tu, bậc sống đời thánh hiến theo truyền thống ngàn đời của Hội thánh, cách riêng trong những năm tháng âm thầm cuối đời của mình: “Chúa là phần gia nghiệp của con; hạnh phúc của con, có đâu ngoài Người” (x. Tv, 16, 2.5).

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Thật hạnh phúc và hãnh diện, khi có được một người cha, người thầy như thế. Và niềm hạnh phúc còn lớn lao hơn, trong bầu khí linh thiêng của Thánh lễ hôm nay, cùng với Hội thánh, chúng ta tin rằng Đức cha Nicôla của chúng ta trở về với Thiên Chúa là suối nguồn Tình yêu mà ngài tin tưởng và rao giảng; Ngài sẽ được chính Chúa Giêsu, vị Mục tử tốt lành và nhân hậu, đón tiếp và ân thưởng, khi trình diện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con” ( Ga. 17, 24 ). Amen.


(Nguồn: gpphanthiet.com)


bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top