Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 39. Giải tội - Bí tích bị lãng quên?

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 39. Giải tội - Bí tích bị lãng quên?

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 39. GIẢI TỘI – BÍ TÍCH BỊ LÃNG QUÊN?

Quà tặng đầu tiên mà Đấng Phục Sinh đem đến cho các môn đệ là bình an và niềm vui. Khi hiện đến với các ông, Người nói: “Bình an cho anh em”, và “các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,19-20). Tuy nhiên bình an và niềm vui ấy không chỉ dành riêng cho các ông, vì thế Chúa nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21) và trao cho các ông nhiệm vụ: “Hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm giữ ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Vậy các tông đồ và Hội Thánh hiểu về lệnh truyền của Chúa thế nào?

Sách GLHTCG viết: “Đức Kitô đã muốn toàn thể Hội Thánh của Người, trong kinh nguyện, đời sống và các hoạt động của mình, là dấu chỉ và dụng cụ cho ơn tha thứ và giao hòa mà Người đã thủ đắc cho chúng ta, bằng máu châu báu của Người. Tuy nhiên Người đã ủy thác việc thực thi quyền tha tội cho thừa tác vụ Tông Đồ. Chính thừa tác vụ này đã lãnh nhận “chức vụ giao hòa” (2Cor 5,18). Vị Tông Đồ được sai đi nhân danh Đức Kitô, và chính Thiên Chúa, qua vị Tông Đồ, khuyên bảo và nài xin: “Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa” (2Cor 5,20).

Dọc dài qua nhiều thế kỷ, hình thức bên ngoài của “thừa tác vụ giao hòa” này đã có nhiều thay đổi. Với những Kitô hữu sau khi chịu Phép Rửa, lại phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ thờ ngẫu tượng, giết người hay ngoại tình), thánh Phaolô cho rằng phải trừng phạt nghiêm khắc bằng cách trục xuất, để ít ra người đó còn “được cứu thoát trong Ngày của Chúa” (1Cor 5,5). Cách chung Hội Thánh sơ khai đã áp dụng việc thực hành đền tội nghiêm khắc, và đối với những tội nặng công khai thì phải đền tội công khai, có khi cả đời. Việc đền tội này, gồm cả việc bị loại ra khỏi sự hiệp thông Thánh Thể, được coi như “cái phao cứu độ thứ hai sau khi đắm tầu, tức là sau khi đánh mất ân sủng” (số 1446).

Về mặt nhân bản cũng như mục vụ, kỷ luật quá khắt khe này không hoàn toàn thích hợp. Vì thế từ thế kỷ 7 trở đi, cách riêng dưới ảnh hưởng của các tu sĩ người Ailen, hình thức “thống hối riêng” được phát triển, hối nhân được tha tội ngay sau khi xưng tội với linh mục, không cần đợi đến khi kết thúc thời gian đền tội. Từ đó xuất hiện hình thức xưng tội như ngày nay, vẫn được duy trì những nét chính sau hơn ngàn năm (số 1448).

Liệu ngày nay chúng ta sẽ có sự thay đổi nào khác không? Trong những năm gần đây, không có cử hành bí tích nào lại sút giảm như bí tích Giao Hòa (Giải Tội). Phải chăng ý thức về tội đã không còn? Hay đã có quá nhiều kinh nghiệm tiêu cực về việc xưng tội? Hay chỉ vì thiếu linh mục? Đàng khác, không nhận ra và không sám hối tội lỗi sẽ đem lại những tai hại cho đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn.

Ở bất cứ nơi đâu trong Hội Thánh đang có những dấu hiệu hồi sinh, thì cũng có sự tái khám phá bí tích Giao Hòa. Và điều các môn đệ trải nghiệm vào buổi chiều Ngày Phục Sinh lại được tái diễn: Đấng Phục Sinh, bằng Thần Khí của Người, ban ơn giao hòa và bình an.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top