Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 47. Hôm nay và mãi mãi

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 47. Hôm nay và mãi mãi

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 47. HÔM NAY VÀ MÃI MÃI

“Tình yêu mãnh liệt như sự chết, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể” (Diễm Ca 8,6-8). Yêu là mãi mãi, là tín trung, là trọn vẹn, không gì có thể áp đặt tình yêu. Nỗi đau lớn nhất là thất tình, tình yêu bị tổn thương.

Theo Kinh Thánh, sự chung thủy này phản ánh ý muốn của Đấng Tạo hóa: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ mình, và cả hai nên một xương một thịt” (St 2,24). “Chính Chúa cho thấy câu này nói lên sự hợp nhất cuộc đời hai người cách bất diệt, khi Người nhắc lại ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa: Như vậy, họ không còn là hai, nhưng là một xương một thịt” (GLHTCG số 1605).

“Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Những lời này nhắc nhớ sự trường tồn của tình yêu, nhưng nó không trường tồn ở tự nó. Tình yêu bị đe dọa từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Tình yêu có thể nhạt nhòa, trở thành dửng dưng, thậm chí biến thành thù hận. Ngày nay, khi điều đó xảy ra, người ta có khuynh hướng viết giấy khai tử cho tình yêu, thế là gọn nhất. Thế nhưng điều mà chúng ta không thấy là hôn nhân đã tạo nên một thực tại mới, và thực tại ấy tiếp tục hiện hữu cho dù cảm xúc không còn. Qua sự ưng thuận kết hôn, dây hôn phối liên kết hai người mãi mãi: “Dây hôn phối được chính Thiên Chúa thiết đặt đến độ hôn nhân thành sự và hoàn hợp giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ có thể được tháo gỡ. Dây liên kết này phát sinh từ một hành vi nhân linh tự do của đôi phối ngẫu và do sự hoàn hợp hôn phối, là một thực tại từ nay không thể rút lại, và là nguồn gốc của một giao ước được bảo đảm bởi sự trung tín của Thiên Chúa” (số 1640). Dù xã hội hay Giáo hội hay đôi hôn phối, đều không có quyền tháo cởi mối dây này (số 1644).

Trong thực tế đời sống, tính bất khả phân ly này thường bị cho là một đòi hỏi quá đáng, một lệnh truyền không thể thi hành. Chẳng phải là vô lý mà các môn đệ bị “sốc” khi nghe Chúa Giêsu khẳng định điều này (Mt 19,10). Càng ngày càng có nhiều đổ vỡ trong hôn nhân, kể cả những người được coi là mẫu mực. Càng ngày càng có nhiều những người làm cha hay mẹ đơn thân. Phải chăng các đôi vợ chồng ngày nay không thể sống tình yêu thủy chung và trọn vẹn nữa? Chính ở đây, phải khám phá lại Tin Mừng này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vĩnh viễn và không rút lại, đôi phối ngẫu được dự phần vào tình yêu đó của Thiên Chúa, một tình yêu hướng dẫn và nâng đỡ họ, và nhờ sự chung thủy với nhau, họ có thể là chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa. “Những đôi phối ngẫu nào, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, làm chứng được như vậy, ngay cả trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, họ đáng được cộng đoàn Hội Thánh biết ơn và hỗ trợ” (số 1649).

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top