Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)

Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)

Cha Phanxicô Xaviê Tam Assou sinh năm 1855 tại Macao, Trung Quốc. Cha có một người em trai. Lúc còn nhỏ, cha mẹ ngài gửi hai anh em cho các dì phước Nhà Trắng ở Hồng Kông coi sóc nuôi dưỡng.  Đức Cha Pellerin ban phép Thánh Tẩy và đỡ đầu cho ngài.

Lúc chừng 8 tuổi Cha Phanxicô được bà Benjamin đem sang Sàigòn. Lúc ấy bà Bề trên sai bà Benjamin lập dòng.

Khi tới Sàigòn, bà mẹ Benjamin cho ngài về ở cùng Cha Philipphê, Cha Sở họ đạo Chợ Lớn. Ở đây ngài học tiếng Triều Châu và tiếng Hẹ. Cha Philipphê thấy ngài có tánh tốt và ham học, nên Cha Philipphê hết lòng lo lắng dạy dỗ, và một ít năm sau, khi ngài được 13 tuổi, nhân dịp ngài trở về Pháp dưỡng bệnh, thì Cha Philipphê đem ngài qua học tại Đại Chủng Viện Penang.

Tại trường Penang, cậu Phanxicô được học 6 năm. Cha giáo Chibaudel thấy cậu tánh tốt lại sáng trí, nên rất thương và nhận đỡ đầu cho.

19 tuổi, khi đã học xong các lớp nhỏ ở trường Penang, chú Phanxicô được về học tại Chủng Viện Sài Gòn. Cũng như khi ở Penang, Thầy siêng năng học tập, trau dồi tính nết, dần dần được chịu các chức nhỏ; đến chức tư, thì được giữ làm giáo sư tại Chủng Viện. Thầy dạy 3 năm liền. Nhiều học trò của Thầy đã làm linh mục. Mãi đến năm 1882, Đức Cha Colombet mới phong chức Linh Mục cho Thầy. Chịu chức xong, Cha đã dâng lễ mở tay đầu tiên tại Nhà Nguyện Tu Viện Thánh Phaolô Sài Gòn.

Đức Cha sai Cha Phanxicô về làm phó tại Nhà Thờ Chính Toà Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư cho trường Taberd. Bấy giờ Cha Le Mée là Cha Sở họ Sài Gòn và Cha Joubert là bề trên của trường Taberd. Ngoài ra, Cha Phanxicô còn được giao nhiệm vụ tập hát và đánh đàn cho Nhà Thờ Đức Bà.

Cha phục vụ tại Sài Gòn như vậy được 16 năm. Năm 1898, Đức Cha Dépierre thấy giáo dân họ đạo Thanh Nhân (họ đạo Phanxicô Xaviê ngày nay) trong Chợ Lớn ngày càng giảm sút - chỉ còn khoảng chừng 40 người !  Đức Cha đã sai Cha Phanxicô về Thanh Nhân để chấn chỉnh lại. Đức Cha rất trông đợi ở Cha, vì Cha vừa là người đồng hương, lại vừa nói được rất nhiều tiếng các vùng của người Hoa đang cư trú tại Chợ Lớn.

Trước khi nhận nhiệm sở mới, Cha xin phép đi nghỉ một thời gian. Qua Malaysia, Cha về thăm lại Chủng Viện Penang, nơi xưa Cha đã được huấn giáo. Khoảng tháng 8 năm 1898, Cha trở về Chợ Lớn.

Mới đầu, Cha tạm trú tại họ đạo Annam Chợ Lớn với Cha Maritte, để đi kiếm đất xây Nhà Thờ. Không phí công tìm lâu, Cha đã thấy được một lô đất rộng hơn 3 mẫu tây ở ngay trung tâm Chợ Lớn, vừa đủ để cất Nhà Thờ, trường học và nhà xứ. 

Qua biết bao gian nan vất vả, Cha Tam Assou mới được như ý nguyện.  Các thủ tục mua đất hoàn tất đúng ngày lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê.  Đối với Cha Tam, đây thật là ngày có ý nghĩa.

Ngày 03/12-1900, lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Đức Cha Mossard đã về làm lễ trọng thể thánh hoá và đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh Đường.  Rất mau chóng, ngôi Thánh Đường đã được hình thành. Ngày 10/02-1902, Đức Cha Mossard làm lễ khánh thành và làm phép Nhà Thớ mới.

Cha lập nhà Dục Anh giúp nuôi những trẻ mồ côi người lương, hằng năm số trẻ này ở đây được rửa tội rất nhiều. Riêng năm 1902,  đã thánh tẩy cho 1.093 em.

Cha xây thêm một trường học, giao cho các dì phước Dòng Thánh Phaolô Thành Chartre giúp các trẻ người Hoa học giáo lý, kinh bổn.

Bấy giờ Chợ Lớn có nhiều nhà thương, nên Cha cũng phải chăm lo thăm viếng cho những người bệnh trong các nhà thương này.  Cha còn lập nhà Bảo Trợ trẻ em; đích thân Cha cũng dạy cho các trẻ trong nhà này.  Chiều thứ Năm hằng tuần, nhiều người đem con tới nhờ Cha dạy giáo lý. Mỗi năm, Cha rửa tội cũng như lo cho rất nhiều trẻ em được rước lễ vỡ lòng. 

Còn trong giáo xứ, nhờ tài khéo léo, từ hai bàn tay trắng, Cha Phanxicô đã ổn định được nhiều việc. Chúa đã chúc phúc cho các việc Cha làm. Tuy cũng có những lúc khó khăn, nhưng Cha luôn cậy trông Thiên Chúa và Thánh Phanxicô bổn mạng, nên mọi việc đều thành công.

Năm 1907, kỷ niệm 25 năm lãnh chức Linh Mục, giáo dân đã tổ chức mừng Ngân Khánh cho Cha rất trọng thể. Năm 1932, giáo dân mừng lễ Kim Khánh linh Mục của Ngài hết sức tưng bừng.

Ngài qua đời ngày 24-01-1934, năm nay là giỗ 80 năm của Ngài, một ngày đáng ghi nhớ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top