Thứ Tư tuần 1 mùa Vọng - Ai nấy được no nê (Mt 15,29-37)

Thứ Tư tuần 1 mùa Vọng - Ai nấy được no nê (Mt 15,29-37)

Thứ Tư tuần 1 mùa Vọng - Ai nấy được no nê (Mt 15,29-37)

“Thầy chạnh lòng thương đám đông,
vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi
và họ không có gì ăn”.
(Mt 15,32)

BÀI ĐỌC I: Is 25, 6-10a

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Đáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài (c. 6cd).

Xướng:

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.

 

Tin mừng: Mt 15, 29-37

29 Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa.

Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.”

33 Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no ?” 34 Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.”

35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương con người toàn diện. Ngài đã cảm nhận được nỗi bất hạnh, sự thiếu thốn nơi những người bệnh tật, đói khát. Chúng ta hãy cảm tạ lòng Chúa xót thương, bằng cách biết chia sẻ tình mến cho anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mang thân phận con người là mang lấy sự đói khát và thiếu thốn. Là con người, chẳng ai hài lòng với cái mình đang có. Chính vì thế, tình thương của Chúa là một khát vọng lớn mà con người hằng mong mỏi.

Tình thương Chúa đã được biểu lộ cụ thể nơi cuộc đời của con và của gia đình con. Con được sinh ra được nuôi dưỡng trong niềm tin Kitô giáo, được nuôi dưỡng và lớn lên với biết bao hồng ân của Chúa. Thật là một lỗi lầm khi con chỉ biết sống đua đòi, quay cuồng chạy theo những trào lưu của xã hội để hưởng thụ vật chất, mà không biết dâng lời tạ ơn Chúa đã cho con sống an lành đến ngày hôm nay.

Và cũng thật sai trái, khi con cứ đưa mắt nhìn lên những người giàu có, hạnh phúc hơn con, để rồi con buồn phiền và thầm oán trách Chúa. Nhưng đúng hơn, con phải biết rằng: xã hội, thế giới đang có biết bao nhiêu người đang cần đến sự chia sẻ của con.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn đến nhiều người đang bất hạnh vì bệnh tật triền miên, biết đồng cảm với bao người đang đau khổ vì đói khát, thất nghiệp, hoạn nạn, thiên tai.

Lạy Chúa, mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa tỏ lòng thương xót con người một cách đặc biệt, nhưng đồng thời cũng là mùa nhắc nhở con phải biết sống chia sẻ: chia sẻ vật chất, tình thương, cảm thông, an ủi và tha thứ cho anh em. Xin cho con đừng bao giờ quên Lời Chúa căn dặn: Phúc cho ai có lòng thương xót vì sẽ được Chúa xót thương. Amen.

Ghi nhớ: “Chúa Giêsu chữa nhiều người và hóa bánh ra nhiều”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn Tin mừng hôm nay cho ta biết thêm hai loại hoạt động cứu thế của Chúa Giêsu: 

a/ cc 29-31: cứu những người bệnh; 

b/ cc 32-39: lo cho dân đang đói có của ăn.

Hai hoạt động trên vừa là dầu chỉ cho biết Ngài là Đấng Messia mà Isaia tiên báo Is 61,1-2), vừa là dấu chỉ tiên báo Bí tích Thánh Thể sau này.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm trong bài Tin mừng: “Chúa mời đến dự tiệc của người, và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

2. Chúa Giêsu như một khối nam châm, một chiếc phao giữa biển đời đau khổ. Ngài “ngồi đó” (câu 29), đông đảo các bệnh nhân kéo đến cùng Ngài (câu 30).

3. Tấm lòng của Chúa Giêsu: “Thầy chạnh lòng thương đám đông... sợ họ bị xỉu dọc đường” (câu 32). Động từ “chạnh lòng” trong nguyên bản có nghĩa rất mạnh và cụ thể: cảm giác như ruột mình đứt ra từng khúc. 

4. Chuyện song song ở Lc 9,10-17 còn cho chúng ta biết thêm hai cách phản ứng trước cùng một hoàn cảnh: 

a/ Phản ứng của các môn đệ là “Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”: phản ứng theo lý (các môn đệ không có trách nhiệm lo cho dân chúng ăn), và mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa Giêsu thì họ cũng phải tự lo thức ăn).

Thông thường thì chúng ta cũng như thế. Đây là thái độ của Cain sau khi Chúa hỏi anh về cái chết của Abel, em của anh ta. 

Thái độ khép tín lòng từ tâm chảng làm cho con người được hạnh phúc chuyện dù cuộc sống của họ chẳng thiếu thốn một thứ gì.

Khi Đức Thích Ca vào thủ đô của vua Kaniska, nhà vua đã thân hành ra đón chào Ngài. Nhà vua là bạn thân của thân phụ Đức Thích Ca. Đức Thích Ca nhìn sâu vào đôi mắt của nah vua rồi chậm rãi hỏi: "xin Ngài hãy thành thực nói với tôi: Trong tất cả những thú vui mà Ngài đang có, Ngài có thực sự được một ngày hạnh phúc không ?"

Vua Kaniska cúi nhìn xuống đất và giữ thinh lặng.

b/ phản ứng của Chúa Giêsu là “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó Chúa Giêsu làm cho bánh ra nhiều: phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.

5. Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: “Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi “sự” nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên”. Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể: chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc”. Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).

6. “Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông nói: “Thưa có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15,34)

Hằng ngày tôi vẫn thấy nào là trẻ em bụi đời, những kẻ bán máu, nào là những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền. Tất cả những điều ấy làm tôi nhức nhối, và càng nhức nhối hơn khi nghĩ đến khả năng nhỏ bé của mình. Tôi như thế hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu lớn lao ấy. Với 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ của ai đó dâng tặng, Chúa Giêsu đã làm cho hàng ngàn người được no nê. Chúa chỉ cần một đóng góp nhỏ của tôi để làm nên những việc lớn lao. Chẳng lẽ tôi nghèo đến nỗi không có gì để chia xẻ. Chẳng lẽ tôi không có được một lời chào, một nụ cười, một lời hỏi thăm, một lời khuyên. Nếu tôi sẵn sàng trao tặng thì tất cả những khả năng bé nhỏ này, nhờ ơn Chúa, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui, tình thương, và thậm chí cả niềm tin cho những người bất hạnh nghèo khổ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những tiềm năng Chúa ban, và biết sử dụng để đem lại niềm vui, tình thương và niềm tin cho mọi người (Epphata).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Phải biết chia sẻ (Mt 15,29-37)

  1. Sau khi chữa lành con gái người đàn bà Canaan, Đức Giêsu cùng các môn đệ lên một ngọn núi ở ven biển hồ Galilê. Ở đó, Ngài tiếp đón và quy tụ nhiều người ở khắp nơi. Họ mang đến cho Người nhiều bệnh nhân và Ngài đã chữa lành họ. Trước cảnh đoàn lũ dân chúng bơ vơ không có người chăn, Ngài chạnh lòng thương và ban lương thực nuôi sống họ.
  2. Đức Giêsu lên núi, dân cúng lũ lượt kéo lên nghe Người giảng, và mang theo nhiều bệnh nhân để xin cứu chữa. Chúa chữa họ khỏi hết: câm được nói, què đi được, mù được thấy... nên mọi người hết sức cảm phục và ngợi khen Chúa.Trước cảnh đoàn lũ dân chúng bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt, họ lại đói khát vì theo Chúa nghe giảng dạy ba ngày rồi mà không có gì ăn. Ngài chạnh lòng thương và ban lương thực nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều từ bảy chiếc bánh và mấy con cá, nuôi bốn ngàn người không kể đàn bà và con trẻ. Khi ăn xong các môn đệ lại thu được bảy thúng bánh vụn.
  3. Đức Giêsu bảo các môn đệ hãy lo cho họ ăn, nhưng trong hoang địa thế này làm sao các ông có thể lo cho họ ăn được! Các ông cảm thấy hoàn toàn bất lực. Đúng thế, Chúa có ý cho thấy sự bất lực của các ông trước khi Người làm phép lạ. Để rồi từ đó, qua phép lạ tỏ tường, các ông nhìn ra con người thật của Ngài và sẽ trung thành tin theo Ngài.
  4. Trước phép lạ này, chúng ta thấy có hai phản ứng khác nhau giữa Chúa và môn đệ:

a) Phản ứng của các môn đệ là “Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”: phản ứng theo lý (các môn đệ không có trách nhiệm lo cho dân chúng ăn), và mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa thì họ cũng phải tự lo thức ăn).

b) Phản ứng của Đức Giêsu là “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó, Đức Giêsu làm cho bánh ra nhiều: phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.

  1. Chúa hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Hỏi như thế là Chúa muốn các môn đệ dâng cho Người những gì mình có, để Chúa biến thành sức sống chăm sóc dân chúng. Chúa muốn người tông đồ dâng cho Người những gì mình có dù nhỏ bé hèn mọn, để Chúa biến thành của ăn tinh thần nuôi dưỡng dân chúng.
  2. Các môn đệ thưa: “Có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15,34).

Hằng ngày chúng ta vẫn thấy nào là trẻ em bụi đời, những kẻ bán máu, nào là những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền. Tất cả những điều ấy làm chúng ta nhức nhối, và càng nhức nhối hơn khi nghĩ đến khả năng nhỏ bé của mình. Chúng ta như hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu lớn lao ấy.

Thế mà với 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ của ai đó dâng tặng, Đức Giêsu đã làm cho hàng ngàn người được no nê. Chúa chỉ cần một đóng góp nhỏ của chúng ta để làm nên những việc lớn lao. Chẳng lẽ chúng ta nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ ? Chẳng lẽ chúng ta không có được một lời chào, một nụ cười, một lời hỏi thăm, một lời khuyên... Nếu chúng ta sẵn sàng trao tặng thì tất cả những khả năng nhỏ bé này, nhờ ơn Chúa, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui, tình thương, và thậm chí cả niềm tin cho những người bất hạnh nghèo khổ (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Bài học của phép lạ hóa bánh ra nhiều là ở chỗ: Chúa dạy chúng ta là hãy vâng lời Ngài mà thực hiện điều răn yêu thương. Yêu thương là chia sẻ, là trao ban. Khi chúng ta chia sẻ, trao ban chính là làm cho tình yêu được nâng lên.

Tấm bánh đáng lẽ chỉ nuôi được một vài người, đã có thể nuôi cả ngàn người. Tình yêu có thể làm được chuyện mà đồng tiền, đống của không làm được. Người ta thường nghĩ có nhiều, có dư thì mới cho. Tình yêu không đợi phải có đủ, có dư thì mới cho, nhưng còn sẵn sàng cho cả cái chính mình đang thiếu, và thậm chí, cả khi không có gì, vẫn có thể cho, đó là chính mình: công sức, tài năng, thì giờ...

  1. Truyện: Chỉ cần biết chia sẻ

Một hôm có một người đàn ông vào nhà một bà dân làng để xin ăn. Bà này từ chối với lời nói chân thật: “Xin lỗi, hiện giờ trong nhà tôi không còn gì có thể ăn được”.

Người khách lạ nói: “Không sao, chỉ nhờ bà cho tôi mượn một nồi nấu súp thật lớn. Tôi có một viên sỏi có thể nấu thành một nồi súp đặc biệt ngon, từ trước tới giờ chưa từng có món ăn nào ngon bằng món tôi nấu”.

Bà chủ nhà bằng lòng. Người khách lạ đổ nước vào nồi, bỏ viên sỏi vào nồi rồi bắt đầu nấu. Trong khi đó, bà chủ nhà sang nhà bà hàng xóm tiết lộ bí mật của nồi súp tuyệt vời ấy. Người hàng xóm này lại tiết lộ cho người hàng xóm khác. Chẳng bao lâu sau căn nhà đầy ắp người.

Khi nước bắt đầu sôi, người khách lạ múc lên một muỗng nếm thử: “Chà, rất ngon. Nhưng phải chi có thêm chút khoai tây nữa thì sẽ ngon tuyệt”. Một người vội vàng chạy về nhà lấy khoai tây bỏ vào. Lát sau người khách lại nếm và lại nói: “Ngon hơn trước rồi. Phải chi có thêm một chút thịt nữa thì hết chỗ chê”. Một người khác vội chạy về lấy thịt. Cứ như thế, cứ như thế...

Cuối cùng nồi súp chín. Người khách mời mọi người ngồi vào bàn. Mỗi người một tô. Ai nấy đều khen món súp ngon tuyệt vời. Còn người khách lạ thì vớt từ đáy nồi lên viên sỏi của mình, bỏ vào túi, rồi vui vẻ chào mọi người và ra đi.

Top