Thứ Sáu tuần 24 Thường niên (+video)

Thứ Sáu tuần 24 Thường niên (+video)

Thứ Sáu tuần 24 Thường niên (+video)

          Lc 8, 1-3
“Các bà này đã lấy của cải mình
mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.” (Lc 8,1)

1. Chúa Giêsu đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo để chia sẻ sứ mạng với Chúa cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó phụ nữ bị người ta coi khinh, không cho phụ nữ tham gia bất cứ sinh hoạt công khai nào của xã hội.

Như vậy, nam và nữ, mỗi phái đều có sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội và xã hội.

Chúng ta hãy nghe sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II gửi giới phụ nữ. Sứ điệp này do Đức Hồng Y P. Zoungrana tuyên đọc ngày 8/12/1965: “Giờ đây chúng tôi xin ngỏ lời với nữ giới thuộc hết mọi thành phần: Bây giờ đã đến lúc sứ mệnh người phụ nữ được thể hiện hoàn toàn. Đây là lúc người phụ nữ có một ảnh hưởng, một sự phát huy và một quyền lực từ trước đến nay chưa từng có trong xã hội.”

“Hỡi các người vợ, người mẹ gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại trong lòng tổ ấm gia đình, xin truyền thụ cho con trai con gái quý bà những truyền thống của cha ông chúng ta, đồng thời chuẩn bị cho chúng một tương lai xa vời. Các bà hãy luôn nhớ là nhờ con cái nên người mẹ góp phần vào tương lai, một tương lai có lẽ mắt quý bà sẽ không được nhìn thấy”.

“Cả những chị em ở độc thân nữa, xin ý thức rằng, chị em có thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng phục vụ của mình. Xã hội khắp nơi đang kêu gọi chị em, ngay các gia đình cũng không thể sinh hoạt nếu gạt bỏ sự trợ giúp của những người không lập gia đình”.

“Nhất là những người đồng trinh đã dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà chủ nghĩa ích kỷ và sự ham tìm khoái lạc muốn trở nên qui luật sống, chị em hãy duy trì đức trong sạch, lòng vô vị lợi và tinh thần đạo đức.”

Cha Leonardo Bop, một nhà thần học nổi danh người Brasil thuật lại:

Ngày kia, một người đàn bà mà tôi quen biết vài năm nay gọi tôi ra một nơi và nói nhỏ: “Thưa cha, con muốn tiết lộ cho cha một bí mật. Xin cha đến nhà con.”

Tôi đến nhà bà ta, vào phòng ngủ của đứa con trai bà. Đó chính là một quái thai. Đầu đứa nhỏ to như đầu người lớn, nhưng thân mình của nó thì bé tí xíu. Đôi mắt nó nhìn chằm chằm lên trần nhà, lưỡi nó thò ra thụt vào như lưỡi rắn. Tôi rùng mình thốt lên: “Chúa ơi!” Nhưng bà ta nói: “Thưa Cha, từ tám năm nay con chăm sóc đứa con này của con. Nó chỉ biết có một mình con mà thôi, và con rất hài lòng về nó, hầu như không một người nào khác biết đến sự hiện diện của nó” - Rồi bà ta lớn tiếng nói: “Thiên Chúa là Đấng nhân lành. Ngài là Cha”. Bà ta nhìn lên trời nói tiếp với giọng bình thản: “Xin vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời”.

Leonardo Bop cho biết: “Tôi rời nhà bà ta không nói được một lời nào. Đầu tôi cúi xuống kinh hoàng vì đứa trẻ quái thai, đồng thời ngỡ ngàng vì thái độ bình thản của bà mẹ, Rồi bất chợt một câu Kinh Thánh xuất hiện trong đầu tôi. Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà mắc bệnh hoại huyết: “Hỡi bà, đức tin của bà thật lớn lắm” (Mt 15,28)

Quả thực, đức tin của người đàn bà xứ Brasil trên đây thật lớn lao dường nào! Bà không chửi trời trách đất vì có đứa con quái thai như thế, trái lại bà đã sống trọn tinh thần Lời Chúa dạy: “Hai con chim sẻ mới bán được một đồng, thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha chúng con. Tóc trên đầu chúng con đã được đếm cả rồi” (Mt 10,29-30).

2. Ngày 24.4.1994, Đức Thánh Cha đã tôn phong chân phước cho “Hai bà mẹ gia đình” Bà Giana Beritta, người đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elisabeth Catannory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa đã hại đứa con gái đầu lòng làm cho nó phải chết khi vừa mới chào đời. Tuy nhiên, bà vẫn trung thành với sứ mạng làm vợ, làm mẹ, bà đã biết chấp nhận những hy sinh để xin ơn thánh hóa bản thân cũng như tha nhân theo tinh thần của Dòng Chúa Ba Ngôi mà bà gia nhập như hội viên dòng ba. Niềm mong ước của bà đã được thể hiện sau khi bà qua đời: người chồng đã trở lại, lúc dầu cũng xin gia nhập dòng Chúa Ba Ngôi và sau đó đã trở thành Linh mục dòng Phanxicô.

Trong bài giảng thánh lễ phong chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà còn cả bao nhiêu bà mẹ khác, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình”.

Top