Thứ Sáu tuần 22 Thường niên năm I (Lc 5,33-39)

Thứ Sáu tuần 22 Thường niên năm I (Lc 5,33-39)

Thứ Sáu tuần 22 Thường niên năm I (Lc 5,33-39)

Sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay”. (Lc 5,35)

 

BÀI ĐỌC I (năm I): Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật, vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể, tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.

 

Tin mừng: Lc 5, 33-39

33 Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống ?” 34 Người đáp lại rằng: Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng ? 35 Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy.

36 Người còn nói với họ thí dụ này rằng: Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. 37 Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. 38 Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. 39 Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: Rượu cũ thì ngon hơn.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.

Cầu nguyện; Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến sống giữa chúng con. Có Chúa là có hạnh phúc viên mãn. Có Chúa là có niềm vui đích thực. Chúa đã yêu mến từng người chúng con, nên Chúa đã hy sinh chết và sống lại vinh hiển để cứu độ con, để thông ban cho con đời sống mới chan chứa tình thương.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay mạc khải cho con biết, Chúa không chấp nhận lối sống nửa vời: vừa muốn thờ Chúa lại vừa thờ mình; vừa muốn được cả trần gian lại vừa muốn thiên đàng. Giữa hai cách sống ấy, con phải chọn một. Con phải đấu tranh với chính mình, phải bỏ hết đời sống cũ, bỏ lối sống cũ để trở thành con người mới, thành một Kitô khác giữa đời. Tuy nhiên, con lại thường dễ chiều theo những khuynh hướng tự nhiên, dễ dãi. Vì thế, đời sống con vẫn vật vờ, vá víu, không đẹp mắt Chúa.

Lạy Chúa, xin tha cho con vì nhiều lúc con chưa dứt khoát bước theo Chúa. Xin giúp con đổi mới cuộc sống, hoàn toàn sống theo đường lối Phúc âm. Xin giúp con sống đạo vì lòng yêu mến Chúa. Con tin rằng Chúa luôn hiện diện bên con. Xin đốt lên trong con lòng khao khát Chúa, mong được sống với Chúa. Xin cho con biết vượt qua những hình thức bề ngoài giả dối, để cách sống của con được phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng. Amen.

Ghi nhớ: “Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Chuyện xảy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài và còn ngồi ăn chung bàn với nhiều người thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.

Những người Pharisêu và luật sĩ thấy thế thì khó chịu và trách Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ lo ăn uống!

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta thấy ý nghĩa thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước:

- Thời Cựu Ước, việc ăn chay đi kèm với sự chờ đợi ơn giải thoát. Việc ăn chay như muốn nói: Thời buổi xấu xa quá, chúng tôi không thỏa mãn, chúng tôi không thiết sống nữa, nguyện xin Chúa mau đến giải thoát chúng tôi.

- Việc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thời của Phúc Âm, thời vui sống với Đấng Messia như dự tiệc cưới với chàng rể.

- Khi Chúa Giêsu được đem đi (ám chỉ việc Ngài chết, sống lại và lên trời), các môn đệ sẽ lại ăn chay để xin Ngài mau trở lại.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, thời của vui mừng hoan lạc. Tại sao ta thường sầu não, buồn rầu và lo lắng. Cuộc sống không vui tươi của chúng ta làm sao hấp dẫn được người khác ?

2. Biệt phái và luật sĩ ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn mẫu mực và buộc người khác phải theo họ. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà tốt đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi.

3. Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ: Ý của Chúa Giêsu muốn nói phải sống thời Tân Ước với tâm tình của thời Tân ước. Tâm tình của thời Cưu Ước là hoảng sơ, tâm tình của thời Tân Ước là yêu thương. Vậy tâm tình thường xuyên của tôi đối với Chúa là gì: làm lành tránh dữ vì sợ Chúa phạt hay vì yêu thương Chúa ?

4. Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống ?” (Luca 5,33).

Chúa Giêsu ơi! Không thua gì các kinh sư và các biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng đôi mắt dò xét, khắt khe hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ, chứ không được như họ làm. Nên con cảm thấy khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu. (Hosanna)

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Tranh luận về việc ăn chay (Lc 5,33-39)

  1. Đức Giêsu bị kêu trách vì môn đệ Người cứ ăn uống. Việc ăn chay, cầu nguyện theo cái nhìn của biệt phái, chứng tỏ mình là con người thánh thiện, đạo đức. Vì các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay, nên họ đã đặt vấn đề với Người.

Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc ăn chay, cũng không trách việc ăn uống. Ăn chay hay ăn uống đúng lúc thì mới hợp lý. Các môn đệ của Chúa cũng sẽ ăn chay, khi Người là chàng rể được cất đi. Còn bây giờ, Người còn ở với họ, niềm vui đầy tràn sao bắt họ ăn chay?

  1. Theo luật của người Do thái thì buộc mọi người phải giữ chay những ngày quốc tang và những ngày sám hối, tuy vậy, những người Do thái đạo đức như các biệt phái và môn đệ của Gioan, muốn noi gương đời sống khắc khổ của thầy mình, còn giữ chay một số ngày khác. Nhóm biệt phái còn ăn chay ngày thứ 2 và thứ 5 mùa thu, nếu trời không mưa. Những người sốt sắng cũng ăn chay vào các ngày đó quanh năm (Lc 18,22).
  2. Lời Chúa hôm nay nói đến những người luật sĩ và biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện. Theo quan niệm Do thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, những người biệt phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn chay, mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách họ.

Chúa Giêsu đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do thái, để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Lc 5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận ra rằng: Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm vui, nên con người không còn phải chay tịnh với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.

Và để giải thích cho điều Ngài dạy, Chúa Giêsu đã đưa hai dụ ngôn sự hiện diện của chàng rể trong đám cưới và dụ ngôn chiếc áo mới và bình rượu mới.

  1. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của chàng rể: bao lâu chàng rể còn đó, thì việc chay tịnh phải được miễn chuẩn. Trong Cựu ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi đó. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và cũng như các môn đệ của ông. Như vậy, khi miễn chuẩn cho các môn đệ của Ngài khỏi phải chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng: Ngài chính là chàng rể, là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi, vì thế mà họ không cần phải chay tịnh để mong chờ nữa. Thời Cứu thế đã đến rồi. Con người không cần phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ, vì những gì họ mong đợi bây giờ đã được toại nguyện rồi.
  2. Tiếp theo là dụ ngôn về chiếc áo mới và bình rượu mới.

Khi nói dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho mọi người hiểu, “lý do” tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại cứu thế, thì phải sống theo tinh thần mới. Chúa bảo: “Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Lc 5,37). Nói thế Chúa không có ý nói cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ. Ở đây rõ rệt Ngài không có ý so sánh mà chỉ có ý nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể tương hợp với nhau.

  1. Truyện: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Những người biệt phái, luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người biệt phái cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 5,33).

Cổ nhân chúng ta và các nhà khôn ngoan thường dạy người ta cách cư xử ở đời là: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”: hãy trách mình trước, rồi trách người sau. Hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cách cư xử với nhau như vậy:

Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt.

Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên mây trên gió.

Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là khuynh tả.

Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không có việc làm.

Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.

Nếu cha hay mỉm cười: cha quá dễ dãi!

Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người nào đó sẽ nói: cha khinh người!

Nếu cha còn trẻ: cha thiếu kinh nghiệm!

Nếu cha có tuổi: cha nên về hưu thì vừa!

Giêsu ơi! Không thua gì các luật sĩ và biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ, chứ không được như họ là. Nếu con cảm thấy thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu (Hosanna).

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trung Quốc có một nhà điêu khắc được giao cho thực hiện một cái giá treo chuông bằng gỗ quý. Sau khi hoàn thành công việc, mọi người nhìn ngắm đều khen ngợi và cho đó là kỳ công của bậc thần thánh. Ngày nọ, vị công tước đã mướn nhà điêu khắc thực hiện công việc đó cho gọi ông đến và hỏi: “Nhà ngươi có bí quyết nào mà hoàn thành một kiệt tác như thế ?”. Nhà điêu khắc trả lời: “Tôi chỉ là một thợ thủ công và chẳng có bí quyết nào cả. Công việc diễn ra rất đơn giản: khi bắt đầu nghĩ đến công việc được giao, tôi tập trung tư tưởng vào đó, tôi đã giữ chay để tâm hồn được lắng dịu, quên đi tất cả những lời khen chê, có thể nói, việc gì xảy ra là do tinh thần tập trung của tôi được huấn luyện nhờ việc giữ chay nghiêm ngặt để chỉ chú ý vào đối tượng duy nhất là cái giá chuông mà thôi”.

Suy niệm

Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đến như tân lang trong tiệc cưới, tiệc cứu độ tình yêu đem niềm vui đời đời cho chúng ta. Các môn đệ của Ngài là bè bạn đang dự tiệc cưới với tân lang, nghĩa là Đấng Thiên Sai đã đến rồi, nên các phù rể không ăn chay để chờ đợi nhưng đang sống trong niềm vui. Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế - Tân lang, vì theo truyền thống, ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế… Do đó, các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Thời của Ðấng Cứu Thế - Tân lang là thời của hân hoan, của niềm vui, không phải là thời của khóc lóc, tang chế, ủ dột…

Khi các môn đệ Chúa Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và biệt phái, Ngài đã bênh vực các đồ đệ, những người đang sống trong thời đại Cứu Thế: Ðức Giêsu chính là Tân lang mang Tin Mừng, niềm vui ơn cứu độ, nên phải biết sống vui tươi, tin tưởng. Ủ rũ sầu khổ là không hợp thời và không đúng lúc. Hơn nữa, người biệt phái và các môn đệ của Gioan ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Vì thế, không đúng với ý nghĩa của việc ăn chay, cho nên Đức Giêsu nhiều lần đã khiển trách họ (x. Mt 6,16; Lc 18,12).

Với Đức Kitô, dân Ngài trong Giáo hội như đang dự tiệc cưới nước Trời, sống hoàn toàn trong tinh thần mới: tinh thần của Chúa Cứu Thế - Đức Tân Lang Tân ước là tất cả Tin Mừng mà Ngài rao giảng như thứ rượu mới duy nhất không thể thay thế hoặc pha trộn trong bầu da cũ…

Xin cho chúng ta sống thời đại mới phải có tinh thần mới, vì rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Chúng ta được phúc làm con Cha, Ngài luôn lo lắng chăm sóc cho chúng ta. Cuộc sống phải luôn bình an và phấn khởi trong Chúa là cha, tinh thần tự do của người con.

Ý lực sống

“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9,15).

Top