Thứ Năm tuần 4 Thường niên (+video)

Thứ Năm tuần 4 Thường niên (+video)

Thứ Năm tuần 4 Thường niên (+video)

Mc 6,7-13

“Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. (Mc 6,12)

Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là “để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng”.

Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào ?

-Về nội dung lời giảng, Thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,12).

- Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng những việc làm cụ thể.

- Tác phong của người rao giảng: Biết sống nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.

Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.

Đức Thánh cha Phaolô VI: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy này là những chứng nhân”.

Đã có lần Lênin nói về thánh Phanxicô Assisi như thế này: “Để có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích “mỗi ngày một tin vui”).

Ngày kia, Thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng:

- Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.

Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi:

- Con nghe cha nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!

Thánh Phanxicô đáp:

- Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế, chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ. (Góp nhặt)

Người rao giảng Tin Mừng phải thực sự là người cảm nghiệm được một cách sâu xa niềm vui của một cuộc sống siêu thoát. Có như vậy, họ mới có thể thanh thản sống cuộc đời làm chứng cho Tin Mừng

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng.

Đây là một cách để dạy con biết quí trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình – Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống tại đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:

- Chuyến đi như thế nào hả con ?

- Thật tuyệt vời bố ạ!

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

- Ô, vâng rất tuyệt!

- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này ?

Đứa bé không ngần ngại:

- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có tới bốn con. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, còn họ thì có cả một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào trong vườn, còn họ thì có cả một bầu trời sao lấp lánh suốt đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, còn họ thì nhà cửa rộng tít đến cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, còn họ thì có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả.

- Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi. Cậu bé nói thêm.

Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì mình chưa có hay không có. Có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác, điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và cách đánh giá của mỗi người. Xin Chúa cho chúng ta đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì chúng ta không có hay sẽ có, mà bỏ quên những điều chúng ta đang có, dù chúng là những gì rất nhỏ nhoi. Có như thế chúng ta mới thấy cuộc đời có nhiều niềm vui và mới hăng say trong sứ mạng tông đồ.

W. Goethe nói: “Sự chiếm hữu có ý nghĩa gì đâu. Sự ưng thuận mới là tất cả”

Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi”.

Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.

Top