Thứ Năm tuần 25 Thường niên năm I - Dấu hỏi cho người khác (Lc 9,7-9)

Thứ Năm tuần 25 Thường niên năm I - Dấu hỏi cho người khác (Lc 9,7-9)

Thứ Năm tuần 25 Thường niên năm I - Dấu hỏi cho người khác (Lc 9,7-9)

Còn vua Hê-rô-đê thì nói : “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi!
Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?” (Lc 9,9)

 

BÀI ĐỌC I (năm I): Kg 1, 1-8

“Các ngươi hãy xây cất đền thờ và như thế sẽ đẹp lòng Ta”.

Khởi đầu sách Tiên tri Khác-gai.

Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều đại vua Ðariô, có lời Chúa sai tiên tri Khác-gai đến nói với Giorôbabel, con trai ông Giosêđec, thầy cả thượng phẩm những lời sau đây: “Ðây Chúa các đạo binh phán: Dân này nói: “Chưa đến lúc xây cất đền thờ Chúa”. Và có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai phán rằng: “Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?” Giờ đây Chúa các đạo binh phán như thế này: “Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi. Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm, kẻ nhận tiền công lại bỏ vào túi lủng”. Chúa các đạo binh phán như thế này: “Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi: Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, như thế sẽ đẹp lòng Ta và Ta sẽ được tôn vinh”. Chúa phán như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con, bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.

 

Tin mừng: Lc 9, 7-9

7 Tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.”

8 Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy! “ Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”

9 Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? “ Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tư tưởng và hành động của Chúa Giêsu đã tạo ra vấn nạn cho người đương thời: Chúa Giêsu là ai ? Trải qua các thời đại, cho đến hôm nay, người ta vẫn không ngừng tìm hiểu về Ngài: Bởi vì con người Giêsu là một mầu nhiệm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những người Do thái đã gặp gỡ Chúa, đã sống với Chúa, nhưng họ vẫn không biết rõ về Chúa. Vua Hê-rô-đê đã nghe dư luận về Chúa và ông thắc mắc muốn tìm hiểu để biết Chúa là ai. Nhưng cuối cùng ông không được toại nguyện, vì ông chỉ muốn thoả mãn tính hiếu kỳ mà thôi.

Lời Chúa hôm nay nhắc con tự vấn thái độ của con qua những lần con gặp Chúa trong thánh lễ và các bí tích. Khi tìm hiểu lời nói, hành động của Chúa trong Tin Mừng, con ngỡ rằng đã hiểu Chúa nhiều hơn, nhưng thực ra nhiều lần con đã chẳng hiểu gì. Xin Chúa giúp con không bao giờ đóng khung khuôn mặt của Chúa trong những chữ viết, trong những thành kiến, nhưng biết khám phá khuôn mặt Chúa đang sống động trong cuộc đời con, nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh.

Lạy Chúa, không ai có thể khám phá khuôn mặt Chúa thay con được, nhưng chính con phải tự khám phá trong suốt cả cuộc đời. Xin Chúa giúp con luôn kiên nhẫn kiếm tìm. Xin ban cho con đôi mắt luôn trong sáng để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Xin ban cho con đôi tai luôn biết mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin giúp con sống điều Chúa dạy để người khác cũng nhận ra bóng dáng Chúa đáng yêu nơi chính cuộc đời con. Amen.

Ghi nhớ: “Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Phản ứng của vua Hêrôđê trước dư luận về Chúa Giêsu:

Những dư luận về Chúa Giêsu:

a/ Gioan tẩy giả sống lại,

b/ Êlia hiện ra,

c/ một tiên tri thời xưa sống lại.

Phản ứng của Hêrôđê:

a/ Hơi sợ, vì nếu Gioan tẩy giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan;

b/ Mặt khác, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa hy lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên ông không nghĩ rằng Chúa Giêsu là Gioan, Êlia hay bất cứ một tiên tri nào khác sống lại;

c/ Tuy nhiên ông không thể cắt nghĩa việc Chúa Giêsu làm những phép lạ. Tóm lại, ông phân vân. Vì thế ông tìm cách gặp Chúa Giêsu.

B. Suy niệm (... nẩy mầm)

1. Ngày xưa có nhiều dư luận về Chúa Giêsu. Các tông đồ đã đi khắp nơi để làm chứng cho người ta hiểu đúng Chúa Giêsu thực sự là ai.

Ngày nay cũng có nhiều dư luận sai lạc về Chúa Giêsu. Người ta nghĩ Ngài là ai ? (những người của các tôn giáo khác nghĩ gì ? những người vô thần nghĩ gì ? những người đầu óc nặng thành kiến khoa học, thực dụng nghĩ gì ?…) Thực ra, Chúa Giêsu là Ai ? Tôi phải làm chứng cho Ngài thế nào ?

2. Hêrôđê tìm cách gặp Chúa Giêsu chỉ để giải đáp một thắc mắc và để thỏa mãn một sự tò mò. Phần tôi thì tìm gặp Chúa Giêsu để xin ơn. Như thế có đủ và đúng chưa ?

3. Dù muốn hay không, người ngoài Giáo Hội vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế, dù muốn hay không, cách sống của kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Làm chứng đúng hay sai, tốt hay xấu là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.

4. Chúa Giêsu đã là một dấu hỏi cho những người thời Ngài. Mỗi người chúng ta cũng phải là một dấu hỏi cho những người thời nay. Một kiểu sống rập khuôn “ai sao tôi vậy”, một kiểu sống sợ bị người khác coi là khác thường… không phải là một dấu hỏi. Ta không chủ trương sống lập dị, nhưng ta không có quyền che dấu những nét đẹp độc đáo của niềm tin chúng ta.

5. Vua Hêrôđê nói: ‘Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu. Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?’ Vua Hêrôđê tìm cách thấy mặt Chúa Giêsu” (Lc 9,9)

Khi nghe dư luận đồn về Chúa Giêsu: “Đó là Gioan từ cõi chết chỗi dậy” hay “Ông Êlia xuất hiện”… vua Hêrôđê tìm dịp gặp Chúa Giêsu để xem Ngài là ai.

Khác với Hêrôđê, để tìm gặp Chúa, Dakêu đã dấn bước lên đường. Ông leo cây và đã bắt gặp ánh mắt Chúa giữa đám đông. Ông đã biến đổi hoàn toàn. Còn Nicôđêmô lại tìm Chúa trong khung cảnh tĩnh mịch ban đêm.

Tôi cũng tìm Ngài trong cuộc đời, trong những giờ phút thinh lặng cầu nguyện, trong tiếng cười nói vui đùa của trẻ thơ, hay trong muốn người tôi gặp gỡ. Và tôi tin rằng Chúa sẽ không chối từ khi tôi biết mở lòng ra đón Ngài.

Lạy Chúa, niềm vui và hạnh phúc của con là được gặp Ngài trong cuộc đời. (Hosanna)

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hêrôđê thắc mắc về Đức Giêsu (Lc 9,7-9)

  1. Khi nghe biết những phép lạ, những việc làm đầy quyền năng của Đức Giêsu, Hêrôđê đã tự đặt câu hỏi về Ngài: Đức Giêsu là ai ? Theo dư luận, người thì cho là Gioan Tẩy giả sống lại, người thì cho là Êlia hiện ra hay một tiên tri ngày xưa sống lại. Ông sợ vì nếu Gioan Tẩy giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan. Ông phân vân. Vì thế, ông tìm cách gặp Đức Giêsu để khám phá ra con người của Ngài.
  2. Tin mừng hôm nay cho thấy vua Hêrôđê hoang mang vì nghe người ta đồn Gioan Tẩy giả đã chết mà nay đã sống lại. Ông lo lắng vì tin đồn này đã đụng đến tận căn hành vi tội ác của ông. Bởi vì ông là một người nhu nhược và ham mê sắc dục, nên đã đang tâm giết một người công chính là Gioan Tẩy giả, chỉ vì ngài đã dám lên tiếng bênh vực sự thật và tố cáo hành vi sai quấy của ông.

Như vậy, hôm nay, một lần nữa hình ảnh Hêrôđê xuất hiện đã gợi lại cho chúng ta về bản chất của con người ác tâm, thất đức này. Tuy nhiên, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng không khó kiếm trong xã hội chúng ta, nhất là những người làm lớn.

  1. Hêrôđê tìm Chúa vì phân vân

Những gì ghi nhận của mọi người về Đức Giêsu không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa: Êlia, Gioan Tẩy giả. Khi nghe những lời đồn đại về Đức Giêsu, quận vương Hêrôđê đã phân vân và tìm cách gặp Ngài. Có thể cuộc gặp này để kiểm chứng thực hư, nhưng tiếc là ông ta không có cơ hội, mà đến Ngày Chúa bị kết án thì ông mới được Philatô giải đến cho gặp.

Còn chúng ta ? Có bao giờ chúng ta dành ra những phút hồi tâm suy nghĩ về Thiên Chúa hiện hữu và tác động trên đời ta, qua những dấu chỉ cuộc sống, qua những gương chứng nhân, qua phụng vụ bí tích, qua đời sống đạo... để rồi chúng ta đến gặp Chúa và tạ ơn Người không ?

  1. Hêrôđê tìm gặp Chúa vì lương tâm cắn rứt

Nói về lương tâm con người, dân gian có câu:

Hổ giết người hổ lăn ra ngủ,
Người giết người thức đủ năm canh.

Thái độ thứ hai của Hêrôđê là hoang mang vì đã đổ máu người vô tội. Chính vì một chút sĩ diện và ham mê nhục dục mà ông đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy giả. Bây giờ nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông hoang mang muốn gặp... Sự xuất hiện của Chúa đã làm phơi bày ra những tội ác của kẻ ác, và đặt mọi người vào thế đối diện với chính mình và phải tự vấn lương tâm. Điều này cho thấy, khi chúng ta hành động tội lỗi, thì lương tâm sẽ cắn rứt và làm cho chúng ta mất bình an (trừ khi lương tâm đã ra chai đá). Để tìm lại sự bình an, chúng ta hãy mau tìm đến gặp Chúa nơi Bí tích Giải tội, để được Chúa tha thứ và giúp chúng ta hoà giải với Chúa và tha nhân.

  1. Hêrôđê tìm cách gặp Đức Giêsu có lẽ do một sự sợ hãi: hình ảnh Gioan Tẩy giả ông giết chết vẫn còn ám ảnh tâm trí ông. Người chết thì không làm hại. Nhưng nếu quả thật ông Giêsu hay làm phép lạ này chính là Gioan tái sinh thì ông không thể ăn ngon ngủ yên được. Nhất định ông phải gặp cho bằng được ông Giêsu đó thôi. Ông muốn gặp được Giêsu chỉ để chứng kiến một vài phép lạ, để kiểm chứng có thật Gioan tái sinh hay không. Thế rồi một ngày kia ông cũng được thỏa lòng mong đợi. Đức Giêsu bị bắt và Philatô giao nộp Người cho Hêrôđê. Hoá ra Giêsu đang đứng trước mặt ông đây, thân tàn ma dại như thế này thì có hòng làm hại nổi ai. Ông đã thấy Chúa và ru ngủ lương tâm của mình, nhưng rồi ông vẫn không hối cải. Rồi, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, Hêrôđê ông kết thân với Philatô, giao nộp Chúa cho ông này tuyên án tử hình cho Chúa (5 phút mỗi ngày).
  2. Truyện: Cần làm chứng cho Chúa

Thế gian hôm nay đang cần những chứng nhân. Chúng ta hãy là những chứng nhân cho một Thiên Chúa đang sống cho thế giới hôm nay.

Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần.

- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao ?

- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.

- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào ?

- Tôi rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khoá giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.

- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi ?

- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.

- Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta ?

- Tôi không nhớ hết được.

- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự theo ông Kitô.

- Anh chỉ nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài. 

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Lạ lùng vì được thụ thai trong lòng một bà già đã quá tuổi sinh con.

Lạ lùng vì khi đang còn ở trong bụng mẹ, đã được sạch tội tổ tông.

Lạ lùng vì khi đang còn thanh niên đã lên núi, sống cuộc đời thinh lặng và khắc khổ.

Lạ lùng vì khi được dân chúng hoan hô khen ngợi như Đấng Cứu Thế, thì vẫn khiêm nhượng xưng mình chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

Lạ lùng vì cái chết đầy anh dũng để bảo vệ Luật Chúa: Chết vì bị các kẻ dâm ô chặt đầu bỏ trên đĩa để cười đùa.

Đó là Gioan Tẩy giả…

Suy niệm

Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời, với những giáo huấn mới lạ đầy quyền uy, những phép lạ làm cho người câm nói được, người điếc được nghe, người mù thấy được, người què và bại liệt đi lại được, người bị quỷ ám được giải thoát…

 Vua Hêrôđê phân vân trước những phản ứng của người đời nói về Đức Giêsu: Ngôn sứ  Êlia, vị ngôn sứ phải đến chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, hay Gioan Tẩy giả mà chính mình đã sát hại nay sống lại hay một ngôn sứ thời xưa đã sống lại… Hêrôđê đã tự đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: “Ngài là ai?” Và ông đã tìm cách tiếp xúc với Ðức Giêsu để khám phá ra con người của Ngài. Tuy nhiên, Hêrôđê đã không được diện kiến Chúa Giêsu trong suốt thời gian Ngài đi công bố Tin Mừng vì ông muốn gặp Chúa Giêsu để thỏa mãn óc hiếu kỳ, sự tò mò... chứ không phải đi tìm kiếm chân lý với sự cảm phục yêu mến như Giakêu (x. Lc 19,3-4) đã được gặp Ngài và được ơn công chính… Hêrôđê không gặp được Ngài vì quyền năng của Thiên Chúa chưa muốn tỏ hiện: “Vì giờ của Con Người chưa đến” (Ga 7,30b). Chỉ khi giờ đến, những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu: Philatô chuyển giao Ngài cho ông nên ông mới gặp được Chúa: “Hêrôđê mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn gặp Người” (Lc 23,8). Nhưng vua không nhận ra Ngài là ai. Cơ hội gần kề nhưng vua không tận dụng được cơ hội khám phá ra nguồn chân lý.

“Chúa Giêsu, Ngài là ai”. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng vua Hêrôđê muốn đến gặp Chúa Giêsu vì tò mò. Chúng ta, những người Kitô hữu, biết hướng về Chúa, kiếm tìm và ao ước gặp Chúa trong cuộc sống vì Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Ý lực sống

Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài (Tv 25,4c.5a).

Top