Thứ Hai tuần 2 Thường niên năm I - Ăn chay (Mc 2,18-22)

Thứ Hai tuần 2 Thường niên năm I - Ăn chay (Mc 2,18-22)

Thứ Hai tuần 2 Thường niên năm I - Ăn chay (Mc 2,18-22)

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ,
vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ,
khiến chỗ rách lại càng rách thêm”.
(Mc 2,21)

BÀI ĐỌC I: Dt 5, 1-10

“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Đức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 109, 1. 2. 3. 4.

Đáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).

Xướng: 1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”. - Đáp.

2) Đức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”. - Đáp.

3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”. - Đáp.

4) Đức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. - Đáp.

 

Tin mừng: Mc 2, 18-22

18 Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?”

19 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.

21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.

22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài thường bị tấn công. Giáo Hội của Chúa ngày nay cũng như ngày xưa mãi mãi luôn bị tấn công.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc đời theo Chúa, ở với Chúa, con cũng gặp những khó khăn, chống đối không kém các môn đệ Chúa xưa kia.

Nếu xưa kia người ta đã hỏi Chúa tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pha-ri-siêu ăn chay còn các môn đệ của Chúa lại không, thì ngày nay, con cũng thường bị hỏi tại sao và tại sao…

Được sống với Chúa, con luôn cảm nghiệm một niềm vui đặc biệt và khó tả. Được trở nên thân tình với Chúa, con luôn mang trong mình một niềm vui của cô dâu có chàng rể ở cùng. Chúa muốn con sống chu toàn bổn phận hằng ngày theo Ý Chúa, và chu toàn trong hoan lạc, không phàn nàn, không kêu ca. Chúa muốn con phụng sự Chúa trong niềm vui, ngay cả trong những lúc hy sinh vác thánh giá.

Chúa đã đem lại cho thế gian một lối sống mới hợp theo chương trình cứu độ. Chúa không đưa tinh thần vá víu cho hợp với cái cũ. Chúa đang kêu gọi con đem tinh thần vui tươi của Nước Trời vào trong hoàn cảnh sống hằng ngày.

Vâng, lạy Chúa, này con đây, xin Chúa chấp nhận, và trong sự yếu đuối của con, xin Chúa nâng đỡ chở che. Vì nếu không có Chúa nâng đỡ chở che, con sẽ không chịu nổi những sự chống đối của người đời. Xin cho con hằng có niềm vui khôn tả của người môn đệ chân chính của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Tân lang còn ở với họ”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Trong bốn câu rất ngắn gọn, thánh Mác Cô đã mô tả sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:

- “Họ rảo qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”

- “Ngài đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Ngài cho ít là được chạm đến tua áo cuả Ngài. Và bất cứ ai chạm đến là được khỏi.”

B. Suy niệm (..nẩy mầm)

1. Có thể tìm được hai lý do để giải thích sự thu hút này:

-Dân chúng có những nhu cầu

Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó.

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh có tất cả những thứ mà bất cứ người trẻ nào cũng mơ ước. Nhưng anh cũng có những nhu cầu và những đau khổ thâm sâu mà không ai giúp anh được. Anh chết vì không tìm được Đấng giúp anh.

2. “Bất cứ ai chạm đến đều được khỏi”. Nếu tôi thực sự chạm đến Chúa, chắc chắn tôi cũng được khỏi những bệnh tật linh hồn tôi.

3. Lúc bệnh tật và đau khổ là lúc người ta dể hướng về Chúa nhất.

4. Người hấp hối than thở với Cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Giêsu đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, Cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế. (Góp nhặt)

5. Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó…và bấy cứ ai chạm đến Người thì đều được khoải” (Mác Cô 6,55-56)

Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động , đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động vì lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo người, và mong được chữa khỏi.

Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng ngay đến câu chuyên về họa sỹ Holman hunt. Ông đã vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng gõ của một ngôi nhà. Nhưng điểm khác thường ờ đây là cánh cửa đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở bên trong.

Đám đông dân chúng nay đã tự mở cánh cửa lòng mình cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi bệnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lòng con đầy dẫy những ích kỷ tự kiêu, đam mê….hay có khi mặc cảm, chống đối và than van. Xin cho con biết mở lòng để có thể chạm đến Chúa. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Tranh luận về chay tịnh (Mc 2,18-22)

  1. Các môn đệ của Đức Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và người biệt phái. Đức Giêsu đã bênh vực các ông và cho người ta thấy rằng việc thiện cũng phải biết làm đúng lúc, đúng nơi. Vì thế, đừng vội phê bình người khác khi chưa nắm vững hoàn cảnh sự kiện. Điều quan trọng là Đức Giêsu chính là Tin mừng, Ngài đã đến đem niềm vui ơn cứu độ nên chúng ta phải biết sống vui tươi, tin tưởng, ủ rũ âu sầu là không hợp thời, không đúng lúc nữa.
  2. Người Do thái rất coi trọng việc ăn chay. Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa, hoặc gặp Đấng Messia sắp đến. Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gioan Tẩy giả.

Theo Do thái giáo thời Đức Giêsu, việc ăn chay liên kết với việc mong Đấng Thiên Sai. Người ta bất mãn với thời thế và nóng lòng chờ đợi thời kỳ thiên sai. Nhưng các môn đệ của Gioan và các người biệt phái chỉ biết giữ chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Nên khi thấy các môn đệ Chúa không ăn chay thì trách Chúa.

  1. Phần Đức Giêsu thì tự biết mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rể. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.
  2. Vì thế, khi người ta tra vấn Ngài: “Tại sao các môn đệ ông không ăn chay ?” Ngài trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc lại có thể ăn chay trong khi chàng rể còn ở với họ ?” Ngài lại cho biết trước rằng: tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv 13,1-3).

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn ấy. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng: “Rượu mới thì bình cũng phải mới”.

  1. Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được” (Mc 2,19)

Các môn đệ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu, tâm hồn và cuộc đời các ông tràn ngập niềm vui. Bao lần ta đã hát bài “Chúa chính là mùa xuân con mong chờ”, nhưng sống với Chúa đối với ta có thực sự là niềm vui không ?

Cuộc đời của người Kitô hữu có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ.

Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh: các ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao... trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và không hoàn cảnh nào dập tắt được.

  1. Ta vui cười trong ĐAU KHỔ vì đau khổ không phải luôn là hình phạt, nhưng có khi là nguyên do của một vui mừng. Theo lời Chúa Giêsu: hạt giống rơi xuống đất có mục nát ra mới sinh hoa kết quả. Người mẹ lúc sinh con phải buồn phiền, nhưng sẽ khoan khoái khi biết mình đã thêm cho đời một mụn con.

Ta mỉm cười khi THẤT BẠI hay phải thất nghiệp, vì có khi ta thất bại vì ta chán nản. Ta sẽ tìm giải quyết trong vui tươi như thi sĩ Alfred de Musset đã diễn tả:

Tôi đi qua cánh đồng
Một con chim hát trên tổ
Dưới chân nó, bầy chim con chết lăn lóc,
Thế mà chim mẹ vẫn hát trong cảnh bình minh.
Hỡi hồn ta, mày đừng khóc nữa,
Vì cho đi mày mất hết mọi sự
Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời thanh thẳm
Vẫn là nguồn hy vọng ở trần gian cho mày .

  1. Truyện: Lời khuyên của mẹ

Khi thấy con có nét mặt buồn sầu, một hôm mẹ bảo đứa nhỏ:

- Con hãy vào rừng khóc thảm thiết xem rừng bảo con sao.

Đứa bé vào rừng khóc hu hu, khóc lóc thảm thiết lắm. Vừa khóc, vừa nghe thì thấy cả khu rừng đều khóc lóc thảm thiết như đứa bé. Đứa bé đã về học với mẹ như vậy.

Hôm sau mẹ lại bảo nó:

- Con hãy vào rừng và cười thật lớn, xem khu rừng sẽ đối với con thế nào.

Đứa bé cũng làm như vậy và hôm nay thấy cả khu rừng cùng cười vang.

Do vậy, mẹ bảo nó:

- Vui buồn không phải do ngoại cảnh mà do lòng mình mà có.

Top