Ngày 10/08: Thánh Laurensô, Phó tế, Tử đạo (Ga 12,24-26)

Ngày 10/08: Thánh Laurensô, Phó tế, Tử đạo (Ga 12,24-26)

Ngày 10/08: Thánh Laurensô, Phó tế, Tử đạo (Ga 12,24-26)

Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.

Bài đọc 1: 2 Cr 9, 6-10

Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

6 Thưa anh em, tôi xin nói điều này: “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều.” 7 Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. 8 Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện, 9 theo như lời đã chép: “Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời.”

10 Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào.

 

Đáp ca: Tv 111, 1-2.5-6.7-8.9 (Đ. c.5a)

Đ.Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn.

1Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa,
những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.
2Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường,
dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.

Đ.Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn.

5Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.
6Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

Đ.Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn.

7Họ không lo phải nghe tin dữ,
hằng an tâm và tin cậy Chúa,
8luôn vững lòng không sợ hãi chi
và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù.

Đ.Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn.

9Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,
đức công chính của họ tồn tại muôn đời,
uy thế họ vươn cao rực rỡ.

Đ.Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn.

 

Tin mừng: Ga 12, 24-26

24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

Bài giảng của linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Nhờ cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã phục sinh và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Để được sống đời đời, người theo Chúa chỉ có một chọn lựa: chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường Chúa đã đi là con đường khổ giá và kết thúc bằng sự sống lại vinh hiển. Từ đó Chúa đã làm phát sinh sự sống Thiên Chúa cho con người. Con hiểu được rằng: Chúa đã chịu chết vì con như hạt lúa gieo vào lòng đất và chịu mục nát đi.

Rồi Chúa đã sống lại như hạt nảy mầm, phát sinh hoa trái, mùa màng là sự sống Thiên Chúa trong con. Và Chúa kêu mời con đến tham dự sự sống của Chúa. Nhưng để được như thế, con phải chọn đúng con đường Chúa đã đi. Con đường hẹp dẫn tới sự sống là con đường từ bỏ, hy sinh, vác thập giá hằng ngày qua các bổn phận đời thường và qua các đòi buộc của luật Chúa và luật Giáo Hội.

Nhưng lạy Chúa, bản tính con người của con lại yếu đuối quá. Con sợ phải cố gắng, phải hy sinh, phải từ bỏ và phải thiệt thòi. Con dễ ngã theo lời mời của đam mê, tìm hưởng thụ, sống phóng túng. Con thích đi vào con đường rộng dẫn đến cõi chết.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Thánh Lô-ren-xô, xin giúp con mạnh dạn đi theo con đường khổ giá. Xin giúp con từ bỏ chính bản thân mình để phục vụ anh em, phụng sự Chúa. Chính lúc chết đi cho tội lỗi và ích kỷ, là lúc con được vui sống với Chúa muôn đời. Amen.

Ghi nhớ: “Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ một sự thật rất lạ thường về vấn đề sống chết:

- Có chết thì mới có sống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều bông hạt”; “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

- Chính Chúa Giêsu đã đi con đường lạ thường ấy, và Ngài bảo các môn đệ cũng hãy theo Ngài trên con đường ấy: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”

1.”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Bạn hãy đọc lại câu này nhưng đổi một số chữ: hạt lúa = người tín hữu ; đất = thế giới này ; chết đi = hy sinh để phục vụ.

2.”Có chết thì mới có sống”, điều nghịch lý này không chỉ đúng đối với hạt giống, với các thánh tử đạo (“Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”, Tertulien), mà còn rất đúng trong tu đức: tôi có chết đi con người cũ thì mới sống lại thành con người mới; tính xấu có chết đi thì tính tốt mới sinh ra được.

3. Một bà đạo đức áy náy vì một vài tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được. Bà đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói:

- “Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng nhường chỗ cho lá non mẩy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy, khi sự sống mới của Đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên đường đạo đức.”

4.”Thật Thầy bảo thật anh em: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi. Còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24)

Nhìn đồng lúa chín vàng, hạt lúa trĩu nặng, mấy khi tôi nghĩ đến những hạt giống âm thầm đi vào lòng đất, từng ngày, từng giờ, lặng lẽ nẩy mầm trong đêm, vượt đất vươn lên…

Vẫn âm thần lặng lẽ, lặng lẽ như tiếng chổi tre của người phu quét rác, lặng lẽ như vạn đôi tay của các công nhân đang miệt mài xây dựng, lặng lẽ như tấm lưng còng của mẹ già tần tảo sớm khuya, lặng lẽ như những bước chân truyền giảng Tin Mừng…Tất cả đều tự nhiên, âm thầm và lặng lẽ trong bài học cho đi.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Laurensô, Phó tế, tử đạo, Lễ kính (Ga 12,24-26)

  1. Các môn đệ xúm lại hỏi Chúa: ai là người lớn nhất trong Nước trời? Chúa không trả lời ngay. Người gọi một trẻ nhỏ vào đứng trước mặt các ông rồi nói: Ai không trở nên như trẻ nhỏ, không sống đơn sơ, thật thà, khiêm tốn như trẻ nhỏ thì không được vào Nước trời. Và ai trở nên giống trẻ nhỏ: đơn sơ, hoàn toàn lệ thuộc phó thác, thì sẽ làm lớn hơn hết trong Nước trời...
  2. Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên, không bon chen, không hận thù tranh chấp và hoàn toàn tin tưởng cậy dựa vào cha mẹ. Trong đời sống thiêng liêng, Đức Giêsu muốn chúng ta mang lấy những tâm tình của trẻ thơ: khiêm tốn, tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa là Cha yêu thương. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chúng ta phải tôn trọng trẻ em, những kẻ bé mọn, những người yếu đuối và ngay cả những người tội lỗi... Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được giá Máu cứu chuộc, thế nên chúng ta phải đón nhận tất cả mọi người anh em, không trừ một ai.
  3. Theo nhận xét của nhiều người, trẻ em giống như một cây non, chúng yếu đuối phải cậy dựa vào người lớn, chúng hoàn toàn nương nhờ vào cha mẹ và cha mẹ bảo sao chúng biết vậy. Cũng thế, trẻ nhỏ giống như tờ giấy trắng, muốn viết gì vào đấy cũng được. Rồi trẻ nhỏ rất dễ tin, chúng tin vào cha mẹ và tin rằng: chỉ có cha mẹ mới thoả mãn được mọi nhu cầu của chúng. Đó là thái độ chúng ta phải có đối với Chúa, trước mặt Ngài, chúng ta phải thấy mình thực sự nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và cần sự trợ giúp của Ngài.
  4. Đàng khác, trẻ nhỏ thì hồn nhiên, ngây thơ, trong sạch, không biết quanh co, lừa đảo gian dối, không biết để lòng oán hờn, thù hằn, ghen ghét, không bon chen với trăm thứ lo lắng của người lớn. Hồn nhiên là một thái độ tự nhiên của trẻ nhỏ, và được diễn tả bằng tình thương... Chúng tin vào một người, chỉ khi nào chúng cảm thấy người ấy thương chúng. Thuyết phục bằng lý lẽ sẽ không có hiệu quả, nếu không kèm bằng tình thương. Đó là thái độ của chúng ta phải có đối với Chúa, và đó là cách để chúng ta được Chúa yêu thương và được đón nhận vào Nước trời (Lm. Phạm Văn Phượng).
  5. Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một giải thích về mối phúc đầu tiên, khi Ngài gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các môn đệ và tuyên bố: “Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước trời”. Trong quan niệm người Do thái, trẻ em chưa được xem như một con người hoàn toàn, do đó trẻ em được coi là biểu tượng của thiếu sót, bất toàn, yếu đuối và bị khinh thường. Có lần các môn đệ đã tỏ ra khó chịu, khi thấy Chúa Giêsu để cho trẻ em đến gần Ngài. Nơi trẻ em, Chúa Giêsu nhìn thấy hình bóng những người, mà Ngài gọi là những kẻ bé mọn. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ có nghĩa là hãy trở nên trống rỗng, nghèo nàn để được Thiên Chúa lấp đầy. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Nghèo khó chỉ có giá trị, khi nó là một cởi bỏ mọi ràng buộc có thể làm con người trở thành nô lệ trong cuộc sống. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ cũng có nghĩa là chấp nhận thân phận mỏng dòn, tội lỗi của mình. Sự ràng buộc đầu tiên mà con người phải tháo gỡ chính là con người cũ tội lỗi, để Thiên Chúa có thể trở thành sức sống của con người (Mỗi ngày một tin vui).
  6. Tâm hồn đơn sơ của con trẻ dễ dàng gần Chúa hơn. Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nhắc nhở chúng ta điều này. Không lâu trước khi qua đời, thánh nữ đã viết lại bí quyết sống của mình như sau: “Tôi muốn tìm phương thế để lên trời qua con đường nhỏ, thật ngay thẳng, thật ngắn, một con đường nhỏ thật mới. Chúng ta đang sống trong thiên niên kỷ của nhiều phát minh. Trong những nhà giàu, một thang máy thay thế cho những nấc thang thật tiện lợi. Tôi cũng muốn tìm gặp một thang máy để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, bởi vì tôi quá nhỏ bé để leo lên cái thang của sự trọn lành”. Và theo thánh nữ, thì chiếc thang máy để đưa ta tới trời chính là đôi cánh tay của Chúa. Điều cần là chúng ta phải sống nhỏ bé và ở lại trong tình thương của Chúa.
  7. Truyện: Tấm lòng đơn sơ thành thật

Vào mùng hai tết Canh Thìn năm 2000, trong lúc đi chơi, bé Thiên Thanh, 9 tuổi, lớp 3A trường Phạm Như Xương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Ninh, đã nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền.

Trên đường cầm chiếc ví đến trạm công an khu vực ở gần đó để giao, bé Thiên Thanh thấy một người khách dáng cao to, đang lúi húi tìm kiếm một vật gì đó, khuôn mặt đầy vẻ lo âu.

Đoán đây chính là người mất chiếc ví, bé đến gần và hỏi thì quả thật đúng như vậy. Em đã trao cho người khách chiếc ví còn nguyên vẹn dưới sự chứng kiến của nhiều người. Số tài sản gồm 4.100.000 đồng, 1.300 mỹ kim, 12 chỉ vàng và tất cả giấy tờ cá nhân quan trọng như hộ chiếu v.v...

Người khách may mắn đã hết lời khâm phục cám ơn bé Thiên Thanh. Để tỏ lòng biết ơn, người khách đã lấy 2 triệu đồng và 100 mỹ kim biếu em, nhưng bé một mực không nhận và hồn nhiên nói:

- Cháu xin cám ơn bác, nhưng cô giáo cháu đã dạy rằng: khi đi đường mà nhặt được của rơi, thì phải tìm cách trả lại cho người bị mất, cháu không nhận tiền thưởng của bác đâu!

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tôi nhớ về tuổi ấu thơ bên ruộng lúa, rau muống ở Biên Hoà. Bên bờ ruộng, người ta có trồng chuối nên tôi đã được nhìn cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống. Cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình, chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá, cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt… Cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh tuyệt đẹp về sự hy sinh.

Dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, xuất hiện nhiều chồi non của những cây chuối mới. Người trồng chuối chỉ chọn một mầm, để có một cây chuối mới cho năng suất cao. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu...

Sinh trái, đơm hoa, cây chuối mẹ héo tàn và chết, từ gốc cây lại nảy ra mầm chồi non cho một sức sống mới…

Suy niệm

Chúa Kitô tự ví mình là hạt lúa gieo vào lòng đất, định mệnh của hạt giống chịu chôn vùi, chịu mục nát trong đất bùn. Mục nát không phải mất đi nhưng là để đâm chồi nảy lộc: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà… thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,23-24). Hạt giống mục nát trong đất nhưng tạo sự sống nảy mầm sống mới sinh nhiều bông hạt khác. “Hạt giống Giêsu” chết đi tạo vinh quang phục sinh, sức sống mới cho nhân loại.

Sự phục sinh khải hoàn, khơi nguồn sự sống cho cả nhân loại bắt đầu bằng việc đi vào cuộc thương khó, lãnh nhận cái chết của Đức Giêsu. Các môn đệ là những người theo Chúa Kitô cũng đều đi qua cuộc thương khó, sự cố gắng không ngừng nghỉ rao giảng Tin Mừng và đi vào cái chết như là những hạt lúa giống gieo vào lòng đất để cho mùa lúa niềm tin mới phát triển. Ngài cũng mời gọi chúng ta những môn sinh tin vào Ngài, theo Ngài cùng tháp vào Ngài mang thân phận của lúa mì gieo vào lòng đất như yêu cầu: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). Theo Ngài làm thân phận hạt lúa giống gieo vào lòng đất để tạo sức sống mới chung cho toàn nhân loại.

Theo chân Chúa, là được mời gọi cùng bước vào một hành trình đi vào lòng đất của hạt giống. Một hành trình mạo hiểm, chấp nhận sự hy sinh, cố gắng không ngừng: bóc trần, mục nát, hòa tan trước thánh ý của Thiên Chúa, như Đức Kitô đã bước vào. Sự mạo hiểm này đã có lần Phêrô đã chối từ bước vào, khi không cam đảm nhận mình là môn sinh của Thầy (x. Mt 26,57-58.69-75; Mc 14,53-54.66-72; Lc 22,54-62 ; Ga 18,15-27), cũng như trước đó ông cũng đã từng ngăn cản Thầy tiến bước đường khổ giá (x. Mt 16:21-23; Mc 8,21-33). Hình ảnh đó phác họa sự ngập ngừng, sợ hãi của người Kitô hữu trước những bước đi vào mầu nhiệm thương khó cuộc đời - mầu nhiệm hạt giống gieo vào lòng đất để chết đi.

Suy nghĩ đến thân phận của hạt giống và chiêm ngưỡng những bước đi vào sự chết của Chúa Giêsu, chúng ta có một niềm xác tín hơn vào chính mình gắn bó với Thầy với thân phận hạt giống như Thầy và hân hoan: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,6).

Ý lực sống

“Bài học quan trọng nhất, con người có thể học được trong cuộc sống:
Không phải là sự đau khổ hiện hữu trong thế giới, lệ thuộc nơi chúng ta biết rút từ bài học,
biết chuyển đổi đau khổ, nỗi buồn thành niềm vui” (R.Tagore).

Top