Ngày 22/02: Lập Tông tòa Thánh Phêrô (Mt 16,13-19)

Ngày 22/02: Lập Tông tòa Thánh Phêrô (Mt 16,13-19)

Ngày 22/02: Lập Tông tòa Thánh Phêrô (Mt 16,13-19)

“Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

BÀI ĐỌC I: 1 Pr 5, 1-4

"Là kỳ lão và nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, tôi xin gởi lời khuyên bảo đến bậc Kỳ Lão trong anh em. Tôi là một Kỳ Lão như các ngài, là một nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô, một kẻ sẽ được thông phần vinh quang sắp được tỏ bày. Hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa nơi anh em, hãy trông nom nó, không phải bằng cách miễn cưỡng, mà là sẵn sàng theo thánh ý Chúa; không phải để trục lợi, mà là do tình nguyện; không phải như người chuyên chế lộng hành, nhưng phải nên gương sáng cho đoàn chiên. Và khi thủ lãnh các đấng chăn chiên xuất hiện, anh em sẽ nhận lãnh triều thiên vinh quang bất diệt.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6

Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Đáp.

2) Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.

 

Tin mừng: Mt 16,13-19

13 Một hôm, khi Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”

15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.

18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh trên nền tảng đức tin của thánh Phêrô. Ngài được Chúa đặt làm thủ lãnh của Hội Thánh. Hiệp thông cùng Hội Thánh có nghĩa là phải hiệp thông với thánh Phêrô và người kế vị là Đức Thánh Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cùng với thánh Phêrô, con tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế, là Con Chúa Cha hằng sống. Con thấy mình thật có phúc vì được biết Chúa, tin Chúa và đi theo Chúa, thật có phúc vì được sống trong Hội Thánh của Chúa. Con cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa, trải qua hai ngàn năm, Hội Thánh Chúa bước đi giữa muôn ngàn bách hại, cám dỗ, thử thách và đau thương. Có những lúc Hội Thánh tưởng chừng như tiêu tan, hoặc sa lầy hay quỵ ngã. Nhưng cho tới hôm nay, Hội Thánh của Chúa vẫn còn đó giữa lòng thế giới để trở nên dấu chỉ tình thương cứu độ của Chúa. Con tin Chúa vẫn hiện diện và nâng đỡ Hội Thánh như lời Chúa đã hứa. Xin Chúa làm cho Hội Thánh luôn vững tin vào sức mạnh của Chúa.

Con xác tín rằng Chúa là Con Thiên Chúa hằng sống. Chỉ mình Chúa có đủ quyền năng cứu độ thế giới, chỉ có Phúc Âm Chúa là ánh sáng dẫn dắt nhân loại tới hạnh phúc đích thực. Vì thế, xin Chúa giúp con trung thành với Chúa, với Hội Thánh, bằng cách tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha là người thay mặt Chúa trên trần gian. Con đường của Chúa và Hội Thánh thật khác với lối đi của trần gian, nhưng con tín nhiệm vào Chúa và vào giáo huấn của Hội Thánh. Con cầu nguyện xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha niềm tin sắt đá, lòng cậy trông vững vàng. Amen.

Ghi nhớ: “Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khóa nước trời”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Tin Mừng cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu:

1. Mức độ của dân chúng: Nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.

2. Mức độ của Phêrô: Được ơn Chúa soi sáng, thánh Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa.

3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: Hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào ?

- Coi Ngài là một ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn ?

- Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ ?

- Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài ?

“Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.

Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá: khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng phút giây cuộc sống.

Ngày kia, Hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, Hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi Hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.

Sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.

Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.

Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi: kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo... Tôi chỉ biết suy nghĩ tìm hết cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng, vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.

Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa ba lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết!

Khi xưa Chúa nói với Phêrô “Anh là Tảng Đá”. Hôm nay nghe lại đoạn Tin Mừng này tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi. Mỗi viên đá đều góp phần tạo nên nền móng cho ngôi nhà.

Bé nhỏ, yếu hèn và bất lực, tôi lo sợ viên đá của mình có lúc sẽ vỡ tan. Đó là lúc tôi đánh mất chính mình trong bổn phận hằng ngày.

Thánh Phêrô đã tuyên xưng niềm tin của mình bằng trọn cả tấm lòng của một con người đã từng đi theo Chúa, sống gắn bó với Chúa. Niềm tin được diễn tả bằng trải nghiệm chứ không bằng lời nói suông, bằng con tim cảm mến chứ không bằng trí hiểu. Giờ này nếu Chúa đến hỏi bạn và tôi cũng một câu tương tự, chúng ta sẽ trả lời ra sao ?

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Lập Tông tòa Thánh Phêrô (Mt 16,13-19)

  1. Đức Giêsu nói về ngày Ngài sẽ trở lại vũ trụ để phán xét mọi người. Ngày đó ta quen gọi là ngày cánh chung hay ngày tận thế. Trong bài Tin mừng Đức Giêsu gợi lên hình ảnh của toà phán xét cuối cùng, để dạy chúng ta sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi người. Đó cũng là tinh thần Mùa Chay đích thực mà Giáo hội mời gọi chúng ta.
  2. Trong ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ phân chia loài người thành hai nhóm và Chúa ra ví dụ như người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Ban ngày người mục tử có thể chăn dắt chiên và dê lẫn lộn với nhau, nhưng đêm đến ông ta phải tách ra, dê để một nơi và chiên một nơi./Cũng thế, trong cuộc sống hôm nay, nơi trần gian này, Chúa để người lành kẻ dữ, người công chính và kẻ tội lỗi sống chung lẫn lộn với nhau, nhưng trong ngày tận thế, Chúa sẽ tách ra để người lành được hưởng an vui hạnh phúc, còn người tội lỗi phải vào chốn cực hình muôn đời.
  3. Trong ngày phán xét, Chúa chỉ xét xử dựa trên cách chúng ta cư xử với tha nhân mà thôi. Nếu chúng ta khước từ tha nhân, thì tức là chúng ta khước từ chính Chúa Giêsu, và như vậy Ngài cũng chối bỏ chúng ta trong ngày phán xét. Trái lại, mỗi hành động yêu thương mà chúng ta thực thi cho tha nhân cũng chính là một tiếp đón chúng ta dành cho Ngài và Ngài cũng căn cứ vào đó để tiếp đón chúng ta trong ngày phán xét.
  4. Qua mọi thời, Đức Giêsu vẫn luôn hoà đồng với kẻ khốn cùng, những kẻ ngửa tay xin lòng trắc ẩn của nhân loại. Ngài ở trong các anh em bé mọn nhất, những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bệnh tật lây lất khắp xóm chợ, những người bị suy sụp tinh thần được chia sẻ được yêu thương. Lòng yêu thương kéo sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người, và làm thế giới được tồn tại trong tình yêu như Fyodor Dostoyevky đã cảm nhận: “Lòng trắc ẩn là quy luật chính yếu của sự tồn tại con người”./Vì thế, chúng ta hiểu vì sao những tấm lòng mang tinh thần bác ái được đứng vào hàng ngũ của những kẻ bên phải trong ngày phán xét chung. Ngày chung cuộc theo Tin mừng, những ai sống trong yêu thương chia sẻ được đón vào Vương quốc vĩnh cửu tình yêu với Đức Kitô.
  5. Lòng yêu thương chân thật phải được thể hiện trong đời sống thực tế chứ không trừu tượng. Bác ái cần hành động chứ không phải lý thuyết suông. Chúa kể ra sáu tình cảnh rất thực tế và là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải chuyện cao xa trừu tượng: đói, khát, khách lạ, đau yếu, trần truồng, tù đầy. Nghĩa là đối tượng chúng ta nhắm đến là những thân phận đang cần chúng ta hơn hết. Điều đặc biệt hơn cả là Đức Giêsu đồng hóa mình trong những thân phận bất hạnh đó. Những tình cảnh của những con người đau khổ kia lại là hiện thân của Đức Giêsu và là cơ hội cho chúng ta gặp Chúa: ”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính ta vậy” (Vinh Sơn).
  6. Như vậy chúng ta thấy Đức Giêsu đặt trước chúng ta một chân lý tuyệt diệu: là tất cả mọi sự giúp đỡ hay không giúp đỡ, chúng ta làm hay không làm cho anh em mình là làm hay không làm cho chính Ngài./Chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin mừng, chia sẻ    một kinh nghiệm sống như sau: coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ ủi an những kẻ đau khổ ấy.
  7. Truyện: Tìm thấy Chúa trong tha nhân

Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên      một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:

- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế ?

- Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.

Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm cho tu sĩ thất vọng. Ông nói với thiên thần:

- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không   thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi” (Mỗi ngày một tin vui).

Top