Ngày 25/07: Kính thánh Giacôbê tông đồ

Ngày 25/07: Kính thánh Giacôbê tông đồ

Ngày 25/07: Kính thánh Giacôbê tông đồ

Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ Ta và là anh em Ta...” (Mt 12,49)

 

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 4, 7-15

“Chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu chúng ta đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng ta luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng ta. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em.

Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”, và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Đáp: Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).

Xướng:

1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ; bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Đáp.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rÄng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Đáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Đáp.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Đáp.

 

Tin mừng: Mt 20, 20-28

Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì?” Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Theo Chúa Giêsu không phải để được địa vị, giàu sang, an nhàn, nhưng là để bước theo Chúa trên con đường hy sinh, phục vụ trong khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, không phải chỉ có thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an, mà tất cả chúng con đều mơ ước được địa vị, thống trị người khác, được giàu sang, an nhàn. Có lúc con đã tự hỏi: con theo Chúa và hy sinh cho Chúa, nhưng tại sao đời con vẫn nghèo đói, vất vả, bị chèn ép.

Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng theo Chúa là phải chấp nhận uống chén đắng khổ nạn của Chúa, chấp nhận từ bỏ mình chứ không phải để được hưởng thụ hoặc được đặc quyền đặc lợi. Chính Chúa đã đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc loài người. Là môn đệ của Chúa, con không thể sống khác Chúa được. Con không thể có con đường nào khác ngoài con đường phục vụ dâng hiến một cách vô vị lợi cho tha nhân.

Càng tiến sâu vào con đường thập giá, con càng được sàng lọc để nên giống Chúa hơn. Nhưng để được điều đó, con phải vật lộn với chính mình, vật lộn với những cám dỗ của thế gian và nhất là phải chấp nhận thiệt thòi.

Lạy Chúa, dù phải trả giá, dù phải hy sinh, con xin sẵn sàng chấp nhận tất cả. Đường thánh giá này con đã chọn, xin tình yêu Chúa trở nên sức mạnh nâng đỡ con. Và con tin rằng chính Chúa sẽ làm cho những bước chân con trên đường hy sinh và phục vụ, nở thật nhiều hoa yêu thương, để từ đó nhiều người nhận biết Chúa và sẵn lòng bước theo Chúa cách vô điều kiện. Amen.

Ghi nhớ : “Các con sẽ uống chén của Ta”.

 

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

* Hạnh tích: Thánh GIACÔBÊ (tiền), Tông đồ

1. Thân thế của Giacôbê:

Giacôbê là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, anh của thánh Gioan Tông Đồ; sống nghề chài lưới ở biển Giênêgiaréth, bạn chài với Phêrô và Andrê. Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Giacôbê và Gioan Tông Đồ nhiều lần.

 Họ thuộc nhóm những môn đệ tâm giao của Chúa Giêsu (cùng với Phêrô và Gioan). Các ngài được chứng kiến:

  • Việc Chúa cho con gái ông Giairô sống lại.
  • Sự hiển dung của Chúa ở đồi Thabor.
  • Lúc Chúa cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

Giacôbê là người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai đã lấy máu đào của mình làm chứng cho Chúa Giêsu: vua Hêrôđê Antipa đã ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 44 (Cv 12,2; Mt 20,22-23). Như thế ứng nghiệm lời Chúa tiên báo cho ông: “ông đã thông chia chén của Chúa”.

2. Tính tình của Giacôbê: Giacôbê được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).

Giacôbê được Chúa gọi là “con của thiên lôi”, điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào. Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích điều đó. Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đế nghị với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54).

Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).

Cao vọng của người mẹ truyền sang cho người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin. Bằng chứng là Márcô kể lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).

Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông. Chúa hoán cải các môn đệ:

  • Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau, vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).
  • Bằng cái chết của Người: con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28). Các Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.

3. Nhận thức và áp dụng:

Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền làm nghề chài lưới vất vả; đàng khác lại có tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa. Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Kitô quả có sức làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.

Noi gương thánh Giacôbê: người tông đồ không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa.

Đi theo Chúa, Giacôbê vẫn còn có những tham vọng phàm trần, song nhờ sự giáo huấn của Chúa và nhất là gương sống của Chúa đã khiến ông từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hiến mình cho Chúa cách trọn vẹn.

Người tông đồ cần lắng nghe lời Chúa để đón nhận những giáo huấn của Chúa; đồng thời phải biết chiêm ngắm gương sống của Chúa để noi gương bắt chước sống trọn vẹn cho Chúa.

Giacôbê được Chúa dành riêng trong nhóm những người thận cận của Chúa để được chứng kiến những sự việc cần thiết cho sứ mạng làm chứng nhân trong vai trò người Tông Đồ.

Những ai được mời gọi sống đời thánh hiến, cũng được tuyển chọn riêng trong thời gian tu luyện để tìm gặp Chúa, đến với Chúa, ở lại với Chúa và để được biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ tông đồ của mình.

A- Phân tích (Hạt giống…)

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại một chuyện không hay lắm về Thánh Giacôbê.

- Ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc chịu nạn sắp tới của Ngài thì hai anh em nhờ mẹ đến xin cho mình hai địa vị ưu tiên trong Nước mà họ tưởng Ngài sắp thành lập: ”Ngồi bên hữu và ngồi bên tả” không phải chỉ là những chỗ danh dự mà là thực sự thông chia quyền cai trị.

- Trước khi trả lời, Chúa Giêsu đưa ra một nhận xét: ”Các ngươi không biết các ngươi xin gì”. Đúng vậy, 3 mẹ con này tưởng Nước” của Chúa Giêsu cũng giống như mọi thứ nước ở trần gian, trong đó có địa vị và quyền lợi. Họ muốn những chỗ ngồi hai bên tả và hữu của Chúa Giêsu nghĩa là muốn hai địa vị ưu tiên trong nước đó.

- Rồi Chúa Giêsu hỏi lại: “Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”

“Chén”: Biểu tượng của đau khổ. (x. Tv 75,9 ; Is 51,17-22). Chính Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu đã thốt lên ”Xin cho con khỏi uống chén này” (Mc 14,36). Chúa Giêsu hỏi hai ông có thể chịu những đau khổ và sự chết của Ngài không. Hai ông đáp bừa là có thể. Ngài hứa sẽ cho hai ông thông chia những điều đó. Thực tế sau này Giacôbê đã chịu tử vì đạo vào khoảng năm 44 (Cv 12,1-2); còn Gioan theo Thánh Truyền, thì chịu bắt bớ rất đau khổ.

- Khi ấy Chúa Giêsu gọi tất cả lại để giáo dục. Trong phần giáo dục, trước tiên Ngài nói tới cách cư xử của các thủ lãnh thế gian (cụ thể là các quan chức của đế quốc Rôma). Họ hay lộng quyền và độc tài. Phần các môn đệ Chúa Giêsu, những lãnh tụ tương lai của Giáo Hội, thì phải cư xử khác hẳn. Ngài dùng một từ rất đặc biệt là ”đầy tớ”: đây là hạng người thấp hèn nhất trong xã hội. Những lãnh tụ Giáo Hội phải sẵn sàng phục vụ người ta trong vị thế hèn hạ nhất.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Người ta thường nghĩ đến ”được” hơn là ”mất”. Khi làm một việc gì, người ta tính trước xem việc làm này sẽ cho họ “được” gì; hễ thấy việc gì có thể khiến họ “mất” thì lập tức họ sẽ từ chối và tránh né. Lối suy nghĩ đầy tính toán đó cũng từng ảnh hưởng đến việc người ta đi theo Chúa: theo đạo để “được” sống bình an, sung túc; đi tu để “được” thảnh thơi và người đời coi trọng. Giacôbê và Gioan cũng nằm trong lối suy nghĩ đầy tính toán đó.

Nhưng Chúa Giêsu dạy một lối sống ngược hẳn: ai muốn theo Ngài thì phải dám mất rồi mới có thể “được” lại sau.

2. “Các ngươi không biết điều các ngươi xin”: Nhiều khi tôi cũng không biết tôi xin Chúa điều gì. Tôi chỉ xin những điều rất phụ và là những điều chẳng những không có lợi mà còn có hại cho sự sống đích thực của tôi. Còn những điều quan trọng hơn nhiều và rất cần thiết cho cuộc hành trình đi theo Chúa thì tôi không hề xin.

3. “Các ngươi sẽ uống chén của Ta”: Lời này Chúa Giêsu không chỉ nói với 2 anh em Giacôbê và Gioan mà nói chung cho 12 môn đệ, và còn nói với tôi nữa. Thế nào chẳng sớm thì muộn tôi cũng sẽ “được” uống “chén” của Chúa. Tôi có chuẩn bị mình sẵn sàng cho lúc đó chưa?

4. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mt 20,28)

Ngay trong ngày lễ kính thánh Giacôbê tông đồ mà Hội Thánh lại chọn đoạn Phúc Âm thuật lại chuyện 3 mẹ con nhà ông Giêbêđê đến gặp và xin Chúa cho được ngồi bên hữu và bên tả Ngài trong Nước Trời thì quả là tội nghiệp cho ông Giacôbê. Nhưng thiết tưởng, Chúa không chỉ nói riêng cho 2 anh em Giacôbê mà còn cho 10 môn đệ kia đang tức tối với 2 anh em Giacôbê, và cho cả tôi lẫn bạn, những kẻ thích ăn trên ngồi trước, thích chỉ tay 5 ngón, thích quyền cao chức trọng để dùng uy quyền mà sai khiến, để lấy quyền mà thống trị. Nói chung là thích được phục vụ hơn phục vụ.

Lạy Chúa, xin hãy dạy cho con biết: chính khi hiến thân là khi được lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

5. Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu, giãi bày tâm sự: “Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều có cả. Tôi có đủ mọi sự nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên”.

Nhà Cố vấn Tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể:

“Chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bênh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc.”

Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ.

 

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Giacôbê Tông đồ, lễ kính (Mt 20,20-28, Mc 20,35-45)

  1. Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó sắp tới của Ngài cho các môn đệ, nhưng xem ra các ông chẳng hiểu gì. Họ vẫn còn giữ nguyên quan niệm của người Do thái là chờ đợi một nước vinh quang trần thế theo nghĩa chính trị.
  2. Họ chỉ nghĩ đến địa vị trong nước mà Đức Giêsu sắp lập. Họ lo bàn cãi và tranh luận với nhau, lo chiếm cho mình một chỗ cao hơn trong vương quốc tương lai. Nhưng Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học: ở trong vương quốc của Ngài sự cao trọng thực sự không cốt ở trong uy thế và danh dự, nhưng ở trong sự phục vụ tha nhân đến tột cùng, nếu cần: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
  3. Theo tâm lý chung của loài người, ai cũng muốn được giàu sang phú quí, muốn có địa vị cao, thích ăn trên ngồi trước, muốn được người ta hầu hạ… Nhưng những tiêu chuẩn đó không nhất thiết là của Chúa. Tham vọng lo liệu của những con trai ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã là dịp để Đức Giêsu nói rõ: sự cao trong đích thực ở tại cái gì?
  4. Đức Giêsu không đáp ứng lời cầu xin của hai anh em Giacôbê và Gioan vì nó không thích hợp với đường lối của Ngài. Nhân dịp này Ngài dạy cho các ông là môn đệ đặc biệt của Ngài, và cũng là cho chúng ta một bài học: sự cao trọng không cốt ở danh dự, giàu có, chức quyền danh vọng hay sức mạnh… nhưng ở tại sự phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, Ngài mới nói: “Ai muốn làm lớn phải làm tôi tớ mọi người”. Lời giáo huấn này đi ngược lại với lối hành xử của người đời, buộc chúng ta phải động não!

Đức Giêsu là vị thượng tế có thế giá, luôn chuyển cầu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa. Ngài cũng đã trải qua những đau khổ trong đời sống trần thế, đồng thời cũng hé mở cho chúng ta thấy được vinh quang của Ngài sau này khi đã sống lại. Mọi Kitô hữu đều có chức năng tư tế phổ quát, nên cũng phải sống và làm chứng bằng đời sống phục vụ. Và nếu cần, họ cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống để chứng tỏ sự trung thực của đời sống phục vụ của mình. Yêu thương là phục vụ, càng phục vụ, tình yêu càng dồi dào thắm thiết.

 

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới. Ngài là một trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi đi theo Người (x. Mt 4,18-22 ).

Ngài là một trong những môn đệ thân tín của Chúa, được chứng kiến những biến cố quan trọng trong đời của Chúa Giêsu. Ngài chứng kiến cảnh con ông Zairô được Chúa cho sống lại, việc Chúa biến hình trên núi Taborê, và cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Ngài là người tử đạo đầu tiên trong số các tông đồ đã đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I vào khoảng năm 43 - 44.

Thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho chúng ta tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của ngài.

Câu chuyện

Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn Tòa Giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cọng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.

Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta thấy một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này khi lên ngôi Giáo hoàng - Đức Gioan XXIII vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.

Suy niệm

Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Ngài lần thứ ba, các môn đệ vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm thập giá, các ông vẫn hy vọng một triều đại Mêssia mà Thầy sắp sửa khai mạc với sự vinh quang của Thầy - Đấng Mêssia - Đấng Cứu Thế. Mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan nhanh chân xin trước hai chỗ danh dự trong nước Ngài: Cho ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi vương quốc Mêssia khai mạc. Rõ ràng lời thỉnh cầu này bỏ qua mạc khải hành trình Giêrusalem, bỏ qua thập giá mà Thầy đang mạc khải.

Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng ?”. Đức Giêsu cố gắng chuyển biến tư tưởng của họ từ “vinh quang của Đấng Mêssia” theo quan niệm con người sang “con đường dẫn đến vinh quang” là xuyên qua khổ giá qua hình ảnh chén đắng. Giacôbê và Gioan dù không hiểu điều các ông xin, nhưng vẫn thưa được. Giacôbê và Gioan đã được Chúa cải hóa tham dự vào chén đắng của Thầy khiến các ông như Thầy sau này đối diện tử nạn: Giacôbê bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44 và là vị tông đồ tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (x. Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrôn, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết bị khổ sai tại đảo Patmos (x. Kh 1,9).

Trong ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá qua hình ảnh chén đắng và phép rửa, Chúa Giêsu dẫn từ sự mộng mơ về quyền bính vinh quang mà các ông mong muốn đến sự hiệp thông đời sống với Ngài: “Ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con…” (Mt 20,26-27). Chúa Giêsu có quyền hạn đầy đủ của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không hành xử như một vị thống trị, mà trở nên như “một người đầy tớ”. Ngài đã không như “lãnh chúa” mà là “gia nhân” (x. Ga 13,13) bằng cách rửa chân cho các môn đệ vào chiều thứ Năm tuần thánh và dạy bài học phục vụ cho các môn đệ. Cho nên, người môn đệ Đức Giêsu được chọn để phục vụ anh em theo lời giảng dạy và mẫu gương của chính Thầy - Đức Giêsu. Ngài đã khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Ngài: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Cuộc sống là hành trình thập giá, như hai môn đệ Gioan và Giacôbê, chúng ta được mời gọi uống chén đắng xuyên qua những đối diện mọi gian nan khốn khó của cuộc đời… Là gánh vác cuộc đời như Chúa Giêsu vác thập giá là chén đắng mà Chúa Cha trao, xuyên qua và trỗi dậy.

Ý lực sống

“Lạy Cha, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40).

Top