Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

(Gr 1,4-5.17-19 - 1Cr 13,4-13 - Lc 4,21-30)

NGÔN SỨ, CHIẾN SĨ LUÔN ĐƯỢC THIÊN CHÚA Ở VỚI

“ Họ xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi”

(Lc 4,30)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 1,4-5.17-19)

Bài đọc I xác định ơn gọi ngôn sứ của Giêrêmia là từ Thiên Chúa. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ để trở nên ngôn sứ cho các dân tộc. Thiên Chúa sai Giêrêmia nói với dân chúng những lời Người truyền cho ông. Sứ mệnh ngôn sứ được báo trước sẽ không dễ dàng, nhất là bản thân ngôn sứ cũng chỉ là con người, còn đối tượng được loan báo thuộc mọi tầng lớp cao thấp sang hèn, là những cá nhân hay tập thể. Lời ngôn sứ có khi được đón nhận nhưng rất nhiều khi bị từ chối và cá nhân ngôn sứ bị ngược đãi, thậm chí bị giết chết. Nhưng có một điều Thiên Chúa luôn bảo đảm với các ngôn sứ là chính Người sẽ ở cùng để giải thoát; chính Thiên Chúa sẽ làm cho ngôn sứ của người kiên vững như thành trì kiên cố khi họ can đảm và tin tưởng vào sự trợ giúp và trung tín với Người.

2. Bài đọc II (1Cr 13,4-13)

Bài đọc II là một bài ca tuyệt vời về đức mến. Thánh Phaolô xác định trong các ân huệ, đức mến là cao trọng hơn cả. Đức mến đối với thánh Phaolô là một lối sống chứ không chỉ là tình cảm; đó là thành quả của Tin Mừng. Không có tình yêu hay lòng mến, người ta không thể cảm nghiệm được Thiên Chúa cách sâu thẳm, vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Cũng thế, không có tình yêu người ta không thể hiểu biết nhau trong mối liên hệ với Thiên Chúa và vũ trụ. Bài ca đức mến là một bài kiểm nghiệm về lòng mến của mỗi người về mức độ của lòng mến cũng như bản chất của lòng mến.

3. Bài Tin Mừng (Lc 4,21-30)

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh tai quý vị vừa nghe”. Lời Thánh Kinh đó chính là niềm hi vọng được viết trong sách ngôn sứ Isaia mà chính Chúa Giêsu vừa đọc cho những người hiện diện trong hội đường Do thái vào ngày hôm ấy nghe. Hôm nay đã ứng nghiệm, nghĩa là niềm hi vọng muôn dân chờ đợi bao năm nay đã thành hiện thực với sự khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Tuyên bố như thế Chúa Giêsu muốn xác định chính Người là Đấng được xức dầu để loan Tin Mừng cho người nghèo khó mà ngôn sứ Isaia đã nói, là Đấng được tuyển chọn, Đấng bắt đầu một thời đại mới mà ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo như chúng ta nghe trong bài đọc I. Không phải chỉ đến hôm nay kỷ nguyên mới của ơn cứu độ mới được bắt đầu loan báo, nhưng nó đã được loan báo cho Mẹ Maria trong ngày truyền tin, và Mẹ đã đáp trả Tin Mừng này với bài ca Magnificat tán dương điều kỳ diệu Thiên Chúa thực  hiện giữa dân Người. Hôm nay tin vui đó được loan báo cho dân thành Nadarét, những người đồng hương với Chúa Giêsu.

Nhưng dân thành Nadarét đã đón nhận tin vui với suy nghĩ hạn hẹp; họ chỉ nhận ra Chúa Giêsu chính là con ông thợ mộc Giuse, là đồng hương của họ, và hi vọng Người sẽ làm điều gì đó cho riêng họ. Chúa Giêsu không dừng lại ở việc thỏa mãn những ước muốn của họ, nhưng Người cho họ thấy sứ vụ thần linh của Người, sứ vụ của Con Thiên Chúa là Đấng Cứu độ, là Đấng công bố Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa. Người là Đấng cứu Thế, cứu độ muôn dân chứ không chỉ riêng những người đồng hương với Người.

II. CÂU HỎI GỢI Ý

1. Sống ơn gọi ngôn sứ là sống cho sự thật nên rất dễ bị chống đối bởi những thế lực của sự dữ. Tôi có đang nỗ lực sống ơn gọi ngôn sứ hay tôi đang thỏa hiệp với sự dữ đang hoành hành môi trường sống và làm việc của tôi hôm nay?

2. Chúa Giêsu, với tôi, Người là ai? Con bác thợ mộc thành Nadarét, hay là Đấng cứu độ Thiên Chúa sai đến? Hay nói cách khác, đối với tôi, Người có phải là Thiên Chúa mà tôi nghĩ tôi có quyền sở hữu bởi vì tôi quen Người lắm khi tôi đi lễ đọc kinh, làm việc bác ái hàng ngày, và Người phải trả nợ cho tôi, nghĩa là tôi phải được hưởng ân huệ của Người đầu tiên? Việc yêu mến Thiên Chúa của tôi có xuất phát từ sự tin yêu Thiên Chúa thật sự, tin rằng Người là Đấng cứu độ tất cả mọi người, hay chỉ dựa vào những luật lệ qua lại?

3. Xét lại lòng yêu mến của tôi theo bài ca đức mến của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay, tôi có thật sự yêu Thiên Chúa hay yêu anh em mình không? Nếu chưa, tôi phải làm gì?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Ðức Giêsu Kitô đem Tin mừng cứu độ cho mọi dân tộc trên thế giới. Tất cả chúng ta được mời gọi tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô giữa thế giới hôm nay. Trong tâm tình tri ân cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1. “Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức và trung thành với sứ mạng ngôn sứ giữa thế giới hôm nay bằng một đời sống lành thánh, thấm nhuần và tỏa sáng niềm vui Tin Mừng.

2. Tại nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Viêt Nam vẫn còn những người đang đau khổ vì nạn kỳ thị, bất công, bạo lực. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng công lý, khát khao hòa bình, và luôn quan tâm giải quyết những bất ổn trong xã hội.

3. “Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu khi phải đối diện với những gian nan thử thách trong cuộc sống chứng tá, luôn mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong đức cậy, và kiên trì trong đức mến.

4. “Đức mến cao trọng hơn cả và không bao giờ qua đi.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn nhận ra Chúa Kitô nơi anh chị em mình, và biết cảm thông chia sẻ cũng như tận tâm giúp đỡ nhau bằng tình yêu thương huynh đệ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin lắng nghe những ước nguyện của dân Chúa và ban ơn nâng đỡ, giúp chúng con luôn tích cực chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa cho muôn người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Top