Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011

Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011

Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011

WGPSG -- Giáo xứ Thánh Giuse Thợ đón nhận cha sở mới trong bầu khí của hậu Công nghị giáo phận 2011. Tâm tình và thái độ của người giáo dân đối với linh mục tân chánh xứ này có những chiều hướng khác nhau…

Mùa Vọng của Giáo xứ Thánh Giuse Thợ

Giáo xứ Thánh Giuse Thợ có vẻ như đã bước vào mùa Vọng sớm hơn lịch Phụng vụ. Giáo dân ở đây sống niềm chờ mong đặc biệt kể từ ngày 22/8/2011 khi Linh mục Lu-y Gông-da-ga Tô Minh Quang rời giáo xứ đi chữa bệnh tim. Các tín hữu vừa mong chờ, vừa ăn năn sám hối, vừa cầu nguyện: họ đang vắng thiếu bóng dáng một mục tử! Những câu hỏi, những ánh mắt của nhiều giáo dân toát lên một nỗi buồn: “Khi nào cha sở chữa bệnh về? Khi nào giáo xứ mình có cha chánh xứ mới?” Bầu khí của giáo xứ trầm lắng hẳn và phảng phất nỗi lo âu. Sự vui nhộn ngày nào của thiếu nhi và các hội đòan bây giờ cũng lắng xuống. Những hiểu lầm, những rạn nứt, những đối kháng cũng đang dần mờ nhạt theo dòng thời gian…

Và rồi, niềm hân hoan lại hiện lên trên khuôn mặt của người tín hữu ở đây khi, trong Thánh lễ Chúa nhật 13/11/2011, cộng đoàn phụng vụ được thông báo: giáo xứ sẽ đón linh mục tân chánh xứ Đaminh Hoàng Trọng Hợp vào ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê 3/12/2011. Thật là vui! Nhưng vui mừng này cũng chen lẫn với lo âu. Một cụ bà thắc mắc tìm hiểu: “Cha già hay trẻ, cha khó hay cha hiền lành?” Có mặt trong Thánh lễ hôm đó, tôi đặt câu hỏi với bà cụ: “Thế bà muốn vị linh mục chánh xứ mới như thế nào?” “Cha sao cũng được - bà cụ trả lời - miễn là Cha yêu Chúa thật nhiều, Cha thương giáo dân nhiều nhiều và Cha sống thánh thiện cũng nhiều nhiều. Thế là được rồi!” Câu trả lời của vị cao niên này thật giản dị và chân thành. Nhưng xem ra cũng không dễ đáp ứng!

Vâng, câu trả lời của cụ bà làm tôi liên tưởng đến Công nghị Tổng giáo phận TP.HCM 2011. Trong những ngày Giáo phận tổ chức Công nghị, hình ảnh vị mục tử đã được nhắc đến nhiều. Những mặt tích cực và tiêu cực của các linh mục tại giáo xứ được giáo dân đưa ra phân tích, góp ý. Niềm hạnh phúc của linh mục là chính Chúa, nhưng cũng là chính giáo dân, là những người mà linh mục không tự mình chọn lựa để sống với họ. Trong vâng phục để đem Chúa Kitô đến cho mọi người, linh mục phục vụ ở bất cứ nơi nào, phục vụ bất cứ cộng đoàn nào mà linh mục được sai đến. Linh mục có nhiệm vụ biến giáo xứ nơi mình đến thành mái ấm gia đình, nơi đó, kết hiệp với trái tim Giêsu, con tim linh mục mở ra, đón nhận tất cả mọi người trong yêu thương, trong đối thoại và cùng nhau xây dựng nền văn mình tình thương.

Trong thời gian chờ đợi cha sở mới sẽ đến nhận nhiệm sở Giuse Thợ, có một lần trao đổi với chị thủ quỹ của giáo xứ, tôi nghe chị tâm sự rằng, chị hằng cầu nguyện cho cả hai linh mục: cho cha sở Lu-y mau hết bịnh và cho cha mới Đaminh được khỏe mạnh. Chị mong cha sở sắp về sẽ sống gần gũi với giáo dân hơn. Tôi lấy ý tưởng trong Công nghị để chia sẻ với chị, “Các linh mục không phải là ‘Đấng Toàn Năng’, vì thế chúng ta cần cộng tác nhiều với các ngài hầu xây dựng giáo xứ tốt đẹp hơn.” Tôi rất bất ngờ khi nghe chị trả lời: “Lâu nay con vẫn nghĩ linh mục phải là ‘Đấng Toàn Năng’ vì linh mục có Chúa Kitô. Linh mục có quyền năng biến bánh rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa để nuôi dưỡng linh hồn chúng con, vậy là Cha đã toàn năng rồi!” Vâng, suy nghĩ của giáo dân về linh mục không có gì là cao siêu, lý luận rất đơn sơ chân thành và đầy lòng kính trọng. Ước mong những suy nghĩ của chị là những tâm tình cao đẹp về Thánh chức Linh mục do Chúa thiết lập. Và những tâm tình cao đẹp này sẽ góp phần tạo nên sự tích cực đóng góp cho giáo xứ chị đang sống: Giáo xứ Thánh Giuse Thợ.

Giáo xứ Thánh Giuse Thợ

Giáo xứ Thánh Giuse Thợ tọa lạc trên địa bàn phường Phước Long A, Quận 9, thuộc Giáo hạt Thủ Thiêm. Trước năm 1970, khu vực này thuộc ấp Tây Hòa, xã Phước Long, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Dân cư thưa thớt, cảnh vật hoang sơ với những khu rừng chồi và lũy tầm vông.

Vào khoảng năm 1960, vì tình hình kinh tế phát triển, nơi đây đã mọc lên các nhà máy: Xi măng Hà Tiên, Kho tồn trữ Trung Ương, Nhiệt điện Thủ Đức, Hãng thầu RMK, Giấy Việt Hải, Len Vĩnh Thịnh, Vinatol, Dệt Phong Phú, Dệt Sicovina, Tôn xi măng, Trại Tưởng Lễ… Vì thế, số người đến khu vực này để lập nghiệp ngày càng đông, trong số đó có những gia đình Công giáo từ các tỉnh về tạm trú để làm việc cho các hãng xưởng trên.

Từ năm 1970 đến 1975, công nhân Công giáo ngày càng gia tăng. Họ không có Nhà thờ để tham dự Thánh lễ và đọc kinh cầu nguyện. Nhận thấy đàn chiên bơ vơ và cánh đồng truyền giáo đang dần ươm vàng, Linh mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, lúc đó là chánh sở họ đạo Tân Định kiêm Tổng Giám Đốc Caritas Việt Nam, đã quyết định xây dựng các Giáo điểm truyền giáo ở khu vực này với những Nhà nguyện Xi măng Hà Tiên, Nhà Nguyện Bình Thọ, Nhà nguyện Cư xá Kiến Thiết, Nhà nguyện Thiên Thần, Nhà nguyện Văn Thánh…

Ngày 15/8/1971 là ngày đáng ghi nhớ với nghi thức khánh thành ký túc xá, các phòng học giáo lý và nhà nguyện kính Thánh Giuse Thợ (nhà nguyện Xi măng Hà Tiên) tại khu vực đình Phú Thọ, ấp Tây Hòa, xã Phước Long, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Nhà nguyện kính Thánh Giuse Thợ trực thuộc họ Tân Định, mỗi chiều Chúa nhật, Linh mục Huỳnh Văn Nghi cử hành Thánh lễ, ca đoàn Tân Định đến hát lễ.

Sau khi Linh mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi được Tòa Thánh tấn phong Giám mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Linh mục Huỳnh Văn Huệ thay thế để về cử hành phụng vụ cho giáo dân tại đây. Trong thời gian này, hằng tuần, Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm đến dâng Thánh lễ vào lúc 6g00 sáng thứ tư, và Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đến dâng thánh lễ vào sáng thứ sáu.

Năm 1974 Linh mục Giacôbê Nguyễn Văn Phượng đến cư ngụ tại tu viện Phanxicô cận kề. Ngài đến giúp mục vụ cho Nhà nguyện Giuse Thợ.

Năm 1978-1988, Linh mục Stanislao Lê Vĩnh Thủy (DCCT) được Tòa Giám mục chấp thuận về coi sóc Nhà nguyện. Từ đó Giáo điểm Xi Măng Hà Tiên được nâng lên hàng Giáo xứ, có tên là Giáo xứ Thánh Giuse Thợ.

Từ năm 1988 đến năm 1995, giáo xứ không có linh mục coi sóc, nên Cha Luca Nguyễn Thanh Bình - Hạt trưởng hạt Thủ Đức B (nay là hạt Thủ Thiêm) - ký Ủy nhiệm thư trao cho Ban Hành Giáo cai quản tài sản giáo xứ và tổ chức các giờ cầu nguyện. Mỗi sáng Chúa nhật, giáo dân tổ chức cử hành nghi thức phụng vụ Lời Chúa và rước lễ.

Nhận thấy không thể để giáo dân sống trong tình trạng như vậy lâu dài được, cha Quản Hạt đã xin các linh mục trong hạt đến dâng Thánh Lễ cho Giáo dân vào sáng Chúa nhật. Giáo dân phải sống suốt 7 năm thiếu vắng linh mục quản xứ, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc sống đạo.

Vào ngày 1/8/1995, Linh mục Gioan Baotixita Trần Đức Huyên - cựu Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse - được Tòa Giám mục trao trách nhiệm chánh xứ Thánh Giuse Thợ. Ngày nhậm xứ của ngài, giáo xứ đề nghị tổ chức tiệc mừng, nhưng cha không đồng ý. Cha chỉ tổ chức một thánh lễ tạ ơn, để dành tiền làm quà thưởng cho học sinh tiểu học đạt thành tích cao trong học tập. Từ đó giáo xứ có truyền thống phát thưởng cho học sinh sau khi kết thúc năm học. Trong 7 năm phục vụ cộng đoàn, cha đã từng bước xây dựng ổn định và phát triển giáo xứ về mọi mặt. Cha luôn nhấn mạnh: “Việc xây dựng đền thờ tâm hồn của mỗi tín hữu thật bền vững là hết sức quan trọng. Đó là điều phải làm ngay cả trước khi xây dựng đền thờ bằng xi măng cốt thép.”

Ngày 11/4/2002 Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Thánh Giuse Thợ, với 60 linh mục đồng tế và hơn 1000 giáo dân xa gần đến tham dự. Ngôi nhà thờ mới được khánh thành và dâng kính Thánh Giuse Thợ ngày 9/1/2003. Đấy cũng là ngôi thánh đường hiện nay, được kết bằng những ước mơ, những hy sinh của cố Linh mục Gioan Baotixita Trần Đức Huyên. Có người kể rằng: “Ngài đã bán đi chiếc máy giặt của một giáo dân tặng ngài để mua thêm xi măng xây nhà thờ”.

Ngày 24/5/2003, Cha Gioan Baotixita đã hoàn tất cuộc đời linh mục nơi dương thế, để lại trong lòng giáo dân hình ảnh vị mục tử khiêm nhường và quảng đại.

Sau khi Linh mục Gioan Baotixita Trần Đức Huyên qua đời, giáo xứ Giuse Thợ lại vắng bóng linh mục quản xứ trong vòng 2 năm. Mọi sinh hoạt giáo xứ do Hội đồng mục vụ điều hành dưới sự hướng dẫn của Linh mục GB. Phạm Văn Hợp, Hạt trưởng hạt Thủ Thiêm. Mặc dù giáo xứ vẫn có thánh lễ mỗi ngày do các Cha Dòng Tên, Dòng Đồng Công và Dòng Phanxicô thay phiên đến dâng thánh lễ, nhưng lòng mỗi giáo dân trong giáo xứ luôn mong chờ một vị mục tử mới.

Và giáo xứ lại bùng lên một sức sống mới vào năm 2005 khi Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn thuyên chuyển Linh mục Lu-y Gông-da-ga Tô Minh Quang từ Giáo xứ Phú Hữu đến phục vụ tại giáo xứ Giuse Thợ. Đến ngày 22/8/2011, Linh mục Lu-y Gông-da-ga đã rời giáo xứ đi chữa bệnh tim. Trong thời gian này, Cha Hạt trưởng điều hành giáo xứ qua một nhóm người do linh mục Lu-y Gông-da-ga đặt lên để giúp giáo xứ trong thời gian ngài chữa bệnh (giáo xứ lúc này không có hội đồng mục vụ). Giáo xứ vẫn có Thánh lễ mỗi ngày do các Cha Dòng Đồng Công đến dâng lễ.

Giáo xứ hiện nay có 254 gia đình với 1.044 giáo dân. Thánh lễ hằng ngày cử hành vào lúc 18g00. Riêng Chúa nhật có 2 thánh lễ vào lúc 6g30 và 18g00. Khối Giáo lý Phổ thông dưới sự hướng dẫn của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres từ Quận I đến dạy giáo lý và tổ chức sinh hoạt mỗi sáng Chúa nhật. Toàn giáo xứ chỉ có 150 thiếu nhi tham gia học các lớp từ Khai Tâm đến Bao Đồng. Số lượng các em tuy ít nhưng các em rất chăm học và mỗi em đều có sách Tin Mừng để đọc, chia sẻ và tập sống Lời Chúa. Đây cũng là vấn đề được nêu ra trong Công nghị Giáo phận.

Thánh Lễ Nhậm chức của Linh mục tân chánh xứ

Giáo xứ Thánh Giuse Thợ đã bước vào một giai đoạn mới với Thánh lễ Tạ ơn nhận chức Tân Chánh Xứ của Linh mục Đaminh Hoàng Trọng Hợp vào lúc 9g00 ngày 3/12/2011. Mặc dầu Giáo hội đang sống trong tuần thứ I Mùa Vọng, nhưng vào ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê 2011 này, Giáo xứ Giuse Thợ nhộn nhịp hân hoan khác hơn mọi ngày. Bắt đầu từ 6g30, thiếu nhi và người lớn lần lượt đến nhà thờ giáo xứ để chuẩn bị hàng rào danh dự đón cha sở mới và quan khách. Điện thoại của các vị trong ban phụng vụ nhà thờ cứ liên tục reo lên những tin nhắn, nào là “Xe giáo xứ mình đã đến giáo xứ Tân Việt vào lúc 7g00”, nào là “Xe của Cha về đến cầu Rạch Chiếc rồi”. Những tin nhắn rất ngắn gọn nhưng nói lên tấm lòng mọi người đang nao nức muốn được nhìn thấy vị mục tử mới của mình.

Đúng 8g45 xe đưa vị tân Chánh xứ về đến Giáo xứ Giuse Thợ trong tiếng vỗ tay và giọng ca hân hoan rộn rã của thiếu nhi “Chào mừng chào mừng hoan hô…” Cùng đến với vị Tân Chánh xứ có Cha Quản Hạt Thủ Thiêm GB. Phạm Văn Hợp. Cả hai cùng với giáo dân tiến vào nhà thờ chào Chúa Thánh Thể. Cha Quản Hạt có vài lời giới thiệu với những người đang hiện diện, sau đó các ngài xuống nhà xứ để nghỉ ngơi và chuẩn bị đón Cha Giuse Vũ Minh Nghiệp - Đại diện Giám mục, đặc trách linh mục - cùng các linh mục đến dâng lễ.

Không khí ở hội trường Giáo xứ càng lúc càng nóng lên bởi rất đông khách mời, có khoảng 260 người là giáo dân của các giáo xứ Bùi Phát, Nghĩa Hòa và Tân Việt đến dự lễ. Thế mới thấy giáo dân của các giáo xứ bạn yêu mến vị linh mục trẻ này như thế nào! Tâm trạng của mọi người: vui buồn lẫn lộn! Nhóm giáo dân Bùi Phát chia sẻ: “Chúng tôi yêu mến cha Đaminh lắm, vì Cha điềm đạm, luôn lắng nghe. Cha Đaminh ở Bùi Phát 4 năm, để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi đưa ngài đi đến giáo xứ mới, trong trách nhiệm mới, để động viên và cầu nguyện cho Cha”. Thân mẫu của cha Đaminh, khi được hỏi “bà cố có lo lắng lắm không khi Đức Hồng Y sai Cha Đaminh đến Giáo xứ chúng con” đã trả lời với ánh mắt rạng ngời, “không có lo gì vì phó thác cho Chúa, và vui lắm vì Cha được lớn lên thêm một bước!” Đúng là tâm tình của một người mẹ khi thấy con mình càng ngày càng đang tiến lên trong ơn thánh Chúa.

Một chị trong Ban Mục vụ Truyền Thông của Giáo xứ Nghĩa Hòa cho biết: “Cha đến giáo xứ Nghĩa Hòa chưa được 1 năm, nhưng hình ảnh của Cha đã ghi sâu trong tâm hồn từ người trẻ đến người già.” Hôm nay, đến dự lễ và lấy tin tức về Cha, ghi lại hình ảnh qua chiếc máy thật ‘pro’, chị nói : “Về nhà là tôi đưa ngay hình ảnh hôm nay lên trang web Giáo xứ Nghĩa Hòa để những người không tham dự được cũng có thể hiệp ý cầu nguyện cho Cha Đa minh.”

Thấp thoáng thấy hai em huynh trưởng ở góc nhà thờ, gương mặt trầm buồn, tôi đến hỏi thăm. Hai em cho biết: “Cha ở Giáo xứ Tân Việt mới có 120 ngày đã bỏ thiếu nhi chúng con ra đi rồi, tiếc lắm, nhưng đâu níu kéo cha được. Chúng con sẽ thường xuyên lên đây thăm cha và giao lưu với giáo xứ này. Nhưng sao giáo xứ này bé nhỏ quá, số giáo dân chưa bằng số thiếu nhi giáo xứ Tân Việt của chúng con, hiện nay là 1220 em, trong khi giáo dân ở đây chỉ có 1044 người.” Quả là một thách đố cho vị Tân Chánh xứ khi đang hoạt động trong một môi trường vừa nhân sự dồi dào vừa cơ sở vật chất tối ưu nữa!

Tại hội trường còn có sự hiện diện của ni cô Thông Như và ni cô Nguyên Thuận thuộc chùa Diệu Thăng. Hai tu sĩ Phật giáo này chia sẻ: “Chúng tôi được biết nhà thờ có ‘vị trụ trì’ mới, nên chúng tôi - là hàng xóm - muốn đến để chào ngài.” Như vậy là đã có đối thoại liên tôn ngay trong ngày nhậm chức tân chánh xứ của Cha Đaminh. Giáo xứ Giuse thợ đã từng có những hoạt động đối thoại liên tôn trong những ngày Tết, hay lễ Giáng Sinh và các ngày lễ của hai bên, cùng nhau giúp đời bằng cách thức riêng của tôn giáo mình.

Đúng 9g00, mọi người tập trung lên nhà thờ, chuẩn bị Thánh lễ. Đoàn đồng tế gồm 34 linh mục, bắt đầu tiến từ nhà xứ lên nhà thờ trong tiếng hát của ca đoàn “Niềm vui, niềm vui dâng thiết tha, khi bước vào đền thánh Chúa Trời ta…”.

Bước vào thánh lễ, Cha Giuse Vũ Minh Nghiệp ngỏ lời với cộng đoàn: “Cách đây 6 năm, năm 2005, Cha Lu-y Gông-da-ga Tô Minh Quang được bề trên gởi đến đây để phục vụ công đoàn. Gần đây, vì lý do sức khỏe, Cha Lu-y đã xin Đức Hồng Y nghỉ bệnh. Thay mặt cộng đoàn, tôi xin cám ơn Cha Lu-y và đồng thời cám ơn Cha Quản Hạt cùng các Cha đã phục vụ giáo xứ Thánh Giuse Thợ trong thời gian không có cha Chánh xứ”. Tiếp theo, ngài giới thiệu Linh mục tân chánh xứ Đaminh Hoàng Trọng Hợp: “Trước khi vào Chủng viện, Cha Tân chánh xứ đã là một giáo viên, nên ngài có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục, nhất là giáo dục đức tin. Đồng thời ngài đã từng phục vụ lần lượt 3 giáo xứ: Bùi Phát, Nghĩa Hòa, Tân Việt, nên cũng dày dặn trong công tác mục vụ. Rất mong cộng đoàn giáo xứ Thánh Giuse Thợ cộng tác với ngài trong việc xây dựng Giáo xứ.”

Qua phần nghi thức nhận chức Chánh xứ, Linh mục Đaminh đã trình ủy nhiệm thư cho Linh mục Quản Hạt rồi tuyên xưng đức tin, hứa trung thành với nhiệm vụ sắp lãnh nhận. Ngài ngồi vào ghế chủ tọa, mở cửa nhà Tạm, xông hương Mình Thánh Chúa, ngồi vào tòa Giải tội, và kéo chuông nhà thờ. Các nghi thức trên diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và linh thiêng.

Trong bài giảng, cha chủ tế nhấn mạnh nhiều đến tình thần truyền giáo của Thánh Phanxicô Xaviê. Ngài nói: “Thánh Phanxicô Xaviê dành ưu tiên nhiều cho người nghèo, người đau khổ và bị áp bức. Ngài đi đến đâu hội nhập văn hóa đến đó. Ngài dùng tiếng địa phương để rao giảng Tin mừng, ăn mặc nghèo với người nghèo, khi cần phải đi đến với người sang trọng, ngài cũng ăn mặc như người sang trọng. Ngài hòa nhập nhưng không hòa tan.” Rồi cha chủ tế dẫn dắt cộng đoàn đi vào đời sống thực tế hằng ngày với những gợi ý sau: “Đại hội dân Chúa 2010, và mới đây là Công nghị Giáo phận, nhắc nhở chúng ta sứ vụ của Giáo hội là mang Tin mừng đến cho mọi người, bằng chính sự hiện diện của mỗi người chúng ta, qua tinh thần cởi mở yêu thương, khám phá những tốt đẹp trong cuộc sống, bảo vệ môi trường, cổ động cho công lý hòa bình nơi mình đang sống, làm chứng cho Tin mừng của Đức Ki tô bằng đời sống tiết độ, không say sưa, chè chén.” Cha chủ tế kết thúc bài giảng bằng câu nói của Thánh Phaolô “tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới là Đấng cho mọc lên”, “ước mong Lời Chúa luôn lớn lên trong tâm hồn của cộng đoàn dân Chúa ở giáo xứ này.”

Sau phần hiệp lễ, đại diện giáo dân Giuse Thợ nói lên niềm tri ân và mời quý khách tham dự bữa tiệc mừng.

Sau bao nỗ lực cầu nguyện, tiếp xúc, chờ mong, nay gia đình giáo xứ Thánh Giuse Thợ đã cảm nhận được một bầu khí ấm áp trở lại trong cộng đoàn của mình với sự hiện diện của vị tân chánh xứ. Tương lai của giáo xứ tùy thuộc vào ơn Chúa, vào khả năng mở rộng con tim và bàn tay, không những của cha sở mới, mà còn của mọi thành phần trong giáo xứ. Cánh đồng truyền giáo nơi đây còn bát ngát, chờ đợi sự tích cực ‘ra đi rao giảng Tin mừng’ với tinh thần của Thánh Phanxicô Xaviê.

Top