Nói gì với người ngoại tình ngày nay?

Nói gì với người ngoại tình ngày nay?

WGPSG -- Lời Chúa:

“Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,10-11).

“Đức Giêsu vào Đền Thờ, đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ… Rồi Người bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,12-13).

Suy tư

Theo luật Môsê, người ngoại tình phải bị ném đá - một hình phạt đau đớn và nhục nhã - để vì sợ, vì muốn được sống trong cộng đồng mà người ta phải chiến đấu vượt qua những tình cảm bất chính. Chúa Giêsu đến, đi vào lương tâm mỗi người, giúp ta tự nguyện sửa lỗi không phải vì sợ lề luật mà vì yêu mến, để được hạnh phúc làm con Thiên Chúa.

Ngày nay, dù luật hôn nhân gia đình vẫn qui định một vợ một chồng, nhưng không còn ai “ném đá” người đàn bà/đàn ông ngoại tình nữa. Ngoại tình đã trở thành mốt thời thượng. Người ta đưa lên mặt báo những người nổi tiếng không chồng mà có con, người ta cặp kè công khai trong công sở như một liên minh tình-tiền, đôi bên cùng có lợi…. Ngày nay, không cần Chúa nhắc, người ta cũng bỏ qua cho nhau, không phải vì yêu mến Chúa hay thấy mình cũng là kẻ có tội, mà vì thỏa hiệp để xoa dịu lương tâm, và cùng nhau an toàn đi trong bóng tối.

Vậy là, “người bị cắm sừng” phải tự xoay xở để giữ vững gia đình trong cơn thử thách, khi mà không còn công luận trợ giúp, hình phạt ngoại tình chỉ còn tính răn đe chiếu lệ, đôi khi muốn đưa ra hình phạt cũng đòi hỏi nhiều bằng chứng khó tìm. Những điều kiện “thuận lợi” đó đã giúp cho việc ngoại tình trở nên dễ dàng, xã hội nhan nhản những thứ tình đổi chác, ngưỡng yêu bị hạ thấp đến mức chỉ cần sự quyến rũ của thân xác và một ít cảm xúc là đủ cho rằng mình đang yêu. Chưa kể kẻ ngoại tình tuyên bố trắng trợn: tôi cần nên tôi cướp đấy!

Trước những nguy cơ phá vỡ hôn nhân như thế, Chúa Giêsu sẽ nói gì với chúng ta?

Với người ngoại tình, chắc rằng Chúa vẫn thương xót như ngày xưa, vẫn tìm mọi cách len lỏi vào lương tâm nhắc nhở, vẫn âm thầm hiện diện nơi Nhà Tạm, chờ người ấy lê gót trở về. Ngài lại lau sạch những vết thương rướm máu trên thân mình người ấy, và tha thứ hết, chỉ nhắc người ấy “con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Với người vợ hay người chồng đau khổ, Chúa sẽ nhắc nhở họ: “Gia đình là Cung Thánh của Tình yêu và Sự sống *, đừng vì tự ái hay ngại khổ mà buông xuôi, nhưng hãy bảo vệ nó bằng mọi giá, kể cả phải hiến mạng sống mình”. Ngài kêu gọi những người chồng, người vợ bị phản bội hãy trở nên Môn Đệ của Ngài: rong ruổi cùng Ngài trên mọi nẻo đường đời, trung thành vâng phục Ngài như Ngài đã vâng phục Chúa Cha, để cho Tình yêu và Sự sống luôn được tôn vinh trong gia đình; sống hiền lành và khiêm nhường, nhưng đôi khi cũng phải “đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu” (Mt 21,12), rồi nói cho họ biết Gia Đình là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, họ không được phép xâm phạm hay đổi chác.

Với niềm tin vào lời hứa của Chúa Giêsu, can đảm đi theo “Con Thiên Chúa bị phản bội” đến cùng, chắc chắn ta sẽ được sống phong phú hơn cùng Chúa và giữ được gia đình mình khỏi những đổ vỡ mà tự sức con người không tránh khỏi.

__________

* Xin xem bài viết “GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ CUNG THÁNH CỦA SỰ SỐNG” của tác giả Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top