Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (2)

Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (2)

Ngày làm việc thứ năm: Phần 2

(Xem Công nghị Giáo phận: Bản tin 6 và Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (1))

WGPSG -- Sau khi giải lao, các đại biểu đã trở lại Hội trường lúc 10g30. Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền giới thiệu một linh mục Giáo Phận Huế, đến tham dự công nghị với tư cách là quan sát viên. Đại diện Giáo Phận Huế diễn tả niềm vui được quan sát Công Nghị Giáo Phận Sài Gòn và ước mong có một Công Nghị cho tất cả các Linh mục vì thấy có nhiều vấn đề cần nêu lên.

Cha Giuse Đặng chí Lĩnh đại diện Ban thư ký đúc kết 4 ngày làm việc

• Ngày thứ nhất: Công Nghị đã nhấn mạnh về Lời Chúa trong đời sống cá nhân của người Kitô hữu, trong gia đình, cộng đoàn, trong giờ kinh tối, trong Phụng vụ, bài giảng của Linh mục, trong các hội đòan và dung giảng dạy Giáo lý cho các thành phần… Kế đến là tầm quan trọng của các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải như nền tảng của GH. Để thực hiện, tại gia đình là vai trò cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái, không khoán trắng cho giáo xứ. Tại giáo xứ, cha sở lo tổ chức huấn luyện, giảng dạy, tổ chức các khóa học. Tại Giáo Phận, có chương trình chung giúp người khác học hiểu Lời Chúa… Cần thống nhất phương hướng hành động giữa các ban, cần liên kết hành động, đưa Lời Chúa vào đời sống. Lời Chúa chính là phương thế giúp mọi thành phần dân Chúa nối kết với nhau, vượt qua lối sống đạo theo thói quen.

• Ngày thứ hai: xây dựng Giáo Hội như một gia đình. Lấy tinh thần gia đình làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Mọi người tương quan với nhau trong gia đình con cái Chúa, tham gia gì cũng như người nhà, có sự trao đổi tôn trọng lắng nghe. Mối tương quan giữa người với người quan trọng hơn là tương quan giữa người với công việc. Cần xây dựng tốt các mối tương quan khác nhau: chân thành, quan tâm, gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, cảm thông, đón nhận và tôn trọng lẫn nhau. Cần có kế hoạch Mục vụ cấp Giáo Phận. Để phát huy sự tham gia, cần quan tâm đón nhận nhau, đầu tư các nguồn lực, cơ cấu rõ ràng, định hướng chung, kế hoạch mục vụ thống nhất, thông tin 2 chiều, gặp gỡ trao đổi, tính liên tục trong các hoạt động…

Để thực hiện cần phải:

1/ Đổi mới não trạng. Nhìn nhau không phải như những người làm việc, cánh tay nối dài, nhưng như cộng sự viên, đồng trách nhiệm. Ví dụ nhìn người trẻ không chỉ đối tượng chăm sóc, dẫn dắt, nhưng như những chủ thể của sự tăng trưởng và xây dựng tương lai.

2/ Đổi mới trong cơ chế, cơ cấu làm việc. Thay đổi lề thói làm việc, cách cư xử. Trong giáo xứ, có những canh tân trong các quy chế của HĐMV và các hội đoàn. Cơ chế để phục vụ con người chứ không áp đặt.

3/ Và sâu xa nhất là đổi mới con tim. Xuất phát từ mối tương quan sâu xa với Chúa để trong tình Chúa sống tình người.

• Ngày thứ ba: Việc đổi mới để loan báo Tin mừng đòi hỏi sự hợp tác giữa các ban mục vụ, các đoàn thể, theo một kế hoạch mục vụ chung từ cấp giáo phận, đến giáo xứ. Một vài đơn vị lấy gia đình làm cứ điểm bởi vì “Tương lai của việc loan báo Tin mừng tùy thuộc nơi Giáo Hội tại gia”.

Phương thức thực hiện: Cần lưu tâm vấn đề đào tạo nhân sự / đào tạo trong học viện, chủng viện. Các ban Mục vụ phải thấy được các tiềm năng trong các đoàn thể để phát huy các nguồn lực. Ý thức quan tâm về Xã hội, đào sâu học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Giáo Hội cần có những nhận định về những vấn đề của Xã hội để có những định hướng, chỉ dẫn, hỗ trợ các nguồn lực.

Những vấn đề: Đối thoại liên tôn trong gia đình gồm các thành viên khác tôn giáo – Mục vụ di dân - Sử dụng Phương tiện truyền thông cho việc loan báo Tin mừng - Gây ý thức về môi sinh môi trường - Bồi đắp nền văn minh sự sống và tình thương qua con đường văn hóa và Xã hội (giáo dục, y tế, môi trường…) cũng là cách thức để loan báo Tin mừng cho con người hôm nay.

Đức Hồng Y đề nghị hướng tổng kết suy nghĩ và hành động qui về ba đối tượng:

1. Xây dựng giáo hội tại gia là gia đình
2. Xây dựng Giáo Hội tại cộng đồng là giáo xứ
3. Xây dựng Giáo Hội tại địa phương là giáo phận.

Đức Hồng Y đã nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần (Chủ lực, đối chiếu với Trợ lực và Nội lực). Lời Chúa thôi chưa đủ, còn phải có Chúa Thánh Thần. Mỗi người phải dùng nội lực mà cộng tác với ơn soi sáng, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn đổi mới, ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

• Ngày thứ tư: Đem Tin mừng đổi mới vào các lãnh vực khác nhau trong sinh hoạt xã hội, lưu tâm nâng cao chất lượng cuộc sống, sống tình yêu để là chứng nhân Tin mừng, không kỳ thị phân biệt… Các ban ngành nói lên mong ước của mình:

- Giáo chức: ước muốn liên kết các giáo chức trong Gx, đặc biệt những giáo chức chưa tham gia sinh hoạt trong Giáo xứ.

- Y tế: trình bày những đóng góp của ngành y tế trong việc từ thiện và công tác XH. Họ cũng nói lên những tiêu cực trong ngành y tế. Ước muốn GH góp phần thiết lập những chuẩn mực công bằng trong Xã hội, nâng cao chất lượng dạy và học giáo lý nhất là giáo lý hôn nhân. Vấn đề nổi cộm được nêu lên: phá thai.

- Doanh nhân: nhấn đến giáo dục nhân bản, lương tâm cho thiếu nhi.

- Bà Mẹ Công Giáo: nói đến vấn đề phụ nữ, vai trò phụ nữ, việc nâng cao phẩm giá của họ, chống bạo hành trong gia đình, chống lại nạn phá thai…

- Ban Mục vụ Ơn gọi: Đào tạo Linh mục trong Giáo phận: vai trò của gia đình, của giáo xứ, Giáo phận trong việc nâng đỡ, đồng hành và đào tạo các ứng viên Linh mục.

- Giáo Hội cũng cần gây ý thức và bảo vệ môi trường như việc loan báo Tin mừng - Hiệp nhất như hoa quả của Lời và việc chia sẻ Lời Chúa. Có tình yêu thì chúng ta có thể là chứng nhân của Tin Mừng. Làm Mục vụ cần có sự giám sát để việc thực hiện được thúc đẩy tiến hành, không tùy tiện. Ngoài ra còn có nhiều ý kiến cá nhân khác nhưng không thể liệt kê hết.

• Đức cha phụ tá: Linh mục ở trong và đứng trước cộng đoàn. Ở trong cộng đoàn để lắng nghe nhằm tạo sự hiểu biết, cảm thông giữa giáo dân và Linh mục. Đứng trước nhằm hướng dẫn dân Chúa, không bị chao đảo bởi những khuynh hướng phe nhóm, cục bộ.

• Đức Hồng Y: Sau Công Nghị có những cái mới hay không? Cần những cái mới, nhưng quan trọng là luôn đi đúng hướng Lời Chúa. Ví dụ cần thêm ban Mục Vụ Thánh Kinh. Ngài đề nghị một khung tổ chức cho buổi tĩnh tâm tại Giáo hạt, gồm ba yếu tố: Yếu tố tâm linh - Yếu tố thời sự và mục vụ - Đường hướng Mục Vụ sau Công Nghị . Bên cạnh đó ngài nhấn đến sụ thống nhất với nhau trong định hướng, nhất là đồng thuận về cách thực hành…

Sau khi tổng kết 4 ngày làm việc, Ban thư ký đưa ra những nhận định chung về những ngày làm việc vừa qua: Tinh thần làm việc cao, tham dự với tinh thần hy sinh, tham gia tích cực. Ban thư ký cũng đưa ra sơ lược tỉ lệ ý kiến đóng góp cho Bản biểu quyết các đề nghị. Kết quả cụ thể sẽ được xem lại và gởi đến Công Nghị Giáo Phận sau.

Đức Hồng Y định hướng để tổng kết Công Nghị Giáo Phận:

- Cần theo cách thức làm việc của CĐ Vatican II và của ĐGH Bênêđitô : đối thoại chứ không kết án. Đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa và các tôn giáo, đem lại bình ổn cho xã hội.

- Cần xác định rõ mục tiêu: mọi thành phần trong Giáo Phận ý thức, đồng thuận tham gia việc xây mới ngôi nhà Giáo Phận. Giáo Hội Mầu nhiệm: phát huy sức sống của Chúa Giêsu, lấy Lời Chúa làm định hướng, dựa vào ơn Chúa – Giáo Hội Hiệp thông: đi đến hiệp nhất, chung một sức sống của Chúa Giêsu, chung một đường hướng loan báo Tin mừng – Giáo Hội Sứ vụ: loan báo Tin mừng Chúa Giêsu đến cho quê hương đất nước hôm nay.

- Việc thực hiện: Đề nghị thành lập 2 bộ phận chính yếu: Bộ phận thứ nhất có trách nhiệm tổ chức, thực hiện và thúc đẩy công cuộc xây mới ngôi nhà Giáo phận. Bộ phận thứ hai có trách nhiệm giám sát, lượng giá.

Ý kiến của các đại biểu:

- Cha Giuse Nguyễn Tất Trung (OP): Trung Tâm Mục vụ không có thẩm quyền pháp lý trên các ngành, các đoàn thể và dòng tu. Những người tham dự Công Nghị Giáo Phận không thể đóng vai trò giám sát.

- Cha Rôcô Nguyễn Duy: Trung Tâm Mục vụ và Ban Mục vụ chỉ tư vấn và giúp Đức Hồng Y thực hiện công việc chung. Trách nhiệm tổ chức thực hiện phải có HĐ Linh mục, các cha Quản hạt, HĐ Mục vụ.

- Một Đề nghị: việc tổ chức thực hiện cần có thêm một bộ phận quan trọng là Liên hiệp BT thượng cấp các Dòng.

- Một Đề nghị: nên có thêm Đại diện ban Mục vụ HĐ các giáo xứ trong khâu tổ chức thực hiện.

- Một Đề nghị: Xin làm rõ: Đổi mới cái gì theo những giai đoạn nào, kiểm soát cái gì? Những Điểm cần thực hiện cụ thể là gì?

- Trả lời của cha Trưởng Ban Thư ký: Công Nghị Giáo Phận không kết thúc bởi 1 quyết định chung. Chỉ có Giám mục mới có quyền ra quyết định thôi. Chúng ta chỉ góp ý những điểm cộng đoàn lưu tâm để ngài xem xét và đưa ra quyết nghị sau.

- Cha Tuấn: Nếu có cả các Ban Mục vụ, các Dòng, các đại diện HĐ Linh mục, thì đông quá khó làm việc.

- Một Đề nghị: Giáo Phận đã có cơ chế HĐMV rồi, chỉ thiếu đại diện tu sĩ và giáo dân. Đề nghị HĐMV là bộ phận hướng dẫn và theo dõi hoạt động. Trung Tâm Mục vụ là nơi giúp thực hiện.

- Cha Phêrô Hiền: Đề nghị Công Nghị Giáo Phận biểu quyết nên có Ban tổ chức thực hiện và Ban giám sát hay không. Còn cách thực hiện thế nào thì bàn sau.

Sau lời đề nghị này, tuyệt đại đa số các tham dự viên đã giơ tay đồng ý.

Thư ngỏ của Công nghị Giáo phận gởi cộng đoàn Dân Chúa

Cha Lu-y Nguyễn anh Tuấn công bố bản thảo Thư Ngỏ để mọi người góp ý. Nội dung gồm 8 điểm, giới thiệu bối cảnh chung của Công Nghị Giáo Phận, toàn cảnh những ngày làm việc và nội dung những đề nghị chính yếu. Thư Ngỏ cũng cho biết: tất cả ý kiến của Công nghị Giáo phận đã được Ban thư ký tổng hợp thành những đề nghị và đệ trình lên Đức Hồng Y để Ngài đưa ra những quyết định hậu Công Nghị. Cuối thư là lời cám ơn những ý kiến đóng góp tích cực.

Góp ý chỉnh sửa Thư Ngỏ:

- Cha Thăng: Chúng ta đã lấy tư tưởng gia đình làm ý lực chính trong suốt Công Nghị Giáo Phận, nên xin dùng từ gia đình Giáo Phận thay vì chỉ nói Giáo Phận. Xin sửa “đã” thành “người giáo dân đang có mặt trong mọi lãnh vực xã hội”… Và khi có mặt họ phải trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói…

- Cha Hiện: xin lưu ý về các lỗi chính tả. Trong Công Nghị Giáo Phận nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Chúa mà thư không trích dẫn lời Thánh kinh nào. Xin đưa vào câu Ep 4, 33-34 để hướng ý cho Thư Ngỏ.

- Cha Tuyên: số 6 nhắc đến Mục vụ gia đình, cần thêm vào xây dựng Giáo Hội cộng đoàn, phát triển các giáo điểm.

- Cha Hiển: Sau 5 ngày Công Nghị Giáo Phận với các ý kiến đã nêu ra, nên thêm phần số 9 nói về sự cam kết thực hiện.

- Cha Trung: số 8 nêu các ý kiến của Công Nghị Giáo Phận đã được tổng kết thành những đề nghị, vậy những đề nghị đó là gì?

- Cha Tổng Thư ký: đây chưa phải là bản văn chính thức; xin mọi người nộp lại cùng với những ghi chú đề nghị sửa đổi.

Đức cha Phụ tá: Các đề nghị đã có nhưng chưa đúc kết xong, khi xong sẽ đưa vào. Ngày mai lễ Bế mạc Công Nghị Giáo Phận và phong chức cho 3 Tân Linh mục, trong đó có 2 Linh mục xuất phát từ ĐCV thánh Giuse và đang phục vụ tại Trung Tâm Mục vụ. Xin mời tất cả tham dự Thánh lễ phong chức linh mục vào ngày mai và dùng cơm với gia đình ĐCV và Trung Tâm Mục vụ.

Đức Hồng Y: Xin nói lên hai lời vắn tắt: mời Ban tổ chức Công Nghị thứ sáu tới 9g30 họp lại, đánh giá công việc, rút ưu khuyết điểm, mở hướng cho trách nhiệm tổ chức thực hiện và dự liệu bộ phận giám sát. Xin chân thành cám ơn tất cả mọi người, nhất là Ban tổ chức và Ban thư ký. Xin gởi đến mọi người lời chúc lành.

Kết thúc: Toàn Công Nghị Giáo Phận vỗ tràng pháo tay thật dài cám ơn Đức Hồng Y và cám ơn nhau. Kinh Truyền Tin chấm dứt thời gian làm việc cuối cùng của Công Nghị Giáo Phận. Các tham dự viên dùng cơm trưa trong tâm tình hồ hởi và tri ân.

Top