Học hỏi Phúc Âm: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C

Học hỏi Phúc Âm: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C

Học hỏi Phúc Âm: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C

Lời Chúa: Ga 16,12-15

12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

Câu hỏi

1.  Tại sao đoạn Tin Mừng này được chọn để đọc trong ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi?

2.  Khi sắp về với Chúa Cha, Đức Giêsu thấy mình đã hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình chưa? Đọc Ga 16,12-13; 19,30.

3.  Đọc Ga 16,13. Đâu là công việc chính của Thần Khí sự thật? Đọc thêm Ga 14,6.

4.  “Thần Khí sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng Người sẽ nói lại những gì Người nghe” (Ga 16,13). Đó là cung cách của Chúa Thánh Thần. Hãy tìm những câu trong Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Giêsu cũng không tự mình nói, nhưng chỉ nói điều Người đã nghe từ Chúa Cha.

5.  Tìm những câu trong Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Giêsu không tự mình làm điều gì, nhưng chỉ làm điều đã thấy cha làm. Đọc Ga 6,38; 8,28-29…

6.  “Người (=Thánh Thần) sẽ tôn vinh Thầy” (Ga 16,14). Tìm những câu trong Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Giêsu vẫn luôn tôn vinh Chúa Cha (Ga 8,54). Tìm những câu cho thấy Cha và Con tôn vinh nhau (Ga 17,1).

7.  “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15). Bạn nghĩ gì về khuôn mặt của Chúa Cha qua câu này? Chúa Cha có quảng đại không? Chúa Cha có quảng đại với chúng ta không? Đọc thêm Ga 17,10.

GỢI Ý SUY NIỆM: Khi suy niệm về tương quan giữa Ba Ngôi với nhau theo Tin Mừng Gioan, bạn rút ra được bài học nào cho cuộc sống chung với người khác?  Sống cho, sống với, sống trong, sống vì người khác?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 16,12-15) nằm trong Diễn Từ dài của Thầy Giêsu nói với các môn đệ, trước khi Thầy về với Cha qua cuộc Khổ Nạn và Phục sinh (Ga 13,31 – 16,33).  Trong bài Diễn Từ này, Thầy đặc biệt nói đến một Đấng mới, đó là Thánh Thần. Thánh Thần còn được gọi là Thần Khí, hay Đấng Bảo Trợ. Trước đây, Thầy Giêsu chỉ nói về tương quan giữa Thiên Chúa là Cha với Thầy là Con. Bây giờ, vào những giờ phút cuối đời, Thầy nói đến Thánh Thần là Đấng sẽ được Cha và Thầy sai đến cho các môn đệ. Bài Tin Mừng này nói đến Cha, Con và Thần Khí tức là Thánh Thần. Đối với người Kitô hữu, đây là ba Ngôi Vị thần linh của cùng một Thiên Chúa.
  2. Khị bị treo trên thập giá, lúc bước vào cơn hấp hối, Đức Giêsu “biết là mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,28; tetélestai). Trước khi gục đầu xuống và trút hơi thở, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất !” (Ga 19,30, tetélestai). Đức Giêsu mãn nguyện vì những việc phải làm thì Ngài đã làm. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không thể mang nổi” (Ga 16,12). Câu này gợi cho ta thấy rằng công việc của Thầy Giêsu chưa hoàn tất, nhưng không phải do lỗi của Thầy mà lỗi đến từ khả năng đón nhận yếu kém của các môn đệ. Vậy tóm lại, ta có thể nói, Đức Giêsu đã hoàn tất phần sứ mạng Cha trao cho mình, nhưng sứ mạng đó còn cần được Thánh Thần tiếp tục cho đến khi các môn đệ “được dẫn tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
  3. Trong Ga 16,13, Chúa Thánh Thần hay Đấng Bảo Trợ được gọi là Thần Khí sự thật. Khi nào Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn anh em vào sự thật trọn vẹn. Như thế Thần Khí sự thật là Thần Khí dẫn ta vào sự thật. Trong Ga 14,6, Đức Giêsu nhận mình là sự thật, nên nhiệm vụ của Thần Khí là dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu. Không phải chỉ biết Đức Giêsu bên ngoài, nhưng đi sâu vào mầu nhiệm Đức Giêsu, là Con Một Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Cũng như Đức Giêsu được Cha sai phái nên không tự mình mà nói, Thần Khí sự thật được sai phái nên cũng không tự mình mà nói, nhưng chỉ nói điều mình đã nghe. Ngài “sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em’ (Ga 16,14.15).
  4. Trong thân phận làm người trên trần thế, Đức Giêsu đã khẳng định “Đấng được Thiên Chúa sai phái, thì nói những lời của Thiên Chúa…” (Ga 3,34).  Nhiều lần Đức Giêsu khẳng định điều này: “Tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người (=Chúa Cha) nói” (Ga 8,26); “Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8,28); “Giáo huấn tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai phái tôi” (Ga 7,16). Đức Giêsu không “tự mình nói” để “tìm vinh quang cho chính mình,” nhưng cho Đấng sai phái mình, bởi đó Ngài là người chân thật, đáng tin (Ga 7,18). Đức Giêsu ý thức mình là người được Cha sai phái, và Cha là người “truyền lệnh” cho Ngài phải nói gì (Ga 12,49). Chính vì thế Ngài đã vâng phục triệt để: “những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12,50).                                                                                    
  5. Đức Giêsu chẳng những không tự mình nói, mà còn không tự mình làm. Ý thức mình là người được Cha sai phái, từ trời xuống , nên Ngài chỉ làm “theo ý Đấng đã sai mình” (Ga 6,38). Từ đầu, Ngài khẳng định với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai phái Thầy…” (Ga 4,34). Sau khi chữa người bất toại tại Bết-da-tha, Đức Giêsu long trọng khẳng định: “Người Con không thể tự mình làm điều gì, trừ điều Người thấy Chúa Cha làm…” (Ga 5,19; x. 5,30). Chúa Cha thương yêu Người Con và tỏ cho Người Con thấy mọi điều mình làm (Ga 5,20). Khi nào Ngài được giương cao trên thập giá, người ta sẽ biết Ngài “không tự mình làm bất cứ điều gì” (Ga 8,28), nhưng “luôn luôn làm những điều đẹp ý Cha” (Ga 8,29).
  6. Thánh Thần sẽ tôn vinh Thầy (Ga 16,14). Và Đức Giêsu suốt đời tìm vinh quang cho Chúa Cha. Nhiều lần Ngài khẳng định không tìm vinh quang cho chính mình (Ga 8,54). Chúa Cha được tôn vinh nơi Người Con (Ga 13,31-32; 14,13), nơi hoa trái của các môn đệ Đức Giêsu (Ga 15,8). Ngược lại, Chúa Cha tôn vinh Con: “Cha tôi là Đấng tôn vinh tôi” (Ga 8,54; x. 12,23). Cha và Con không tìm chính mình, nhưng tìm vinh quang cho  nhau: “Xin hãy tôn vinh Con Cha, để Con tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Con đã được Cha ban vinh quang từ trước khi tạo thành thế giới (Ga 17,5). Cha và Con tôn vinh nhau, đồng thời Cha được tôn vinh trong Con và Con được tôn vinh trong Cha (Ga 13,31-32). Điều kỳ diệu là Chúa Giêsu đã muốn chia sẻ cho chúng ta vinh quang mà Cha đã ban cho Ngài (Ga 17,22).
  7. “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15): câu này vén mở cho ta thấy “lòng quảng đại” của Chúa Cha. Thiên Chúa Cha là nguồn mạch của mọi sự, nơi Cha có tất cả quyền uy và vinh quang của thần tính. Nhưng Cha không giữ riêng cho mình. Cha đã sinh ra Con và cho Con tất cả những gì mình có, để rồi Con lại cho Thánh Thần tất cả những gì mình đã nhận được từ Cha. Chúa Cha quảng đại khi sai Con và sai Thánh Thần đến với loài người để cứu độ và thánh hóa họ (Ga 3,16; 14,16).

 

Top