Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C

Lc 9, 28b-36

Lời Chúa:

28b Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. 32 Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Học hỏi:

1.  So sánh Mc 9,2-3 với Lc 9,28-29. Có gì giống nhau và khác nhau không? Đâu là nét đặc biệt của Luca?

2.  So sánh Lc 3,21-22 với Lc 9,28-35. Có gì giống nhau và khác nhau không?

3.  Trong các Tin Mừng Nhất lãm, Đức Giêsu được hiển dung sau những biến cố nào? Đọc Mt 16,13- 17,2; Mc 8,27-9,3; Lc 9,18-29.

4.  Việc Đức Giêsu được Chúa Cha hiển dung đem lại lợi ích gì cho các môn đệ? Đọc Mt 17,5;  Mc 9,7;

   Lc 9,32.35.

5. Biến cố hiển dung có đem lại điều gì cho bản thân Đức Giêsu không?

6.  Khi Đức Giêsu được biến hình trên núi, Ngài bừng tỏa vinh quang trên khuôn mặt. Còn lúc bình thường, vinh quang Ngài ở đâu?

7.  Hai vị Môsê và Êlia nói về cuộc xuất hành của Đức Giêsu mà Người sẽ hoàn tất ở Giêrusalem (câu 31). Cuộc xuất hành (exodos) ở đây nghĩa là gì?

8.  Đọc cả bài Tin Mừng, cho biết những kinh nghiệm ba môn đệ đã trải qua trên núi.

GỢI Ý SUY NIỆM: Tại sao Giáo hội luôn cho đọc bài về Chúa Hiển dung vào Chúa nhật 2 Mùa Chay? Trong Mùa Chay, chúng ta cần làm gì để được biến hình đổi dạng như Chúa?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Mc 9,2-3 và Lc 9,28-29 là những câu đầu tiên của hai trình thuật về Chúa Giêsu hiển dung. Có những điểm giống nhau và khác nhau giữa cách trình bày của hai thánh sử Mác-cô và Luca. Cả hai thánh sử đều nhắc đến núi là nơi hiển dung, và nhắc đến việc Đức Giêsu chỉ đem theo ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê thôi. Cả hai đều nói đến việc con người và y phục của Đức Giêsu được biến đổi. Tuy nhiên, theo Mác-cô, biến cố hiển dung xảy ra sáu ngày sau khi Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất, còn theo Luca thì vào khoảng tám ngày sau. Ngoài ra, có một khác biệt đáng chú ý, đó là việc Luca nhấn mạnh đến cầu nguyện. Đức Giêsu lên núi là để cầu nguyện (Lc 9,28). Và chính trong lúc cầu nguyện mà Ngài được biến đổi cả diện mạo lẫn y phục (Lc 9,29).
  2. Biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,21-22) và biến cố hiển dung (Lc 9,28-35) có những điểm giống nhau và khác nhau. Trước hết, cả hai đều là những cuộc hiển linh của Đức Giêsu Kitô (christophania) diễn ra khi Ngài đang cầu nguyện. Cả hai đều có tiếng Thiên Chúa Cha phán từ trời (Lc 3,22) hay từ trong đám mây (Lc 9,35). Khi chịu phép rửa, tiếng Chúa Cha nói với chính Đức Giêsu: “Con là Con yêu dấu của Ta…” (Lc 3,22), còn khi hiển dung, tiếng ấy nói với các môn đệ: “Đây là Con Ta…hãy nghe lời Người” (Lc 9,35). Trong cả hai trường hợp, Thiên Chúa Cha đều quý Đức Giêsu, gọi Ngài là “Con của Cha,” “Con yêu dấu của Cha,” “người được Cha tuyển chọn” và “người làm Cha hài lòng.” Qua hai biến cố trên, ta thấy một tương quan rất tốt giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu, đó là tương quan Cha-Con.
  3. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, biến cố hiển dung luôn được đặt sau trình thuật ông Phêrô tuyên xưng đức tin và Đức Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn lần thứ nhất (Mt 16,13- 17,2; Mc 8,27-9,3; Lc 9,18-29). Có thể nói, chỉ sau khi Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô (= Đấng Mêsia), Đức Giêsu mới bắt đầu vén mở cho các môn đệ về tương lai sắp đến của mình. Đúng Ngài là Đấng Mêsia, nhưng không phải là Đấng Mêsia toàn thắng như người Do-thái thường nghĩ. Ngài là một Mêsia đau khổ như Người Tôi trung của ngôn sứ Isaia (Is 52,13-53,12). Chỉ qua cái chết ô nhục Ngài mới được sống lại vinh quang. Các môn đệ phải đi theo Ngài trên cùng một con đường đau khổ và chịu mất mạng sống.
  4. Biến cố Thầy Giêsu được hiển dung là một nâng đỡ lớn cho đức tin của các môn đệ, khi họ sắp cùng Thầy bước vào cuộc Khổ nạn. Qua kinh nghiệm này, ba môn đệ thấy được vinh quang rạng ngời của Thầy Giêsu (Lc 9,29.32). Họ thấy Thầy là Người Con đặc biệt của Thiên Chúa Cha mà Cha muốn họ phải vâng phục (Lc 9,35). Họ cũng thấy Thầy mình là Đấng còn cao trọng hơn cả hai nhân vật lớn là Môsê và Êlia (Lc 9,31). Biến cố Chúa hiển dung làm họ như được chạm vào thế giới siêu việt của Thiên Chúa. Lòng tin của họ vào Thầy Giêsu dĩ nhiên được củng cố sau kinh nghiệm phi thường này. Sau này thánh Phêrô vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm đó (2 Pr 1,16-18).
  5. Biến cố hiển dung chẳng những nâng đỡ các môn đệ, mà còn nâng đỡ chính Đức Giêsu, để Ngài vui lòng đi vào con đường khổ nạn (Lc 9,22). Con đường Ngài sắp đi là con đường qua khổ đau, nhục nhã và cái chết, để tới sự sống. Đây là con đường Thiên Chúa Cha muốn Ngài “phải” đi (Lc 9,22), và Ngài đã vâng phục đi con đường đó. Khi được hiển dung trên núi, Đức Giêsu đã nếm nhiều niềm vui do Cha ban: Cha cho Ngài được tràn đầy vinh quang rạng ngời, Cha cho hai ông Môsê và Êlia hiện đến trò chuyện, và Cha đã long trọng  giới thiệu Con từ giữa đám mây.
  6. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa một cách độc nhất vô nhị. Ngài đã có vinh quang do Cha ban từ vĩnh hằng (Ga 17,5.24). Ngài đã tự hủy mình ra không, và vinh quang thần linh của Ngài như được ẩn giấu khỏi mắt người đời (Pl 2,6-7). Đức Giêsu không biến mình thành một người khác. Đúng hơn, hiển dung là bày tỏ ra khuôn mặt thật của mình, khuôn mặt đầy tràn vinh quang từ muôn thuở.
  7. Ngày xưa trong cuộc xuất hành (exodos), dân Do-thái được giải phóng khỏi đất Ai-cập qua sự dẫn dắt của Mô-sê (Xh 19,1). Thánh Luca coi cuộc hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu như một cuộc xuất hành (Lc 9,51 – 19,27), sẽ được hoàn tất ở Giêrusalem bằng cái chết, sự phục sinh và lên trời của Ngài (Lc 9,31). Giêrusalem là nơi diễn ra những biến cố cao điểm của cuộc đời Đức Giêsu. Hai vị Mô-sê và Êlia đã hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu về cuộc xuất hành sắp tới của Ngài, có thể mục đích là nâng đỡ Đức Giêsu.
  8. Ba môn đệ có nhiều kinh nghiệm trong biến cố hiển dung của Thầy. Họ thấy Thầy cầu nguyện, thấy khuôn mặt và y phục của Thầy đổi khác lúc cầu nguyện (Lc 9,29). Họ thấy những nhân vật nổi tiếng đã qua đời từ lâu như ông Môsê và Êlia (Lc 9,30). Họ ngủ mê mệt, khi thức thì thấy vinh quang bao phủ Thầy và hai ông (Lc 9,32). Họ cảm thấy hạnh phúc nên muốn ở luôn trên núi (Lc 9,33). Họ hoảng sợ khi thấy mây che họ và có tiếng phán từ mây (Lc 9,34-35).

Top